Xã hội

Phản bác bộ phim tài liệu “The Vietnam War” (Giải Truyền Thông Hưng Ca 2018)

Thomas Nguyễn

 

LTS: Khoảng đầu năm ngoái (2018), Phong Trào Hưng Ca (bên Mỹ) có tổ chức cuộc thi viết phản bác lại bộ phim tài liệu “The Vietnam War” của Ken Burns và Lynn Novick, và kêu gọi mọi người Việt Nam khắp nơi trên thế giới tham gia.

Tác giả đã đáp lời, mặc dù tự nhận khả năng yếu kém về lý luận chính trị. 

Bài viết đã được chọn trong số những bài trúng giải và ban tổ chức sẽ cho dịch sang tiếng Anh các bài viết trúng giải và một số bài giá trị khác tuy không trúng giải, để rồi sẽ in thành sách song ngữ Anh/Việt…

Tác giả tham gia cuộc thi, vì nhận thấy ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông, phim ảnh trên quần chúng, đặc biệt với giới trẻ. Thí dụ, Vợ chồng tác giả giáo dục các con rất kỹ về lòng yêu nước, về hoạ cộng sản.v.v…. Nhưng sau khi xem bộ phim tài liệu “The Vietnam War”, đứa con trai đã nói với tác giả: “Con thấy chế độ miền Nam đâu khác gì chế độ miền Bắc?” 

Sau một phút giây bàng hoàng, sửng sốt, Tác giả đã ôn tồn “giải độc” cho nó. Tuy nhiên, theo tác giả, đứa trẻ không mấy bị thuyết phục. Do đó, tác giả quyết định nghiên cứu và cầm bút viết bài phản biện “The Vietnam War”, để như một chia sẻ kinh nghiệm và cảnh giác đối với ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông, phim ảnh trên con em của chúng ta. 

Xin mời độc giả dành thời giờ đọc, trong khi chờ đợi cuốn song ngữ Anh/Việt được xuất bản và đề nghị giới thiệu cuốn sách này cho con cháu, bạn bè.

Nazareth

Trong tim mỗi người dân miền Nam sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa đều in hằn nốt xẹo của vết thương rướm máu, gây nên bởi phong trào phản chiến ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Mỹ, trong giai đoạn cuộc chiến nổ ra giữa chế độ Cộng Sản miền Bắc độc tài toàn trị, lừa đảo, xâm lăng và chế độ tự do, nhân bản, tự vệ của miền Nam.

Cho tới nay, nỗi đau này không hề bị xóa nhòa khỏi tâm trí chúng ta, dù nay nó được phủ dưới lớp vỏ thời gian và những bận rộn lo toan cho cuộc sống. Nhưng nó sẽ bừng dậy, khi có người nào đó khơi lại vết thương cũ như cuốn phim tài liệu “The Vietnam War” của Ken Burns và Lynn Novick chẳng hạn. Cuốn phim này được trình chiếu rộng khắp, cả ở Việt Nam, với nội dung chứa nhiều sai trái, thiên vị, gây bất lợi cho chính nghĩa của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, làm lợi cho Cộng Sản Bắc Việt. Do đó, ‘The Vietnam War’ bị phản đối ở nhiều nơi trên thế giới.

Đây là bộ phim được gọi là tài liệu, nhưng cách thực hiện lại thiếu tính khách quan, vô tư, thí dụ khi tường thuật về những sự kiện xảy ra trong hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà, nhóm làm phim chỉ đơn thuần trình bày một phía, nhằm lôi kéo người xem về phe họ, cũng như về số người Việt Nam được phỏng vấn, thì có 22 người thuộc chế độ Cộng Sản miền Bắc. Ở miền Nam tự do, họ chọn 8. Và trong khi những người thuộc chế độ miền Bắc tung hô Hồ Chí Minh, vinh danh bộ đội và cái mà họ gọi là ‘chính nghĩa’ của cuộc chiến xâm lăng miền Nam Việt Nam, thì một số trong 8 người miền Nam lại lên tiếng chống chiến tranh, phê phán chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Có người còn tuyên bố: “không quan tâm bên nào thắng…” cũng như đã công khai tỏ bày cảm tình với bộ đội VC.

Có thể nói nhóm thực hiện bộ phim tài liệu ‘The Vietnam War’ có xu hướng thiên Cộng và lặp lại luận điệu của những kẻ phản chiến thời chiến tranh Việt Nam trước 1975.

Nhưng sự thật trắng đen, cũng như chuyện bên nào có chính nghĩa, bên nào không về cuộc chiến này, tới nay đã 43 năm, thời gian dài đủ để người dân Việt Nam ở 3 miền Bắc Trung Nam hiểu rõ, ngay cả đối với nhiều người trong phong trào phản chiến trước kia cũng đã nhận ra những sai lầm của họ, vì không gì có thể dấu mãi dưới viễn vọng kính thời gian, và vì chúng ta đang sống trong thời đại điện toán với internet là trang mạng toàn cầu, nơi tích tụ mọi ý kiến đa chiều. Do đó, các dữ liệu và sự kiện lịch sử chúng tôi dùng cho bài tham luận phản bác lại bộ phim “The Vietnam War” đều được trích từ internet. Quí đọc giả muốn biết nguồn của mục nào, xin vui lòng gõ bàn phím internet thì sẽ thấy.

Cộng Sản miền Bắc xâm lăng hay giải phóng miền Nam? Đâu là những hệ lụy tang thương gây ra cho người dân miền Nam nói riêng, đồng bào Nam Bắc nói chung? Hồ Chí Minh là người yêu nước hay bán nước? Chế độ Việt Nam Cộng Hoà là chế độ tham nhũng hay tự do dân chủ và đã kiến tạo được nền kinh tế tương đối phồn thịnh, mặc dù đang trong thời chiến tranh tự vệ? Quân đội miền Nam chiến đấu anh dũng hay chỉ là đám lính thiếu tinh thần chiến đấu? Hậu quả của cuộc ‘giải phóng’ miền Nam Việt Nam tới nay ra sao?

Để trả lời cho những câu hỏi này, thiết nghĩ chúng ta nên đi từ Hồ Chí Minh là thủ phạm chính phải chịu trách nhiệm cho tình trạng bi thương của dân tộc Việt Nam, do việc ông ta đem chủ thuyết Cộng Sản ngoại lai vào Việt Nam theo lệnh Quốc Tế Cộng Sản với chủ trương nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam và rồi Đông Nam Á.

Tài liệu về Hồ Chí Minh được viết khá rõ bởi những học giả trọng tính khách quan ở trong và ngoài nước, cũng như bởi những người Cộng Sản phản tỉnh, gồm những cán bộ, đảng viên cao cấp dày tuổi đảng, những nhà trí thức đã ‘qua cơn mê’ viết, để lột mặt nạ Hồ Chí Minh và chế độ Cộng Sản.

