Xã hội

Thời buổi gian nan


Nguyễn Ngọc Thể

“Thoát sinh ra thì đà khóc chóe,
Trần có vui sao chẳng cười khì…”

(Nguyễn Công Trứ)

Nói đến con người, chúng ta thường nghĩ đến nhân sinh quan. Vậy nhân sinh quan là gì? Theo từ ngữ tiếng Việt, nhân sinh quan là hệ thống quan niệm về cuộc đời, gồm: lẽ sống, lý tưởng, và lối sống… Nói cách khác, nhân sinh quan là hệ thống quan niệm về cuộc đời, ý nghĩa và mục đích sống của con người. Nhân sinh quan liên quan đến phạm trù triết học, tôn giáo, có ảnh hưởng đến cuộc đời của con người và tư tưởng của xã hội.

Một cách đơn giản hơn, nhân sinh quan là cách con người nhìn nhận cuộc đời hay cái đạo làm người của chúng ta. Nhân sinh quan có nghĩa đặc biệt quan trọng, là nguồn gốc của mọi suy nghĩ, chi phối hành vi và các hoạt động của con người trong đời sống. Cũng có thể nói nhân sinh quan thay đổi theo thời đại của con người đang sống, vì thế nhân sinh quan luôn đồng hành với sự phát triển của xã hội.

Hai câu thơ trên của cụ Nguyễn Công Trứ (1778-1858), đã nói lên và thể hiện được cái nhân sinh quan của riêng mình. Cụ đã từng sống và lớn lên trong một xã hội thời đó (hay bất cứ xã hội nào, thời đại nào) dẫy đầy những bon chen, mạnh được yếu thua, với cuộc đời ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh. Cụ đã nói lên cái ý kiếp nhân sinh của mình, nhìn nhận kiếp con người từ lúc vừa mới chào đời, lớn lên giữa đời và rồi sẽ đi vào cõi chết.

Với quan niệm của những người con Chúa, những người đã từng tin và theo Chúa, chúng ta đã từng nếm chịu bao nỗi đắng cay nhọc nhằn trong cuộc đời. Sống trong cõi trần gian, không ai  trong chúng ta tránh được cảnh gian nan, khốn khó.

Thử nhìn lại quãng đường đời mà mỗi người  chúng ta đã đi qua, đã từng sống qua, ắt chúng ta sẽ thấy rõ hơn. Thầy Chí thánh Giê-su đã sinh xuống cõi trần, cũng là con người mang lấy xác phàm như chúng ta, tuy là Chúa Trời cao cả, nhưng vẫn đeo mang kiếp trần lụy, kiếp nhân sinh. Cuộc sống của Đức Ki-tô, xét cho cùng cũng là một cuộc sống với thân phận của một kiếp người  “sinh vô gia cư, tử vô địa táng”.  Cuộc đời của Ngài là thế đó. Sống không có mảnh đất cắm dùi, và  khi chết, cũng không có nấm mộ cho đàng hoàng mà phải mượn nấm mộ của một người khác để được an táng! Cuộc đời của Chúa, trong 3 năm cuối đời, Ngài đã từng bôn ba đi đó đi đây để rao giảng Tin mừng Nước Trời cho những kẻ lầm đường lạc lối, mong đem họ về đường ngay nẻo chính. Ngài đã thực thi ý định của Thiên Chúa Cha một cách hoàn hảo. Chúa Giê-su đã được sai xuống trần gian để mang Tin Vui và Ơn Cứu độ đến cho con người, đến nỗi có lần  “Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.  Người trả lời: “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu! (Luca 9: 57-58). Nghe câu nói này của Chúa, các môn đệ đều chưng hửng, nếu không muốn nói là thất vọng. Theo Chúa, không phải là được vinh thân, phú quý. Theo Chúa, không phải là để được người khác tôn vinh, được ngồi bên phải hay bên trái Chúa, và để được người ta chúc tụng.

