1. Rửa tay
Hàng năm vào Tuần Thánh, mỗi khi nghe bài Thương Khó, ai ai cũng đều chạnh lòng thương cảm khi thấy cảnh tượng Chúa Giêsu bị kết án oan, và cảm thấy bất mãn khi quan tòa Philatô rửa tay rồi giao Chúa Giêsu cho quân dữ.
Trong phiên tòa Philatô xử Chúa Giêsu, rõ ràng ông đã tìm cách cho Chúa khỏi bị án tử hình. Philatô không chỉ đồng ý là Chúa Giêsu không những không có âm mưu chống lại đế quốc La Mã mà cũng không chống lại Hêrôđê Antipas, vua xứ Galilê, và không coi hành động của Chúa Giêsu là phản bội. Philatô nói rằng: “Tôi thấy người này không có tội” và yêu cầu những người Do Thái thả Ngài ra. Thế nhưng khi đám đông dân chúng nhất quyết kết tội thì Philatô sợ hãi, hèn nhát rửa tay thanh minh rằng mình vô tội trong việc đổ máu Chúa và ông buông xuôi trao Chúa cho họ hành động theo ý họ. Họ bắt Chúa vác thập giá, rồi đóng đinh vào thập giá. Và Chúa đã chết trên thập giá.
Tay là một chi thể trong thân thể có nhiều đặc tính và nhiều ý nghĩa biểu trưng liên quan đến quyền lực. Rửa tay bao hàm việc trốn tránh trách nhiệm một cách hèn mạt nhất. Rửa tay nói đến việc mình vô tội trong khi thi hành quyền lực như trường hợp Philatô là một hành vi kém nhất, phi nhân bản nhất trong lịch sử của con người.
Philatô né tránh trách nhiệm cá nhân bằng cách rửa tay để chứng tỏ mình vô tội trong cái chết của Chúa Giêsu. Con người thật của Philatô bị vạch trần. Để bảo vệ quyền lợi của mình, Philatô đành thí bỏ người vô tội. Philatô không dám xét xử theo sự thật, và không dám đứng về phía sự thật, mặc dầu đã có lúc ông muốn biết sự thật là gì. Rửa tay trong trách nhiệm này là kẻ hèn mạt, và biểu lộ sự lạm quyền để giết chết, bóp nghẹt, kềm hãm tự do người thuộc quyền. Thao túng quyền lực là cách minh chứng kẻ yếu kém nhất về mặt lãnh đạo, càng dùng quyền để lãnh đạo, người ta càng minh chứng rõ rệt hơn chính người lãnh đạo không có khả năng, thiếu mất một cánh tay, một bàn tay, là một người khuyết tật, chỉ mang trên thân mình một bàn tay thép, một cánh tay hủy diệt.
Những Philatô thời nay không những rửa tay mà còn rửa tai, rửa mắt để quay lưng lại với nỗi đau khổ của quần chúng lầm than.
Chúa Giêsu không rửa tay nhưng chấp nhận để đôi bàn tay mang lấy tất cả tội lỗi của nhân loại và đưa lên vai rồi chịu đóng đinh đôi bàn tay vào Thập Giá.
2. Rửa Chân
Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu cử hành nghi thức rửa chân một cách trang trọng. Đang ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài, lấy khăn thắt lưng, bưng thau nước, quì gối rửa chân cho các môn đệ. Đó là cử chỉ của người đầy tớ. Simon Phêrô hốt hoảng rút chân lại và la lên: “Thưa Thầy, không đời nào Thầy rửa chân cho con”. Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa chân con, con sẽ không có chung phần với Thầy”. Phêrô chất phác vội thưa: “Nếu vậy xin Thầy không những rửa chân, mà còn rửa tay và đầu con nữa”. Đức Giêsu đáp: “Kẻ đã tắm rồi, toàn thân đã sạch, không cần phải rửa lại” (Ga 13,4-10).
Đức Giêsu hạ mình rửa chân cho các môn đệ để dạy họ bài học khiêm nhường trong sứ mạng phục vụ tha nhân: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,13-16).
Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc thực hành qua hành vi rửa chân: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13,17).
Phàm cái gì bẩn thì phải rửa, dù bẩn theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Vua Đavít cũng đã cầu nguyện: “Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51,4).
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI viết: cảnh rửa chân cô đọng cuộc đời và cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Thiên Chúa bỏ qua một bên tấm áo choàng vinh quang, tự mặc tấm áo nô lệ, đứng bên cửa chờ đợi để hầu hạ. Thiên Chúa, với tình yêu thương vô điều kiện, cúi xuống rửa sạch những vết ô uế của con người, để con người có thể ngồi chung bàn tiệc với Thiên Chúa. Suy niệm về điểm đặc thù này, thần học nhận ra rằng biến cố rửa chân xảy ra trước khi Đức Giêsu thành lập nhiệm tích Thánh Thể. Như vậy rửa chân là dấu chỉ cho biết con người phải rửa sạch tội trước khi nhận lãnh Mình và Máu Chúa. (x. Đức Giêsu Thành Nazareth, Cuốn 2).
Như vậy, nghi thức rửa chân còn hướng tới một chiều hướng khác nữa. Khi Chúa nói: “Phải! các con đã sạch, nhưng không phải tất cả đều sạch hết đâu” (Ga 13,11), Người đã hướng chủ đề sạch sẽ thân xác qua chủ đề thanh sạch tâm hồn. Nhân đó Người hàm ý cảnh tỉnh Giuđa là kẻ đang có manh tâm phản bội Thầy. Lời cảnh tỉnh xa xôi nhưng đủ mạnh cho một tâm hồn thánh thiện. Đáng tiếc, lời ấy đã không được Giuđa lãnh hội. Đức Giêsu đau lòng nhìn Giuđa đứng lên bỏ bàn tiệc, lao mình vào đêm đen. Sau khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Nay các con đã được sạch, nhờ lời Thầy giảng dạy các con” (Ga 15,3). Đây là lời kết chan chứa tình cảm trong giờ chia ly. Hiển nhiên và công khai, Đức Giêsu hài lòng xác nhận tâm hồn của mười một môn đệ đã sạch, vì họ đã có đời sống kết hợp với đạo lý do Người truyền dạy.
