Xã hội

Gửi ông Giáo sư Bùi Hiền

Nguyễn Văn Thanh

 

Nhiều ngày qua, tôi thấy mạng xã hội lại “nổi sóng”, một con sóng cao điên cuồng, như muốn dập vùi cái sự ngu muội, dốt nát cùng sự đáng khinh bỉ của một người mang học hàm giáo sư cùng học vị tiến sĩ mà lại có một công trình nghiên cứu “điên”. Tôi đọc và nghe khá nhiều về chuyện chữ viết đang gây tranh cãi. Tôi không muốn nói gì đâu, vì tôi chẳng là “người của công chúng.” Thế nhưng hôm nay thứ Bảy, tôi cũng có chút thời gian rảnh nên quyết định bày tỏ đôi lời để sau này khi đã chết đi con cháu đời sau nó không lôi lên để chấp vấn về sự im lặng và để ông giáo khỏi nói tôi và nhiều người khác dám nói mà không dám ra mặt. À quên, tên tôi là Thanh, họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thanh, người Làng Thượng, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Nói đến vùng Diễn Châu thì chắc giáo sư cũng biết nhiều thứ nổi tiếng, trong đó có cách phát âm vì “dân Diễn Châu nhà cháu phát âm chuẩn cực.” Và nếu ông giáo sư hay bạn bè giáo sư, tiến sĩ của ông có ngọng về một số âm của tiếng Việt thật thì về mấy em học tiểu học ở Diễn Châu nó dạy cho cách phát âm.

Thưa ông giáo sư, cũng là một người đã từng học văn, mặc dù đến giờ tôi chẳng còn nhớ nổi ngày tháng năm sinh của một tác gia hay tác giả văn học nào đó của Việt Nam, tôi vẫn còn ghi nhớ được cái hay cái đẹp và cái hồn của tiếng Việt. Và trước khi kết thúc Chương trình học Phổ thông, tôi đã được thầy cô dạy rằng: “Chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”. Nghĩa là:

– Mỗi cá nhân nói và viết cần có ý thức tôn trọng và yêu quý Tiếng Việt.
– Có thói quen cẩn trọng, cân nhắc, lựa lời khi sử dụng Tiếng Việt để giao tiếp sao cho lời nói phù hợp với nhân tố giao tiếp để đạt hiệu quả cao nhất.
– Rèn luyện năng lực nói và viết theo đúng chuẩn mực.
– Loại bỏ những lời nói thô tục, kệch cỡm pha tạp, lai căng không đúng lúc.
– Biết cách tiếp nhận những từ ngữ của nước ngoài.
– Biết cách làm cho Tiếng Việt phát triển.

Tôi tự hỏi nghĩ, một người bình thường như tôi, một đứa trẻ ranh thuộc “đám quần chúng không biết gì” còn thấy được điều tốt đẹp nơi tiếng Việt như thế mà tại sao một người trán cao, học rộng, hàm to như ông lại không nhận ra nhỉ? Phải chăng ông không phải là con dân đất Việt?

Trở lại vấn đề với “ý tưởng điên rồ” cải cách tiếng Việt của ông, tôi muốn nói đôi lời thế này. Ông đã cố gắng, cương quyết để nghiên cứu một dạng chữ viết mới cho tiếng Việt, thứ chữ viết mà nếu được thông qua, sẽ làm cho dân tộc chúng tôi bị ngọng toàn tập, phát ngôn tục tĩu, ăn nói thiếu chuẩn mực và phá hoại văn hóa của cha ông chúng tôi đã cất công xây dựng trong suốt một chặng đường dài đã qua.

