Trần Mỹ Duyệt
Trong Mùa Chay, mỗi lần viếng đàng thánh giá, có lẽ chúng ta nên dừng lại ở nơi thứ VIII lâu hơn để thấu hiểu ý nghĩa của lời suy niệm mà chúng ta vẫn thường đọc, nhưng đôi khi vội vàng, qua loa, chiếu lệ: “Lạy ơn Đức Chúa Giêsu, chẳng nề chịu trăm nghìn sự thương khó, cho được đứng lại yên ủi con thành Giêrusalem như Cha yên ủi con trong cơn khóc lóc. Xin Đức Chúa Giêsu yên ủi linh hồn con cùng các con chiên nước này, như yên ủi con thành Giêrusalem vậy, chớ để chúng con mồ côi làm chi.” Ngoài việc giúp chú tâm đến những gì đã xảy ra trong buổi gặp gỡ hôm ấy giữa Chúa Giêsu và những phụ nữ đứng bên đường khóc thương Ngài. Nó còn khơi lên một suy nghĩ thêm về những gì đã và đang xảy ra trong thế giới hôm nay, đặc biệt, đối với nữ giới.
Câu hỏi được nêu lên khi đứng trước chặng đàng thánh giá này là: Tại sao Chúa Giêsu phải dừng lại để an ủi những phụ nữ đang đứng bên đường khóc thương Ngài? Ai cần được an ủi ở vào thời khắc đó. Và ai an ủi ai: Chúa Giêsu hay những phụ nữ ấy? Trích đoạn Tin Mừng của Thánh Luca sau đây đã hé mở cái lý do khiến Chúa quên đi những đau đớn của mình để hướng cái nhìn về những phụ nữ này.
Ðức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: “Phúc thay những đàn bà hiếm hoi, những lòng dạ không sinh không đẻ, những kẻ không cho bú mớm!” Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Ðổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?” (Luca 23:28-31)
Như vậy, cái nhìn của Chúa Giêsu không phải chỉ dừng lại ở chỗ thông cảm với những nỗi bất hạnh của một số người, ngay cả của chính Ngài. Nhưng Chúa muốn nhắn nhủ các phụ nữ hôm đó, và qua họ, tất cả những phụ nữ sau này về mối nguy hiểm mà họ tự tìm ra ở chính mình. Ngài chỉ cho thấy cái quan trọng của sự dữ là hệ quả của thế giới chung quanh đang nhắm vào họ, và một mặt khác chính họ đang tự để mình rơi vào những cám dỗ đó. Những điều này có thể được diễn tả bằng những giọt nước mắt về những kinh hoàng, những đau khổ, những thua thiệt mà giới phụ nữ phải gánh chịu và chấp nhận.
Qua những phụ nữ ấy, Chúa Giêsu còn hướng về tương lai xa xôi mãi tận thời đại của chúng ta. Những giọt nước mắt của Ngài đã nói tiên tri về những nỗi bất hạnh tinh thần cũng như thể xác, về sự nhục nhã trong thân phận nữ giới. Những điều đang xảy ra trên thế giới hôm nay như tệ nạn buôn người, nô lệ tình dục, hành hung và xúc phạm đến thân xác, tinh thần, cũng như những phẩm giá của người phụ nữ. Bị cưỡng bức kết hôn, cưỡng bức tình dục, cưỡng bức phá thai, hay bị bán vào những ổ mãi dâm…Trước những đau thương và bất hạnh ấy, lời Chúa đã trở nên ứng nghiệm: “Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Ðổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?” (30-31)
Nghe Chúa Giêsu nói với các phụ nữ Giêrusalem, những người đi theo Chúa và khóc lóc là: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em,” khiến chúng ta càng phải suy nghĩ thêm về những gì đang diễn ra trong thế giới phụ nữ. Ngày nay, chúng ta nghe nhiều, thấy nhiều những phong trào, những tổ chức hô hào đổi mới của nữ giới như bình quyền, tự do luyến ái, đồng tính, hôn nhân đồng tính, phá thai, di thân và ly dị. Trong giáo hội cũng như ngoài xã hội, nữ giới đòi hỏi được phong chức linh mục, được làm tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng… Một mặt bị thế giới đàn ông quay lưng, lợi dụng; mặt khác chính họ cũng quay lưng với chính mình để cuồng loạn đi tìm cho mình những chỗ đứng xem như không phù hợp với ơn gọi, phẩm giá, giá trị và vẻ đẹp của phụ nữ.
Trong bài tham luận với đề tài “Phải gửi người đàn bà Công Giáo loại sứ điệp nào?”, tác giả Vũ Văn An đã đưa ra nhận xét:
“Mấy năm gần đây, người ta hay nói về vai trò của người đàn bà trong Giáo Hội theo chiều hướng quyền hành, nhưng Carries Gress (xem https://www.ncregister.com/blog/cgress/have-we-been-doing-catholic-womens-messaging-wrong) cho rằng điều ấy hình như chẳng ăn nhằm gì tới nền văn hóa nữ giới Công Giáo và do đó không nói lên được chút nào căn tính của họ và cũng không kéo họ ra khỏi nền văn hóa chết chóc đang ngự trị trong thời đại ta.
