TÔN GIÁO

Tình yêu tha thứ

Hạt Cát

[Viết cho tinh thần Mùa Chay. Mùa sám hối, trở về]

Chúa Giesu là mặc khải Tình Yêu tha thứ của Chúa Cha.

Chúng ta hãy dõi theo bước chân Chúa Giesu trong Phúc Âm. Sứ vụ Chúa Cha trao phó cho Con là mạc khải cho loài người về Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu và Tình Yêu tha thứ. Bốn Phúc Âm hầu như không nói gì đến những hoạt động của Chúa Giesu trong quãng đời thơ ấu và ẩn dật của Người, nhưng qua câu trả lời cho Mẹ Maria lúc Chúa lên 12 tuổi: “Cha mẹ chẳng biết rằng Con phải lo công việc của Cha con sao?” Chúng ta hiểu được Chúa Giesu đã không ngừng làm công việc Chúa Cha trao phó, dù âm thầm hay công khai.

Ở đây chúng ta thử tìm hiểu tâm tình của Chúa Giesu hướng đến những người tội lỗi và thu thuế trong gia đoạn hoạt động công khai của Người. Đây là hai đối tượng đã bị những người tự cho mình là công chính xếp vào hạng cặn bã, một loại cùi hủi tinh thần cần xa lánh. Chúa Giesu đã diễn tả thực trạng xã hội này trong thí dụ hai người vào Đền Thờ cầu nguyện. Một người là Biệt Phái đứng thẳng, ngẩng cao đầu khoe cái đức hạnh của mình với Thiên Chúa và công khai lên tiếng khinh chê người thu thuế, người cùng vào Đền Thờ cầu nguyện, nhưng chỉ đứng lẻn ở đàng xa, không dám ngẩng đầu lên!

Ở trong một xã hội mà giai cấp được phân ranh rõ ràng, nghiêm ngặt như thế, thì việc Chúa Giesu chọn người thu thuế Matthêu làm Tông Đồ, việc Chúa làm bạn với giới thu thuế, và cùng ngồi vào bàn tiệc ăn uống, hàn huyên với họ, thì trước mắt người Biệt Phái và Luật Sĩ là hành động ‘gương mù’ không thể tha thứ được. Họ giận dữ nói với nhau: “Ông ấy đón tiếp quân tội lỗi và cùng ngồi ăn với chúng”. Họ còn nói thẳng với các môn đệ Chúa: “Tại sao Thày các ông lại ngồi ăn với quân thu thuế và tội lỗi?” Chúa Giesu không đi theo con đường của Biệt Phái và Luật Sĩ. Không những thế, Chúa còn công khai phá đổ bước tường thành kiên cố ngăn cách đó, trả lại lẽ công bằng cho ‘những người đau yếu’: “Người bệnh mới cần đến thày thuốc. Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng là người tội lỗi!”

Phúc Âm Thánh Gioan tường thuật lại câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Đã bị bắt quả tang thì không còn gì để chối cãi, kêu oan. Và theo luật Moisen, chứ không phải luật của riêng họ, thì người phụ nữ này sẽ bị hình phạt ném đá tới chết.

Phước đời cho người phụ nữ ngoại tình, khi các Ký Lục và Biệt Phái dùng trường hợp chính đáng này để gài bẫy Chúa Giesu. Họ biết giáo thuyết Chúa rao giảng là yêu thương, tha thứ. Vậy nếu Chúa Giesu đòi thả người phụ nữ này, thì Chúa đã chống lại luật Moisen, tức luật của Thiên chúa, và như thế, rất có khả năng Chúa cũng bị họ ném đá tới chết. Nếu Chúa tuyên án chết cho tội nhân, thì rõ ràng Chúa đã làm ngược lại những gì Chúa đã giảng dạy, và như thế, giáo thuyết của Chúa sẽ trở nên vô giá trị, vì lý thuyết không phù hợp với thực hành! Họ nháy mắt nhìn nhau mỉm cười, chờ đợi thảm cảnh xảy ra cho người đã nhiều lần công khai vạch ra những sai trái của họ. Chúa biết thâm ý sâu độc của họ. Chúa biết việc kết tội người phụ nữ ngoại tình là đúng theo luật Moisen. Nhưng nhất là Chúa biết sứ vụ mà Chúa Cha đã trao cho Con là đóng lại kỷ nguyên cũ, mở ra kỷ nguyên mới, qua việc giới thiệu một Thiên Chúa yêu thương, tha thứ cho loài người tội lụỵ. Cho nên, Chúa thinh lặng ngồi xuống, lấy ngòn tay viết trên cát. Phúc Âm không nói Chúa viết gì. Phải chăng Chúa viết về sứ vụ của Chúa? Về giới răn mới? Về yêu cầu biết mình trước khi phê phán, lên án người khác? Khi Biệt Phái và Ký Lục gặng hỏi, Chúa ngẩng đầu lên, nói: “Ai trong các ông sạch tội, hãy ném đá vào phụ nữ này trước”. Chúa lại cúi xuống viết. Phải chăng lần này Chúa viết ra tội của mỗi người hiện diện? Các bàn tay đang nắm chặt những hòn đá từ từ lỏng ra. Đá từng viên rơi xuống mặt đất tạo thành âm thanh khô khan, nhưng rung động con tim, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất. Chẳng bao lâu, pháp trường trở nên vắng tanh, chỉ còn lại người phụ nữ khốn khổ cúi mặt ăn năn và Chúa, vị cứu tinh của chị. Một cuộc đối thoại ngắn ngủi xảy ra. Tuy ngắn, nhưng nó có sức thay đổi cả cuộc đời chị:

– Những người kết tội chị đâu cả rồi?

