Xã hội

Món ngon Sài Gòn: Phở

Nguyễn Ngọc Chính

 

Có nhà văn nào đó cho rằng khi viết về ẩm thực bụng phải đói mới “lột tả” hết cái ngon của món ăn.Tôi rất tâm đắc với ý kiến này. Hồi còn trong trại tù cải tạo, cái bụng lép kẹp lúc nào cũng sôi ùng ục, tôi và vài người bạn tù có “tâm hồn ăn uống” vẫn thường kể cho nhau nghe những món khoái khẩu của mình. Ăn “hàm thụ” sao mà ngon thế. Phải nói ngon gấp nghìn lần ăn… thực thụ!

Thời cải tạo qua đi nhưng thời điêu linh lại kéo tới. Vào thời đó, cái để đút vào mồm chỉ toàn khoai mì chạy chỉ với bo bo, còn được mệnh danh là… cao lương. Ngồi nhấm nháp cao lương mà cứ tức anh ách. Ai đó đã khéo chơi chữ mà đặt tên, mỉa mai không khác gì cái món “mầm đá” của ông vua ngày xưa!

Nhưng rồi cũng qua đi cái thời ăn để mà sống, người ta bỗng nhớ đến thời… sống để mà ăn ở Sài Gòn hoa lệ ngày nào.

Theo tôi, một trong những món ngon đó phải kể đến phở. Mặc dù phở có xuất xứ từ miền Bắc nhưng phở Sài Gòn thường ăn kèm với giá, ngò gai, húng quế vẫn ngon hơn phở Hà Nội thiếu hẳn các loại rau thơm mà lại không có giá. Vào đến Sài Gòn ngày xưa có con đường tên Turc (Thổ Nhĩ Kỳ), một đầu là đường Tự Do (Catinat), đầu kia là đường Hai Bà Trưng (Paul Blanchy). Tiệm Phở Bắc được bán trong khuôn viên nhà thờ Hồi Giáo này, nên có tên là Phở Turc.

Sài Gòn 1954, lúc người Bắc mới vào Nam, những tiệm Phở Bắc hãy còn đếm được trên đầu ngón tay. Ðó là mấy tiệm Phở Thịnh đường Gia Long, Phở Turc đường Turc, Phở Minh đường Pasteur và Phở 79 ở đường Frère Louis (sau này đổi tên thành đường Võ Tánh và đến 1975 lại đổi thành Nguyễn Trãi thuộc quận 1).

Ngay bên hông rạp Casino có một hẻm nhỏ, đi vào hẻm đó là một dẫy nhà, đa số là nhà dân Bắc Kỳ di cư sớm, từ những năm 1920. Tiệm Phở Minh nằm ở dãy nhà đó.

Phở Minh có cả phở bò lẫn phở gà nhưng đặc biệt hơn cả còn có bài thơ do thi sĩ Trần Rắc đề tặng. Bài thơ được cắt chữ, đóng khung kính, treo trên tường. Bài thơ Ðường Luật có 4 câu đầu như sau:

Nổi tiếng gần xa khắp thị thành,
Trần Minh Phở Bắc đã lừng danh
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn,
Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh.

Thi sĩ Trần Rắc chính là ông chủ tiệm giày Trần Rắc đường Lê Thánh Tôn, gần Khám Lớn Catinat năm xưa. Tiệm giầy Trần Rắc, và cả mấy tiệm giầy ở đường này, đều có cửa sau đi vào hẻm “ẩm thực” Casino.

Việt Nam ta đúng là… ra ngõ gặp nhà thơ. Ðến như ông chủ tiệm giày cũng có thể làm thơ về phở chứ chưa dám nói đến Tản Ðà là người viết nhiều về nghệ thuật ăn uống!

Trên đường Mạc Ðĩnh Chi (Massiges), gần bên hông Tòa Ðại Sứ Mỹ, còn có phở Cao Vân, dù tiệm phở này không nằm trên đường Trần Cao Vân (Larclause) cách đó không xa. Theo tôi, phở Cao Vân (25 Mạc Ðĩnh Chi) chỉ thuộc loại “thường thường bậc trung” nhưng được nhắc tới cùng với phở Minh vì Cao Vân cũng có một bài thơ ca tụng phở của thi sĩ Tú Mỡ được viết bằng sơn ngay trên tường.

Trong các món ăn Quân Tử Vị
Phở là quà đáng quý trên đời.

