Ðoàn Xuân Thu
Ronald Wilson Reagan chào đời tại thành phố Tampico, tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ vào ngày mùng 6, tháng Hai, năm 1911.
Ông tốt nghiệp Cử nhân về Kinh tế và Xã hội học tại Ðại học Eureka.
Năm 1937, ông đến thành phố Los Angeles, khởi nghiệp bằng tường thuật lại những trận đấu bóng bầu dục do các điện tín từ khắp nơi trên nước Mỹ gởi về đài phát thanh.
Nhờ có giọng nói khúc chiết, rành mạch và truyền cảm, rất thu hút thính giả nên được trả công 10 đô la cho một trận.
Chỉ là những bản tin ngắn mà ông vẽ ra trong đầu cả một trận đấu hấp dẫn, nên sau này cũng dựa vào một câu nói của người khác, qua đầu óc hài hước thiên phú, một cách đầy nghệ thuật, ông nâng câu nói đó lên một tầm cao mới.
Chẳng hạn khi một viên đạn do một kẻ tâm thần bắn ra va vào thành xe limousine đổi hướng ghim vào phổi của ông, khi được đưa vào bệnh viện để trấn an Nancy, vợ mình, ông nói:“Em yêu! Hồi nãy, anh quên thụp xuống, né!”
Lần mò qua lãnh vực phim ảnh, Reagan dự kỳ tuyển tài tử và được công ty điện ảnh Warner Brothers ký hợp đồng 7 năm.
Tuy nhiên những phim có ông tham gia, ngân sách làm phim rất ít. Sau này, ông nói đùa là:“Ðạo diễn không cần làm phim hay mà chỉ muốn quay sao cho kịp vào ngày Thứ Năm mà thôi!” (Ðể kịp chiếu vào tối Thứ Sáu, cuối tuần).
Dầu vậy, sự nghiệp diễn xuất cũng đành phải bỏ ngang vì Thế chiến Thứ hai sắp bùng nổ, Reagan gia nhập Không lực của Lục quân Hoa Kỳ với cấp bậc binh nhì. Vì bị cận thị, nên ông chỉ phục vụ trong nước.
Ðến tháng Chạp năm 1945, chấm dứt Ðệ nhị Thế chiến, ông được giải ngũ với cấp bậc Ðại úy.
Tham vọng làm chánh trị đã khiến cuộc sống hôn nhân đầu tiên của ông bị trắc trở. Sau nhiều lần tranh cãi, vợ ông đâm đơn ra tòa đòi ly dị.
Bị vợ bỏ, tưởng rằng xui, nhưng ông lại may mắn tìm được tình yêu thứ hai đích thực với Nancy cũng là một tài tử điện ảnh theo ông đến cuối đời.
Có lẽ cũng vì vậy sau khi làm Tổng thống, ông đã ký một dự luật cho phép ly dị mà không cần chứng minh là phải một bên có lỗi.
Ðây là một sắc luật rất tiến bộ. Còn yêu còn ở. Hết yêu hết ở. Quyền tự do của cá nhân!
Năm 1967, Ronald Reagan được dân chúng tiểu bang California Hoa Kỳ bầu làm Thống đốc thứ 33. Say men chiến thắng, năm 1968, ông bèn ra tranh chức ứng cử viên Tổng thống Mỹ, đại diện đảng Cộng Hòa, nhưng thất bại.
Mãi tới năm 1980, ở tuổi 69 Ronald Reagan mới được đảng Cộng Hòa chọn ra tranh cử Tổng thống Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử, óc hài hước thiên phú đã được Ronald Reagan sử dụng như là một tuyệt chiêu vô đối để lên gối, chọc quê đối thủ chính trị của mình.
Chẳng hạn như ông nói: “Suy trầm kinh tế là khi người láng giềng của bạn bị mất việc; khủng hoảng kinh tế khi chính bạn bị mất việc. Và hồi phục kinh tế chỉ bắt đầu khi Jimmy Carter bị mất việc!”
Quả nhiên Jimmy Carter bị mất việc, Tổng thống Mỹ chỉ một nhiệm kỳ, để Ronald Reagan lập kỷ lục là Tổng thống tân cử già nhứt lịch sử Mỹ.. (Kỷ lục Tổng thống già đã bị Donald Trump, 70 tuổi, vượt qua năm rồi).
Khi bị giới truyền thông dè bỉu là già quá thì ông viện dẫn lời của vị Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ rằng:“Thomas Jefferson có lần đã nói với tôi là “Chúng ta không nên phán đoán Tổng thống mà căn vào tuổi tác; chỉ nên căn vào việc ông ấy làm mà thôi.” Từ khi nghe ông nói như vậy tôi không thèm lo lắng nữa!”
Rồi trong cuộc tranh luận với Walter Mondale, đảng Dân Chủ, sanh năm 1928, trẻ hơn ông tới 17 tuổi, vào năm 1984, Ronald Reagan cũng đùa là:“Tôi muốn ông biết một điều rằng: Tôi sẽ không đem vấn đề tuổi tác ra để tìm lợi thế trong chiến dịch tranh cử. Tôi sẽ loại trừ cái ích lợi về chính trị khi coi tuổi trẻ của đối thủ tôi là thiếu kinh nghiệm!”
Cử tọa cười hí hí vỗ tay! Ngạc nhiên thay, Walter Mondale cười he he và cũng vỗ tay.