– Dạ thưa. Họ bỏ đi cả rồi ạ!

– Thế không ai kết án chị à?

– Thưa, không ạ.

– Tôi cũng không kết tội chị. Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa.

Người ta chỉ đến với nhau sau khi đã thành thực tha thứ cho nhau. Tha thứ là mở ra cho người có tội một con đường mới, một hy vọng mới. Việc Chúa Giesu với tâm tình, yêu thương, tha thứ đã đến với nhữn người bị xã hội thời đó cho là tội lỗi, nghèo hèn, việc Người ngồi đồng bàn và chuyện vãn thân mật với họ, đã tác động thật mãnh mẽ trên tâm tư, ý nghĩ họ. Từ trước đến giờ, họ vẫn mang tâm thức kém cỏi, nghĩ mình không thể vượt ra khỏi thân phận này, để có thể trở thành con người mới. Họ bị dồn vào ngõ cụt, nên đành chấp nhận số phận. Nay được hân hạnh đối diện, chuyện vãn, ăn uống với người mà họ tin là một tiên tri, hay ít ra cũng là một người có tầm vóc, dám đứng lên bênh vực cho lẽ công bằng, nhất định tinh thần họ phải được phấn chấn và tìm lại được địa vị ban đầu Thiên Chúa trao phú, nhưng đã bị xu hướng thời thế cuớp đi. Chúa Giesu đã giúp họ lột bỏ được cái mặc cảm, tự ti vì biết mình có thể trở nên những con người mới, cảm được mình là con người cũng có giá trị trước mặt Thiên Chúa như mọi người. Gia-kêu là một thí dụ điển hình cho lớp người thu thuế. Madalene là thí dụ cho loại người sống bê tha, tội lỗi. Cả hai đã vượt thoát ra khỏi vũng lầy đời mình và cất cánh bay cao.

Thực ra, Chúa Giesu không chỉ đến với người thu thuế và tội lỗi để tha thứ và giải phóng cho họ, Chúa cũng đến với các bậc thày của dân chúng như Biệt Phái, Pharisêu để tha thứ và cải hoá họ nữa. Nhưng tính kiêu căng, lòng tự phụ đã như bức tường thành ngăn cản họ lại, không cho họ bước ra khỏi vũng lầy của đời họ. Phúc âm Thánh Luca có tường thuật một lần, một Biệt Phái mời Chúa dùng bữa. Đang khi nẳm ăn trên giường, và có lẽ chủ khách đang chuyện trò vui vẻ lắm, thì một biến cố ngoài dự liệu của chủ nhà xảy ra, đó là “Một phụ nữ, một người tội lỗi trong châu thành biết Ngài đang dùng bữa trong nhà một Biệt Phái, bà xách theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm, đứng phía sau chân Ngài. Bà khóc nức nở, sa nước mắt ướt đẫm chân Ngài. Xõa tóc trên đầu, bà cố lau sạch và tha thiết ôm hôn chân Ngài và sức dầu thơm”.

Lập tức bầu không khí đang vui bị chùng xuống, để lộ ra sự đối đầu.

“Thấy vậy, người Biệt Phái đã mời Ngài, tự nói với mình ‘Ông này nếu quả là một tiên tri, ắt phải biết người đàn bà rờ đến mình kia là ai và thuộc hạng người nào chứ! Đó là một đứa tội lỗi”.

Câu chuyện này chứng minh sự bao dung, tha thứ của Chúa Giesu đã vang khắp, và được truyền miệng từ người này sang người khác. Nhưng ai là người cần đến sự tha thứ, nếu không phải là người tội lỗi. Câu chuyện tiếp tục cho thấy Chúa Giesu tha thứ và chấp nhận, còn người Biệt Phái chủ nhà và Biệt Phái được mời cảm thấy thật khó chấp nhận. Đã vậy, họ còn bực mình lẩm bẩm hạch sách Chúa, khi Chúa tuyên bố tha thứ cho người đàn bà tội lỗi.

Một trong những món quà vô giá Chúa Giesu đem xuống trần gian để ban cho mọi người, nhất là người tội lỗi, nghèo khó luôn sống trong tũng quẫn, mặc cảm, là niềm hy vọng và bình an. Niềm hy vọng giúp họ làm lại cuộc đời. Sự bình an giúp họ gạt bỏ mọi lo âu sợ hãi, để hướng lòng lên cao hơn với Đấng là Cha luôn dơ tay để sẵn sàng dẫn dắt và yêu thương, tha thứ cho họ, để khi họ hoàn tất cuộc sống dương thế, họ sẽ được về vui hưởng hạnh phúc với Ngài trên Thiên Quốc.

Hạt cát

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.