Giáo hội hoàn vũ

Nồi canh của Giáo Hội

Trần Mỹ Duyệt

 

“Một con sâu làm rầu nồi canh”. Chắc không ai muốn ăn một bát canh khi nhìn thấy một con sâu nổi lềnh bềnh trong nồi canh. Ảnh hưởng tâm lý này có thể khiến cho ai đó bị ói mửa, hoặc sẽ sợ không dám ăn canh trong một thời gian, và cũng có thể là không bao giờ ăn canh nữa.

Là người Kitô hữu, chúng ta nghĩ gì khi thấy nồi canh Giáo Hội tại bang Pennsylvania với 300 con sâu trong đó mà trước giờ không hay biết. Và nồi canh Giáo Hội hoàn vũ không chỉ là những con sâu, mà còn chương phình trong đó những xác con vật to như con heo, con bò, con trâu. Đó là những giám mục, tổng giám mục, hồng y can tội bao che, cũng như chính họ vướng vào những tội lạm dụng tình dục cách này, cách khác, đây đó từ Úc qua tới Mỹ, rồi Canada… Giáo Hội Việt Nam chắc cũng không ngoại lệ. Vậy làm sao ăn đây? Phải đổ nồi canh ấy đi là phần chắc, và phải nấu lại nồi canh khác. Ngoài ra, còn phải rửa sạch chén bát, nồi niêu, xoong chảo.

Người làm việc ấy không ai khác chính là Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa Hội Thánh. Nhưng việc Ngài đổ nồi canh đi, và việc Ngài nấu lại nồi canh khác như thế nào cũng còn tùy thuộc vào sự cộng tác của toàn dân Chúa. Thống hối, hòa giải, cảm thông, và sửa sai. Nếu không, Giáo Hội sẽ khó lấy lại được khuôn mặt thánh thiện, tinh tuyền của mình mà kinh Tin Kính vẫn hằng tuyên xưng: “Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền”.

Làm sao có sự duy nhất khi những chia rẽ xảy ra ngay giữa hội đoàn này với hội đoàn khác, giữa giáo xứ này với giáo xứ khác, giữa giáo phận này với giáo phận khác. Trên bình diện hoàn vũ, rõ ràng có rất nhiều những khác biệt giữa một giáo hội địa phương giầu và một giáo hội địa phương nghèo.

Những người ngoài và cả những tín hữu bên trong Giáo Hội lúc này tìm đâu ra sự thánh thiện giữa bao gương mù, gương xấu khắp đó đây? Những gương xấu gây ra không phải là do các giáo dân kém hiểu biết, không am hiểu Thánh Kinh, thần học, mà ngay trong thành phần tu sỹ, giáo sỹ, và giáo phẩm của Giáo Hội?

Họa may ta có thể tìm được tính cách công giáo – đại đồng – giữa thế giới ngày nay Giáo Hội được nối kết với nhau qua những hệ thống thông tin, liên lạc, và những phương tiện di chuyển. Nhưng còn tông truyền thì sao?

Chắc chắn là các tông đồ ngày xưa chẳng bao giờ “truyền chức” cho những ứng viên giám mục ủng hộ đồng tính, hôn nhân đồng tính, phá thai, ủng hộ nữ giới làm linh mục, những ứng viên lạm dụng tình dục, ấu dâm, che đậy và bao che cho nhau, cho cấp dưới, cũng như những ứng viên ái quốc muốn lập giáo hội tự trị. Vậy họ từ đâu ra? Tính chất tông truyền của họ được giải thích như thế nào?

Như vậy, chỉ còn tin tưởng vào người nội trợ “siêu hình” là Thánh Thần Chân Lý, Đấng đã khai sinh Giáo Hội nhân danh Chúa Kitô trong ngày Ngài hiện xuống. Đấng đã dìu dắt Giáo Hội vượt qua nhiều sóng gió theo dòng thời gian. Ngài sẽ “đổ nồi canh” với những con sâu lớn nhỏ trong đó, sẽ “rửa sạch chén bát” và nấu cho dân Ngài một nồi canh mới thơm ngon hơn, bổ dưỡng hơn. Nhưng phần chuẩn bị tinh thần, phần sửa sai khuyết điểm là việc làm của các phần tử trong Giáo Hội. Mọi phần tử, mọi chức vụ từ trên xuống dưới phải đấm ngực, phải ăn năn, và phải cùng nhau quyết tâm rửa sạch lại khuôn mặt cho Giáo Hội.

