Xã hội

Di Sản và Văn Hiến (1)

Ngoan Nguyễn

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.

Nghe câu hò lại nhớ đất, nhớ người. Những ai đã một lần đặt chân tới đất Sài gòn-Gia Định không ai không nhắc đến những nơi cần phải đến thăm như Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn, Hãng Ba Son, Dinh Độc Lập, Thảo Cầm Viên, Dinh Gia Long, Lăng Tả Quân, Lăng Cha Cả, Chợ Bến Thành, Chợ Bình Tây, Chùa Một cột Thủ Đức…v.v.. như nhắc đến cái tình người, cái nghĩa, cái di sản cổ quí giá còn tồn đọng trong văn phong, văn hiến mà cha ông để lại cho con cháu đất Sài Thành qua các sinh hoạt đậm nét:

Ai về Gia Định thì về
Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn.
Hết gạo thì có Đồng Nai,
Hết củi thì có Tân Sài chở vô
Đồng Nai gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về.

Lòng không muốn về vì nơi đó rất thân thương, rất nhiều kỷ niệm. Nơi đó có những dấu ấn để lại đậm nét như cây đa, bến cũ, con đò, như hàng cây thẳng tắp, mái Đình, sân Chùa  …và tất cả đều là tình yêu, là lịch sử, là di sản dân tộc.

Đèn Sài gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu.
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ.

Di sản và văn hiến là một cách nói về gốc tích và con người; một nền văn minh đã qua đi được ghi đậm nét của một dân tộc bao gồm cả trình độ văn hoá và số lượng hiền tài của dân tộc ấy. Nó là kết tinh sự phát triển của dân tộc theo thăng trầm của vận nước và biến đổi với thời gian.

Thí du như Lăng Cha Cả: là ngôi mộ của Giám mục Bá Đa Lộc, một ngôi mộ xưa và là một di tích lịch sử ở vùng Sài Gòn – Gia Định. Đây là một kiến trúc mộ xưa theo kiểu Việt nam có khắc hình rồng và câu đối chữ Hán, có bình phong, bái đường và hậu cung. Chúng ta có tội biết bao khi đánh mất cái tinh hoa của dân tộc theo di tích cổ xưa mà cha ông muốn gởi gấm lại cho hậu thế?

Nếu như người Hoa đến Nam Bộ Việt Nam từ các thế kỷ 17- 19 mang theo các tín ngưỡng như tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu với các Chùa chiền, Miếu nằm rải rác từ Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Sài Gòn, Long An…và nó đã sớm trở thành một “kho tàng” đậm văn hóa dân gian, vì ở đó người ta gìn giữ linh hồn của các truyền thống, đồng thời cũng là một lối giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả và sâu sắc mang đậm tính dân tộc của người Hoa.

Di tích lịch sử, di sản dân tộc là định nghĩa của những phạm trù nhân văn, nó vừa có tính chất lịch sử, vừa có tính vật lý, và vừa mang tính thời gian, vì nó gắn liền với văn hóa con người và đồng hành với thời gian. Không phải di sản nào, di tích nào cũng tự nhiên mà có, tự nhiên tồn tại và tự nhiên sống cùng thời gian như những ngôi nhà cổ xinh xinh, những mái Đình, mái chùa, những tháp chuông nhà thờ, hay những con đường với hàng cây cổ thụ lớn dần theo thời học sinh, sinh viên của các thế hệ chúng ta qua đi… nó vô tình hay hữu ý đã tồn tại như thế và giá trị được coi trọng thế nào đến đời sau, một phần không nhỏ là do con người tác động phá hoại hay gìn giữ nó.

Theo Công ước di sản thế giới thì di sản văn hóa dân tộc là:

Các di tích: Các tác phẩm kiến trúc, tác phẩm điêu khắc và hội họa, các yếu tố hay các cấu trúc có tính chất khảo cổ học, ký tự, nhà ở trong hang đá và các công trình có sự liên kết giữa nhiều đặc điểm, có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật và khoa học.

