TÔN GIÁO

Thánh Thần Chân Lý

Hạt Cát

“Không ai có thể nói Đức Kytô là Chúa mà không do Thánh Thần”

Lời giảng dạy này của Thánh Tông Đồ Phaolô cho chúng ta thấy vai trò của Chúa Thánh Thần trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

Kết quả 33 năm nơi dương thế của Chúa Giesu, nhất là 3 năm cuối đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, xét về mặt thuyết phục người nghe, Chúa Giesu chỉ đạt được kết quả khá… khiêm tốn. Phải đợi sau khi Chúa về Trời, và Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần xuống, lúc đó những hạt giống Chúa Giesu đã gieo trồng mới trổ bông sinh hoa trái.

Một đặc điểm nơi cách giảng dạy của Chúa Giesu cho dân chúng, là Chúa luôn ẩn chứa Lời Dạy của Người qua các dụ ngôn. Do đó, không dễ gì để dân chúng có thể hiểu được ý nghĩa của những lời dạy đó ngay được. Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh giải thích rằng, sở dĩ Chúa Giesu dùng dụ ngôn, vì lúc đó dân chúng chưa được chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận Chân Lý Chúa rao giảng. Chúa chỉ nói xa xa để dân chúng suy nghĩ. Sau này, khi các Tông Đồ lãnh nhận Ơn Chúa Thánh Thần, các ngài sẽ triển khai những lời dạy của Chúa. Lúc đó, dân chúng sẽ hiểu thấm thía hơn. Cho nên, có lần Chúa đã nói với các Tông Đồ: “Bây giờ các con chưa hiểu, nhưng sau này các con sẽ hiểu”, và “Thánh Thần Cha sai đến nhân danh Thày, chính Ngài sẽ dạy dỗ các con mọi sự và sẽ nhắc cho các con nhớ lại mọi điều Thày đã nói với các con.”

Chúa Giesu còn nói với các ông rằng, sau này các ông sẽ làm được những việc lớn lao hơn Chúa nữa. Lời tiên báo này đã trở thành hiện thực khi các Tông Đồ cùng với Đức Mẹ họp nhau cầu nguyện trong Nhà Tiệc Ly ở Gierusalem trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần hiện đến đỗ trên các Tông Đồ dưới dạng Hình Lưỡi Lửa. Lập tức các Tông Đồ được đầy tràn Ơn Chúa Thánh Thần và được hoàn toàn biến đổi: Từ tình trạng nhút nhát, sợ sệt trở nên can đảm, cương quyết; Từ u mê trở nên thông sáng, sốt mến. Các ngài đã mở tung cửa bước ra như Thiên Thần Dũng Lực. Và với khối óc mới, quả tim mới, con người mới, các ngài đã làm cho cả dân thành Gierusalem lúc bấy giờ phải kinh ngạc, sửng sốt: “Ai nấy đều sửng sốt và phân vân. Hỏ bảo nhau ‘thế nghĩa là gì?”. Và chỉ với bài giảng đầu tiên của Phêrô Tông Đồ, vị xưa kia là bác thuyền chài nóng nảy, bộc trực, đã thu phục được trên ba ngàn người trở lại!

