”Đức tin được nuôi dưỡng bằng việc khám phá và tưởng nhớ Vị Thiên Chúa luôn trung thành, Đấng hướng dẫn lịch sử và là bảo đảm cùng là nền tảng vững chắc để xây dựng đời sống của con người”.
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Loạt bài giáo lý về Đức Tin Thứ Tư 12/12/2012
bài thứ 9 về việc Thiên Chúa mạc khải bản thân mình ra trong lịch sử
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ
Trong bài giáo lý lần vừa rồi tôi đã nói về việc mạc khải của Thiên Chúa như là một việc truyền đạt Ngài tỏ ra cho biết về chính Bản Thân Ngài cũng như về dự án nhân lành và yêu thương của Ngài. Mạc Khải này của Thiên Chúa tự mình đã đi vào thời gian cũng như vào lịch sử của loài người: một lịch sử trở thành “một thứ môi trường trong đó chúng ta thấy được những gì Thiên Chúa làm cho nhân loại. Thiên Chúa đã đến với chúng ta nơi những gì chúng ta biết nhất và có thể minh chứng một cách dễ dàng nhất, những gì thuộc đời sống hằng ngày của chúng ta, khác với những gì chúng ta tự mình không thể hiểu biết” (John Paul II, Enc. Fides et Ratio, 12).
Thánh ký Marcô tường trình giây phút khởi sự của việc Chúa Giêsu rao giảng bằng những từ ngữ rõ ràng và vắn gọn: “Thời gian đã viên trọn, vương quốc của Thiên Chúa đã đến” (1:15). Cái soi chiếu và cống hiến trọn vẹn ý nghĩa cho lịch sử của thế giới và của con người bắt đầu soi chiếu ở hang Bêlem; nó là một mầu nhiệm chúng ta sắp sửa chiêm ngắm vào Lễ Giáng Sinh, là việc cứu độ được hiện thực nơi Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã tỏ dung nhan của Ngài ra ở nơi Đức Giêsu Nazarét, và xin con người hãy thực hiện việc nhận biết Người và theo Người. Việc Thiên Chúa mạc khải bản thân mình ra trong lịch sử, để thiết lập một mối liên hệ trao đổi yêu thương với con người, là những gì cống hiến một ý nghĩa mới cho toàn thể cuộc hành trình của con người. Lịch sử không chỉ là một chuỗi liên tục các thế kỷ, năm tháng và ngày giờ, mà là thời điểm của một sự hiện diện mang lại cho nó tràn đầy ý nghĩa và hướng nó về một niềm hy vọng vững chắc.
Chúng ta có thể thấy được những giai đoạn của việc Mạc Khải này của Thiên Chúa ở đâu? Thánh Kinh là nơi tốt nhất để khám phá ra những biến cố của cuộc hành trình này, và tôi muốn – một lần nữa – mời gọi hết mọi người, trong Năm Đức Tin này, hãy năng cầm cuốn Thánh Kinh lên để đọc và suy niệm cũng như chú trọng hơn nữa tới các Bài Đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật; tất cả những điều ấy tạo nên một thứ lương thực quí báu cho đức tin của chúng ta.
Đọc Cựu Ước chúng ta thấy Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử của dân được Ngài tuyển chọn cho chính mình ra sao, thành phần Ngài thiết lập giao ước, những can thiệp không phải chỉ là những sự kiện qua đi và rơi vào quên lãng mà trở thành “ký ức”, những can thiệp cùng nhau tao nên “lịch sử cứu độ”, sống động trong ý thức của dân Yến Duyên (Israel) qua việc cử hành các biến cố cứu độ ấy. Bởi vậy mà trong Sách Xuất Hành, Chúa đã bảo Moisen phải cử hành giây phút trọng đại của việc giải phóng cho khỏi thân phận làm nô lệ ở Ai Cập, cử hành Lễ Vượt Qua của người Do Thái, bằng những lời lẽ như thế này: “Ngày này sẽ là một ngày tưởng nhớ cho các người. Các người sẽ cử hành nó như là một đại lễ kính Chúa; qua các thế hệ của mình các người phải cử hành nó như là một qui định vĩnh viễn” (12:14). Đối với toàn dân Yến Duyên trong việc tưởng nhớ những gì Thiên Chúa đã thực hiện, trở thành một thứ trọng trách liên tục để việc trôi qua của thời gian, được ghi dấu bằng việc sống động tưởng niệm về các biến cố quá khứ, những biến cố mà nhờ đó, ngày qua ngày, hình thành lịch sử này một lần nữa, và làm cho nó trở thành hiện tại. Trong Sách Đệ Nhị Luật, Moisen nói cùng dân chúng rằng: “Thế nhưng các người hãy lưu tâm và cẩn thận coi chừng, để đừng quên đi những gì mắt của các người đã thấy, hay để cho chúng qua đi trong trí khôn của mình, hết mọi ngày trong cuộc đời của các người; hãy tỏ chúng ra cho con cái cháu chắt của các người biết” (4:9). Ông cũng nói với cả chúng ta nữa: “Hãy cẩn thận, đừng quên những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta”. Đức tin được nuôi dưỡng bằng việc khám phá, và việc tưởng nhớ về Vị Thiên Chúa luôn trung thành, Đấng hướng dẫn lịch sử, và là bảo đảm cùng là nền tảng vững chắc để xây dựng đời sống của con người ta. Cả bài ca Magnificat – Ngợi Khen, được Trinh Nữ Maria dâng lên Thiên Chúa, cũng là một mẫu gương cao cả về lịch sử cứu độ này, về một việc tưởng nhớ làm cho, và giữ cho, tác động của Thiên Chúa được hiện tại. Mẹ Maria đề cao tác động từ bi nhân hậu của Thiên Chúa, trong cuộc hành trình cụ thể của dân Mẹ, việc Ngài trung thành với những lời hứa hẹn giao ước Ngài đã thiết lập với Abraham cùng giòng dõi của ông; và tất cả những điều ấy là một ký ức sống động về sự hiện diện thần linh không bao giờ ngừng (cf. Luke 1:46-55).