Vì câu nói châm biếm nầy hay quá xá! Biến cái điểm yếu về tuổi tác già nua của mình bằng cách nhấn mạnh vào kinh nghiệm, khi so với cái trẻ trung, một ưu điểm rõ ràng của đối thủ chính trị!
Dù nói đùa, nhưng không rẻ tiền như diễn xuất giả gái, ngạo người tàn tật hay người đồng tính, hoặc nhăn mày, nhíu mặt, cà lăm, làm mắt lé để thọc léc thiên hạ. So với những ‘comedians’ nổi tiếng khác, phải công nhận Ronald Reagan võ công thâm hậu, bậc thượng thừa..
Reagan từng nói: “Tôi giành được biệt danh nhà truyền đạt vĩ đại.. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ nghĩ rằng phong cách của tôi đã tạo nên sự khác biệt mà chính là phần nội dung; tôi đã truyền đạt những điều vĩ đại.”
Tuổi tác và giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười mỉm của Ronald Reagan đã tạo được một hình ảnh nồng ấm, giống như một vị cha già đối với người dân Mỹ.
Khi bàn về cái nghề chính trị mà mình đang đeo đuổi mê say để đến nỗi bị vợ tẩy chay, vợ bỏ, ông cho rằng:“Làm chính trị không phải là một nghề lúc nào cũng tệ hại hết đâu! Nếu thành công sẽ có nhiều phần thưởng; còn nếu thất bại, bị công chúng ruồng bỏ thì mình cũng còn có thể viết sách được mà!”
Rồi khi nghe tin Clint Eastwood, một tài tử cũng tham gia vào chính trường bằng cách ra tranh cử chức thị trưởng, giống như con đường mình đã kinh qua, Reagan tự hỏi:“Cái gì đã xui khiến ông ấy, một tài tử đóng phim ở tuổi trung niên, người từng có kinh nghiệm chơi đùa với những ‘con khỉ dã nhân’, lại nghĩ mình có kinh nghiệm để thành công trong nghề làm chánh trị?!”
Con khỉ dã nhân ở đây Ronald Reagan ám chỉ những đối thủ chánh trị của ông. Lỡ họ có nghe, tức ói máu nhưng chỉ biết cười hè hè chớ chẳng làm được gì nhau!
Rồi ông chọc quê các chính trị gia là: “Tôi vừa mới học được một điều luật quan trọng nhất trong nghề làm chánh trị là phải có tư thế đĩnh đạc, đàng hoàng; nghĩa là hãy làm mình trông giống như một con cú mèo (nghĩa là rất khôn ngoan) sau khi đã hành xử như một con lừa (nghĩa là ngu hết biết).”
Ðối với Mỹ, con lừa (donkey) thường coi là ngu. Nhưng con lừa cũng tượng trưng cho đảng Dân Chủ Mỹ, đối thủ đảng Cộng Hòa.
Khi bị thiên hạ chơi xỏ đem con lừa đến tặng, Ronald Reagan đã nhã nhặn:“Tôi từ chối nhận vì không thể sử dụng được con lừa theo ý của mình. Vì tôi đã có hàng trăm con lừa trên Capitol Hill.”(Capitol Hill, Quốc Hội Hoa Kỳ)
Cái hay, cái duyên ngầm của Ronald Reagan là qua những lời châm biếm đối thủ thâm trầm nhưng không làm họ bẽ mặt. Ronald Reagan tự trào, đem mình ra làm trò cười, nhưng người nghe biết ông cười thiên hạ.
Chẳng hạn để phê phán mấy đứa học hành chẳng ra làm sao, dở ẹc, thì ông nói rằng:“Rất có lợi khi được dân bầu làm Tổng thống Mỹ. Một ngày sau khi tôi được dân bầu, thì học bạ thời trung học của tôi được xếp vào tài liệu tối mật.”
“Làm việc một cách siêng năng cần mẫn không giết chết một ai. Nhưng tui cũng phát hiện ra rằng: Tại sao mình lại liều lĩnh thử coi có phải đúng vậy hay không!”
Hay: “Trưa tôi không bao giờ uống cà phê; vì nó sẽ làm tôi mất ngủ suốt cả buổi chiều. Tôi đã ra lịnh cho cố vấn đừng đánh thức tôi dậy, ngay cả lúc đang họp nội các; chỉ trừ trường hợp đất nước chúng ta đang lâm vào tình trạng khẩn cấp mà thôi!”
Ronald Reagan biết người dân Mỹ yêu mình. Khi bệnh lú lẫn, tế bào não bị hủy hoại, ông không còn nhớ một ai, trừ Nancy, người vợ yêu dấu của ông.
Ông tránh xuất hiện trước công chúng, để người dân Mỹ vẫn còn giữ hình ảnh đẹp về ông.
Ông từ giã quốc dân đồng bào bằng những lời lẽ cảm động:“Tôi đang đi vào hoàng hôn của cuộc đời.. Nhưng nước Mỹ đang đi về phía bình minh.”
Ronald Reagan qua đời ngày mùng 5, tháng Sáu năm 2004, vì bị sưng phổi, thọ 93 tuổi. Nhưng Ronald Reagan vẫn còn sống mãi trong lòng dân Mỹ với những nụ cười ‘duyên’.
Views: 0