TÔN GIÁO

Hôn Nhân, Gia Đình và Ơn Gọi Phục Vụ – 2

Biết Văn

 

Nếu so sánh giữa ơn gọi hôn nhân và gia đình với ơn gọi độc thân linh mục, chúng ta thấy gia đình bao giờ cũng có áp lực và trách nhiệm lớn lao hơn nhiều. Họ vừa có nghĩa vụ phục vụ trong gia đình (trách nhiệm lo cho gia đình vợ con, nuôi dạy con cái, hiến dâng con cái cho Chúa trong ơn gọi linh mục…,) trong xã hội dân sự (họ đi làm, đóng thuế, tham gia công ích, tham gia chính quyền…) và trong xây dựng giáo hội (họ góp công, góp sức, góp tiền của…) và không biết tự bao giờ các linh mục luôn cho họ là kẻ cả và coi khinh những người sống trong bao lao nhọc, vất vả để nuôi sống linh hồn Giáo hội và nuôi sống các linh mục.

Một bà rón rén vào văn phòng giáo xứ một nhà thờ nọ giữa trưa gặp cha chánh xứ để xin thánh lễ cầu nguyện. Vị linh mục này không những mất phép lịch sự tối thiểu khi tiếp khách mà trong tinh thần người đầy tớ của Chúa để phục vụ lại càng thêm ngạo mạng, ông xổ toẹt vào người phụ nữ này với giọng điệu hách dịch: “Muốn xin lễ gì thì gặp ban trị sự hay nhân viên văn phòng giáo xứ đi, giờ này, giờ nghỉ trưa của tôi.”

Người phụ nữ cố tình giải thích cho cha hiểu rằng bà chỉ đi ngang qua vùng này, không là người cư ngụ ở đây (Việt Kiều) và bà muốn xin lễ giỗ cho người thân đã khuất.

Xấu hổ thay, một linh mục, ít nhất cũng có tấm bằng Đại học, được đào tạo bài bản gồm tối thiểu hai năm “Triết học” và 4 năm “Thần học” mà có lối cư xử như bọn thất học, ngạo mạn và vô phép tắc. Không biết từ bao giờ Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài cách phục vụ kiêu ngạo và khinh bạc này? Hay đây chính là hệ quả từ trong ơn gọi “Hôn nhân, gia đình” mà người cha, người mẹ đã không nêu gương tốt cho vị linh mục này?

Chúa Giêsu ngày xưa than rằng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58-59). Còn các môn đệ của Ngài, các linh mục, các giám mục ngày nay, ăn ngon, ngủ kỹ, nhà thờ nguy nga, nhà xứ xa hoa, cao đẹp, phòng ốc rộng rãi, xe cộ lên đời, Iphone, Ipad, hàng hiệu…ôi thôi không thiếu thứ gì, nhưng miệng thì lúc nào cũng bảo “vất vả lắm”, nhiều “xì trét” (stress) lắm.

Theo thống kê 2016 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, hiện nay Giáo Hội Hoa Kỳ có 68.115.001 giáo dân, và 41.489 linh mục. (http://www.usccb.org/comm/catholic-church-statistics.shtml)  Trong đó, 30% các linh mục đang đau yếu, hưu dưỡng, dạy học, làm việc trong các văn phòng địa phận, và trong các bệnh viện, trong các nhà tù, trong quân đội … phần còn lại thì con số linh mục đang phục vụ tại các giáo xứ chỉ còn 29.042 vị. Như vậy, mỗi một linh mục tại Hoa Kỳ đang phải phục vụ 2.345 giáo dân tại các giáo xứ trong 195 giáo phận. Một linh mục phải chăm lo cho 2.345 giáo dân không phải là chuyện đơn giản! Chính vì thế mà các linh mục mới than “vất vả lắm”, “xì trét lắm”. Nhưng đó là theo thống kê và lý thuyết, vì các linh mục còn có các phó tế, các tu sỹ nam nữ và các giáo dân trong các hội đồng quản trị, hội đồng điều hành và các trưởng ban ngành các hội đoàn Công Giáo tiến hành phụ giúp. Do đó, vất vả hay xì trét cũng tùy vào cung cách làm việc và thái độ cư xử với những người cộng tác.

Tôi vẫn không trách các linh mục vì họ vẫn là người trần mắt thịt, vẫn chưa nhận thức rõ và trưởng thành từ “lời Chúa.” Các linh mục vẫn cứ loanh quanh để các danh lợi, tầm thường của thế gian cám dỗ mà quên đi mất thiên chức linh mục và ơn gọi của mình.

Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi ơn gọi. Từ tạo thiên lập địa người đã tạo ra nam và nữ và mời gọi họ làm con cái Ngài trong ơn gọi “hôn nhân, gia đình”. Khi Chúa Giêsu xuống thế làm người, trong ba năm, Ngài nổ lực và hoàn thiện thêm ơn gọi “phục vụ”. Đây chính là ơn gọi Chúa ban cho Giáo Hội những linh mục và tu sĩ để theo sát Đức Kitô hơn trong việc phục vụ dân Ngài.