Đối với Dân Yến Duyên, việc Xuất Ai Cập là biến cố lịch sử chính yếu, trong đó, Thiên Chúa tỏ tác động quyền năng của Ngài ra. Thiên Chúa giải phóng nhân dân Yến Duyên khỏi thân phận làm nô lệ cho Ai Cập, để họ có thể trở về mảnh Đất Hứa, và tôn thờ Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất. Dân Yến Duyên không khởi sự một cuộc hành trình, để trở thành một dân tộc, như bất cứ một dân tộc nào khác – ở chỗ, cũng có tính cách độc lập như một quốc gia – mà là để phụng sự Thiên Chúa, bằng việc tôn thờ, cũng như bằng đời sống, để tạo nên cho Thiên Chúa một nơi để con người thuận phục Ngài, để Thiên Chúa hiện diện và được tôn thờ trên thế gian; dĩ nhiên, chẳng những cho họ mà họ còn làm chứng giữa các dân tộc khác nữa. Và việc cử hành biến cố này, là để làm cho nó trở thành hiện tại và hiện hành, vì việc làm của Thiên Chúa không bao giờ bị suy giảm. Ngài trung thành với dự án giải phóng của Ngài, và tiếp tục thực hiện nó, nhờ đó con người có thể nhận biết và phụng sự Chúa của mình, và tin yêu đáp ứng hành động của Ngài.
Vậy Thiên Chúa tỏ Bản Thân của mình ra, chẳng những nơi tác động tạo dựng nguyên khôi, mà còn đi vào lịch sử của chúng ta, vào lịch sử của một quốc gia nhỏ bé, chứ không phải là một quốc gia rộng lớn nhất, hay hùng mạnh nhất. Và việc Mạc Khải tiến triển trong lịch sử này của Thiên Chúa, lên đến tột đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô, ở chỗ, Thiên Chúa, the Logos, Lời sáng tạo là nguồn gốc của thế giới, đã hóa thành nhục thể nơi Đức Giêsu, và tỏ cho thấy chân dung của Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu, hết mọi lời hứa đã được nên trọn, nơi Người thể hiện cái tột đỉnh của lịch sử Thiên Chúa với nhân loại. Khi chúng ta đọc câu chuyện về hai người môn đệ trên đường đi Emmaus, được Thánh Luca kể cho chúng ta biết, chúng ta thấy rõ ràng ra sao về con người của Đức Kitô chiếu sáng Cựu Ước, chiếu sáng toàn thể lịch sử cứu độ và thấy được dự án cao cả thống nhất của hai Giao Ước, thấy đường lối đặc thù chuyên biệt của nó. Thật vậy, Đức Giêsu đã giải thích cho hai lữ khách đang cảm thấy lạc lõng và buồn nản rằng, Người là sự viên trọn của mọi lời hứa: “Và từ Moisen và mọi tiên tri, Người đã dẫn giải cho họ tất cả thánh kinh về những gì liên quan đến Người” (24:27). Vị Thánh Ký này thuật lại việc than lên của hai người môn đệ ấy, sau khi nhận ra rằng, vị đồng hành ấy là Chúa: “Lòng chúng ta đã chẳng bừng nóng lên, khi Người nói với chúng ta trên đường đi hay sao, lúc mà Người dẫn giải thánh kinh cho chúng ta?” (câu 32).
Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo tóm lại các giai đoạn Mạc Khải thần linh, bằng cách, một cách gẫy gọn, cho thấy việc phát triển của mạc khải này (cf. nos. 54-64) như sau: Thiên Chúa đã kêu gọi con người ngay từ đầu để được thân mật hiệp thông với Ngài, thậm chí cả khi con người, vì hành động bất tuân phục của mình, mất đi tình thân hữu của mình, Thiên Chúa vẫn đã không bỏ rơi họ cho quyền lực của sự chết, thế nhưng, nhiều lần Ngài đã cống hiến cho con người giao ước của Ngài (cf. Roman Missal, Euch. Prayer IV). Sách Giáo Lý này vạch ra cuộc hành trình của Thiên Chúa với con người, từ khi Ngài lập giao ước với Noe sau trận lụt, đến khi Ngài kêu gọi Abraham rời bỏ xứ sở của ông, để làm cho ông thành cha của đông đảo các quốc gia. Thiên Chúa đã hình thành Yến Duyên làm dân của Ngài, qua biến cố Xuất Ai Cập, qua giao ước Núi Sinai, và tặng ân lề luật qua Moisen, để được nhận biết và phụng sự, như là Vị Thiên Chúa chân thật và hằng sống duy nhất. Qua các vị tiên tri, Thiên Chúa hướng dẫn dân của Ngài, bằng niềm hy vọng cứu độ. Qua tiên tri Isaia, chúng ta biết về “Cuộc Xuất Hành thứ hai”, cuộc trở về với mảnh đất của họ từ chốn lưu đầy Babylon, về việc tái thiết của dân này; tuy nhiên, đồng thời nhiều người trong họ vẫn sống tản mác, và vì thế bắt đầu tính chất đại đồng phổ quát của đức tin này. Cuối cùng, họ không chỉ còn mong đợi một vị vua là Đavít, hay một người con của Đavít, mà là một “Con người”, ơn cứu độ của tất cả mọi dân tộc. Những cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa xẩy ra, trước hết ở Babylon và Syria, sau đó với cả quần chúng Hy Lạp nữa. Như thế chúng ta thấy cách thức Thiên Chúa tăng trưởng ra sao, khi càng hướng về mầu nhiệm của Chúa Kitô, Vua vũ trụ. Nơi Chúa Kitô, Mạc Khải cuối cùng được hiện thực một cách viên trọn, ở chỗ, Người tự trở nên một người trong chúng ta.
Tôi đã dừng lại để tưởng nhớ đến tác động của Thiên Chúa trong lịch sử loài người, để cho thấy những giai đoạn của đại dự án yêu thương được chứng kiến thấy, trong Cựu Ước và Tân Ước: một dự án cứu độ duy nhất, được ngỏ cùng tất cả nhân loại, được mạc khải một cách tiến triển và hiện thực, bởi quyền năng của Thiên Chúa, một dự án cho thấy Thiên Chúa luôn phản ứng trước các đáp ứng của con người, và tìm cách bắt đầu lại những gì con người tỏ ra bất trung với giao ước. Đây là vấn đề quan trọng đối với đường lối của đức tin. Chúng ta đang ở trong phụng vụ Mùa Vọng, để sửa soạn mừng Lễ Giáng Sinh. Như tất cả chúng ta đều biết, tiếng “Advent” nghĩa là “đến”, là “hiện diện”, và theo nguồn gốc thì chữ này có nghĩa đặc biệt là việc vua chúa hay hoàng đế đến một tỉnh thành đặc biệt nào đó. Đối với Kitô hữu chúng ta chữ Advent nói đến một thực tại tuyệt vời và siêu việt, đó là Chính Thiên Chúa đã băng qua các Tầng Trời của Ngài và cúi mình xuống trên con người; Ngài đã thiết lập một thứ liên minh với con người, khi tiến vào giòng lịch sử của một dân tộc; Ngài là vị vua đã đến một cái tỉnh nghèo hèn là Trần Gian này, và đã trở thành một tặng vật cho chúng ta, bằng việc mặc lấy xác thịt của chúng ta, làm người như chúng ta. Mùa Vọng mời gọi chúng ta hãy theo đường lối hiện diện này, và nhắc nhở chúng ta mãi mãi rằng, Thiên Chúa đã không rút lui khỏi thế giới này, Ngài không vắng mặt, Ngài không bỏ mặc chúng ta, nhưng đến với chúng ta bằng những cách thức khác nhau, chúng ta cần phải biết nhận thức. Và cả chúng ta nữa, với đức tin của mình, đức cậy của mình, và đức mến của mình, cũng được kêu gọi hằng ngày để nhìn thấy và làm chứng cho sự hiện diện này, trong một thế giới thường nông nổi và phân tâm, để chiếu tỏa trong đời sống của mình thứ ánh sáng chiếu soi hang Bêlem. Xin cám ơn anh chị em.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/12/2012 (nhan đề và những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)
Views: 0