TÔN GIÁO

Tội phạm đến Chúa Thánh Thần

Elizabeth Nguyễn

„ Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau“ (Mt 12,32)

Lâu nay cá nhân tôi vẫn thắc mắc về „tội phạm đến Chúa Thánh Thần“. Thế nào là mọi tội lỗi đều được tha, ngay cả tội rất trọng là phạm đến „Con Người“ là chính Chúa Giêsu cũng được tha cơ mà, „Vì thế tôi nói cho các ông hay: mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người,, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói phạm đến Con Nguời thì được tha; nhưng ai nói đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau“ (Mt 12,31-32),

Dĩ nhiên là khi phạm tội thì với điều kiện Kitô hữu phải ăn năn sám hối và dốc lòng chừa, bằng cách đến Tòa Hòa Giải xưng thú với vị linh mục, người đại diện Chúa Kitô nơi trần gian, để ngài nhân danh Chúa Kitô mà tha thứ cho. Còn tội phạm đến Thần Khí Chúa thì dù có xưng tội cũng không được tha thứ. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu xem Thần Khí Chúa là gì? Thánh Thần là ai nha?

 Thần Khí, còn gọi là Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa. Thiên Chúa là Chúa duy nhất, trên đời này không có Chúa nào khác, nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi, Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ba Ngôi Thiên Chúa chỉ là một Chúa, yêu thương và hiệp nhất với nhau. „Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và của sinh hoạt Kitô Giáo. Đây là nguồn mạch của tất cả các mầu nhiệm khác của đức tin, là ánh sáng để soi chiếu các mầu nhiệm đó“ (GLGHCG 234).

Là mầu nhiêm nên trí khôn loài người không thể nào hiểu được. Đó là mạc khải của Thiên Chúa. Giáo Hội Công Giáo dạy phải tin những tín điều trong Kinh Tin Kinh. Dạ vâng, mỗi khi cá nhân tôi tuyên xưng „Tôi Tin“ những điều trong Kinh Tin Kính, tôi rất hãnh diện được tuyên xưng những điều mình xác tín bằng lời nói của mình.

Chúng ta có thể tìm hiểu thêm về Chúa Thánh Thần trong sách GLGHCG số 264: „Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha như nguồn mạch số một và từ mối hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con, do sự thông ban vĩnh cửu của Chúa Cha cho Chúa Con“.

Theo sự hiểu biết hạn hẹp của kẻ viết bài, khi giải thích cho mấy cháu rước lễ lần đầu có khái niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi tôi nói: Mặt trời là Chúa Cha, ánh sáng của mặt trời là Chúa Con, tức là Chúa Giêsu và sức nóng của mặt trời là Chúa Thánh Thần. Khi các cháu hỏi „mầu nhiệm“ là gì, „mạc khải“ là chi, thì tôi không giải thích được, đành phải nói là để bà tìm hiểu và hỏi các linh mục rồi giải thích cho các cháu sau.

Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm của đức tin theo nghĩa chặt, một trong „những mầu nhiệm được dấu kín nơi Thiên Chúa, nếu không được trên cao mạc khải thì không thể nào biết được“.  Đúng là Thiên Chúa đã để lại những dấu vết về bản thể Ba Ngôi của Ngài trong việc tạo thành vũ trụ vạn vật và trong Mạc Khải của Cựu Ước. Nhưng bản tính sâu xa của Ba Ngôi là một mầu nhiệm mà lý trí con người và cả đức tin của Israel trươc khi có việc nhập thể của con Thiên Chúa và trước sứ mạng của Thánh Thần, không thể nào biết tới được. (GLGHCG 237)

Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa còn có tên là Đấng Bảo Trợ, Đấng dẫn anh em tới sự vẹn toàn (x.Ga 16,7-13), là Thần Khí sự thật (Ga 15,26) là Thần Chân Lý, v.v… Là tín hữu chúng ta được sống trong Đức Giêsu Kitô, Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi luật của tội và sự chết“ (Rm 8,1).Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô“(Rm 8,9b). Chúng ta thuộc về Đức Kitô thì chúng ta phải xác tín mạnh mẽ và chắc chắn rằng, chúng ta tin tất cả những điều Hội Thánh dạy trong Kinh Tin Kính.

Khi Chúa Giêsu chữa cho một người bị quỷ ám vừa mù lại vừa câm. Ngài chữa cho anh ta nói được và thấy được. Dân chúng đều sửng sốt và nói: „Ông này chẳng phải con Vua David sao?“ (Mt 12,23). Những người Pharisêu ganh ghét Chúa Giêsu, họ nói: „Ông này trừ được quỷ chỉ là nhờ dựa thế quỷ vương Bêendêbun“ (Mt 12,24). Chúa giải thích cho họ vài câu về sự dựa thế Satan, (x. Mt 12,25-27). Rồi Ngài quả quyết: „Còn nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông“ (Mt 12,28).

Vì vậy, theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, tội phạm đến Chúa Thánh Thần là:

Tội phỉ báng Thần Khí: những người Pharisêu đã xúc phạm đến Thần Khí Thiên Chúa lúc Chúa Giêsu trừ quỷ, vì họ không tin vào Thần Khí Chúa trong Giêsu đã chữa lành cho kẻ bị quỷ ám.

tội nghi ngờ về đức tin: „Điều răn thứ nhất đòi hỏi chúng ta phải nuôi dưỡng và giữ gìn đức tin cách thận trọng và cảnh giác, tránh xa tất cả những gì nghịch với đức tin. Có nhiều cách phạm tội nghịch đức tin: Cố ý nghi ngờ về đức tin, bỏ qua hoặc từ chối tin những gì Thiên Chúa đã muốn mạc khải và Giáo Hội dạy phải tin. Vô ý nghi ngờ là lưỡng lự trong niềm tin khó khăn trong việc thắng vượt những vấn nạn liên quan đến đức tin, hoặc tư lự do sự tối tăm của niềm tin. Nếu được vun trồng cách có suy nghĩ, những hoài nghi này có thể dẫn tới sự mù quáng của tâm trí“. /GLGHCG 2088)

tội rối đạo: „Sự thiếu niềm tin là thờ ơ với chân lý mạc khải hoặc cố tình từ chối không ưng theo. „Rối đạo“ (cũng gọi là tà thuyết) là cố tình chối bỏ một chân lý phải tin với niềm tin thần linh và Công Giáo, hoặc cố tình nghi ngờ chân lý đó, sau khi đã lãnh nhận phép Rửa tội. Còn „bỏ đạo“ là hoàn toàn vất bỏ đức tin Kitô giáo. Ly giáo là từ chối vâng phục Đức Giáo Chủ tối cao, hoặc từ chối hiệp thông với các thành viên của Giáo Hội phục quyền Ngài. (GLGHCG 2089)

Elisabeth Nguyễn (11.7.2020)

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.