Thánh Mẫu

KÍNH CHÀO NỮ VƯƠNG RẤT THÁNH. Chương 8

Chuyển ngữ: Trần Mỹ Duyệt

MỘT KẾT LUẬN

VỚI TÁI BÚT KHÔNG MANG NGHĨA HỘ GIÁO

 

Bây giờ bạn đã đọc gần hết cuốn sách này về Rất Thánh Đồng Trinh Maria. Có lẽ bạn chuẩn bị để nói với bạn bè, các phần tử trong gia đình, hoặc đồng nghiệp là những người Kitô hữu, nhưng có lẽ họ là những người có thái độ hồ nghi khi bàn về giáo lý Đức Maria. Nếu bạn là nhà truyền giáo nhiệt tâm, thì tôi rất vui. Tôi viết tác phẩm này để những anh chị em Công Giáo không bao giờ nên xấu hổ về người Mẹ cao sang của mình, như tôi đã có lần cảm thấy xấu hổ về người mẹ trần thế của mình khi mẹ tôi đến trường đón tôi.

Vâng. Nhưng tôi cũng muốn lưu ý bạn, là bạn cũng không nên quá nhiệt thành, hay đúng hơn, không nên nhiệt thành một cách sai lầm. Tôi xin bạn đừng bao giờ nên quên rằng, khi bạn bảo vệ Rất Thánh Đồng Trinh, là bạn bênh vực cho người Mẹ của mình, chứ không phải bênh vực cho một thủ quân, cũng không phải là người thủ môn. Bạn chỉ nên bênh vực Người khi nào Người cần được bênh vực. Không người mẹ nào xứng đáng với danh xưng khi muốn con mình tiếp tục phản đối để bảo vệ mình. Không người mẹ nào xứng đáng với danh xưng khi muốn con mình bị đối xử tàn tệ trong việc bảo vệ mình. Không người mẹ nào xứng đáng với danh xưng khi muốn trở nên chủ đề của một cuộc cãi lộn ở sân trường.

Tôi nói thế, bởi vì một đôi lần tôi gặp những người đã thực tập hộ giáo như người chơi môn thể thao nhằm đánh gục đối thủ, hoặc như một cuộc tranh chấp không khoan nhượng. Đối với những nhà hộ giáo này, mục đích là thắng cuộc tranh luận, ngay cả khi nó mang ý nghĩa hạ nhục một cách rõ ràng “những đối thủ” của họ.

Đó không phải là cách minh chứng những giáo lý về Đức Maria. Con cái của Đức Maria không có kẻ thù. Chúng ta chỉ biết một điều: tất cả anh chị em trong Chúa Giêsu Kitô – adelphoi – của chúng ta, đều từ trong cùng dạ mẹ. Chúng ta không cần tranh luận nhiều với họ (mặc dù những cuộc tranh luận đôi khi cần thiết), cũng như hãy yêu thương nhau (mặc dù đôi khi khó khăn).

Hơn thế nữa, chúng ta đừng bao giờ tự cao tự đại cho rằng, chúng ta biết nhận ra mình như những người con của Mẫu Hậu. Chúng ta đừng bao giờ cho rằng, mình có tất cả những câu trả lời, mặc dù những câu trả lời có thể luôn sẵn sàng đối với chúng ta. Nên biết điều này, không ai sở hữu đầy đủ chúng. Thiên Chúa sẽ tiếp tục để chúng ta khiêm nhường, để nhắc nhở chúng ta về những hạn chế của mình, bằng cách để chúng ta vấp ngã và tự nhận mình không có những câu trả lời đúng trong lúc cần. Ngay cả, Người sẽ cho phép những điều trên xảy ra, khi chúng ta, đang mạo nhận là hành động cho mục đích tốt của Ngài.

Tôi có thể làm chứng những điều này, vì chẳng bao lâu sau khi trở lại, Thiên Chúa đã cho tôi hiểu được chúng.