Thật đáng buồn, trong khi các tín hữu tuy cảm thấy bị xao động, nhưng cũng đang mong muốn Giáo Hội tìm một phương thuốc hữu hiệu chữa trị cho căn bệnh của mình, đang muốn đóng góp xây dựng và làm đẹp khuôn mặt Giáo Hội, thì lại có những giáo phẩm như Blase Joseph Cupich, hồng y giáo chủ tổng giáo phận Chicago, người được cho là có “ý thức hệ” phò đồng tính luyến ái đã phát biểu trong một buổi thuyết trình của ngài tại chủng viện Mundelein. Ký giả Robert Herguth của tờ Chicago Sun-Times thuật lại rằng:

“Ngày 29 tháng Tám, 2018, Hồng Y Cupich đến thuyết trình trước khoảng 200 chủng sinh của chủng viện trên vốn thuộc quyền của ngài. Một chủng sinh phát biểu: “Con bị thương tổn, con không thể ngủ được, con muốn phát bịnh”. Nhưng Hồng Y Cupich nói với mọi người hiện diện: “cha cảm thấy bình an vào lúc này. Cha ngủ rất ngon”. Khiến các chủng sinh lắc đầu “không thể tin được” vì “không mục vụ” chút nào. Đến nỗi vị giám đốc chủng viện là Cha John Kartje phải cho rằng: “Đức Hồng Y phát biểu cho chính ngài, giống như các chủng sinh phát biểu cho chính họ”.  Và ký giả Herguth cho hay: “những người hiện diện trong buổi thuyết trình này cho biết: Hồng Y Cupich nói nhiều tới các sai phạm của các chủng sinh hơn là việc họ là nạn nhân như đã xẩy ra với McCarrick.”

Cũng theo Herguth, nhân cơ hội trả lời một câu hỏi trong dịp này, Hồng Y Cupich bác bỏ luận điểm cho rằng đồng tính luyến ái là nguyên nhân chính của tệ nạn McCarrick nói riêng và lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ nói chung. Ngài thẳng thừng cho rằng luận điểm này sai. Ngài quả quyết rằng “cuộc khủng hoảng toàn diện một phần được bơm nhiên liệu bởi nền văn hóa trong đó các linh mục cảm thấy ‘mình có đặc quyền và được che chở’, điều mà ngài gọi, như Đức Phanxicô, là chủ nghĩa giáo sĩ trị. 1  

Đến đây, nhiều người có lẽ nghĩ rằng hồng y Cupich chưa bao giờ đọc và suy ngắm những lời mà Hồng Y Joseph Ratzinger – Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đang nghỉ hưu bây giờ – đã suy niệm khi đi đàng thánh giá ở Roma vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005. Dừng lại ở chặng Chúa ngã xuống đất lần thứ ba, Ngài đã thốt lên: “Biết bao bẩn thỉu trong Giáo Hội, và cả nơi những người thuộc hàng linh mục, đáng lẽ phải hoàn toàn thuộc về Người”. Đành chỉ biết thưa với “Đấng ngã xuống đất” rằng: “Lạy Chúa, Giáo Hội Chúa đôi khi xem ra giống con tầu sắp sửa chìm, một con tầu nước tràn vào bốn phía. Trong cánh đồng của Chúa, chúng con thấy nhiều cỏ dại hơn lúa mì. Áo xống và khuôn mặt lấm bùn của Giáo Hội Chúa ném chúng con vào bối rối. Ấy thế nhưng chính chúng con đã làm chúng lấm bùn! Chính chúng con đã phản bội Chúa hết lần này đến lần khác, sau khi nói những lời lẽ cao thượng và làm những cử chỉ trang trọng. Xin thương xót Giáo Hội Chúa; cả trong Giáo Hội, Ađam vẫn đang tiếp tục sa ngã. Khi chúng con sa ngã, chúng con kéo Chúa cùng ngã xuống đất, và Satan phá lên cười, vì nó hy vọng Chúa sẽ không còn khả năng chỗi dậy nữa; nó hy vọng bị kéo ngã theo cái ngã của Giáo Hội Chúa, Chúa sẽ mãi nằm soài và tàn lực. Nhưng Chúa sẽ chỗi dậy. Chúa đã đứng lên, Chúa đã chỗi dậy thì Chúa cũng sẽ nâng chúng con dậy. Xin Chúa cứu và thánh hóa Giáo Hội của Chúa. Xin Chúa cứu và thánh hóa mọi người chúng con”. 2

Bỏ thầy con đi với ai?

Đã đến lúc những người Kitô hữu trưởng thành phải nhìn nhận như Dorothy Day khi cho rằng: “hàng giáo sĩ không phải là yếu tố làm “sự việc tiếp tục tiến triển” trong Giáo Hội, mà là các vị thánh”. 3 Và đó mới là lý do duy nhất để người Kitô vững tin để hướng về phía trước, vì Chúa Thánh Thần, Đấng làm nên những vị thánh sẽ đổi mới nhân loại, đổi mới địa cầu, và Ngài cũng sẽ đổi mới Giáo Hội. Hy vọng sự đổi mới và phát triển Giáo Hội đến từ con người là điều không có thể.

