Thánh Mẫu

Tháng Năm về con hái hoa dâng Mẹ!

Nguyễn Kim Ngân

Tháng hoa lại về! Có lẽ bọn trẻ con chúng tôi không chỉ rất háo hức mà còn rất hồi hộp nữa, vì không biết mình có được chọn dâng hoa không?! Riêng tôi và cái Nga thì luôn luôn đứng đầu trong danh sách, vì có lợi thế là ở ngay sát nhà thờ, và rất sốt sắng trong việc đi gọi bạn và đi kiếm hoa, nhưng không vì thế mà tôi không lo lắng, vì biết đâu năm nay bà quản lại  không chọn mình thì sao?! Thế là ngày nào tan lễ cũng liếc nhìn xem bà Quản có gọi tên và giao việc cho mình không? Chỉ cần nghe tên mình, là tôi như được chắp đôi cánh để bay bổng lên tận mây xanh.

Mưa rồi! Khí trời thật mát mẻ và dễ chịu! Cây hoa Xoan – sau này mới biết đó là hoa Phượng – là một cây đại thụ, tán vươn ra bao trùm cả một khoảng ở đầu nhà thờ đã nở đỏ rực; những hàng hoa Láng cũng đã nở rộ một màu cam đỏ khắp chung quanh nhà thờ; cây hoa Ngọc Bút cạnh hàng rào nhà xứ nở trắng một màu thanh khiết, tỏa hương thơm ngát mỗi sáng thức dậy. Không khí của mùa hoa thật sự đã về: “Tháng năm về con dâng lên Mẹ, ngàn hoa thơm ngát ướp hương chiều rơi, chắp tay quỳ dâng kính mỹ lệ, hòa cùng muôn khúc thánh ca tuyệt vời…”. “Hôm nay đoàn chúng con vào, vào nơi cung điện kính chào Nữ vương, tháng hoa hoan lạc âu ca, chúng con kính tiến Đức Bà hiển vinh…” Năm nào cũng có những câu ca đó, nhưng không bao giờ chúng tôi cảm thấy nhàm chán trong suốt những năm tuổi thơ. Chúng tôi í ới gọi nhau đi tập, rủ nhau đi tìm hoa, đi hái hoa xung quanh nhà thờ, đi ra cánh đồng, đi các ngõ xóm, các xứ lân cận, nhà nào có hoa là chúng tôi vào xin, có lẽ chuyến đi xa nhất với tôi lúc đó là tới tận cầu Vũng Gấm cách nhà khoảng một cây số, hái những bông hoa Dã Quỳ màu vàng rực rỡ trên một hàng rào ven đường. Những buổi tập chỉ là ôn lại thôi, vì năm nào cũng bài đó, đội hình đó, bà quản vẫn là người tập cho chúng tôi, nhưng chúng tôi thật chú ý, nếu không có thể sẽ bị thay người (Bà chỉ dọa bọn trẻ con chúng tôi thôi, chứ có đứa nào bị đuổi bao giờ đâu).

Thế nhưng khi đang tập, một cơn gió chiều thổi ào ào tới, cơn gió mang hơi nước mát rượi, ngọn cây rung lắc, lá rụng rào rào, và…bộp…bộp… cả bọn vội bỏ chạy ra dưới gốc những cây xoài cạnh nhà thờ, tranh nhau nhặt xoài rụng, những quả xoài xanh được bọn trẻ nâng niu trong vạt áo, chúng cắn ăn ngay dù chua chua lắm, hoặc đem về để dành chấm muối. Đứa nào nhặt được quả to hay được nhiều là được những đứa khác tỏ vẻ thán phục. Thật tình mà nói, tôi chỉ đứng chứng kiến cái cảnh đó diễn ra trước mắt thôi chứ không dám tham gia, không phải tôi không muốn mà là mẹ tôi cấm, bà bảo “miếng ăn là miếng nhục” nếu mẹ mà biết thì tôi no đòn, chứ tôi cũng thèm lắm, thèm chảy cả nước miếng, thèm được chạy ùa đi cùng bọn nó, thèm cái cảm giác tranh nhau nhặt quả rụng khi đứng ngửa mặt lên tán cây chờ một tiếng soạt soạt cái giây phút quả lìa cành lách qua đám lá rơi “bộp” xuống đất, gần đứa nào thì đứa ấy “vồ” quả to thì thích thú nhảy cẫng lên, quả bé thì cũng hơi … ngại một tí. Không sao,  chúng lại chờ cơ hội. Ồ! Tiếng bà quản la to: “Thôi vào đi, hết giờ rồi!”  Cả bọn như tỉnh giấc mộng, nuối tiếc đứng thêm tí nữa xem có cơn gió nào nữa không, có tiếng “soạt” tiếng “bộp’ nào nữa không… Cơn mưa ập đến, chúng tôi vào hết trong nhà thờ, mưa to quá không tập được vì tiếng rào rào rất to trên mái tôn. Cả bọn lại hè đuổi bắt nhau trong nhà thờ, mặc cho bà quản la hét, nó chỉ ngồi im được một tí thôi, rồi lại lẩn trốn đuổi bắt nhau quanh những hàng ghế, những hàng ghế trong nhà thờ với bọn trẻ con luôn có một sức hấp dẫn như một ma trận để chơi trò đuổi bắt, trốn tìm.