Việc rửa chân là biểu tượng của tẩy uế tội lỗi nên Đức Giêsu nói quyết liệt với Simon Phêrô: nếu không chịu rửa chân sẽ không có kết hợp với Thầy.
“Kẻ đã tắm rồi, toàn thân đã sạch, không cần phải rửa (thân) lại”. Bởi vì khi đã chịu phép rửa, nguyên tội được sạch, linh hồn được tái sinh trong Thần Khí. Trở nên Kitô hữu, đời sống tâm linh được rửa sạch, chúng ta không cần rửa thêm một lần nào nữa. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn mang trong người dòng máu Ađam truyền lại, vẫn còn tiềm năng phạm tội. Mỗi người không bao giờ có thể tự hoàn hảo thánh thiện. Đó là bản chất phàm trần bất toàn của mình. Con người luôn luôn có những bước chân lầm lỡ, dính những hạt giống tội lỗi, chờ dịp thuận tiện là nảy mầm. Thân có sạch nhưng chân vẫn dơ. Vì vậy con người vẫn cần phải rửa chân. Tuy nhiên chỉ những ai giữ được thân thể sạch sẽ mới quan tâm đến vết nhơ, dù nhỏ, dính ở ngón chân. Chỉ những ai đi trong ánh sáng Thiên Chúa mới có con mắt nhìn ra cái đốm đen ô uế bám vào vạt áo của linh hồn. Chỉ những ai có tâm hồn thanh sạch mới biết đau khổ vì tội lỗi. Cho nên những người này cần đến ơn giải tội. Bản chất tội lỗi chính là tình trạng xa cách, đóng của lòng, chống lại sự kết hợp với Thiên Chúa. Cho nên chúng ta cần Đức Giêsu trong ngôi vị Thiên Chúa, rửa chân (rửa tội) để được tha tội, và được kết hợp vì “Nếu Thầy không rửa chân con, con sẽ không có chung phần với Thầy”.
Hành vi phạm tội không hoàn toàn là một sự việc riêng tư đóng khung trong phạm vi cá nhân. Khi phạm tội, ta không thể tự mình tha tội cho mình. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội để nhờ đó ta mới có thể tái lập sự kết hợp với anh em và với Thiên Chúa. Vì vậy, chỉ có sống trong ánh sáng Thiên Chúa, ta mới thấy sự cần thiết của tình liên hệ, nên mới kết hợp với nhau. Kết hợp bằng cánh “rửa chân” cho nhau, trong ý nghĩa khiêm nhường phục vụ anh chị em có cùng một Cha. Ngoài rửa chân cho nhau, Kitô hữu bất cứ ở chức vị nào, cũng còn cần Đức Giêsu “rửa chân” cho chính mình, để tái lập sự thanh sạch linh hồn và kết hợp với Thiên Chúa.
.
Bao lâu con người còn sống nơi trần thế, con người vẫn phải đi trên những con đường dài đầy bụi bặm. Thân có sạch nhưng chân vẫn lấm dơ.
Tuy phạm tội, nhưng Phêrô vẫn sống trong ánh sáng Thiên Chúa, vì vậy ông đã vô cùng đau khổ bật khóc thảm thiết do hối hận. Phêrô không làm hại Thầy, nhưng đau khổ cho chính con người yếu đức tin của mình. Suy ra, đi trong ánh sáng Thiên Chúa vẫn còn phải tranh đấu với yếu đuối của mình trong suốt cuộc đời sống đạo. Nếu chúng ta sống trong sự sáng, như Thiên Chúa ở trong sự sáng, chúng ta kết hợp với nhau, máu của Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa sẽ rửa sạch mọi tội lỗi chúng ta. Thánh Gioan kết luận, cuối đường chúng ta đều phải rửa bằng máu của Đức Giêsu mới được sạch hoàn toàn (x. Thân đã sạch vẫn cần phải rửa chân; Đỗ Trân Duy).
Chúa Giêsu đã mở ra cho nhân loại linh đạo tình thương kỳ diệu khi Người làm gương cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Người đã giang tay ra trên thập giá, gánh hết mọi tội lỗi nhân gian. Thánh Phaolô cảm nghiệm thật sâu xa: "Ðấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người" (2 Cr 5, 21). Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân mình, trở thành "hiện thân của tội lỗi" nên Chúa Giêsu đã hòa mình với những tội nhân khác, xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình cùng với bao tội nhân khác tỏ lòng ăn năn sám hối và Người đã bị kết án chết thảm thương trên thập giá để cứu chuộc loài người tội lỗi, như lời thánh Phêrô: "Tội lỗi của chúng ta, Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành" (1 Pr 2, 21-24).
Lạy Chúa Giêsu, khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, Chúa mời gọi chúng con sống khiêm nhường phục vụ và yêu thương nhau thể hiện qua bàn tay lau sạch những thương tích và những lỗi phạm của nhau.
Lạy Chúa Giêsu, khi giang tay ra trên thập giá, Chúa đã đền tội cho nhân loại, xin tẩy rửa tâm hồn chúng con được thanh sạch để chúng con xứng đáng đón nhận Mình Máu Chúa trong phép Thánh Thể. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Views: 0