***

Tôi biết điều này từ khi bắt đầu cảm nhận như con cái trong căn nhà Giáo Hội Công Giáo, và được những người Công Giáo khuyến khích một cách nhiệt thành như thế nào khi đón nhận chứng từ trở lại của tôi nơi bất cứ đâu tôi đi qua. Những thành phần bảo thủ và những người thuộc giáo phái Tin Lành tin và nhấn mạnh tầm quan trọng của Phúc Âm, đặc biệt xác tín vào những lời giảng dạy truyền thống dựa trên quyền lực và lịch sử Thánh Kinh (evangeliscals), một đôi khi họ cũng có mặt trong những buổi thuyết trình của tôi để thách thức tôi. Và tôi đã nóng nảy đối đầu với họ. Tôi biết những thắc mắc của họ trước khi họ mở miệng nói – những thắc mắc mà chính tôi có lần cũng đã ủng hộ họ – và tôi biết một cách chính xác câu trả lời đúng của Phúc Âm. Như một nhà thiện xạ nhìn về phia con chim ở phần đất kế bên, tôi biết trước ngay cả  những thách đố này. Tôi rất thỏa mãn như một ‘nhà hộ giáo nhiệt thành’.

Dù được phấn chấn bởi những thành công, tôi đã tìm ra chính mình vào một cuối tuần trong một khu xóm quanh chủng viện cũ thuộc giáo phái Tin Lành ở Gordon-Conwell. Tôi đã quyết định quay lại và lưu ở đó một thời gian với vị thầy của tôi. Tôi đã phục vụ như một trợ giảng. Người thầy của tôi xem ra như sung sướng được gặp lại tôi, và ông đã mời tôi lưu lại nhà ông trong thời gian ở thành phố này. Ông đã nghe, dĩ nhiên, về việc gia nhập Giáo Hội Công Giáo của tôi, và ông ta hơi tỏ ra thất vọng. Ông nói với tôi là ông đang tìm dịp để thảo luận vấn đề này với tôi một cách đầy đủ.

Tôi biết là ông ta muốn thách thức tôi. Và tôi cũng nôn nóng để đáp trả.

Tôi đã đến. Và chúng tôi chào hỏi nhau một cách thân mật. Những suy đoán của tôi khá chính xác. Chẳng phải đợi lâu, vì vị chủ nhà và vợ của ông ta bắt đầu ‘rắc tiêu’ tôi với tất cả những câu hỏi về Giáo Hoàng, luyện tội, Thánh Thể, chức Linh Mục, Bí Tích Hòa Giải… Tất cả những điều đó đối với tôi đều diễn tiến tốt đẹp, bởi vì suốt một ngày từ sáng đến tối, tôi đã như một võ sỹ không ngừng nghỉ trong tư thế vừa ra đòn, vừa đỡ đòn.

Rồi, khoảng chừng gần nửa đêm, khi tôi mong được nhắm mắt, bạn tôi nói với tôi:

– Còn về Đức Maria lên trời như thế nào?

Tôi hiểu những gì ông ta muốn nói, đó là không có một dấu chứng Phúc Âm nào về việc lên trời của Đức Maria. Tôi đang mệt mỏi và bị trêu chọc, vì ông ta đã nêu lên vấn nạn này vào ban đêm. Vì chưa chuẩn bị gì, nên tôi chỉ trả lời:

– Vâng, ông có thể đọc thấy trong Khải Huyền 12 và ở đó, ông thấy Người đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác.

– Tốt lắm Scott, ông ta nói tiếp: Nhưng xin anh cho tôi chứng từ về việc có ai trong Giáo Hội đã tin điều đó trước thế kỷ thứ sáu?

Tôi đã đáp lại rằng, trong suốt lịch sử, Giáo Hội đã không bao giờ tôn kính ngôi mộ như nơi an nghỉ cuối cùng của thân xác Đức Maria.

Ngay lập tức, ông đã chỉ ra rằng, tranh luận từ sự thinh lặng là một tranh luận yếu kém mà người ta có thể dùng đến.

Tôi nhận thấy ông ấy đúng. Nhưng tôi đã dẫn chứng rằng, trong thời gian cấm đạo, Giáo Hội ít khi đưa ra những chứng từ của tín lý hoặc lòng sùng kính. Sống sót và kiên trung là tiêu chuẩn chính của Giáo Hội vào những thời điểm đó.

Hai vị chủ nhà đã không tỏ vẻ hào hứng.

Và ‘nhà hộ giáo nhiệt thành’ bắt đầu cảm thấy kết quả xứng đáng của một ngày về những săn tìm, tranh luận, và một năm xứng đáng với sự kiêu hãnh khôn ngoan.

Tôi đã ngượng nghịu để chỉ ra rằng, vâng, không chỉ đến thế kỷ thứ sáu việc lên trời mới khởi sự được ghi lại trong tài liệu lịch sử của chúng ta. Nhưng ở thời điểm đó, chúng ta gặp gỡ nó như trong giai đoạn khai sáng và phát triển, qua những ngày lễ, những bài thánh ca, và văn chương. Khi vị hoàng đế tuyên bố nó là ngày lễ của thế giới, người ta đã không thấy có trở ngại gì, ngay cả một dấu hiệu của sự chống đối hoặc bàn cãi.