Ngay từ đầu, chuyện Hồ Chí Minh xuất ngoại (1911) đã là đề tài tranh luận: Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước hay để kiếm ăn? Việc ông ta làm nghề khuân vác nơi bến tàu, rồi làm bồi bếp trên tàu buôn Amiral Latouche Tréville của người Pháp là chuyện bình thường không cần bàn tới. Nhưng khi lên đến đất liền, Hồ Chí Minh liền nộp đơn xin học tại trường thuộc địa của Pháp ngày15.9.1911, trong đơn xin có đoạn: “Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng tốt của ông ban đặc ân cho tôi được nhận vào nội trú trường thuộc địa. Tôi hoàn toàn không có tài sản… Tôi mong ước trở nên hữu ích cho nước Pháp…” thì nó cho thấy ông ta xuất ngoại là để kiếm kế sinh nhai, và cũng cho thấy ông ta là kẻ vong thân phản quốc, vì mục đích của trường thuộc địa là đào tạo những quan lại phục vụ cho chính sách thực dân của Pháp tại Việt Nam. Vậy điều mà đảng Cộng Sản Việt Nam luôn rêu rao, ‘bác ra đi tìm đường cứu nước’ là không có sức thuyết phục, vì giả sử đơn xin của Hồ Chí Minh được chính phủ Pháp chấp thuận, thì ông ấy có sẽ trở thành công chức của thực dân Pháp và chăm chỉ làm việc để “trở nên hữu ích cho nước Pháp” không?

Nghi vấn về một Hồ Chí Minh vong thân phản quốc càng được củng cố vững chắc bởi những việc ông ta làm, sau khi tiếp cận được với chủ thuyết Cộng Sản.

Hồ Chí Minh tham gia Quốc Tế Cộng Sản vào tháng 7.1920, một chủ thuyết cổ võ cho một thế giới đại đồng hoang tưởng, vô vọng. Hồ Chí Minh đã viết trong báo Thanh Niên, phát hành tại Quảng Châu ngày 20.12 1926: “Cái danh từ tổ quốc là do các chính trị gia đặt ra để đè đầu nhân dân, buộc những người vô sản phải cầm vũ khí bảo vệ tài sản của địa chủ và quyền lợi của giai cấp tư sản. Thực ra, chẳng có tổ quốc, cũng chẳng có biên giới”.

Nếu Hồ Chí Minh chối bỏ sự hiện hữu của tổ quốc, thì làm sao ông ta có thể là người yêu tổ quốc?

Trong thời kỳ bôn ba nơi xứ người, nhất là khi ở Pháp, ở Nga, Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời giờ nghiên cứu về học thuyết Marx Lenin. Ông ta cũng tham dự những khoá huấn luyện chuyên về đấu tranh ý thức hệ, về kỹ thuật kích động quần chúng.v.v. Cho nên, khi về nước ngày 28.1.1942, ông và đồng bọn bắt đầu đem ra áp dụng và linh động dùng chiến thuật kích động quần chúng nghèo khổ đứng lên làm cách mạng, cũng như tung hoả mù đối với thành phần trí thức dưới chiêu bài “chủ nghĩa dân tộc”, “đấu tranh cho độc lập dân tộc”, để lôi kéo thành phần này tham gia đấu tranh, rồi sau này từ từ thủ tiêu dưới mọi hình thức từ đầu độc, ám sát đến âm thầm báo cho mật vụ Pháp những nhà trí thức có lập trường lưng chừng hay chống lại họ, cũng như những đảng phái đập lập. Lúc đầu, Hồ Chí Minh và bè đảng tạm thời dấu kỹ cái đuôi khỉ Cộng Sản dưới tên gọi Viêt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, để chờ dịp. Khi dịp đến, Việt Minh liền nổi lên cướp chính quyền từ chính phủ quốc gia Trần Trọng Kim non nớt mới chỉ ra đời được 4 tháng từ 17.4.1945 đến 25.8.1945 và thành lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2.9.1945.

Đến tháng 2.1951, đảng của Hồ Chí Minh công khai lại ở Việt nam với tên Đảng Lao Động Việt Nam, và bắt đầu phát động cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc từ năm 1953 tới 1956 cho mục đích xây dựng thể chế Xã Hội Chủ Nghĩa, thâu tóm ruộng đất, tài sản của người dân vào tay nhà nước dựa trên nguyên lý bánh vẽ: người dân làm chủ, nhà nước quản lý. Trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, đảng Cộng Sản ra chỉ tiêu 5% cho mỗi xã là thành phần địa chủ cần phải tiêu diệt bởi Ủy Ban Cải Cách, được thi hành bởi các Đội Cải Cách với quyền lực xếp loại “nhất đội nhì trời”:

“Thằng Trời đứng qua một bên,
để ông nông hội đứng lên làm trời”

nhằm triệt hạ thành phần địa chủ phú hào và những người có lập trường, tư tưởng chống lại họ.

“Địa hào đối lập ra tro,
lưng chừng, phản động đến hồi tan xương” (Xuân Diệu).

“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ” (Tố Hữu).

Như thế, trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc, giết người cũng có chỉ tiêu rõ ràng! Có vùng chỉ tiêu này được tăng lên 7%. Nhà văn Trần Mạnh Hảo nói, vì làng của ông là làng Công Giáo thuộc tề, nên chỉ tiêu được cấp trên nâng lên 15%. Ông chua chát nói: “nghĩa là cứ 100 người dân thì phải nộp cho bác và đảng 15 tên địa chủ!”

Con số chỉ tiêu 5% (7%,15%) vô lý và tàn độc này đã giết oan không biết bao nhiều người dân lành.

Để nói lên thái độ dối trá, lạnh lùng, bất nhân của người Cộng Sản, đứng đầu là Hồ Chí Minh, chúng ta nên dừng lại một chút để tìm hiểu sơ vài khía cạnh về cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc.

Cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc dựa theo mô hình “Thổ Địa Cải Cách” của Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cố vấn Trung Quốc, cụ thể là Lã Quí Ba. Nó được thực hiện với tinh thần đấu tranh giai cấp triệt để, “thà giết lầm chứ không tha lầm,” “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Một cuộc cải cách kinh tế sắt máu mang đầy tính khủng bố, chết chóc.

Phát súng khai mào cho cuộc Cải Cách Ruộng Đất được bắt đầu từ Thái Nguyên và con vật tế thần là bà Nguyễn Thị Năm, còn gọi là Cát Hanh Long, một phụ nữ nhiệt thành ủng hộ cuộc kháng chiến. Bà đã dâng tặng nhiều tiền bạc, vải vóc, nhà cửa cho Việt Minh. Đồn điền của bà đã trở thành nơi trú ẩn an toàn cho nhiều cán bộ, cho nhiều đơn vị bộ đội. Bà đã nuôi ăn, giúp đỡ nhiều cán bộ quan trọng như Trường Chinh, Võ Văn Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ.v.v. Hai con trai của bà đều đi theo kháng chiến. Nhưng bà đã được trả ơn trọng này bằng cách bị đưa ra làm con vật tế thần đầu tiên của cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Bà bị lên án với tội danh ‘tư sản, địa chủ, cường hào gian ác’. Cuộc đấu tố vị đại ân nhân này của đảng Cộng Sản đã được báo chí thời đó coi là phát súng hiệu “long trời lở đất”.