Chủ của phở Cao Vân ngày nay là một ông cụ Bắc Kỳ hom hem theo năm tháng. Ông không còn đứng ra nấu phở nhưng chiều chiều thường ngồi nhậu lai rai với các “chiến hữu” để hưởng nhàn!

…Trên đường Pasteur có Phở Hòa, khá nổi tiếng. Ban đầu, lúc khai trương năm 1960, tiệm phở này mang tên Hòa Lộc. Có lẽ sau này khách ăn cứ gọi tắt là Hòa nên Hòa Lộc biến thành Hòa theo kiểu gọi tên một chữ cho dễ nhớ thường thấy ở các tiệm phở (?). Phở Hòa chỉ chuyên loại phở bò, nếu vào đây mà tìm tô phở gà thì không có. Khách phải chịu khó ra đường Hiền Vương (bây giờ đổi tên là Võ Thị Sáu), đến tiệm Hương Bình, “chuyên trị” phở gà.

Nói đến phở Sài Gòn tại khu vực trung tâm, phải nói đến tiệm Phở 79, ngay tại số nhà 79 trên đường Võ Tánh. Khoảng năm 1952, tiệm Phở 79 mở cửa, khi đó nền nhà của tiệm còn thấp hơn mặt đường. Chỉ vài năm sau tiệm phát đạt, chủ nhân mua hai nhà bên cạnh, mở lớn thành tiệm Phở 79 khang trang và có thể nói là một trong những tiệm phở sạch nhất Sài Gòn thời đó.

Trường Sinh ngữ Quân đội có chi nhánh ở đường Nguyễn Văn Tráng rất gần với Phở 79 tại khu vực Ngã Sáu Sài Gòn. Ðám giảng viên chúng tôi thường xuyên ăn sáng, ăn trưa và cả ăn tối mỗi khi “ứng chiến” tại trường.

Phở tại đây được đánh giá là… “ăn được.” Nếu ai “ăn không được” thì chịu khó đi thêm vài bước ra Ngã Sáu, nơi đây có đủ các món ăn chơi thuộc loại bình dân, từ phở, hủ tíu cho đến mì và có cả xe… bánh mì mua về trường nằm gặm trong những đêm ứng chiến!

Gần ngã tư Phú Nhuận có phở Quyền trên đường Võ Tánh (thuộc quận Phú Nhuận), cách cổng phụ của Tổng Tham Mưu chừng 100 mét. Tôi thường ghé ăn nơi đây mỗi khi về trụ sở chính của trường sinh ngữ trong Tổng Tham Mưu. Nước phở ở đây rất đậm đà, vị ngọt là của xương ống chứ không phải vì bột ngọt. Phở Quyền còn có cả món “tái sách tương gừng” được xếp vào loại… trứ danh.

Con cháu của một số gánh phở nổi tiếng Hà Nội đã vào Nam lập nghiệp năm 1954, trong cơ hội lịch sử này có phở Tàu Bay. Vốn là quán phở do ông nội mở vào 1950 ở Hà Nội, khi di cư vào Nam, ông chủ quán được người bạn thân tặng cho chiếc mũ bay. Ông thường xuyên đội nó, khách thấy lạ, gọi ông “Tàu Bay” rồi chết tên thành tên quán.

Phở Tàu Bay ở đường Lý Thái Tổ ngày nay vẫn bán và khách quen ngày nào vẫn chịu khó mò đến đây để tìm lại hương vị đặc thù. Phải nói Phở Tàu Bay rất… hiếu khách. Gọi thêm nước béo, nhà phở đem ra cả tô chứ không bằng chén nhỏ như những tiệm khác. Tô đặc biệt của Tàu Bay lại là tô “Xe Lửa,” bánh và thịt trên mức hậu hĩnh.

…Kể từ khi người Bắc di cư vào Nam, tiệm phở đánh bạt các tiệm hủ tíu, vốn là món “đặc sản” của miền Nam. Các tiệm hủ tíu nổi tiếng Sài Gòn phải kể đến hủ tíu Thanh Xuân đường Tôn Thất Thiệp (gần chùa Chà Và), hủ tíu Phạm Thị Trước ở đường Lê Lợi (khúc gần Pasteur), hủ tíu Gà Cá ở đường Hàm Nghi gần khu Ngân hàng Quốc gia và hủ tíu Thanh Thế trên đường Nguyễn Trung Trực…

 

Nguồn: Internet

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.