Các môn đệ của Chúa nào hiểu được sứ vụ của Ngài, cũng chưa thấy trước nỗi hy sinh của Ngài trong thời gian sắp tới. Những tưởng theo Chúa thì sẽ có được những đặc ân, những công thưởng, và ngay cả sẽ được ngồi chỗ cao, chỗ nhất. Các môn đệ chưa hiểu thấu được đoạn đường đầy gian nan, cay đắng mà chỉ có Ngài mới thấy được và sẽ phải trải qua. Thế cho nên, khi bắt đầu đoạn đường gian của Đức Giêsu, thì các tông đồ đã cảm thấy nao núng, đã muốn tránh né, chối bỏ như môn đồ Simon Phê-rô chối Chúa ngay đêm Ngài bị giao nộp trong tay bọn lý hình. Đây cũng là tâm trạng của mỗi một con người chúng ta đang sống giữa trần gian phải đối phó với những khổ đau, những thử thách chồng chất đến nổi không chịu được, đành buông xuôi, để mặc cho số phận ra sao thì ra.

Lão Tử, một triết gia đương thời với Khổng Tử, Mặc Tử. Ông chủ trương sống “vô vi, vô dục, vô tư, thuận theo tự nhiên. Ông khuyên con người nên tuân theo quy luật “quân bình” trong cuộc sống, nghĩa là không nên  làm điều gì vượt quá giới hạn mà phải “biết đủ, biết dừng”.  Ông  nhấn mạnh, “biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy”.  Ông cho rằng, “cuộc đời quý nhất là cái thân, trong cái thân con người quý nhất là đạo đứcuy tín, ông coi đó là hai báu vật của cuộc đời

Cuộc sống trần gian của Chúa Giê-su không phải chỉ có 3 năm cuối cùng, nhưng Chúa đã sống trên cõi trần từ lúc Ngài sinh ra nơi hang đá Bê-lem, rồi  Chúa lớn lên trong khung cảnh gia đình Na-gia-rét nghèo nàn. Cha nuôi của Chúa là thánh Giuse, ngày ngày phải vất vả đổ mồ hôi để kiếm cơm độ nhật cho Chúa và Mẹ Ngài. Cuộc sống của Thánh gia quả là cuộc sống của những gia đình nghèo hèn, tất bạc. Ngày nào không làm thì không có miếng ăn. Là Con Chúa trời đất nhưng khi được sinh ra và lớn lên trong đời, Ngài cũng phải chịu bao cảnh lao lung, vất vả, lầm than. Ngài không cho đây là số phận đã được an bài nhưng đây là thân phận của một kiếp người. Ngược lại,  cuộc đời của đức Thích ca Mâu ni, khi sinh ra trong cảnh nhung lụa, lớn lên trong cung điện giàu sang, kẻ hầu người hạ, cho đến một lúc nào đó, đức Phật mới “ngộ” được cuộc sống trần lụy, rồi từ bỏ cảnh sống sung túc, tìm đường tự giải thoát ngay dưới gốc cây bồ đề, giải thoát cho chính mình, và rồi cho cả chúng sinh trên cõi trần tục này.

Cuộc sống trên cõi đời này có biết bao khốn khó, lầm than và muôn vàn gian nan. Chúa đã an bài cho mỗi người chúng ta khi sinh ra ở đời phải biết chấp nhận cách bằng lòng, và vui vẻ theo gương Chúa cho đến suốt cuộc đời ngắn ngủi này. Người con Chúa vẫn biết rằng, những gian nan khốn khó trong cuộc ở đời tạm này chỉ là thánh giá Chúa gởi đến cho mỗi ngày. Vậy, chúng ta theo Chúa, có nghĩa là chúng ta chấp nhận “món quà đau khổ” Chúa gởi đến cho ta trong cuộc sống mà không hề than van, oán trách. Đã là “món quà” thì chúng ta phải đón nhận. Chúa yêu thương con cái thì Ngài luôn chăm nom, lo lắng không không bao giờ để chúng ta đơn côi, phiền muộn. “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi”. (TV 89: 10)

Nguyễn Ngọc Thể

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.