Vì là phát súng hiệu “long trời lở đất”, nên tác giả CB viết bài “Địa Chủ Ác Ghê”, để làm tăng khí thể kích động quần chúng. Trong bài Địa Chủ Ác Ghê, CB đã vu vơ tố bà Nguyễn Thi Năm nhiều tội ác, như “đã làm chết 32 gia đình gồm 200 người, giết chết 14 nông dân, tra tấn đánh đập hàng chục nông dân, thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ… Theo đó thì Nguyễn Thị Năm không thể chối cãi, đã thú nhận tất cả tội ác. Thật là: Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng; Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!”

CB sau này được xác nhận là một trong những bút hiệu của Hồ Chí Minh.

Vậy những giọt nước mắt mà ông ta nhỏ ra để xin lỗi đồng bào vì những sai phạm của những viên chức dưới quyền trong việc thực thi chính sách Cải Cách Ruộng Đất, có phải là những giọt nước mắt ăn năn, hay chỉ là những giọt nước mắt cá xấu? Về phương diện giả nhân giả nghĩa, thì Hồ Chí Minh xếp hàng siêu hạng, vì con người thật của ông ta được che dấu dưới nhiều hình dạng khác nhau, như con cắc kè đổi màu tuỳ hoàn cảnh. Theo “Viện Bảo Tàng Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Hà Nội 2003”, thì Hồ Chí Minh có hơn 174 tên gọi, bí danh, bút hiệu, tức 174 màu để biến hoá. Jean Lacouture là cảm tình viên Cộng Sản trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Là nhà báo, ông có nhiều dịp gặp gỡ, phỏng vấn Hồ Chí Minh. Lacouture (1968, 217) mô tả Hồ Chí Minh là một nhà sản xuất phim kịch chuyên nghiệp. “Ông ta lúc nào cũng dàn dựng sân khấu cho chính ông ta, lúc nào cũng nhìn mọi tình trạng với mắt người sản xuất phim kịch.” “Gian dối là nền tảng trong sự nghiệp Hồ Chí Minh và đảng của ông ta” (Blum 1982, 218).

Chính Hồ Chí Minh đã từng nói với thư ký riêng là Vũ Đình Huỳnh: “Đôi khi những giọt nước mắt giả tạo cũng hữu ích trong việc cho người ta hiểu một điểm trong bài diễn văn” (Duiker 2000, 572).

Theo thống kê chính thức của nhà nước Cộng Sản Việt Nam, thì số người bị giết trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc là 172,008 người, một con số thật ‘chính xác’ với… 008! Nhưng những người Cộng Sản, những kẻ sống dựa trên dối trá và bạo lực, thì họ có uy tín gì để chúng ta tin, hay chúng ta sẽ tin lời ông cán bộ phản tỉnh Bùi Tín khi ông cho rằng, số người bị giết lên tới nửa triệu.

Sau đại hội đảng Cộng Sản lần 3 năm 1960 ở Hà Nội, miền Bắc chính thức hoá công cuộc xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa, đồng thời đề ra kế hoạch 5 năm xâm chiếm miền Nam như lệnh của quan thày Nga-Tàu trao cho đảng Cộng Sản của Hồ Chí Minh. Cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc đã xong. Đảng Cộng Sản đã biến toàn dân thành những bần cố nông, bởi vì dù ruộng đất của địa chủ bị tịch thu để chia cho người nghèo như họ hãnh diện rêu rao, thì người dân nghèo cũng không được làm chủ mảnh đất đó để canh tác, vì năm 1958 Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản quyết định tập thể hóa ruộng đất. Năm 1959, hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chính thức xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất tư nhân, thay vào là quyền sở hữu tập thể. Đất đai tập trung vào tay nhà nước, qua việc thành lập những hợp tác xã do nhà nước quản lý. Người dân trắng tay nay lại hoàn tay trắng. Điều này đồng nghĩa đảng đã nắm được dạ dày của người dân để dễ bề kiểm soát, như câu nói của Hilaire Belloc: “kiểm soát của cải là kiểm soát sự sống”. Đảng ra sức củng cố chế độ qua việc lệnh cho chính quyền địa phương lùa dân chúng đến nghe cán bộ tuyên truyền, nhồi nhét tư tưởng Cộng Sản, tiến nhanh tiến mạnh lên Xã Hội Chủ Nghĩa, sống và học tập theo gương bác Hồ vĩ đại… Người dân miền Bắc đã bị cho vào chòng và phải chấp nhận để đảng dẫn đi như những ngu dân, vì nếu không, sợ ban đêm bị mời đi ‘mò tôm’. Dưới mái nhà Xã Hội Chủ Nghĩa, bầu không khí sợ hãi luôn bao trùm mọi người. Đảng Cộng Sản còn muốn uốn nắn cả trí óc người dân đến chỗ nói sao tin vậy, qua việc nhà nước che dấu, bít kín mọi thông tin đến từ bên ngoài. Người dân miền Bắc chỉ được phép nghe, được phép tin vào những gì Cộng Sản nói, vào những tuyên truyền nhồi xọ, dối trá của họ. Người Cộng Sản áp dụng triệt để kinh nghiệm ‘nghe hoài rồi cũng nhập tâm’, cho nên họ phóng loa rỉ rả tuyên truyền, rằng thì là người dân miền Nam đang sống nghèo khổ cùng cực, và bị áp bức trăm bề bởi chế độ kìm kẹp của Mỹ ngụy. Vậy toàn dân miền Bắc phải góp phần giải phóng cho họ, khiến sau này khi đã chiếm được miền Nam Việt Nam, mới có những câu chuyện cười ra nước mắt về các chú bộ đội hay người dân miền Bắc vào Nam thăm thân nhân.

Theo hiệp định Genève chia đôi đất nước ngày 20.7.1954, thì chỉ có quân đội chính qui phải rút về Bắc, còn cái gọi là lực lượng vũ trang địa phương của lực lượng Cộng Sản, vẫn được phép ở lại trong Nam. Cho nên Hồ Chính Minh và Bộ Chính Trị, để che mắt quốc tế, đã đổi danh xưng cho lực lượng vũ trang địa phương này thành “Mặt Trận Dân Tộc Giải phóng Miền Nam” và tuyên bố đây là lực lượng độc lập của người dân miền Nam tự đứng lên chống lại chính quyền miền Nam Việt Nam. Thực ra, đây là một bộ phận của Quân Đội Nhân Dân ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Chỉ thị của Tổng Quân Ủy tháng 1 năm 1961 nêu rõ: “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam là một bộ phận của Quân đội Nhân Dân Việt Nam, do Đảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo”.