Chuông đổ vang, bọn trẻ đến sớm nhất, áo quần tươm tất hơn, được người lớn là ủi cho ủi cẩn thận hơn, mỗi đứa cầm trên tay một bó hoa, đúng là hoa đồng nội, đủ năm sắc, mỗi cặp một màu: đỏ, trắng, vàng, tím, xanh. Hôm nay chúng tôi còn được trang điểm nữa, và trên đầu thế nào cũng được cài một chiếc nơ hoặc vài nhánh hoa. Một chị thiếu nhi lớn trang trọng mặc bộ áo dài trắng, cẩn thận bê một mâm hoa rất đẹp, công lao của cả đội đi kiếm hoa và cùng các chị xếp, rất nhiều hoa được cài xếp lên trên một cái rổ hoặc trên những cành lá độn phía bên trong, đặt trên một cái mâm, hoa xếp từng lớp, từng lớp cho đến khi phủ kín đầy đặn một màu đỏ rực rỡ hoặc màu trắng thanh khiết, sau đó điểm lên trên là những vòng tròn đồng tâm từ đỉnh xuống bằng những màu hoa khác, cây Thánh giá được xếp cẩn thận và khéo léo ở một phía để đánh dấu đó là mặt trước, viền xung quanh là lá xanh hoặc một màu hoa nổi bật với mâm hoa. Rực rỡ và ngào ngạt thơm, nhưng rực rỡ hơn cả chắc có lẽ là những gương mặt Thiên thần sắp được dâng hoa cho Đức Mẹ, chúng ríu rít nói cười, tay nâng niu bó hoa của mình thật cẩn thận.

Chắc chẳng đứa nào đọc được câu kinh nào đâu, bọn nó chỉ chờ ông bà quản bắt đầu câu kinh: “Lạy ơn Đức Mẹ Chúa Giêu, chúng con trông cậy cùng kêu van bà…” là chúng ùa ra xếp hai hàng dưới cuối nhà thờ để chuẩn bị lên dâng hoa. Rộn ràng háo hức là thế, nhưng tâm tình thì chẳng sốt sắng tí nào, bởi chúng chỉ chăm chú đến những thứ màu mè bên ngoài thôi, chứ nào có quan tâm đến bức tượng Mẹ Maria đứng trên tòa dang đôi tay ban phước lành cho chúng, nhưng tôi tin là Mẹ rất vui vì sự hồn nhiên ngây thơ của chúng.

