Tu đức

Trường học thinh lặng

Matthew Kelly

 

Nếu tôi nhờ bạn chỉ đạo một cuộc kiếm tìm những ứng viên phù hợp để trở nên nhà lãnh đạo và ngôn sứ trong thế giới hiện đại, bạn sẽ tìm ở đâu? Có lẽ, bạn sẽ không trực tiếp tìm kiếm những vị mục tử. Tôi luôn thấy thú vị khi nhận ra rằng nhiệm vụ thông thường nhất của các ngôn sứ và thủ lãnh trong Cựu Ước chính là chăn dắt như một mục tử. Bạn có suy nghĩ về việc tại sao Thiên Chúa lại kêu gọi rất nhiều vị mục tử giữ những trọng trách có thẩm quyền và thế lực như thế không? Điều gì làm cho các ngài trở nên những người duy nhất xứng hợp như vậy?

Với tôi, dường như, những vị mục tử đã dành nhiều giờ trong thinh lặng và tĩnh mịch. Ngày ngày, họ đắm mình trong đền thờ vũ trụ của Thiên Chúa. Điều ấy kiến tạo nơi họ một sự thông hiểu độc nhất vô nhị về thiên nhiên và công trình tạo dựng, làm cho họ xứng đáng là những quản gia của thế giới và tất cả những gì trong thế giới. Nhưng, cũng chính những chuỗi ngày dài đắm chìm trong trường học thinh lặng cũng tạo cho các ngài có được nhiều thời giờ để ngẫm nghĩ, suy tư và chiêm niệm. Và quan trọng hơn cả, sự thinh lặng và tĩnh mịch ấy đem đến cho các ngài một cơ hội trổi vựợt để lắng nghe tiếng Thiên Chúa trong đời sống của các ngài.

Khi chúng ta đọc Kinh Thánh, dường như lời mở đầu chung cho mỗi câu đều là “Thiên Chúa nói”: “Thiên Chúa nói với Ađam …”, “Thiên Chúa nói với Noah …”, “Thiên Chúa nói với Abraham”, “Thiên Chúa nói vói Môsê … và vân vân. Trong suốt dòng lịch sử tình duyên giữa Thiên Chúa với con người, Ngài đã không ngừng đối thoại với chúng ta. Tôi tin chắc rằng, trong thời buổi hiện đại này, không phải là Thiên Chúa đã ngừng nói với con người, nhưng là con người đã không còn lắng nghe tiếng nói của Ngài nữa. Trong khi tôi vẫn tin tưởng rằng, ở mọi lúc, Thiên Chúa có thể đối thoại qua trung gian là ai đó hoặc điều gì đó, thì cùng lúc tôi cũng tin nhận rằng nơi gặp gỡ mà Ngài ưa thích là ở trong sự thinh lặng và tĩnh mịch. Thiên Chúa nói trong sự thinh lặng. Hoặc, cũng có thể, chính trong sự thinh lặng, khi rời khỏi sự náo động và xô bồ của thế giới, chúng ta có thể nghe thấy Ngài.

Nếu tôi có sống đến 100 tuổi và dành cả cuộc đời để viết đi nữa, tôi cũng sẽ chẳng thể nào làm nổi bật hết được tầm quan trọng của sự thinh lặng trong việc vun trồng đời sống thiêng liêng. Trong tác phẩm A Call to Joy (Lời mời gọi sống vui), tôi viết: “Một giờ trong thinh lặng, bạn có thể học được nhiều hơn cả một năm bạn học từ sách vở”. Trong tác phẩm Mustard Seeds (Những hạt cải), tôi viết: “Chính trong phòng học thinh lặng, Thiên Chúa tặng ban sự khôn ngoan của Ngài cho con người”.

Tôi hứa với bạn hai điều: Trong sự thinh lặng, bạn sẽ tìm thấy Thiên Chúa và trong sự thinh lặng, bạn sẽ tìm thấy chính mình. Đây sẽ là hai khám phá vĩ đại nhất trong đời sống của bạn. Nhưng những khám phá ấy sẽ không phải là những khoảnh khắc hiển linh; chúng sẽ diễn ra dần dần. Mỗi lúc bạn sẽ khám phá ra một ít, điều này giống với việc các miếng ghép được xếp lại cùng nhau trong trò chơi ghép hình. Tôi không thể tưởng tượng nổi cuộc sống sẽ khổ sở tới mức độ nào nếu không có cuộc phiêu lưu khám phá ra Thiên Chúa và chính mình. Chính tiến trình khám phá ấy giúp chúng ta làm nên ý nghĩa của cuộc sống.