Đội quân này (tức Việt Cộng nằm vùng) ở ngay trong lòng xã hội và chính quyền miền Nam Việt Nam có nhiệm vụ gián điệp, đánh phá chính quyền miền Nam, gây bất ổn xã hội qua việc kích động quần chúng xuống đường biểu tình chống chính phủ, ám sát, đặt mìn, phá cầu.v.v. và để dọn đường cho đội quân chính qui miền Bắc xâm lăng miền Nam.

Trong giai đoạn từ 1955 tới 1975, người dân miền Nam được sống những tháng ngày tự do trong một xã hội khá ổn định, kinh tế phát triển bằng hoặc hơn những nước quanh vùng, trừ Nhật, quyền con người được luật pháp bảo vệ. Và mặc dù đất nước đang trong thời chiến tranh: Việt Cộng nằm vùng thường xuyên quấy phá, cũng như quân đội chính qui miền Bắc đã mở nhiều đợt tấn công lớn vào miền Nam, gây chết chóc cho người dân như ‘đại lộ kinh hoàng’, nhưng người dân miền Nam vẫn được tự do đi lại, tự do liên lạc với nước ngoài, được nghe, được đọc, được biết mọi tin tức trên thế giới qua TV, radio, sách báo, được đi du lịch, du học nước ngoài.v.v.. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam được điều hành theo mô hình tam quyền phân lập như ở các nước tự do văn minh khác trên thế giới. Nhờ đó, tránh được sự lạm quyền, hành xử theo ý mình, không giống như luật pháp mù mờ, độc đoán của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay, khiến các ông ‘quan lớn’ địa phương, các chú ‘quan lớn’ công an cho mình có quyền nghĩ ‘tao là luật, luật là tao’ để các chú công an biến mình thành những kiêu binh, những ‘côn an’, ‘vô tư’ hạch sách, làm khó dân hầu moi tiền hối lộ, hay các quan chức địa phương thu hồi đất đai của dân với dạng bù tiền rẻ mạt, nại lý do cần xây dựng công trình này nọ, để kiếm tiền bỏ túi. Dân chỉ biết kêu trời. Tình trạng dân oan đang mỗi ngày một nhiều bên cạnh những oan khiên ngất trời đến từ điều 79 và 88 mập mờ của bộ hình luật, để bóp nghẹt tiếng nói đòi nhân quyền và lòng yêu nước của người dân, trù dập, hành hạ, áp đảo tinh thần họ, giam cầm thân xác họ.

Trong đường hướng phát triển đất nước, làm cho dân giầu nước mạnh, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã:

  1. Lo ổn định về tổ chức các cấp chính quyền.
  2. Lên kế hoạch kinh kế, trong đó có việc:

– phân chia lại ruộng đất cho công bằng, hợp lý. Điều này cả hai nền đệ nhất và đệ nhị Cộng Hoà đã thực hiện được một cách hòa bình, không đổ máu.

– Giúp cho nền kỹ nghệ được mở mang và vận hành theo đường lối kinh tế thị trường, nhờ đó kích thích tính sáng tạo và cạnh tranh. Xe hơi La Dalat là một nét son đáng hãnh diện của nền kỹ nghệ miền Nam Việt Nam trước 1975. Xe La Dalat được bán với giá phải chăng. Đồ phụ tùng rẻ, vì tất cả đều được làm ở trong nước…

  1. Tổ chức và kiện toàn dịch vụ y tế công cộng từ cấp xã, tới quận, tỉnh để phục vụ miễn phí cho nhu cầu sức khoẻ người dân. Tổng số bệnh viện công toàn quốc tính đến năm 1965 là 101 cơ sở với 25,000 giường. Riêng tại Sài Gòn có 11 bệnh viện công với 5,000 giường.
  2. Tổ chức qui củ hệ thống quân lực Việt Nam Cộng Hoà.
  3. Rất coi trọng lãnh vực giáo dục, nên đã chọn triết lý giáo dục cho miền Nam là lấy 3 nguyên tắc dân tộc, khai phóng và nhân bản làm căn bản và đã được đưa vào hiến pháp:”văn hoá giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản” (điều 11.1). Vì giáo dục được xếp vào hàng quốc sách, cho nên bên cạnh hệ thống giáo dục tư năng động và thành công, chính phủ, qua Bộ Giáo Dục, đã mở các trường đại học, trong đó có trường đại học sư phạm đào tạo giáo chức, cũng như các trường trung và tiểu học công lập. Trong chương trình bậc tiểu học, ngoài 2 môn Quốc Văn và Toán, học sinh còn được dạy về các môn như: Đức Dục, Công Dân Giáo Dục, Quốc Sử, Địa Lý.

Vì được giáo dục trên căn bản tinh thần dân tộc và nhân bản, cho nên nói chung các em sống và cư xử có lễ giáo, “tiên học lễ, hậu học văn”, có tư cách, cũng như có ý thức cao về tinh thần yêu nước, chống ngoại bang xâm lược. Đó là lý do tại sao khi những học sinh phải xếp bút nghiên theo nghiệp kiếm cung, thi hành nghĩa vụ bảo vệ tố quốc, họ đã tỏ ra là những chiến sĩ can đảm, có tinh thần kỷ luật, sống gắn bó với đồng đội. Suốt quá trình chiến đấu bảo vệ tổ quốc, người lính Việt Nam Cộng Hòa được chỉ huy bởi những tướng lãnh, sĩ quan tài ba, mưu lược và đầy khí phách, đã chiến đấu anh dũng, kiên cường và đã để lại những chiến tích lẫy lừng như trận chiến Bình Long, An Lộc, khiến vị tướng nổi danh người Pháp là Vanuxem phải thốt lên: “Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu rất anh dũng và chiến thắng vô cùng ngoạn mục”. Lời khen ngợi này cũng dễ hiểu, bởi tinh thần chiến đấu kiên trì đến gan lì của người lính Việt Nam Cộng Hòa, cũng như tinh thần bất khuất của cấp lãnh đạo, trong đó có những vị, khi đất nước bất hạnh rơi vào tay giặc, đã chọn con đường tuẫn tiết chứ không đầu hàng, như tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, trung tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Long. Còn nhiều sĩ quan và quân lính Việt Nam Cộng Hòa khác cũng có những hành động tuẫn tiết tương tự. Riêng trường hợp đại tá Hồ Ngọc Cẩn không chịu buông xúng đầu hàng theo lệnh tổng thống Dương Văn Minh. Ông tiếp tục chiến đấu. Khi hết đạn, ông bị bắt vì ông là tín đồ Thiên Chúa Giáo ngoan đạo, nên không được phép tự tử. Ông bị quân Cộng Sản đem ra pháp trường xử tử để thị oai. Khi bị bắn, đại tá Cẩn yêu cầu không cần bịt mặt. Tại cuộc chiến An Lộc, chuẩn tướng Hưng, tổng tư lệnh lực lượng trú phòng đã điều động binh sĩ các cấp dũng cảm đánh trả lại lực lượng đội quân Cộng Sản miền Bắc ‘hiệp đồng binh chủng’, và nếu so với phía quân đội Việt Nam Cộng Hòa, thì quân Cộng Sản miền Bắc đông gấp 4 lần với đầy đủ xe tăng đại pháo. Ở trong hoàn cảnh tứ bề thọ địch, tướng Hưng dõng dạc tuyên bố: “Ngày nào tôi còn, An Lộc còn”. Liên đoàn 81 Biệt Kích Dù, mặc dù đang trong thời điểm gay cấn của cuộc chiến, cũng tranh thủ làm nên một nghĩa trang, để chôn cất 68 đồng đội ngã xuống. Tinh thần đồng đội gắn bó này của các Biệt Kích Dù đã khiến một cô giáo cảm khái viết thành câu thơ và được khắc để nơi nghĩa trang: “An Lộc địa sử ghi chiến tích. Biệt Kích Dù vị quôc vong thân”.