Nhìn vào Giáo Hội Việt Nam hôm nay, chúng ta phải nhìn nhận rẳng ơn gọi linh mục, tu sĩ vẫn còn rất phong phú không như các nước khác thí dụ như Hoa Kỳ và các nước Tây Âu chẳng hạn. Nhưng sự phong phú này có thể kéo dài trong tương lai hay không, khi mà “hôn nhân, gia đình” đã bị xã hội tục hoá nặng nề. Thêm vào đó, Giáo hội lại lơ là hay bị quá nhiều nhức nhối về các riềng mối gia đình gãy đổ từ li dị, tiêu hôn, tái hôn, đồng tính…

Nhìn gần đây, Thượng Nghị Sĩ Jerry Hill đệ trình dự luật SB 360: “Đòi hỏi các giáo sĩ phải báo cáo nếu biết hoặc nghi ngờ có sự lạm dụng tình dục trẻ em hoặc không được bỏ qua khi trẻ em thông tin vi phạm luân lý đạo đức của các nhân viên hoặc các thành viên giáo sĩ khác. Ngoài ra, khi các giáo dân nói chuyện với giáo sĩ về sự lạm dụng tình dục trẻ em, các tu sĩ này cũng cần báo cáo hành động này.” Đây là vết nhơ, sự mất lòng tin trầm trọng đối với các linh mục và đến ấn tín của tòa cáo giải của Giáo Hội Công Giáo rằng các cha khi nghe hối nhân xưng thú tội lỗi phải tuyệt đối giữ bí mật không được tiết lộ. Theo Điều 983 và 984 của Bộ Giáo luật 1983:

Ðiều 983: Bí tích giải tội là điều bất khả vi phạm; do đó, tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội không được tiết lộ về hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì.

Ðiều 984: Tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội không được xử dụng những điều biết được trong tòa giải tội để làm hại hối nhân, cho dù không có nguy cơ tiết lộ ra ngoài.

Nhìn riêng vào xã hội Hoa Kỳ hay các nước Tây Âu, sự phong phú ơn gọi linh mục, tu sĩ không còn nữa. Chiêm nghiệm ra rằng, đây chắc chắn không phải tự nhiên mà đưa đến hậu quả này, nhưng nó là kết quả của sự đổ gẫy từ trong gia đình, đạo đức gia đình, môi trường xã hội nghiêng về quá tự đo, tình dục phóng túng, không còn coi trọng lễ giáo. Ngoài ra, còn có yếu tố khách quan là sự kính trọng mà xã hội dành cho giới linh mục, tu sĩ mất đi khi mà các thành phần trung kiên của giáo hội bị mua chuộc, bị sa đọa và biến thái…và các cụm từ mọi người lột tả như “Cha quốc doanh”, “Đạo sĩ thúi”, “gần cha, xa Chúa”..v.v..

Vậy khi gia đình mất đi bầu khí đạo đức, hoặc khi lễ giáo của môi trường xã hội bị suy giảm, có quá ít người đi tu vì thanh niên nam nữ ngày nay sợ đi tu, hay khi linh mục, tu sĩ không còn được xã hội kính trọng, hay chính những gương mù gương xấu của một số giám mục, linh mục, tu sĩ, của ông bà, cha mẹ, chú bác cô dì, và của những người tự xưng mình là người Công Giáo chân chính… dẫn đến các bạn trẻ đã sợ không dám dâng mình cho Chúa. Từ đó, ơn gọi linh mục, tu sĩ rất cần được quan tâm khơi dậy. Nhưng khơi dậy thế nào?

Một linh mục Dòng Tên đã nêu ra những nhức nhói về sự lạnh nhạt với ơn gọi phục vụ của giới trẻ ngày nay:

“Khi một thanh niên thấy cha sở lục đục với cha phó, nói hành nói xấu nhau, chửi xéo nhau, nói bóng nói gió, và thậm chí dùng cả tòa giảng như là khẩu đại bác để bắn … nhau nữa, thì anh ta có dám đi tu không?

Khi tiếp xúc hay làm việc với một linh mục hay một tu sĩ vô trách nhiệm, chỉ lo cho mình chứ không lo cho tha nhân, chỉ lo tích trữ chứ không chia sẻ, chỉ lo phán chứ không lắng nghe, chỉ nói mà không làm, chỉ lo hưởng thụ, bê trễ trong việc xức dầu cho bệnh nhân, lười biếng trong việc soạn bài giảng…thì bạn nghĩ thử xem, bạn trẻ đó có dám dâng hiến đời mình cho Chúa không?

Khi một thanh niên hay một thiếu nữ thường xuyên nghe ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì và anh chị em trong gia đình luân phiên nhau nay thì lôi cha sở ra mổ, mai lôi cha phó ra xẻ, rồi hè nhau tẩy chay, cô lập dùng chính sách cấm vận … nhà thờ, ngưng không bỏ tiền giỏ để cha sở phải điêu đứng và lo lắng … thì bạn nghĩ chúng nó có dám ghi danh xin đi tu không?

Khi con cái, cháu chắt thấy ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì kéo nhau lên tòa giám mục hò hét, giăng cờ, căng quạt để biểu tình, gây áp lực với Đức Giám Mục, bắt ông cha này rời bỏ nhiệm sở, buộc cha kia phải thuyên chuyển đi chỗ khác… Khi chúng cứ nghe những người thân của nó vu cáo, nói hành nói xấu, chê bai Giáo Hội, hàng ngũ linh mục, tu sĩ trăm điều, vạn thứ … chúng có dám đi theo Chúa hay không?”

Thật vậy Chúa Giêsu luôn khắt khe về những gương xấu ảnh hưởng rộng rãi lên những người chung quanh y như men trong bột. Chỉ cần một nhúm men nhỏ cũng đủ sức làm dậy lên cả một khối bột lớn.

 

(Còn tiếp)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.