Thưa ông giáo sư, tôi nghĩ có lẽ ông chuyên về ngôn ngữ nhiều ngày, dài tháng và lâu năm quá nên toán học của ông lúc này đã thua một đứa học sinh tiểu học. Tại sao tôi nói vậy? Ông đã nói thế này, nếu viết thứ ngôn ngữ mới theo “kiểu” của ông sẽ tiết kiệm được 8% sự lãng phí về thời gian, giấy mực, công sức,….. Cảm ơn ông đã vò đầu bóp trán, bứt tóc để chỉ làm một phép tính đơn giản như vậy. Ông có nghĩ đến nếu thay đổi tiếng Việt như ông nói sẽ dẫn đến hậu quả nào không? Để tôi chỉ cho ông thấy. Nếu cái loại chữ “điên khùng” của ông được sử dụng thì: “Toàn bộ sách báo hơn một trăm năm qua không thể đọc được, muốn đọc phải học lại chữ cũ, hoặc lại phải phiên dịch lại theo chữ viết mới mới đọc được. Thế là cắt đứt các mối liên hệ với văn hoá mà người Việt đã tích luỹ được trong hơn một thế kỷ. Người Việt ở các nước trên thế giới đều phải học lại tiếng Việt. Toàn bộ giấy tờ công văn, luật pháp, nghị quyết… đều phải viết lại theo chữ mới. Muốn làm được việc đó lại phải tốn kém không biết bao nhiêu là tiền. Lại phải viết lại toàn bộ sách giáo khoa, các văn kiện theo chữ mới, cả nước đều phải làm chứng minh thư, hộ khẩu mới, khắc dấu lại, các sứ quán Việt Nam trên thế giới phải thay đổi chữ viết. Tóm lại là làm hại công quỹ, thì giờ, công sức một cách vô ích. Mọi nghiên cứu khoa học đều phải có mục đích nhân văn, kinh tế, xã hội. “ Đề xuất của ông, tôi cũng nghĩ như ai đó đã viết, vì trình độ hiểu biết của giáo sư về “xã hội, văn hoá và kinh tế quá thấp kém”. Nghiên cứu của ông nếu được thông qua “sẽ gây tác hại rất to lớn cho đất nước. Nó là sự huỷ hoại văn hoá.” lâu năm của cả một dân tộc.

Tiết kiệm ư? Nếu ông biết nghĩ đến việc tiết kiệm thời gian, công sức thì ông đã không mất đến 40 năm để làm một câu việc điên rồ, thiếu khoa học và mang tính “hủy hoại văn hóa” của người Việt Nam như vậy. Không những thế, ông đã khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng lo lắng, mất ăn mất ngủ vì sợ phải tốn tiền, mất thời gian đi học lại lớp Một cùng lúc với con em của họ. Thứ chữ mà ông mất 40 năm nghiên cứu đã làm cho cả một dân tộc phải mất thời gian lo lắng cũng chỉ vì một người dở hơi như ông. Khi làm việc tri thức mà còn tính đến chuyện tiết kiệm thời gian để “chạy chỉ tiêu” thì tác phẩm sinh ra chẳng khác nào “đứa trẻ sinh non”. Tôi nói vậy chắc ông đủ hiểu.

Còn xét về văn chương, chữ nghĩa, ông nói: Chữ viết không gắn liền với nghĩa thì ông viết ra để cho ai đọc? Người hay động vật đọc đây? Chữ mà không gắn liền với nghĩa thì đọc sách, đọc tiểu thuyết, đọc truyện… để làm gì cho tốn thời gian, in ấn làm gì cho tốn giấy mực, tiền của? Ông cũng nói “cha” với “tra” nên được viết cùng một chữ vì nó giống nhau thì lại lòi ra cái “khôn” của ông rồi. Và điều này có lẽ là bằng chứng cụ thể nhất chứng minh việc ông bị “ngọng” là có thật. Một lần nữa, mời ông về Diễn Châu, dân chúng tôi sẽ dạy cho cách phát âm CH với TR.

Hôm nay, tôi chỉ muốn gửi đến ông giáo sư mấy lời này thôi. Có lẽ khó nhưng hy vọng ông đọc được.

Nguồn: Internet

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.