Không phải chỉ có tướng Vanuxem người Pháp, nhưng còn nhiều người ngoại quốc khác cũng đã hết lòng khen ngợi và cảm phục tinh thần chiến đấu của quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong trận đánh mang tính chiến lược quan trọng này, cũng như nhiều trận chiến lớn khác đã được ghi lại trong quân sử Việt Nam Cộng Hòa.

Theo tài liệu thì ở những giai đoạn đầu của cuộc chiến, quân đội Việt Nam Cộng Hòa chỉ được chính quyền Mỹ cung cấp những loại vũ khí lỗi thời và hạn chế, trong khi quân Cộng Sản Bắc Việt được Nga và Tàu cung cấp các loại vũ khí một cách dồi dào và tối tân như súng cá nhân AK-47.v.v. khiến phía bên quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải chịu nhiều thiệt thòi trong chiến đấu. Xin hãy nghe trung tướng Đồng Văn Khuyên nói về biến cố Mậu Thân: “Trong vụ Tết Mậu Thân, người ta nghe rõ tiếng sắc bén liên hồi của AK-47 trong Sài Gòn cũng như ở các thị trấn khác, cũng là một diễu cợt khôi hài cho các phát súng lẻ tẻ Garant và Carbine trong tay hoảng hốt của quân ta! Tuy vậy, quân đội Việt Nam Cộng Hòa vẫn đẩy lui địch quân một cách bất ngờ và dũng cảm”. Sự kiện này đã khiến tờ báo Time của Mỹ phải viết: “Nhiều người Mỹ đã ngạc nhiên và Cộng Sản đau đớn sửng sốt thấy quân đội Việt Nam đã tức tốc đương đầu và chiến đấu ngang tàng, can đảm khác hẳn dự đoán”.

“Khác hẳn dự đoán!” vì trong đầu chứa đầy sạn thành kiến của họ cho rằng quân đội miền Nam không có tinh thần chiến đấu, trong khi lại tôn vinh đội quân miền Bắc xâm lược.

Tập thể quân đội Việt Nam Cộng Hòa luôn kiên cường chiến đấu. Họ mang trên vai trách nhiệm bảo quốc an dân, mắt trực diện với hai kẻ thù là đội quân miền Bắc xâm lược và những hệ lụy đến từ phong trào phản chiến nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở Mỹ. Phong trào phản chiến được giật dây và kích động bởi đảng Cộng Sản Mỹ và nhóm thiên tả. Nó được khơi dậy vào năm 1960 và lên đến đỉnh điểm vào năm 1968 với cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, do Cộng Sản miền Bắc phản bội hiệp ước đình chiến để người dân ăn Tết. Cuộc tổng tấn công bất ngờ này của quân Cộng Sản đã để lại những tàn phá và thương vong lớn trên các thành phố của miền Nam, nhất là Huế nơi có những mồ chôn tập thể với những cái chết đủ kiểu: bị bắn bằng súng, bị vật cứng đập vào đầu, ngay cả bị chôn sống… Nạn nhân gồm quân, cán cũng như thường dân vô tội ở Huế. Và tuy Cộng Sản miền Bắc thảm bại về mặt quân sự, nhưng họ lại đạt thắng lợi về mặt tâm lý, dư luận nơi dân chúng Mỹ. Nó thúc đẩy phong trào phản chiến bùng lên mạnh mẽ. Họ liên tục tổ chức những cuộc biểu tình từ ôn hòa đến bạo động ở khắp nơi trên đất Mỹ, và họ đã đạt được 2 thắng lợi lớn: làm cho dân chúng Mỹ càng cảm thấy mệt mỏi, thất vọng với cuộc chiến ở miền Nam, một cuộc chiến mà dân chúng cho là Mỹ đã bị sa lầy, và khiến Quốc Hội Mỹ càng có quyết tâm hơn trong quyết định hạn chế, rồi ra đạo luật cấm hẳn việc viện trợ cho chính quyền miền Nam Việt Nam vào cuối năm 1974.

Đứng trước tình trạng trong nước bất ổn và thất lợi như vậy, chính quyền tổng thống Nixon biết nếu không giải quyết ổn thoả, thì sẽ không có hy vọng đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2. Cho nên tổng thống Nixon và bộ tham mưu phải thay đổi đối sách: tìm cách bắt tay làm hoà với Trung Cộng để vừa có thể mở rộng thị trường kinh tế, vừa có thể dễ dàng rút lui trong… danh dự. Thế là hiệp ước Paris ra đời (1.1973), một hiệp ước hoàn toàn bất lợi cho miền Nam, nhưng tổng thống Thiệu vẫn bị tổng thống Nixon ép phải ký.

Ai cũng hiểu việc Mỹ cắt đứt nguồn viện trợ và hiệp ước Paris 1973 chính là bản án tử cho chế độ miền Nam!

Theo những kẻ phản chiến thời gian trước 1975 và nay phản ánh nơi bộ phim tài liệu ‘The Vietnam War’ thì việc Mỹ tham chiến ở miền Nam chống lại đội quân xâm lược miền Bắc là hành động sai lầm, phi đạo đức, là ủng hộ sai phía, vì chính phủ Việt Nam Cộng Hoà tham nhũng, bất xứng.

Những nhận định trên cần phải được xét lại.

Chúng ta công nhận ở miền Nam Việt Nam có tệ trạng tham nhũng, tham nhũng nhiều. Thực ra, vì phải sống trong hoàn cảnh chiến tranh triền miên với những khó khăn thực tế, thì chuyện có những viên chức lợi dụng quyền thế để làm lợi riêng, hay có người hối lộ quan chức.v.v. là điều cũng dễ hiểu. Nhưng tệ nạn tham nhũng, hối lộ ở miền Nam lúc đó vẫn chưa đạt tới mức đáng sợ như ngày nay, ngày người dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được sống trong hoà bình, thống nhất, không còn chiến tranh, nhưng tham nhũng đang lan tràn mọi nơi như chứng ung thư di căn đã tới hồi lâm nguy. Nó lan đi từ cấp bậc cao nhất nước, tới những nhân viên làm công việc thay mặt nhà nước Việt Nam chào đón khách tại ‘cửa nhà’ là các phi trường quốc tế; Từ bệnh viện là nơi các ‘lương y như từ mẫu’ cứu chữa người dân bệnh tật, nhưng nếu không thông qua thủ tục ‘đầu tiên’ tức ‘tiền đâu’, thì cũng bị mời ra ngoài đường chờ; Tới những sinh viên ra trường muốn có việc làm, thì thủ tục ‘đầu tiên’ cũng không thể thiếu cho đa số trường hợp; Và ông lãnh đạo nào muốn có bằng tiến sĩ để hù thiên hạ, thì chỉ cần trả lời đúng câu hỏi ‘đầu tiên’ là sẽ… đậu.