Những vị chủ nhà của tôi đã mỉm cười:

– Điều đó tốt và hay lắm, Scott. Nhưng sự thật là anh không có một cái gì để nói về những thế kỷ im lặng đó sao?

Cho đến lúc này, cuộc tranh luận của chúng tôi vẫn diễn ra tốt đẹp, nhưng tôi cũng cảm thấy nó đang có gì thay đổi. Một cách nào đó, nó đang xoay ngược chiều.

Tôi đã trả lời:

– Không. Tôi không thể nghĩ về bất cứ điều gì.

– Anh có thể giới thiệu một cuốn sách? Bất cứ điều gì mà tôi nên đọc?

Tôi lắc đầu.

– Anh không có những câu trả lời từ năm thế kỷ đầu. Anh không có một cuốn sách nào cho tôi đọc. Anh, người có một cuốn sách về tất cả, nhưng lại không có một cuốn về lên trời!

Ông ta khoan khoái thưởng thức giây phút chiến thắng này.

Tôi nói:

– Không.

– Scott! Để tôi nhắc cho anh, đó là một tín lý, bất khả ngộ. Và không lẽ anh không thể giải thích cho tôi tại sao đã có sự im lặng cả năm thế kỷ?

– Không biết. Tôi trả lời.

Đó là giây phút kết thúc buổi trao đổi bi thảm mà nó kéo dài hàng giờ, và tất cả những chiến thắng trước của tôi xem như số không. Tôi như bước những bước nặng nề về phòng ngủ của mình, cảm giác như tôi đã làm cho mẹ tôi bị hạ nhục.

Tôi ngồi trên giường, rồi qùy gối và cầu xin Chúa Giêsu ơn tha thứ. Tôi nghĩ tôi đã hạ nhục Ngài bằng cách để Mẹ Ngài bị nhục. Tôi nghĩ như tôi đã chạy với một trái banh trên con đường một gạch, chỉ dùng tay để chạm đến đích. Tôi đã thưa, “Con xin lỗi Chúa vì sự yếu kém và thua bại của con.” Tôi đã đọc một kinh Kính Mừng. Rồi tôi cảm thấy mệt mỏi và ngủ thiếp đi.

Họ đã để cho tôi ngủ. Tôi thức dậy vào lúc chín giờ và một đĩa trứng chiên chờ tôi ở trong bếp.

Khi tôi ngồi xuống và bắt đầu điểm tâm sáng, tôi nhận ra rằng lịch sinh hoạt của tôi hôm nay là Thứ Hai, ngày 8 tháng Mười Hai. Một cái gì đó về ngày này đã xuất hiện trong trí nhớ. Có phải là một ngày lễ? Rồi tôi nhớ ra là đó là ngày lễ Đức Mẹ Đồng Trinh Vô Nhiễm, ngày tôi trở thành người Công Giáo, và tôi suýt quên mất nó, để tiếp tục như tôi đã từng là một người Tin Lành.

Tôi ngập ngừng nói với những người chủ nhà:

-Hôm nay là lễ buộc. Có cách nào tôi có thể… tham dự Thánh Lễ ở đâu đây không?

Bà chủ nhà nói với tôi:

-Ồ! Anh may mắn quá. Nhà thờ Thánh Phaolô ở ngay sau sân nhà tôi. Rồi bà còn gọi xem thời khóa biểu giờ lễ, nhưng họ mới xong Thánh Lễ cuối cùng.

Bà ta vẫn cố gắng gọi chừng 10 nhà thờ quanh vùng, hy vọng tôi có thể dự lễ trước khi bay về. Sau cùng, bà cũng tìm ra một lịch trình của nguyện đường Dòng Cát Minh ở trung tâm buôn bán Peabody cách đó 15 miles.

Một lần nữa, bà đã gọi điện thoại và biết rằng còn một Thánh Lễ nữa vào lúc 12 giờ trưa. Như vậy hy vọng đủ thời giờ để tôi tới đó, trở lại nhà và chủ nhà chở tôi ra phi trường.

