Xã hội

Từ cái chết thảm và tiếng khóc than…

Lm. Nguyễn Văn Khải, CSsR

 

Có trí khôn thì tôi đã thấy ngôi nhà thờ với ngọn tháp cao vút sừng sững trước nhà tôi. Nhà thờ Tam Châu, làng Phúc Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, thuộc Giáo phận Phát Diệm.

Tuổi thơ tôi gắn chặt với thế giới nhỏ bé xung quanh ngôi nhà thờ này. Lạ một cái là nhà thờ luôn đóng cửa. Đóng các cửa hai bên. Đóng cả ba cửa chính ở mặt tiền nơi có cái sân gạch mà chúng tôi hay tụ tập chạy nhảy vui đùa và cãi vã nhau.

Một hôm, giữa buổi sáng, xóm làng vắng lặng, mọi người lớn đã ra đồng làm việc hợp tác xã, tôi đang cõng em ở sân nhà thờ, thì một bà bị điên, ăn mặc kỳ dị, vai mang cái bị, đến gục đầu vào cửa chính, hai tay đập liên hồi vào hai cánh cửa, nức nở khóc lóc than van: “NHÀ THỜ ĐÂY MÀ CHA ĐÂU? NHÀ THỜ ĐÂY MÀ SAO LẠI ĐÓNG CỬA THẾ NÀY!”

Bà cứ lập đi lập lại như vậy. Một hồi lâu thì bà ngồi thụp xuống, lặng yên. Rồi một hồi lâu nữa thì bà đứng dậy, gạt nước mắt xách bị đi đâu đấy.

Tôi cõng em đứng chết chân ở đó nhìn bà. Tôi thấy trong cử chỉ cũng như trong tiếc khóc và lời than của bà có cái gì đó đau đớn lắm, cần kíp lắm. Cái gì đó tôi không hiểu. Tôi thấy bà tội lắm. Cũng như bà, tôi không hiểu tại sao nhà thờ lại luôn đóng cửa. Tôi cũng không hiểu ”cha” là gì. Hôm đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy từ “cha”. Mà sao nhà thờ lại có cha?

Lúc bố mẹ tôi đi làm ngoài đồng về, tôi liền kể lại câu chuyện và hỏi bố mẹ tôi “cha” là gì.

Bố mẹ tôi kể cha là người làm lễ cầu nguyện cho mọi người, cha là người tổ chức đạo binh Thánh Thể mà bố mẹ tôi là thành viên, cha là người rất giỏi, là người được học lý đoán và có đủ hiểu biết và quyền phép để giúp người sống người chết, phần hồn phần xác. Có cha thì mọi người được nhờ. Hồi còn cha thì nhà thờ rất vui. Vân vân.

Lúc đấy, tôi cũng chẳng hiểu lễ là cái gì. Tôi cũng chẳng biết đạo binh Thánh Thể là gì. Tôi chỉ hiểu đại khái theo lời mẹ tôi cha là người rất tốt, rất cần.

Tôi lại hỏi : “Vậy cha đi đâu mà giờ nhà thờ mình lại không có cha và nhà thờ phải đóng cửa?” Tôi thấy mẹ tôi rớm nước mắt. Mẹ tôi kể nhà thờ tôi bị công an bắt đóng cửa từ khi mất cha. Khoảng 10 năm trước đó, công an đến bao vậy làng tôi và họ bắt cha xứ tôi. Họ đấu tố ngài. Họ đánh đập ngài. Họ giam ngài ở một nhà kho. Khoảng 2 tuần sau họ giết ngài rồi họ chôn ngài trên cánh đồng gần nhà kho kia. Về sau giáo dân đã đưa xác ngài về an táng tại nghĩa trang giáo xứ Yên Vân, cách làng tôi khoảng 5 cây số.

Ngay lúc mẹ tôi đang kể về cái chết của cha xứ tôi, tôi đã quyết định lớn lên tôi sẽ làm cha.

Để đáp lại tiếng kêu khẩn thiết của bà điên kia.

Để làm những việc như cha xứ tôi đã làm.

Cha xứ tôi tên là MÁTTHÊU-MARIA ĐẶNG ĐỨC HẬU, quê Bái Xuyên, Hà Đông, thuộc Giáo phận Hà Nội. Ai đọc cuốn hồi ký “Những câu chuyện của một thời đã qua”, thì thấy Đức cha Lê Đắc Trọng có nhắc đến cái chết của ngài. Ngày 10 tháng 6 tới là lễ giỗ ngài lần thứ 53.

Còn bà điên kia về sau khi tôi học lớp 1 tại nhà thờ Thôn Phạm, tôi mới biết Bà tên V. thuộc họ đạo này.

Tôi vẫn nhớ tiếng than khóc của bà và cầu nguyện cho bà.

Và tôi vẫn nhớ đến cha xứ tôi và xin ngài cầu nguyện cho tôi.

Mỗi lần về quê tôi đều đến nghĩa trang Yên Vân viếng mộ ngài.

Lần cuối cùng là ngày 9 tháng 6 năm 2010 trước ngày giỗ ngài cũng là trước ngày tôi âm thầm rời Hà Nội qua Lào, đến Thái Lan và sang Roma./.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải CSsR

Oliver. B.C. Đêm trước ngày lễ cầu nguyện cho ơn gọi tu trì.

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.