Các quần thể các công trình xây dựng: Các quần thể các công trình xây dựng tách biệt hay liên kết lại với nhau mà do kiến trúc của chúng, do tính đồng nhất hoặc vị trí của chúng trong cảnh quan, có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật và khoa học.

Các di chỉ: Các tác phẩm do con người tạo nên hoặc các tác phẩm có sự kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo và các khu vực trong đó có các di chỉ khảo cổ có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân chủng học.

Di sản của mỗi quốc gia, mỗi đất nước là nguồn cội của dân tộc, là lịch sử, là  niềm tự hào của mọi người và con cháu có trách nhiệm gìn giữ và không nên hủy hoại, hãy bảo vệ di sản cổ ấy vì nó chính là sự sống còn của dân tộc.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay dạy cho con cháu chúng ta là phải giữ gìn, bảo vệ những di sản văn hoá, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nhưng chính họ thì đi phá, đi bán những mãnh đất tổ tiên chất chứa những tinh thần thân thương của dân tộc cho những dự định, dự án mơ hồ như “sự phát triển đô thị mới”, “tương lai tốt đẹp cho thế hệ sau”, “sự phát triển vì tương lại”…Thật bịp bợm và phản giáo dục đến thảm hại cho những gì chúng ta và con cháu chúng ta cố giữ thì cái Đảng Cộng Sản và lũ bất tài lại coi khinh những giá trị dân tộc và khinh thường nền Văn hiến nước nhà.

Nếu như Lăng Cha Cả bị phá đi vì chính quyền Cộng sản luôn nói một chiều rằng Gia Long và các triều Vua Nguyễn bán nước, cõng rắn cắn gà nhà… nhưng tại sao con cháu bất hiếu lại phá bỏ hay bán đi những lối kiến trúc độc đáo đó có giá trị hằng trăm tuổi ?

Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thêm?

Ngày đi trăm hoa hẹn hò,
Ngày về vắng bóng con đò Thủ Thêm!

Đất Thủ Thêm thân thương với những câu hò theo con người cùng với những di sản. Nhà Thờ Thủ Thêm và Hội Dòng Mến Thánh Giá có tuổi đời 175 năm, khai khẩn từ lúc rừng thiên nước độc, đầy cọp dữ cho tới bây giờ một lũ tham quan chỉ thấy đây là những món mồi ngon cho những dư án có thể chia chác chứ không phải là những quần thể văn hóa dân tộc gắn liền với đất Sài Gòn – Gia Định. Ai sẽ trả lời với lịch sử, với đất nước, với dân tộc về những phá hoại, cướp phá có tổ chức và có hệ thống này? Chúng ta sẽ ăn nói sao với thế hệ con cháu là đất “Thầy Gòn”, “Sài Thành”, “Gia Định” này chẳng có cái gì để mà phải nhớ, phải lưu luyến:

Chợ Sài Gòn cẩn đá,
Chợ Rạch Giá cẩn xi mom
Giã em ở lại vuông tròn,
Anh về xứ sở không còn ra vô.

Ai đã từng đọc tác phẩm “Sài Gòn Năm xưa” của cụ Vương Hồng Sển một học giả miền Nam, một nhà sưu tầm đồ cổ nổi tiếng một thời mà không khỏi xúc động cho những thứ quí giá mà ông gom góp, kích cỏm ghi lại về một Sài gòn xưa… Ông tuy mang dòng máu Việt-Hoa và Khmer, học hành và lớn lên ở Nam Việt Nam, một nhà dân tộc học, ưa thích và sưu tầm đồ cổ, thích đọc sách nhưng lại khá khen cho một tâm hồn gìn giữ tồn cổ và giữ gìn các di tích của dân tộc. Ông đã góp phần không nhỏ trong nghiên cứu về lịch sử miền Nam của thế kỷ 20 mà bây giờ phần lớn những di tích ông kể đều bị cộng sản xóa sổ sau năm Cộng Sản Bác Việt chiếm miền Nam 1975 như Lăng Cha Cả, hãng Ba Son, Thương Xá Tax, Dinh Thượng Thơ…

 

(Còn tiếp)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.