Và tôi đã sẵn sàng để đi tham dự Thánh Lễ. Tôi tới đó chỉ ít phút trước lúc trưa. Tôi hỏi những chỉ dẫn để tới nhà nguyện và chẳng bao lâu tôi thấy mình trong đoàn người mua sắm Giáng Sinh, đang đi xuống một cầu thang hẹp dẫn xuống tầng hầm. Ở đó, tôi thấy tôi ở giữa một gian phòng và cả cộng đoàn đều phải đứng. Tôi tìm cho mình một chỗ đứng phía sau.

Tiếng chuông rung lên, một vị linh mục cao niên bước ra. Ngài khoảng chừng bảy mươi tuổi. Bất chợt, tôi bắt đầu lo lắng. Trời ơi, như vậy thì Thánh Lễ sẽ kéo dài lắm!

Rồi dù chỉ mới bắt đầu Thánh Lễ, tôi đã thấy mình bị chia trí, thường xuyên nhìn vào chiếc đồng hồ, và nghĩ đến chuyến bay.

Nhưng đến phần bài giảng, thì mọi chuyện đều thay đổi. Con người cao niên kia bước lên bục giảng và đưa mắt nhìn chúng tôi. Rõ ràng là mọi người đều có thể nhìn thấy tia nhìn trong mắt ngài. Ngài xem như đang nói trực tiếp với tôi: “Hôm nay, chúng ta cử hành mừng kính Mẹ của chúng ta!”

Từ đó, ngài bắt đầu giảng một cách hăng say. Billy Graham không là gì đối với con người này:

“Nếu có ai muốn hỏi bạn,” ngài cao giọng, “tại sao bạn tin rằng Đức Maria được đầu thai không vướng nguyên tội? Bạn sẽ trả lời người đó như thế nào?” Ngài ngưng lại.

“Bạn sẽ trả lời người đó như thế nào?” Ngài ngừng lại một lần nữa.

Không một chút suy nghĩ, ngài nói, “Hãy nói với người đó thế này: Nếu bạn có thể được quyền tạo nên mẹ mình và đề phòng cho bà khỏi tội tổ tông, bạn có làm không? Bạn có làm không?… Dĩ nhiên bạn sẽ làm! Với bạn thì không có quyền chọn lựa và tạo nên mẹ của mình, nhưng với Chúa Giêsu lại có thể, và Ngài đã làm điều này!”

Từ đó trở đi, tôi thật khó cầm lòng cầm trí, không phải vì nghĩ đến chuyến bay, mà tôi chỉ muốn được nói chuyện với vị Linh Mục này.

Khi Thánh Lễ kết thúc, đám đông trở lại mua sắm, và tôi tìm đường đến phòng thánh nhỏ của nguyện đường,

– Thưa cha, cha dành cho con ít phút được không? Tôi hỏi vị linh mục.

– Không! Ngài trả lời mà không cần nhìn mặt tôi.

Tôi hỏi tiếp:

– Thưa cha, vậy con xin cha nửa phút?

Sau cùng ngài nhìn tôi.

– Anh muốn cái gì?

Tôi thưa với ngài:

– Con là một cựu sinh viên của Gordon-Conwell, và là trưởng lớp, nhưng con mới trở lại đầu năm ngoái.

Ngài mỉm cười khi nói với tôi:

– Gordon-Conwell, ở phía Nam Hamilton. Tôi đã dạy thần học tại đó.

Tôi thưa:

– Không. Con nghĩ rằng cha không hiểu. Đó là một chủng viện của Tin lành Evangelical.

Ngài chau mày:

– Không, bạn trẻ, tôi không nghĩ rằng anh hiểu. Vì tôi đã từng ở chủng viện Carmelite, và tôi đã dạy ở đó hàng thập niên… Anh tốt nghiệp năm nào?

– Tám mươi hai. Tôi đáp lại, tốt nghiệp thủ khoa, một người Calvinist kiên cường. Con đã trở lại. Bây giờ con về để thăm trường, và nó bây giờ thật sự khác xưa.

– À thế! Ngài nói, chúng tôi trao cho họ chủng viện của chúng tôi; họ trao lại cho chúng tôi những sinh viên tốt nghiệp. Xem ra đó là một trao đổi song phương.

Rồi ngài nhớ lại câu hỏi của tôi lúc bắt đầu gặp ngài.

– Nào, vậy câu hỏi của anh lúc nãy định hỏi là gì?

Tôi đã kể cho ngài toàn câu truyện của ngày trước đó, cao điểm là sự xấu hổ vào đêm đó:

– Cha giảng hay quá. Con xin hỏi là cha có biết cuốn sách nào để có thể giới thiệu cho con không?