Chức vụ càng cao, tham nhũng càng ‘khủng,’ càng siêu ‘khủng’.

Điều này cho thấy, nếu phải sống trong hoàn cảnh như chính quyền miền Nam trước 1975, thì tình trạng tham nhũng, hối lộ của những người Cộng Sản cũng sẽ chẳng thua gì, mà có lẽ còn trầm trọng hơn nhiều.

Còn việc nước Mỹ và những nước bạn khác của miền Nam Việt Nam ủng hộ và giúp đỡ chúng ta để chống lại đội quân Cộng Sản miền Bắc xâm lăng, là điều hợp lý và có chính nghĩa. Vì thế mà chính phủ Mỹ và các nước bạn đã công khai hỗ trợ, chứ không lén lút, che dấu như mèo dấu cứt của Tàu Cộng và Nga trong việc họ hỗ trợ tối đa cả về vũ khí và nhân sự cho quân đội miền Bắc. Năm 1989, Trung Quốc lần đầu tiên thừa nhận đã gửi 320,000 quân qua tham chiến ở Việt nam trong năm 1960–1970 và viện trợ cho Hà Hội 20 tỉ đôla, Liên Sô gửi 5,000 quân và viện trợ 11,5 tỉ đôla, Bắc Hàn gửi 30,000 quân.v.v. Vậy mà trong suốt cuộc chiến, Trung Cộng đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc của Mỹ rằng binh lính của họ đang tham chiến ở Việt Nam! Như thế, nó cho thấy việc chính quyền Cộng Sản miền Bắc đem quân đánh miền Nam là một hành động xâm lăng với ý đồ nhuộm đỏ cả nước Việt Nam và rồi đến toàn vùng Đông Nam Á, theo kế hoạch của Quốc Tế Cộng Sản.

Khi đề cập đến chiến thắng của cuộc chiến này, người Cộng Sản miền Bắc luôn gọi đó là cuộc giải phóng miền Nam. Một âm điệu nghe thật buồn cười và đầy mỉa mai! Giả như quân đội Việt Nam Cộng Hoà đánh thắng quân Cộng Sản miền Bắc để thống nhất đất nước, thì đó mới là một cuộc giải phóng đúng nghĩa và phước lành cho dân tộc Việt.

Mọi người đều hiểu từ ‘giải phóng’ có nghĩa: người sống trong tự do giải phóng người không có tự do như trường hợp giải phóng nô lệ, giải phóng người bị tù đày, áp bức, giải phóng người nghèo thoát cảnh nghèo đói. Chỉ có người khùng, người điên, mới nói ngược lại.

Các cán binh bộ đội miền Bắc khi vượt Trường Sơn gian khổ, đều mang theo lý tưởng cao đẹp là đi giải phóng cho người dân miền Nam bị áp bức, kìm kẹp: “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, như lời tuyên truyền của đảng Cộng Sản. Đến khi vào tới Sài Gòn hay các thành phố khác của miền Nam, họ mới ngã ngửa ra, vì biết mình đã bị đảng lừa bịp từ bấy lâu nay. Tiến sĩ Lê Hiển Dương được cho vào Nam với nhiệm vụ: “… mang ‘ánh sáng’ văn hóa vào cho đồng bào miền Nam ruột thịt bao năm qua sống trong u tối lầm than, vì cứ liên miên bị Ngụy kìm Mỹ kẹp, chứ đâu có học hành gì?” Khi tới thị trấn Cao Lãnh để nhận nhiệm sở, ông được ở trong khách sạn Thiên Lợi. Đây là cảm tưởng của ông:

“Chúng tôi đi từ choáng ngợp này đến choáng ngợp khác, bởi đây là lần đầu tiên chúng tôi biết được thế nào là ‘khách sạn’, biết được thế nào là ‘lavabo’, bởi cả thành phố Vinh, cả tỉnh Nghệ An chúng tôi hay thậm chí cả miền Bắc XHCN lúc bấy giờ chỉ sử dụng hố xí lộ thiên, để còn dùng nguồn ‘phân Bắc’ này để canh tác, để tăng gia sản xuất theo sáng kiến kinh nghiệm cấp nhà nước của đại tướng Nguyễn Chí Thanh…”

Khi so sánh nếp sống quá khác biệt giữa hai miền Bắc Nam, ông nói:

“Tôi bắt đầu nghi ngờ cụm từ ‘giải phóng miền Nam’… Rồi những trận đổi tiền để đánh tư sản, rồi nhiều nhà cửa của đồng bào bị tịch biên, rồi hàng triệu đồng bào bắt đầu bỏ nước ra đi, nhiều giáo sinh của trường chúng tôi cũng vắng dần theo làn sóng đi tìm tự do đó… Tôi bắt đầu hiểu về cụm từ ‘giải phóng miền Nam!’ và bắt đầu cảm thấy xấu hổ cho bao nhiêu năm sống trong niềm ảo vọng mù quáng của bản thân…” Nhà văn phản tỉnh Dương Thu Hương lúc đó không còn bước đi nổi. “Bà đã ngồi xuống vỉa hè ôm mặt khóc như cha chết, vì nhận ra rằng, kẻ thắng trận là một chế độ man rợ hơn người thua”. Bà cảm thấy cay đắng vì “cái đẹp phải tan nát, và nền văn minh phải qui hàng”. Còn nữa, đây cảm tưởng của thi sĩ nổi tiếng miền Bắc là Phan Huy, khi ông vào tới Sài Gòn:

“Tôi đã vào một xứ sở thần tiên.
Nếp sống văn minh, dân khí dịu hiền.
Cơm áo no lành, con người hạnh phúc.
Tôi đã ngạc nhiên với lòng thán phục.
Mở mắt to nhìn nửa nước anh em
mà đảng bảo là bị lũ nguỵ quyền
áp bức, đoạ đày, đói ăn, khát uống.
Trước mắt tôi, một Miền Nam sinh động.
Đất nước con người dân chủ tự do….
Đến Sài Gòn, tưởng say men chiến thắng
nào ngờ đâu sụp đổ cả niềm tin.
Khi điêu ngoa dối trá hiện nguyên hình
trước thành phố tự do và nhân bản.”