Trong sự thinh lặng, mọi thứ trở nên có ý nghĩa. Hãy xem xét thí dụ sau đây: Bạn đang trên một hành trình đường thủy và rồi bạn bị lạc hoặc một chút chệch hướng. Bạn làm gì đây? Chẳng lẽ bạn nói với những đồng hành rằng hãy la lớn lên và mở nhạc to lên? Không. Bạn sẽ xin mọi người thinh lặng và bạn sẽ tắt nhạc. Tại sao? Trong sự thinh lặng, mọi thứ bắt đầu làm nên ý nghĩa.

Giờ đây, áp dụng điều này vào trong đời sống cá nhân của chúng ta, ngay lúc này, tất cả chúng ta đều không ngớt cố gắng để làm cho điều chi đó trong cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa. Lúc này đây, bạn đang cố gắng. Điều chi đó là gì? Bạn có tặng cho mình sự thinh lặng cần thiết để làm cho điều ấy trở nên ý nghĩa?

Thế giới hiện đại của chúng ta đang quay cuồng vượt tâm kiểm soát, và một trong những yếu tố chính của hỗn độn và rối loạn của thời đại chúng ta chính là sự ồn ào. Cuộc sống của chúng ta ngập tràn tiếng ồn. Chúng ta sợ sự thinh lặng.

Trong những năm 1940, c.s.Lewis có viết một loạt lá thư xuất hiện trên một tơ báo ở Luân Đôn có tên là: The Guardian (Người canh gác). Những lá thư ấy là sự qua lại thư từ của một tên quỷ thâm niên, Screwtape, và cháu của hắn, Wormwood, một tên quỷ mới vào nghề. Ba mươi mốt lá thư sau này được xuất bản trong một cuốn sách với tựa đề: The Screwtape Letters (Những lá thư của Screwtape). Trong những lá thư ấy, Screwtape cung ứng cho Wormwood quy trình để lôi kéo một linh hồn xa rời Thiên Chúa và dành cho quỷ dữ. Trong khi Wormwood thì cố gắng nghĩ ra mọi kiểu thức ngoại lai để cám dỗ người đã được trao phó cho nó, thì Screwtape thì lại quở trách nó và giảng giải những phương pháp của chúng đã được thiết lập từ lâu đời nay. Một trong những phương pháp ấy, lão quỷ giảng giải, là tạo ra thật nhiều sự ồn ào đến độ con người, cả nam lẫn nữ, không thể nghe được tiếng Thiên Chúa trong cuộc sống của họ nữa. Trong một lá thư, tên lão quỷ loan tin: “Vào thời sau cùng, chúng ta sẽ làm cho toàn thể vũ hoàn này náo loạn ồn ào”. Liệu bạn có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa trong cuộc sống của bạn chăng?

Tôi tin rằng những bài viết của c.s Lewis là có tính tiên tri bởi ý tưởng mà ông miêu tả đã cách đây hơn sáu mươi năm. Ngày nay, chúng ta thức dậy với những chiếc radio có đồng hồ điện tử, chúng ta nghe radio trong khi chúng ta tắm, và chúng ta xem TV khi chúng ta ăn sáng. Chúng ta nghe radio trong xe hơi trên đường tới công sở hoặc trường học, cả ngày chúng ta nghe nhạc trong hệ thống điện thoại nội bộ, chúng ta ấn nút chờ và nghe nhạc. Chúng ta có Game Boys, máy nhắn tin, điện thoại di động, máy nghe nhạc (Walkmans, Discmans), máy DVD di động, iPods, và iPhones. Hầu hết các gia đình có TV đa năng, và chúng ta vẫn mở chúng ngay cả khi không có ai xem. Chúng ta có quá nhiều sự ồn ào, tới mức thậm chí chúng ta không thể nghe được cả suy nghĩ của mình.

Ở giữa tất cả những ồn ào mà bạn đang thực hiện ấy, làm sao bạn có thể hình dung được bạn là ai và bạn đang ở đây vì điều gì? Thực tế là, bạn sẽ không thể. Nếu như bạn không ẩn mình khỏi những náo động của đời sống và thế giới trong vòng vài phút mỗi ngày, bạn chắc chắn sẽ trở nên một răng cưa khác trong bánh xe kinh tế toàn cầu hóa: tiêu thụ và bị tiêu thụ.

Thế giới của chúng ta tràn ngập tiếng ồn, và như một hệ quả, chúng ta không thể nghe tiếng Chúa trong đời sống chúng ta nữa. Đã đến lúc chúng ta phải bước vào căn phòng yên lặng.

Trích sách « TÁI KHÁM PHÁ ĐẠO CÔNG GIÁO  Cẩm Nang Để Sống Đạo Say Mê và Hiệu Quả » Matthew KELLY. Tr 275-279.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.