TÔN GIÁO

Nỗi lo âu

Nguyễn Ngọc Thể

           

Trải qua bao dòng thời gian, đã là con người, vốn mang kiếp nhân sinh, thì sống thời buổi nào, ở đâu, chúng ta cũng đều canh cánh trong lòng bao nỗi lo âu, cho dù ngay cả thời bình.

Trở lại gần nửa thế kỷ trước, người Việt chúng ta, lúc còn sống nơi quê nhà, cuộc chiến tương tàn đã xảy ra khắp nơi, đặc biệt là những vùng phía nam nước Việt. Thật ra, cây muốn yên mà gió chẳng ngừng. Người dân dưới chế độ miền Nam, nào muốn gây hấn gì với giặc phương bắc, những chỉ muốn có cuộc sống ôn hòa, sống trong thanh bình, nhưng người phương Bắc thì luôn tìm cách gây hấn, gây bao hận thù, chết chóc, sợ hãi từ chốn thị thành cho đến vùng thôn quê. Cuộc chiến ngày càng leo thang, gây bao nỗi kinh hoàng, bao nỗi lo lắng cho người dân miền Nam. Họ cứ lải nhải tuyên truyền rằng, chống Mỹ cứu nước. Mỹ làm gì để mà chống. Mỹ có xâm lăng giống như Nga xăm lăng Ukraina hiện giờ? Còn tại miền Bắc, quân Tàu ở bên cạnh họ, tiếp tế vũ khí, đạn dược, thực phẩm thì ai nào lên tiếng nói gì!

Những năm tháng đó, người dân miền Nam sống thế nào? Đi ra đường, đó đây bị giặc thù đặt mìn, hay pháo kích bừa bãi. Dù sống trong nhà hay con em chúng ta đến trường học mỗi ngày, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, sống không yên hàn. Đã có những trận pháo kích vào các thôn làng hay một số các trường học, gây nên bao cảnh chết chóc thảm thương. Đang khi đó, người dân miền Bắc thì sống trong đói khát, kèm theo bao nỗi lo vì bị theo dõi ngày đêm, bị chèn ép về mặt tinh thần. Nhiều thanh thiếu niên bị đưa vào miền Nam để “chống Mỹ cứu nước”. Họ phải băng rừng, vượt suối, qua những nơi hiểm nguy, để tiến vào miền Nam “giải phóng!” Có đến hàng trăm, hàng trăm ngàn thanh thiếu niên phải “sinh bắc tử nam”. Năm 1975, có những người từ Bắc vào, đã nói gì ngoài việc nói lên ý nghĩ, sao miền Nam không sớm giải phóng miền Bắc!

Khỏi cần phải so sánh cuộc sống giữa hai miền Bắc, Nam. Bây giờ ai cũng rõ. Ngày nay, tại quê nhà, thực sự không còn chiến tranh, vì cộng sản đã toàn trị cả nước rồi, nhưng thử hỏi được bao nhiêu người sống trong cảnh sung sướng, sống không khỏi lo âu? Nếu chỉ nhìn bên ngoài thì Việt nam hiện giờ được no đủ, có cuộc sống sung túc, được ăn chơi đủ thứ.  Nếu có, thì chúng ta nên biết rằng, chính quyền cộng sản lúc nào cũng chủ trương để cho dân hưởng thụ, vui chơi giải trí đủ thứ để rồi quên đi việc tranh đấu cho được mọi thứ tự do căn bản của cuộc sống con người, như tự do ngôn luận, tôn giáo, đi lại, bầu cử… Người dân Việt trong nước hãy cứ vui chơi, hưởng thụ để sẽ quên đi những quyền căn bản nhất của con người. Những quyền này đã bị cộng sản lấy mất lúc nào mà chúng ta không hay biết.