Thật vậy, khi nhìn các chú bộ đội với khuôn mặt ngơ ngác trước cảnh phồn vinh và nếp sống văn minh của người dân miền Nam, mà thương cho những mảnh đời xuân xanh bị cấp lãnh đạo lợi dụng, dìm trong tăm tối. Có biết bao thanh niên nam nữ miền Bắc phải bỏ thây uổng phí trên Đường Mòn Hồ Chí Minh và những nơi khác cho tham vọng bất nhân, bất chính của ông ta và bè lũ, vì chính Tổng Bí Thư Lê Duẫn đã tuyên bố “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc”. Thi sĩ Phan Huy thốt lời oán hận:

“Tôi đã khóc ròng đứng giữa thủ đô
Giận đảng giận đoàn bao năm phỉnh gạt”

Sau 1975, chúng tôi có dịp tới Sài Gòn và ghé thăm người bạn thân tên T. Trong lúc trò chuyện, chị H, vợ  anh T, kể cho chúng tôi về người em ở miền Bắc của anh T. vào Nam thăm anh: Chú ngồi trên chiếc ghế xoay đặt bên dàn nhạc hi-fi. Hai tai đeo headphone, chú vừa nghe nhạc vừa đu đưa chiếc ghế, kéo gân cổ văng tục:

– Đ…é…o mẹ, dân miền Nam sướng thật. Nghe nhạc mà cứ y như phi công ngồi lái máy bay vậy!

Còn những câu chuyện tương tự nghe được ở ngoài đường, trong các quán caf ê thì nhiều và dài như Đường Mòn Hồ Chí Minh, như chuyện kể có chú bộ đội vì chưa biết TV là cái gì, nên khi được hỏi ở ngoài Bắc có TV không, chú liền ‘nổ’ như AK-47:

– Ố…i giời, ngoài Bắc thì T.V, ôtô đi đầy đường.

Như thế, người miền Bắc giải phóng cho người miền Nam, hay người miền Nam khai phóng cho người miền Bắc, thưa ông Ken Burns và bà Lynn Novick?

Người ta không thể cho đi cái người ta không có!

Cứ thế, tới nay cuộc ‘giải phóng’ đã đem lại những gì cho nước Việt Nam sau 43 năm cầm quyền của đảng Cộng Sản?

Dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản, Việt Nam luôn bị trì trệ cả về kinh tế, chinh trị, văn hoá, xã hội. Mảnh đất hình chữ S thân yêu đang bị kẻ thù phương Bắc cắt xén từ đất liền đến biển cả. Đất liền đã bị mất trên 15,000km2, biển đang bị thu hẹp lại, khởi đi từ công hàm 1958 của thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ngày nay, ngư dân Việt ra khơi  đánh cá tại vùng biển Việt Nam vẫn thường bị “tàu lạ” tấn công, đánh chìm.

  1. Về kinh tế: Vừa khi chiếm được miền Nam, người Cộng Sản liền ra tay triệt hạ, phá sập nền kinh tế có sẵn của chế độ miền Nam tự do: đánh tư bản, diệt ‘phú hào’ qua hành động đổi tiền, cướp của cải, cướp nhà cửa, lùa dân đi vùng kinh tế mới, bắt các tinh hoa của miền Nam là quân, cán, chính vào các trại tù lao động khổ sai, nhưng được nấp dưới tên hiền lành ‘trại học tập cải tạo’ và lừa dối là chỉ học tập một vài ngày, nhưng thực ra là từ trên 1 năm tới 17 năm, không cần toà án. Có những người được mệnh danh ‘người tù thế kỷ’. Số người chết trong các ‘trại học tập cải tạo’ là trên 165,000 người, đúng như tuyên bố của Tổng Bí Thư Đỗ Mười: “Nhà chúng nó ta lấy, vợ chúng nó ta xài, con lũ chúng ta sai. Và… chúng nó thì cứ đày đi cho mất xác”.

Theo các chuyên viên Liên Hiệp Quốc về kinh tế, thì Việt Nam tụt hậu hơn 50 năm về kinh tế, vì các chính sách đánh tư bản này của Cộng Sản Hà Nội. Việt Nam là quốc gia nghèo đứng hàng thứ 3 trên thế giới vào năm 1985. Còn kinh tế ngày nay?  Ông cán bộ Bùi Tín trong bài “43 năm sau 30/4 đất nước hiện ra sao?” đã kêu gọi mọi người cùng góp ý, để:

“đưa đất nước ra khỏi bế tắc và lạc hậu hiển nhiên hiện nay… Về thu nhập quân bình đầu người, Việt Nam còn cách xa Thái Lan và Indonesia… Nghĩ mà đau. Nghĩ mà buồn. Đất nước mình kỳ quá phải không anh? Bài thơ cô giáo Trần Thị Lam xoáy sâu vào tấm lòng quặn đau của mỗi công dân”.

Kinh tế Việt Nam cũng phải dựa vào số tiền trên 10 tỉ đôla từ trời rơi xuống hàng năm, tức của người Việt nước ngoài gửi về. Có người cho rằng, chỉ cần mọi người Việt nước ngoài ngưng gửi đôla về Việt Nam một tuần lễ thôi, hậu quả sẽ thấy ngay.

  1. Về an ninh quốc gia, sự vẹn toàn lãnh thổ dường như đang tuột khỏi tầm kiểm soát của nhà nước Cộng Sản Việt Nam, vì Tàu Cộng đã xâm nhập được vào mọi cơ quan, ban ngành của chính quyền Việt Nam, từ các cấp cao của chính quyền, đến cơ quan tình báo, quân đội, kinh tế. Dưới sức ép của Trung Cộng, nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã để cho các công ty Trung Cộng trúng thầu các công trình lớn như Boxit, Formosa và đã, đang để lại những hậu quả tai hại cho môi trường. Quân đội Tàu Cộng dưới dạng công nhân đã lập nên những khu tự trị và không cho phép bất cứ người Việt Nam nào bén bảng đến gần. Bộ chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam đã cho Tàu Cộng thuê dài hạn những vùng đất và rừng có vị trí chiến lược quan trọng. Sự kiện mới nhất là luật Đặc Khu Kinh Tế với kế hoạch cho Tàu Cộng thuê dài hạn 3 vùng hiểm yếu của nước Việt Nam là Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh (đầu tỉnh miền Bắc), Bắc Vân Phong tỉnh Khánh Hoà (miền Trung) và Phú Quốc tỉnh Kiên Giang (tình cuối miền Nam). Hành động Hán nô quá lộ liễu này của bè lũ Công Sản Việt Nam đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt của dân chúng trong và ngoài nước qua những cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra ở mọi nơi. Nhà nuớc Cộng Sản Việt Nam còn ra luật An Ninh Mạng để bóp nghẹt tự do internet và tự do ngôn luận của người dân.

Ngày nay, người dân Việt đang đặt ra 2 câu hỏi cho ban lãnh đạo đảng Cộng Sản: Nội dung Hiệp Ước Thành Đô 1990 là gì, và cái thây chết đặt ở quảng trường Ba Đình là Hồ Chí Minh Việt hay Hồ Chí Minh Tàu giả dạng? Một Hồ Chí Minh chưa bao giờ thấy mặc bồ đồ quốc phục Việt Nam, dù chỉ một lần, nhưng lại ưa mặc bộ đồ 4 túi kiểu Mao Trạch Đông. Một Hồ Chí Minh, nghe nói trước khi chết, muốn được thưởng thức lần cuối một bài hát bằng tiếng Tàu. Một Hồ Chí Minh chỉ mong sau khi ’qui tiên‘ được gặp cụ Mao và Lelin, chứ không mong gặp tổ tiên và các vị anh hùng nước Việt.