– Anh có lý khi không thể nghĩ ra bất cứ cuốn nào trong những sách đó. – Ngài nói tiếp – Không có tác phẩm nào được in trước đó. Chỉ có một, và nó đã hết vào tuần trước.

Tôi kinh ngạc:

– Cha biết phân tích Phúc Âm về Đức Maria?

Ngài trả lời:

– Trong trường hợp này, tôi biết. Tôi đã viết một cuốn sách về chủ đề này.

Tôi há hốc miệng. Tôi cảm thấy như mình đang bước vào vùng ánh sáng.

– Đúng, tôi đã viết nó. Tựa đề là “Cuộc lên trời của Đức Maria”, và tôi vừa biết là nó đã được bán hết vào tuần trước… Nhưng tôi còn giữ lại được hai cuốn. Ngài đưa tay lấy từ tủ sách, rồi hỏi;

– Tên giáo sư là gì?.

Tôi đã trả lời ngài.

– Anh đã kết hôn chưa? Tên vợ anh là gì?

– Kimberly.

Nghe xong, ngài đã ký tặng những cuốn sách với tên của mình – Linh Mục Kilian Healy, O.Carm. – cho cả vợ và các bạn hữu của tôi nữa.

Rồi ngài đột nhiên bước đi để lại tôi một mình choáng váng. Tôi lái xe về nhà người bạn, thật kinh ngạc với lòng thương xót của Thiên Chúa.

Thời giờ không còn nhiều, nên tôi phải vội vã chất hành lý lên xe để tới phi trường Logan. Người bạn cựu giáo sư của tôi không đi chung, vì ông ta phải dạy sau buổi trưa hôm đó. Cho nên, chúng tôi đứng bên lề đường và nói lời tạm biệt.

Tôi nói với ông:

– Câu cuối cùng Ông hỏi là về một cuốn sách về việc lên trời của Đức Maria, phải không?

Tôi đưa tay vào túi áo lấy ra cuốn sách của Cha Healy, trong khoảng 30 giây, tôi đã lược sơ qua về cuộc gặp gỡ của tôi ở nguyện đường. Một cách vội vàng, tôi đã giải thích rằng, đây là cuốn sách duy nhất thích hợp, và nó cũng vừa bán hết. Nhưng tôi mới nhận nó từ tác giả lúc sau trưa khi gặp ngài ở khu thương mại.

Ông ta lặng thinh.

Tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ. Tôi ‘chụp’ được hình ảnh Đức Maria xoa đầu tôi trong trí tôi và nói, “Đừng quá lo lắng về việc bảo vệ Mẹ. Hãy yêu Mẹ, và yêu Con Mẹ. Rồi khi gặp khó khăn, chúng Ta sẽ bổ túc cho những gì con thiếu sót.”

&

Khi tất cả mọi khảo cứu cũng như khả năng hùng biện của tôi bị thua, khi tôi bị hoàn toàn bẽ mặt vì tiêu chuẩn con người mình, khi tôi không thể làm gì hơn, thì tôi đã làm những gì mà tôi đã bắt đầu: Tôi cầu cùng Mẹ Maria.

Lời cầu nguyện đó tôi thực hiện vào buổi chiều của ngày, trong giây phút của sự yếu đuối và nhục nhã sâu lắng. Nó đang chuyển hướng qua sự bất ngờ xảy ra này trong đời sống tôi. Nó móc vào vòng chuyển động một dây xích những biến cố mà tôi không thể vượt qua bằng những bài nói chuyện được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất của tôi.

Khi cần để giải thích về Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, chúng ta cần tình yêu nhiều hơn là nhiều câu trả lời. Khi chúng ta bị thiếu sót, Người sẽ làm những kết quả lớn lao từ những thiếu sót của chúng ta, khi chỉ có mình Mẹ có thể làm được. Mỗi khi chúng ta bị xỉ nhục và cho thấy sự yếu kém, chúng ta nên sẵn sàng cho một cái gì tốt đẹp hơn chúng ta có thể dự tính và chuẩn bị để hoàn thành.

Phúc-âm-hóa với niềm vui, và với lòng tin tưởng. Nên biết ngay từ khởi sự rằng, bạn không có tất cả mọi câu trả lời, nhưng Đấng Cứu Độ bạn thì có, và Ngài yêu Mẹ của Ngài. Ngài sẽ ban cho bạn mọi sự bạn cần, ngay cả đôi lúc bạn cần sự thất bại.

(Còn tiếp)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.