Và trong phần kết luận, tác giả viết: “Cho đến khi ta có thể tìm được các cách thức mới để với tới người phụ nữ và giúp họ nhìn ra ý thức hệ chết chóc đang rao bán cho họ hàng ngày như sự thật và ánh sáng, sự mơ hồ lẫn lộn về Giáo Hội, giáo huấn của Giáo Hội và sức mạnh Giáo Hội vốn có để biến đổi đời sống mọi người đàn bà, sẽ vẫn còn đó. (Vũ Văn An – Vietcatholic.net, 09/Mar/2020)
Thế giới thực tế đang phản ảnh lẫn lộn quan niệm, lối sống và suy nghĩ về nữ giới, nữ quyền. Những ảnh hưởng ấy cũng đang tác dụng ngay trên nếp sống thường ngày của một số phụ nữ Việt hải ngoại.
Tuần trước, một nhân viên hãng điện thoại đến thay cho tôi một chiếc modem mới. Trong lúc làm việc, anh tò mò nhìn lên tường nơi tôi treo mấy tấm hình gia đình, rồi hỏi:
-Chú có bao nhiêu con? Có đứa cháu nào chưa?
Rồi không chờ tôi trả lời, anh tự động tâm sự:
-Cháu qua Mỹ cũng gần 40 năm rồi. Hồi trước cháu không làm nghề này, nhưng mới đổi nghề ít năm gần đây sau khi bị vợ bỏ.
Nghe vậy, tôi mới hỏi anh:
-Vậy còn cháu. Cháu có con cái gì không? Làm gì mà đến nỗi bị vợ bỏ?
Câu hỏi của tôi xem như đụng chạm đến nỗi đau tâm hồn tưởng chừng đã vừa được hàn gắn, anh bộc lộ với tôi một cách rất chân tình như chỗ quen biết:
-Dạ, cháu có vợ, có con và có cháu nội đàng hoàng. Nhưng mà nghĩ lại buồn lắm chú ơi!
-Có gì làm cháu buồn. Vợ chồng giận hờn, cãi vã nhau là chuyện bình thường, làm gì đến phải bỏ nhau. Cháu có xuống nước xin lỗi, năn nỉ vợ cháu về không? Hay tại cháu vớ vẩn, lang thang bên ngoài, vợ khuyên không nghe nên nó mới bỏ?
Tôi bỗng nhìn anh với nét mặt đầy xúc động. Và với giọng nói nghẹn ngào anh tiếp tục kể:
-Không phải vậy, vợ cháu nó bỏ cháu để sống với một người đàn bà khác. Hai đứa chúng nó là lesbian (đồng tính nữ) đó chú biết không!
-Đồng tính nữ thì chú cũng nghe qua, nhưng một người đã có chồng, có con, và có cháu rồi mà lại trở thảnh đồng tính thì chú chỉ mới nghe cháu nói.
-Và trường hợp của vợ cháu còn tệ hơn nữa, là cả người đàn bà kia cũng bỏ chồng, bỏ con để trở thành đồng tính với vợ của cháu…
Nghe câu chuyện, tôi vội vàng đi tìm một vài thống kê cho biết thế giới đồng tính, đặc biệt của giới phụ nữ đồng tính như thế nào, và sau đây là một vài con số:
Những khảo cứu thuộc các nền văn hóa Tây Phương cho thấy khoảng 93% đàn ông và 87% phụ nữ hoàn toàn chắc chắn giới tính bình thường. 4% đàn ông và 10% phụ nữ đôi khi hoài nghi về giới tính. 0.5% đàn ông và 1% phụ nữ đôi khi hành động lưỡng tính. 0.5% đàn ông và 0.5% hầu chắc đồng tính, và 2% đàn ông và 0.5% đàn bà chắc chắn mình là đồng tính. (Demographics of sexual orientation. From Wikipedia, the free encyclopedia)
Vậy làm cách nào để Thiên Chúa có thể quan tâm với những yếu đuối của con người? Chúng ta chỉ là con người thôi mà! Đặc biệt là những người phụ nữ yếu đuối, mỏng dòn!
Như vậy, khi suy ngắm về những đau đớn của Chúa Giêsu vai vác thập giá trên đường lên núi Sọ mà còn dừng lại dành tình thương cho những phụ nữ Giêrusalem, sẽ giúp chúng ta khám phá một cách rõ ràng hơn sự nghiêm trọng của tội, và sự cần thiết nhất là xa tránh và chừa bỏ được tội lỗi đang làm cho khuôn mặt nhân loại, khuôn mặt người phụ nữ ra xấu xí, thay hình đổi dạng do Satan và những kẻ cộng tác với hắn gây ra.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, đối diện với những phụ nữ đang than khóc Chúa, Chúa đã dừng lại nói lời an ủi và cho họ một cái nhìn về tương lai. Hình ảnh này khiến chúng con nhớ lại hình ảnh Chúa đứng ra bênh vực cho người thiếu phụ lỡ phạm tội ngoại tình. Chúa không nghĩ đến sự xúc phạm mà phụ nữ ấy đã làm vì con người yếu đuối, nhưng Chúa đã thấy dã tâm của bọn người giả hình. Họ có tội nhưng lại đòi ném đá nàng. Và Chúa đã nói với nàng: “Ta cũng không luận tội con, hãy về và đừng phạm tội nữa”. Xin Chúa chúc lành cho chị em phụ nữ để trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếp sống nào, vai trò nào họ vẫn giữ được vẻ đẹp và giá trị của con cái Chúa, của vai trò làm mẹ và vai trò làm vợ. Đó chính là những giá trị trổi vượt nhất mà một người phụ nữ có được noi gương Đức Trinh Nữ Maria trong nhà Nazareth.
Views: 0