Những ai hiểu Cộng Sản đều tin họ không dám công bố DNA cái ‘phao cứu mạng’, ‘ông thần tài’ của họ. Còn nếu muốn biết nội dung hiệp ước Thành Đô, xin đọc đoạn nhận định của ông Bùi Tín, cũng trong “43 năm sau 30/4, đất nước hiện ra sao?”:

“… hàng triệu con em người Việt của các bên bị hy sinh đã bị ban lãnh đạo Cộng Sản thay thế bằng chế độ “Bắc thuộc mới” qua cuộc mật đàm Thành Đô tháng 9.1990. Từ đó đến nay đất nước bị gặm nhắm có hệ thống, từ đất liền, vùng biển, hải đảo, người Trung Quốc hầu như tự do nhập vào biên giới, mang nhân dân tệ hình Mao cùng mọi thứ hàng hóa, hàng giả, hàng dỏm, hàng cấm, hàng độc hại tràn ngập đất nước ta. Chúng có mặt khắp nơi, trồng rừng quy mô lớn, khai thác nhiệt điện, thủy điện, các mỏ quặng bô-xít phân đạm, tàn phá môi trường ven biển, lập phố xá, cửa hàng cửa hiệu như ở quê hương chúng.

“Không ít trong số ấy là tội phạm lưu manh bất lương đe dọa an ninh nhân dân ta. Bộ xậu lãnh đạo Việt Nam phải ngậm bồ hòn làm ngọt, coi bọn xâm lược láo xược hung hãn phương Bắc như bạn thân quý nhất, như ông chủ đáng kính sợ nhất. Nền độc lập dân tộc bị mất dần mòn là nguy cơ lớn nhất, là mối ô nhục lớn nhất của người Việt hiện nay, không một ai có thể cho qua“.

  1. Về văn hoá, giáo dục: Vì giáo dục không được dựa trên căn bản văn hóa dân tộc mà dựa trên văn hoá ‘lai căng’ là chủ nghĩa Cộng Sản, một chủ nghĩa đã bị thế giới vất vào xọt rác từ lâu, một chủ nghĩa mà thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, lãnh tụ cũ của Cộng Sản Đức phát biểu: “Chủ nghĩa Cộng Sản sản xuất ra những con người dối trá”. Phát biểu của bà thủ tướng Đức thật chí lý, vì học đường là nơi đào tạo những công dân tương lai cho đất nước. Vậy mà Bộ Giáo Dục lại đem cái dối trá mãn tính của Cộng Sản vào giáo trình, như dạy các em ‘sống và học tập theo gương bác Hồ vĩ đại,’ thì làm sao các mầm non của đất nước không bị lây nhiễm thói dối trá, giả hình của ông ta: Hồ Chí Minh đã có nhiều vợ, nhiều nhân ngãi, nhưng vẫn nói mình còn độc thân, vui lòng hy sinh hạnh phúc riêng để có thể toàn tâm lo cho dân cho nước. Ông ta còn giả làm người khác để viết sách tự đề cao mình, nâng mình lên hàng ‘cha già dân tộc’.v.v. Môn sử của nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa là loại sử đã bị cắt xén, sửa đổi cho phù hợp với ý đồ đen tối của nhà nước. Ra khỏi nhà trường, các em đối diện với những ‘đầy tớ nhân dân’ nói dối như cuội, như đại tá Quân Đội Nhân Dân Nguyễn Khải viết trong tác phẩm ‘Đi tìm cái tôi đã mất’ của ông: “Nói dối, nói dối hiển nhiên không cần che đậy… Nói dối lem lẻm, nói dối lì lợm, nói dối không biết xấu hổ, không biết run sợ…”

Sống trong một môi trường đạo đức suy đồi như vậy, thử hỏi làm sao không sản sinh ra những học sinh đánh thày cô giáo, nữ sinh đánh lộn, lột quần áo nhau ở ngoài đường, băng đảng lộng hành, động điếm thi nhau mọc lên cùng với nạn bắt cóc trẻ em để bán nội tạng, nạn buôn bán người. Theo báo cáo của bộ công an, năm 2014, nhà nước đã khởi tố 77,913 vụ án với 121,039 bị can. Ngày nay, Việt Nam là nước có tỉ lệ phạm pháp cao nhất Đông Nam Á. Những người có điều kiện như du học sinh, chiêu đãi viên hàng không thì thường ăn cắp đồ trong các siêu thị ở Nhật, Thái Lan, Đức.v.v. Nhiều người Việt đi du lịch nước ngoài, rồi trốn không chịu về nước, thiếu nữ Việt mơ ước lấy chồng Đài Loan, Hàn, Phi để thoát khỏi ‘thiên đàng Xã Hội Chủ Nghĩa’, đúng như lời rỉ tai trong dân gian, ‘cái cột đèn nếu biết đi, nó cũng bỏ nước ra đi’.

Thời gian đã chín mùi. Những người Cộng Sản trước kia kích động đám dân nghèo nổi lên giúp họ cướp chính quyền. Khi quyền lực đã ở trong tay, họ trở thành những nhà ‘tư bản đỏ’, ‘triệu phú đỏ’, ‘tỉ phú đỏ’ mà bỏ rơi dân nghèo, thì rồi cũng chính người dân nghèo khổ sẽ vùng lên kéo cổ họ xuống, đạp họ dưới chân.

Trên đây là vài nét đan thanh góp phần phản bác lại bộ phim “phản tài liệu” của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick. Hy vọng sẽ có nhiều tác giả với những bài tham luận giá trị, để xóa tan làn khói đen sai lạc của ‘The Vietnam War’, giải độc dư luận và làm sáng tỏ chính nghĩa của chính quyền miền Nam Việt Nam, trả lại danh dự cho tập thể chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Chúng ta cũng được biết dự luật SB 895 do thượng nghị sĩ Janet Nguyễn đệ trình, đã được Quốc Hội California thông qua và ngày 22.9.2018 được Thống Đốc Jerry Brown ký ban hành Đạo Luật. Đạo luật này đòi hỏi Ủy Ban Soạn Thảo Giảng Dạy thiết lập Chương Trình Giảng Dạy, nhằm đưa những câu chuyện trung thực từ các nhân chứng Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và kinh nghiệm của người Tỵ Nạn Việt Nam cho học sinh từ lớp Mẫu Giáo lên tới lớp 12 của tiểu bang California. Hy vọng đạo luật SB 895 sẽ góp phần làm cho phần sử liệu liên quan đến cuộc chiến Bắc-Nam được khách quan, trung thực.

Thomas Nguyễn
Bankstown, Sydney Australia.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.