Biến cố Lễ Ngũ Tuần cũng đã khia sinh ra Giáo Hội, một Giáo Hội tiềm tàng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, có nhiệm vụ làm cho các cành nho được phát triển thêm lên mãi và được sum suê, sinh nhiều hoa trái cho thân nho là Chúa Giesu. Sứ mạng của Chúa Thánh Thần thật lớn lao, hệ trọng. Chúa Giesu đã trả giá cho tội phản bội của loài người bằng chính cái chết của Người. Kết quả, cửa Thiên Đàng đã được rộng mở trở lại. Nhưng căn rễ phản loạn vẫn nằm sâu trong thâm cung nơi mỗi con người chúng ta. Nó có xu hướng làm soi mòn ý chí hướng thiện mà Thiên Chúa đã phú cho chúng ta, khiến cho việc ‘lên Trời’ của chúng ta trở nên cực kỳ khó khăn. Cho nên muốn về Trời, chúng ta cần đến Thần Chân Lý, Đấng Bầu Chữa, Đấng Ban Ơn, là tên được chỉ cho Chúa Thánh Thần. Vì thế, trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giesu biết các Tông Đồ sẽ buồn khi Người nói cho các ông việc ra đi của Người. Chúa đã trấn an bằng cách giải thích rõ lý do của việc ra đi: “Thày ra đi thì ích lợi hơn cho các con. Vì nếu Thày không ra đi, thì Đấng Bầu Chữa sẽ không đến!”

Nếu Chúa Thánh Thần không đến, thì làm sao chúng ta có thể dùng nên Ơn Cứu Chuộc của Chúa Giesu? Cứ xem cung cách của các Tông Đồ khi Chúa còn sống, cũng như sau khi Chúa chết, nhất là khi Chúa Sống Lại và hiện ra với các ông. Các Tông Đồ đã được diễm phúc nhiều lần cùng ăn uống, được sinh hoạt, truyện vãn với Chúa Phục Sinh, được ngây ngất chiêm ngắm cảnh Chúa lên Trời… Vậy mà tâm trí các ông vẫn u mê. Lòng dạ các ông vẫn hoang mang. Sự hoang mang đã biến các ông trở thành những người sợ sệt, thiếu niềm tin. Cho nên mới có cảnh nơi Nhà Tiệc Ly “cửa được đóng kín vì sợ người Do Thái”.

Nhưng khi Chúa Thánh Thần đến trên các Tông Đồ, các Tông Đồ liền cảm thấy mình được hoàn toàn trở nên những con người mới, “Sự Thật giải phóng các con!” Rồi với Ơn Chúa Thánh Thần, các ngài đã can đảm công khai rao giảng về Chúa Giesu thành Nazareth. “Ngài đến để hướng dẫn các con trong Sự Thật”.

Được sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ an tâm ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, “Bình an cho các con. Như Chúa Cha đã sai Thày, Thày cũng sai các con”.

Biến cố Ngũ Tuần đến nay đã trên hai ngàn năm. Sự hiện diện và Ơn Thánh tác động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn mỗi người tín hữu vẫn dồi dào, sung mãn, và xem chừng có chiều hướng mạnh mẽ hơn, để đáp ứng nhu cầu hiện nay của Giáo Hội và của các con cái Chúa. “Ngài sẽ ở với các con luôn mãi”. Sự hiện diện liên tục này là một bảo đảm cho lời hứa của Chúa Giesu khi Người tuyên bố Giáo Hội Người lập sẽ bền vững cho đến tận thế, và cửa Hoả Ngục cũng không thắng được.

Giáo Hội là Thân Thể Màu Nhiệm của Chúa Kytô, cho nên là Giáo Hội thánh thiện và không thể bị hủy diệt. Còn chúng ta là những chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kytô, là những cành nho của Thân Nho, thì như Chúa đã cảnh giác trước rằng, nếu cành nào không kết hiệp cùng cây, sẽ bị khô héo và bị quăng vào lửa. Chúa không bảo đảm sự bền vững tới cùng một cách vô điều kiện cho mỗi cá nhân, nhưng là bảo đảm có điều kiện. Điều kiện đó là:

“Nếu ai yêu mến Thày và giữ Lời Thày, thì Cha Thày sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”.

Sự hiện diện riêng tư, cá biệt nơi mỗi tâm hồn được coi là Công Việc của Chúa Thánh Thần. Ngài ngự trong những tâm hồn thành tâm, thiện chí, để bảo vệ, ban ơn đầy đủ để họ có thể đạt tới mục đích tối hậu là Nước Trời.

Hạt Cát

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.