Trở lại một đất nước tự do mà chúng ta đang sinh sống. Hiện chúng ta có được sống trong thư thái, an nhàn không? Có chứ. Chúng ta vẫn có mọi thứ tự do, tư do đến nhà thờ kinh lễ, tự do ăn nói, hộp họp, tự do ngôn luận. Nhưng xin hãy coi chừng, có một vài thứ tự do rồi đây sẽ bị theo dõi, sẽ bị kiểm soát, nếu hiện trạng “bấp bênh” vẫn còn tiếp diễn. Có thể là tôi nói ngoa chăng? Có bao giờ một đất nước như đất nước Hoa kỳ mà lại thiếu sữa cho các em bé? Có bao giờ thực phẩm phải khan hiếm, nhưng hiện tại, thực phẩm khan hiếm dần nơi các siêu thị. Xăng nhớt mỗi ngày được đà cứ tăng lên! Ông “chính phủ” đâu rồi? Lý do gì mà cứ để tình trạng này dai dẵng mãi?  Con dân vừa trải qua cơn đại dịch, nỗi lo chưa được hoàn hồn thì nay phải lo vật lộn cho cuộc sống từng ngày, bởi túi tiền ngày càng teo dần. Ai mà không khỏi lo âu.

Nỗi lo âu của bao người như vẫn còn đó. Có những người càng lo thì càng mất dần niềm tin. Dù vậy, là con cái của Chúa, chỉ có một điều duy nhất là hãy dâng mọi nỗi lo âu và hãy luôn tin thác vào Thiên Chúa quan phòng. Chúa Giêsu đã về trời và đang ngự bên hữu Chúa Cha. Hãy cùng khắc ghi lời đoan hứa này của Chúa trước khi Ngài về trời: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt. 28:20). Có Chúa nào, có người bạn nào thân tín nhất trên cõi đời này, trước khi ra đi, lại còn dặn đò, còn để lại lời nhắn nhủ như thế? Mặt khác, “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 17:33). Ngài không để chúng ta sống đơn độc, lẻ loi nơi cõi trần. Ngài ra đi thì có Chúa Thánh Thần, Đấng Phù Trợ sẽ đến, dẫn dắt và ở cùng chúng ta luôn mãi. Hãy tin chắc như thế để chúng ta sẽ không cảm thấy đơn côi, lạc lõng giữa cảnh chợ đời đen bạc này nữa.

Tháng kính Mẹ vừa qua đi. Bây giờ, tháng 6 về, tháng kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giê-su. Tháng Trái Tim Chúa, nói lên tấm lòng yêu thương mà chính Chúa đã dành cho con cái loài người. Hãy chạy đến cùng Thánh Tâm Chúa để cầu cho xin thế giới được an bình, khỏi chiến tranh tàn phá, gây nên bao cảnh chết chóc đau thương. Nhìn sang đất nước Ukraina hiện giờ với sức tàn phá của bom đạn, của hận thù, của bao người chết chóc, đã gây nên trong lòng người nỗi kinh hoàng, chỉ mong sao cho cuộc chiến sớm chấm dứt, để nhiều người dân đang sống tỵ nạn, tản mác nhiều nơi, được quay về nơi chốn cũ, nơi chính quê hương của họ và được hưởng một nền thái bình thực sự.

“Thiên Chúa cũng giống như một người tình câm. Ngài làm mọi sự và tìm đủ mọi cách để cho con người hiểu được Tình yêu của Ngài. Không còn ngôn ngữ nào nữa, Thiên Chúa đã đành phải dùng chính cái chết, bởi lẽ không có tình yêu nào trọng đại cho bằng mối tình của người chết vì người mình yêu… “Chúng sẽ nhìn xem Đấng chúng sẽ đâm thâu qua”. Qua cái chết của Đức Kitô trên thập giá, con người mới có thể thấy được tình yêu của Thiên Chúa đối với mình. Cái chết là ngôn ngữ cuối cùng của Tình yêu. Mối tình câm lặng nhất đã được bày tỏ…” (Lẽ Sống – Đài Chân lý Á châu sưu tầm, trang 198)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.