Sau thánh lễ, chúng tôi thường nhận được chút quà của bà quản xin cho, khi thì mỗi đứa vài quả quéo (xoài quéo), khi thì cái bánh đa bẻ ra nhiều phần, hôm thì mỗi đứa vài cục kẹo cụ mua ở hàng bà Phán… Một hôm, bà quản đi qua nhà và gọi to: “Mấy đứa trẻ ra bà cho quà đây!” chúng tôi vội chạy ra, tròn mắt nhận quà, bà phát cho mỗi đứa một khúc mía bầu gồm hai đốt, một đốt còn nguyên vỏ, một đốt được nhúng vào thùng mật mía vàng óng dẻo kẹo, thơm lừng, chắc bà phải nhờ người chở lên tận lò mật ở trên xóm Bà Cố cách đó khoảng một cây số, đó là món quà đặc biệt nhất mà chúng tôi nhận được. Lâu lâu các ông bà trong Hội đồng giáo xứ cũng đãi chúng tôi,  khi thì cơm nếp mật, khi thì chè trôi nước, xôi đỗ đen, xôi đỗ xanh… Đặc biệt nhất là ngày 14/5 – ngày kỉ niệm thụ phong linh mục của Cha xứ, và ngày giã hoa, thế nào chúng tôi cũng được nhiều quà hơn, và không bao giờ thiếu những quả xoài chín thơm lừng, mà Cha xứ đã nhờ người hái ở những cây xoài mà chúng tôi vẫn thường tranh nhau nhặt quả rụng mỗi chiều gió giựt, rồi cẩn thận dấm cho chín, tất cả thành viên ca đoàn, các em thiếu nhi tham gia dâng hoa và những người góp phần vào việc dâng hoa đều nhận được quà.

Chỉ đơn sơ vậy thôi, nhưng những kỉ niệm đó đã nuôi dưỡng tâm hồn và những  cảm xúc của tôi, mãi cho đến bây giờ, khi đã trở thành người tập dâng hoa cho các ông bố bà mẹ, vẫn trỗi dậy mãnh liệt trong tôi những cảm xúc như thuở ấu thơ mỗi khi mùa hoa về.

Tháng năm lại về, nhưng năm nay không thể tổ chức dâng hoa cho Đức Mẹ. Tôi nhớ, nhớ lắm!

Mẹ ơi! Nếu không thể dâng Mẹ những cánh hoa, những lời hát, những điệu múa, xin Mẹ hãy nhận nơi chúng con tâm tình của người con thảo, dâng Mẹ Đóa Hoa Lòng, xin Mẹ dang tay che chở và ban bình an cho con cái Mẹ sớm qua cơn dịch bệnh kinh hoàng Corona này. Amen.

HOA LÒNG DÂNG MẸ

Đây muôn hoa lòng đoàn con dâng tiến
Đoá hy sinh ngời sáng khắp muôn phương
Hoa đơn sơ, hoa bác ái khiêm nhường
Cho con biết yêu thương trong thinh lặng
Hoa phục vụ món quà con trao tặng
Cho tha nhân như Chúa đã làm xưa
Con dâng Mẹ hoa biếng nhác ơ thờ
Lòng tôn kính mến yêu con chưa đủ
Con dâng Mẹ đoá hoa lòng  bé nhỏ
Những đắng cay lao nhọc  giữa đời thường
Dâng lên Mẹ hoa tự ái kiêu căng
Hoa oán hờn hoa khinh khi ganh ghét
Mẹ yêu ơi, con xin Mẹ nhận  hết
Muôn Hoa lòng của giáo xứ chúng con
Xin Mẹ thương chúc phúc cho từng hồn
Cho gia đình cho cộng đoàn giáo xứ
Đây hương trầm tiến dâng trước nhan Mẹ
Thơm ngát bay làn khói trắng vương vương
Như hương kinh bay tới tận thiên đường
Lời khấn nguyện thì thầm kêu xin Mẹ
Noi gương Mẹ từ nay con đoan hứa
Sống tin yêu như Mẹ đã nêu gương
Dõi theo Mẹ như sao sáng soi đường
Dẫn con về Bến Yêu Thương cùng Mẹ. Amen

DÂNG NGỌN NẾN HỒNG

Maria – ngọn lửa Tin – Cậy – Mến
Luôn sáng ngời nơi Mẹ mãi không ngơi
Con dâng Mẹ ngọn nến nhỏ giữa đời
Lung linh cháy giữa trời chiều gió nhẹ
Con ngước nhìn gọi Mẹ ơi khe khẽ
Mẹ thêm cho con ngọn lửa tình yêu
Lửa mến tin lửa trông cậy thật nhiều
Như Mẹ đã từng tin yêu cậy mến. Amen.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.