Khoa học

Âm nhạc có công dụng chữa lành sau khi bị tai biến mạch máu não

Monday, October 3, 2022

Báo Mai

 

Julie Stillman đột ngột bị vỡ mạch máu não khi 55 tuổi. Căn bệnh tai biến mạch máu não này khiến cô không thể viết được một câu văn đơn giản. Điều này giống như một đòn giáng mạnh vào người phụ nữ đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp xuất bản sách.

Bệnh lý tai biến mạch máu não cũng cướp đi khả năng nói chuyện bình thường của cô. Nhưng cô vẫn còn khả năng ca hát.

Hiện giờ, cô Stillman đã 69 tuổi và là một trong số hàng chục người sống sót sau đột quỵ và tổn thương não đang vui tươi cất cao giọng hát khi là thành viên của Dàn hợp xướng Aphasia tại tiểu bang Vermont. Không nhiều dàn hợp xướng như vậy trên khắp thế giới với mục đích mang đến cho những người sống sót sau đột quỵ và những ai đang sống với chứng mất trí nhớ hoặc các tổn thương não khác có cơ hội tiếp xúc với một trong số ít các phương tiện giao tiếp còn lại.

Anh Jeff Nagle, chồng của cô Stillman đã có cuộc trò chuyện trôi chảy cuối cùng với vợ diễn ra cách đây 14 năm qua điện thoại, một giờ trước khi anh tìm thấy cô trên sàn nhà. Anh chia sẻ, “Việc nghe được [tiếng hát của Stillman] có âm lượng và rõ ràng giống như một phép thuật. Thật ngạc nhiên khi thấy điều này xảy ra”.

Khoảng ⅓ số người sống sót sau đột quỵ mắc chứng mất ngôn ngữ, một rối loạn ngôn ngữ gây khó khăn trong việc diễn đạt hoặc hiểu ngôn ngữ do tổn thương não. Nhưng các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng ngay cả khi những người mắc một số loại mất ngôn ngữ mất khả năng nói, họ vẫn có thể hát, một hiện tượng được cho là do khả năng âm nhạc và ngôn ngữ chịu sự kiểm soát của các vùng não khác nhau.

Các nghiên cứu về hiện tượng này và cách âm nhạc ảnh hưởng đến bộ não đã dẫn đến sự phát triển của nhiều liệu pháp hỗ trợ âm nhạc, chẳng hạn như trị liệu ngữ điệu du dương, giúp những người sống sót sau đột quỵ giao tiếp nhịp nhàng để xây dựng kết nối mạnh mẽ hơn giữa các vùng não. Các liệu pháp khác tập trung vào việc nghe nhạc hoặc dạy mọi người chơi nhạc cụ, chẳng hạn như bàn phím hoặc trống.

Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy những phương pháp này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp những người sống sót sau đột quỵ chữa lành [tổn thương não].

Đầu năm 2008, các nhà nghiên cứu đã công bố công trình khoa học trên tạp chí Brain cho thấy chỉ cần nghe nhạc một giờ mỗi ngày cũng giúp cải thiện trí nhớ và sự chú ý, cũng như tâm trạng, trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục sau đột quỵ.

Nghiên cứu tiếp theo đó vào năm 2014 đã cung cấp những hiểu biết về cách thức và lý do cho hiện tượng này: Nghe nhạc kích thích sự thay đổi cấu trúc trong các vùng não chịu trách nhiệm cho trí nhớ về từ ngữ, kỹ năng ngôn ngữ và sự tập trung chú ý. Tìm hiểu sâu hơn, các nhà điều tra đã phát hiện ra rằng âm nhạc thanh nhạc vượt trội hơn so với nhạc cụ hoặc nghe sách nói trong việc kích thích những thay đổi của não bộ để phục hồi trí nhớ và ngôn ngữ.

Thông qua các nghiên cứu của mình về bệnh lý giọng nói, nhà bệnh lý học ngôn ngữ nói Karen McFeeters Leary, người thành lập dàn hợp xướng Vermont dành cho những người mất ngôn ngữ, biết rằng những người sống sót sau đột quỵ có thể ca hát.

 “Khi chúng tôi gặp gỡ những người bị đột quỵ hoặc giảm khả năng ngôn ngữ, chúng tôi luôn kiểm tra khả năng ca hát của họ”, cô Leary – một ca sĩ và nhạc sĩ cho biết.

Hai vợ chồng Stillman và Nagle là một trong những người đầu tiên tham gia khi cô Leary ra mắt dàn hợp xướng vào năm 2014, chỉ với 11 người sống sót sau cơn đột quỵ cùng vợ/chồng và người chăm sóc của họ. Kể từ đó, quy mô của dàn hợp xướng đã tăng hơn gấp đôi. Cô tuyển dụng thông qua các nhóm hỗ trợ đột quỵ và Đại học Vermont, nơi có chương trình và một phòng khám ngoại trú về bệnh lý nói và ngôn ngữ.