Thật ra, không phải chờ đến hôm nay trong khi nồi canh của Giáo Hội đã bị xình thối, bị nhiễm độc Chúa Thánh Thần mới kiện toàn công việc của Ngài. Điều này cũng đã xảy ra trong quá khứ qua dòng lịch sử của Giáo Hội, trong đó các giáo chức của Giáo Hội kể cả Giáo Hoàng đã phạm những tội ghê gớm. Trong những thời khắc tối tăm ấy, Thánh Thần vẫn tô thắm sự thánh thiện của Giáo Hội qua những vị thánh. Và Chúa Giêsu, Đấng chí thánh là người sáng lập, cùng với Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa luôn luôn có mặt trong mọi ngã đường của Giáo Hội. “Người biết mọi hành vi khủng khiếp, mọi động thái đần độn, mọi vụ lười lĩnh, vị kỷ và nhỏ mọn, mọi dối trá, lừa đảo, những hèn hạ dân Người từng làm. Cả McCarrick lẫn phúc trình của tổng trưởng tư pháp đều không lạ lẫm gì đối với Người”. 4

Nữ tu Theresa Aletheia Noble cũng nhận định tiếp: “Trong suốt các thế kỷ trong Giáo Hội, luôn có nhiều thời kỳ trong đó sự chết và sự ác xem ra đã thắng. Thực vậy, Giáo Hội xem ra lúc nào cũng đang ở bờ chết chóc, hoặc vì bách hại từ bên ngoài hoặc vì tội lỗi khủng khiếp của các chi thể của chính mình. Ấy thế nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại. Nhờ đâu vậy? Nhờ Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, ngay trong những lúc ta phạm trọng tội”. 5

Vả lại không vào Giáo Hội thì đi đâu? Bên ngoài Giáo Hội, lạm dụng tình dục đâu có kém khủng khiếp. Thánh Phêrô trả lời Chúa Giêsu xưa rằng: “Thưa Thầy, chúng con biết đi với ai? Thầy có lời đem lại sự sống đời đời”. (Gioan 6: 68)

Thái độ nào cần phải có?

Giáo Hội bị xỉ nhục, bị làm cho ra ô uế là những gì có thật đang được bàn đến, đang được tranh cãi. Mặc dù “đây không phải là vấn đề chỉ thuộc riêng về Giáo Hội Công Giáo.” 6  Nhưng nó vẫn là nỗi xót xa của các tâm hồn thiện chí. Bỏ Giáo Hội sao? Chắc chắn là không. Thế nên, chúng ta phải là gì và phải có thái độ nào lúc này?

Tin vào Chúa, và sống tốt ơn gọi của chính mình. Chúa Giêsu từ trước đã biết điều đó. Ngài đã biết sẽ có những điều xấu xa, tồi tệ sảy ra cho Giáo Hội, cho những môn đệ của mình, và Ngài đã trấn an những kẻ theo Ngài: “Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Gioan 16:33).

Về phía Giáo Hội, Ngài cũng đã tiên tri trước khi xây dựng Giáo Hội trên nền đá Phêrô: “Và Thầy cũng nói với anh, anh là Phêrô, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội Thầy, và cửa hỏa ngục dấy lên cũng không phá nổi” (Matt 16:18). Lịch sử qua hơn 20 thế kỷ đã minh chứng được điều này. Giáo Hội tuy bị tấn công, trù dập, bắt bớ và ngay cả tự hủy hoại bởi tội lỗi xấu xa, nhưng Giáo Hội vẫn đứng vững và trường tồn.

Tuy nhiên, không có nghĩa là Giáo Hội và các phần tử của Giáo Hội không phải thống hối và sửa sai. Bất cứ ai, trong mọi ơn gọi, mọi đẳng cấp đều cần phải thống hối, cần phải ăn năn và sửa sai. Trong những mất mát lớn lao của Giáo Hội, trong lúc mà mọi phần tử của Giáo Hội đấm ngực, thống hối mà nói như hồng y Cupich “cha cảm thấy bình an vào lúc này. Cha ngủ rất ngon”, là một câu nói biểu lộ thái độ “mũ ni che tai”, bất cần đời, coi thường những thống khổ của Giáo Hội cũng như của toàn dân Chúa, một lời phát biểu không xứng đáng trong vai trò mục tử, không xứng đáng với con người nắm giữ những trọng trách lớn trong Giáo Hội. Làm sao giữa lúc Giáo Hội đang bị đánh phá tứ bề, dân Chúa phải xấu hổ, và đớn đau mà một chủ chăn lại “cảm thấy bình an”, và “ngủ rất ngon” Liệu đây có phải là mục tử tốt hay chỉ là một kẻ làm thuê?

_______

  1. Vũ văn An. “Phản ứng của người Công Giáo trước cuộc khủng hoảng lạm dụng và che đây lạm dụng tình dục.” Vietcatholic.net 10/Sep/2018.
  2. Vũ Văn An. “Phản ứng…” Vietcatholic.net 10/Sep/2018.
  3. Vũ Văn An. “Phản ứng…” Vietcatholic.net 10/Sep/2018.
  4. Vũ Văn An. “Phản ứng…” Vietcatholic.net 10/Sep/2018.
  5. Vũ Văn An. “Phản ứng…” Vietcatholic.net 10/Sep/2018.
  6. Sam Miller. The Catholic Church.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.