SUY TƯ DÒNG ĐỜI

 Thân Tâm  An Lạc

Pt. Nguyễn Mạnh San sưu tầm

Chỉ mong mỗi ngày  Thân Tâm Được An Lạc-Thần Trí Được Thảnh Thơi.

Tuổi đời xế bóng hoàng hôn chẳng có gì để vui, ngoài cái vui của chính “Tâm” của mình. Tâm động thì Trí loạn, Trí loạn thì mất Thần Khí, mất Thần Khí thì Thân Xác hao mòn rời rã, thân xác rã rời thì…Thành Kính Phân Ưu!

Cứ mỗi buổi sáng thức dậy, lại phải cám ơn đời cho tôi thêm một ngày để đọc cáo phó, phân ưu chia buồn tràn ngập trên các trang mạng. Người thân cũng có, người quen cũng có, người không thân không quen mà biết cũng có, công hầu khanh tướng, trí thức khoa bảng gì cũng có, già trẻ bé lớn gì cũng có, lần lượt rủ nhau đi về miền miên viễn. Người đi thì đã đi rồi, người ở lại chỉ biết cúi đầu dành một phút im lặng hồi tưởng thoáng qua những tháng ngày bên nhau hay quen biết nhau. Rồi thôi, rồi hết, rồi qua như nước vẫn xuôi dòng thời gian. Nhưng không hiểu cớ sao lại có những kẻ luôn lội ngược dòng, dành thời giờ để đi vạch lá tìm sâu, chẻ sợi tóc làm đôi bới móc những lỗi lầm của người khác để phê bình chỉ trích, và cũng để tỏ ra ta đây là người thông thái trên thông thiên văn dưới đạt địa lý.

Thế cho nên…xin mỗi ngày gửi cho nhau một niềm vui, một nụ cười, xin đừng gửi những phiền muộn rắc rối cuộc đời của mình cho người khác. Phiền muộn của con người chỉ gói gọn trong 12 chữ “Buông Không Đành-Nghĩ Không Thông-Nhìn Không Thấu-Quên Không Được”.

Một câu nói đầy ý nghĩa của Abraham Joshua Heschel:

– Ngày xưa còn trẻ tôi rất khâm phục người thông minh. Giờ tôi lớn khôn hơn, tôi ngưỡng mộ những người tử tế.

Albert Schweitzer cũng cho rằng:

– Cứ luôn tử tế là có thể làm được nhiều thứ. Như mặt trời làm băng tan, sự tử tế làm cho những ngộ nhận, bất tín và thù hận tan biến.

Tuy nhiên, đâu chỉ mỗi việc tử tế với người mà hãy tử tế với chính bản thân mình trước đã. Mình không đối xử tử tế với mình thì làm sao có thể tử tế với người được? Một trong những cách để thương mình, tử tế với mình chính là học cách buông xả và tha thứ. Nếu con người biết buông xả trong đời sống hiện tại, buông đi những danh lợi, những hận thù chấp nhặt, đồng thời xả đi những mưu cầu tính toán cho bản thân, xả đi những “tham – sân – si” trong cuộc sống thường nhật sẽ tự tìm thấy cho bản thân niềm an vui và thanh thản trong tâm hồn. Có buông xả thì lòng ta mới rộng mở, ai nói gì cũng có thế bỏ qua mà không chấp nhặt. Nếu ai xúc phạm có thể dễ dàng tha thứ, nếu có tức giận, buồn bã thì cũng chỉ một vài phút, vài giờ rồi lòng có thể cân bằng, bỏ qua để rồi khi qua một đêm thức dậy có thể quên hết để tâm an vui. Nhưng cũng cần biết, buông xả không có nghĩa là buông bỏ, dẹp hết tất cả để chỉ lo cho bản thân mình. Bông xả không có nghĩa là chối bỏ, trốn tránh trách nhiệm. Buông xả nhưng phải luôn giữ trọn trách nhiệm của một con người, trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với tha nhân xã hội nữa. Thế nhưng đâu có dễ để làm được điều này. Vì thế, hãy học cách sống an hòa với mình và với người gần như suốt đời, để lòng được nhẹ nhàng hơn. Trong cuộc sống xô bồ chạy theo gia tốc của vật chất hiện nay, giá trị tinh thần ngày càng mất giá, nhiều người chạy trốn nó bởi câu “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người tìm đến chốn lao xao” và mò tìm vào thế giới tâm linh để tập “buông xả” mỗi khi thân tâm quá mệt mỏi và căng thẳng.

Trong cuốn Kinh Tứ Thập Nhị Cương, một cuốn sách “gối đầu giường” của tăng sĩ, có viết rằng: Khi đức Phật còn tại thế, ngài có đặt một câu hỏi cho một vị Sa-môn là:

– Tuổi thọ con người dài trong bao lâu?

Vị Sa-môn đã trả lời rằng:

– Chỉ dài bằng một hơi thở!

Đức Phật nói:

– Đúng vậy. Ông là người hiểu đạo.

Vậy tại sao, con người chúng ta khi tồn tại trong một hơi thở như vậy lại cứ để tâm mình sầu não, luẩn quẩn trong “u mê” và phiền não? Cuộc đời dài bằng mỗi hơi thở, vậy tại sao tâm ta cứ quẩn quanh trong sầu não, u mê? Cuộc sống hằng ngày vốn nhiều áp lực và tranh đua. Ta có thể khó tránh khỏi những bất đồng, va chạm trong công việc, sinh hoạt hằng ngày và các mối quan hệ gia đình, công việc, xã hội. Khi xảy ra tranh cãi, ta có thể không kiềm chế được và thường hay nổi nóng hoặc nặng lời. Kết quả là ta có thể thắng hoặc thua cuộc và làm tổn thương người khác, hay chính ta cũng bị tổn thương. Ta sẽ thấy đau đớn vì những mặc cảm thua cuộc, yếu thế, tự cho mình là kẻ kém cỏi, cay đắng vì thất bại. Thậm chí nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy ân hận trên chiến thắng. Bởi đằng sau cái gọi là được mất, hơn thua, chiến thắng – thất bại, đó là những xa cách, đổ vỡ vì cái tôi ngạo mạn, cư xử không có trên dưới, thiếu tôn trọng nhau. Vậy thì tại sao chúng ta cứ phải cố chiến thắng bằng được, bằng mọi giá? Chỉ cần thay đổi cách ứng xử, giao tiếp, nói những lời tử tế, sống ngay thẳng, ôn nhu… để tâm an, lòng thanh thản.

“Thương ghét trong lòng mãi vấn vương

Hơn thua được mất chuốc thêm phiền

Vui buồn chẳng qua như gió thoảng

Tốt xấu khen chê chỉ một lời

Quẳng gánh lo đi nhẹ cuộc đời

Hành trang chuẩn bị kiếp lai sinh

Công danh tài sắc như sương khói

Buông Xả đi rồi…sống thảnh thơi”./.

 

Sun, Jun 6, 2021 at 2:30 PM Hoc Pham phamhoc70@yahoo.com

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.