Trước sự ngạc nhiên của cô, dàn hợp xướng nhanh chóng biến thành một điều gì đó lớn lao hơn nhiều so với cơ hội để mọi người thể hiện bản thân thông qua bài hát. Dàn hợp xướng đã giúp thành lập một cộng đồng cho những người đã trở nên cô lập về mặt xã hội vì tình trạng của họ. Cô Leary cho biết, “Họ đánh mất tình bạn, đôi khi cả tình cảm vợ/chồng. Họ thực sự rất cô đơn.”

Nhưng khi tham gia vào dàn hợp xướng, họ đã tìm thấy những người cùng trải nghiệm. Cô nói, “Họ cùng nhau chia sẻ trải nghiệm của bản thân và đó là điều quan trọng. Tôi đã thấy một số người rất, rất chán nản đã hoàn toàn tìm lại được chính mình và tràn đầy niềm hy vọng.”

Anh Nagle bày tỏ, “Dàn hợp xướng là một nhóm hỗ trợ tuyệt vời theo một cách khác với những gì chúng tôi đã trải qua trong liệu pháp ngôn ngữ. Chúng tôi đã có thêm rất nhiều người bạn mới.”

Và nhờ tình bạn từ những người xung quanh, cô Stillman có thể phát triển khả năng bản thân để tiếp tục một số sở thích vốn có, chẳng hạn như tình yêu với môn chèo thuyền. Một thành viên khác của dàn hợp xướng đã giới thiệu họ với một nhóm chèo thuyền kayak thích ứng. Ở đó, những người sống sót sau đột quỵ và những người bị khuyết tật thể chất khác sử dụng thiết bị đặc biệt cho phép họ chèo bằng một tay. Giờ đây, họ là những người tham gia tích cực trong cả hai nhóm, tận hưởng một cuộc sống xã hội mà họ chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có thể trải nghiệm lần thứ hai.

Anh Nagle cũng tin rằng khả năng ngôn ngữ của vợ mình được cải thiện trong mùa hợp xướng kéo dài từ tháng 3 đến tháng 6, và đỉnh điểm là buổi hòa nhạc công cộng miễn phí.

Các nhà nghiên cứu như Pablo Ripollés nói rằng có thể sự tương tác với âm nhạc hàng ngày đang tạo ra sự khác biệt. Là một trợ lý giáo sư tâm lý học và phó giám đốc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Âm nhạc và Âm thanh của Đại học New York ở Thành phố New York, Ripollés là một trong nhóm các nhà điều tra đã phát hiện ra cách nghe nhạc làm thay đổi cấu trúc não ở những người sống sót sau đột quỵ.

Giáo sư Ripollés nói, các nhà khoa học biết rằng việc cung cấp một môi trường phong phú có thể kích thích bộ não và hỗ trợ quá trình chữa lành sau đột quỵ. Nghiên cứu của ông tập trung vào việc khía cạnh này của âm nhạc, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi khi mọi người bị hạn chế về khả năng thực hiện các việc trước đây.

Ông cho hay, “Có một điều bạn có thể làm cho những bệnh nhân đó, ngay cả khi họ vẫn còn đang phải nằm liệt giường. Có thể họ không thể di chuyển bình thường, nhưng bạn có thể cung cấp một môi trường phong phú giúp phục hồi tổn thương bằng cách cho họ nghe nhạc.”

Âm nhạc trị liệu có thể mang lại hiệu quả khác nhau, sự phục hồi phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của cơn đột quỵ đối với bộ não. Giáo sư Ripollés cho biết: “Chúng tôi có bằng chứng tin cậy cho thấy liệu pháp âm nhạc có hiệu quả ở những người không bị tổn thương não nghiêm trọng. Có thể [cơn đột quỵ] là một biến cố lớn, nhưng không phải là một thảm họa.”

Ông nói, cần phải nghiên cứu thêm để xem liệu rằng liệu pháp âm nhạc có hiệu quả hơn các liệu pháp âm thanh truyền thống hay không. Nhưng trong thời gian chờ đợi, những người sống sót sau đột quỵ có thể nghe bản nhạc yêu thích của họ hoặc tham gia một dàn hợp xướng, nếu có trong khu vực của họ.

“Đây là điều bạn có thể tự làm một mình và hoàn toàn miễn phí,” Ripollés nói. “Việc này sẽ không gây hại cho bạn và có thể giúp ích cho bạn.”

Laura Williamson  _  Tú Liên

https://baomai.blogspot.com/2022/10/am-nhac-co-cong-dung-chua-lanh-sau-khi.html

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.