Uncategorized

Phú hộ và Lazarô: Hai lựa chọn, hai lối sống

Lựa chọn bao giờ cũng là một việc làm khó. Nó đòi hỏi nhiều suy nghĩ, đắn đo, và đôi khi cần đến hy sinh đổ máu. Nếu không vậy, hành động lựa chọn sẽ không mang ý nghĩa, hoặc chỉ là một việc làm có tính cách may rủi.

 

Lựa chọn bao giờ cũng là một việc làm khó. Nó đòi hỏi nhiều suy nghĩ, đắn đo, và đôi khi cần đến hy sinh đổ máu. Nếu không vậy, hành động lựa chọn sẽ không mang ý nghĩa, hoặc chỉ là một việc làm có tính cách may rủi.

 

Theo tâm lý học, khi đứng giữa một việc làm xấu và một việc làm tốt, hành động lựa chọn không cần nhiều suy nghĩ và cố gắng. Giữa một việc làm xấu và một việc làm ít xấu hơn, hành động lựa chọn này cần đòi hỏi đến suy nghĩ và đắn đo. Nhưng khi phải lựa chọn giữa một việc tốt này, với một việc tốt khác, hành động lựa chọn lúc này càng đòi hỏi suy nghĩ và cân nhắc hơn. Thông thường nó khiến ta lưỡng lự và khó lòng dứt khoát (dilema); đặc biệt, khi lựa chọn ấy khiến ta phải hy sinh, phải từ bỏ một chọn một. Tuy nhiên, nếu vượt qua được sự đắn đo, suy nghĩ để quyết định, ta sẽ thấy hài lòng về quyết định của mình. Lý do, vì ta đã phải trả giá cho việc lựa chọn ấy.

 

Trong trích đoạn Tin Mừng của Thánh Luca (Luca 16:19-31), Chúa Giêsu đã nêu lên hai thái độ và hai lối sống mà Ngài muốn ta phải lựa chọn bằng cách so sánh giữa một phú hộ giầu có, và một hành khất đói rách, bệnh hoạn. Ngài đã kết luận về hai sự lựa chọn và hai lối sống của họ bằng một kết quả có tính cách đời đời: đời đời hạnh phúc, và đời đời trầm luân. Cái thế giới vô hình ấy được ngăn cách bằng một vực thẳm vô biên đến nỗi bất cứ ai trong hai người muốn qua lại, giao tiếp với nhau cũng không được. Và tình trạng nhân loại ngày nay, đang phản ảnh một cách hết sức ý nghĩa của dụ ngôn này:

 

Ngày 14-9-2010 ông Jacques Diouf, giám đốc tổ chức Lương Nông Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc viết tắt là FAO, đã công bố bản tường trình 2010 liên quan tới nạn đói trên thế giới. Theo đó so với năm ngoài 2009 nạn đói đã giảm được 9,6%, nghĩa là số người đói đã giảm được 98 triệu trên tổng số 1 tỷ 20 triệu. Đây là lần đầu tiên kể từ 15 năm qua, số người đói giảm bớt trên thế giới. Tuy nhiên, trên trái đất này vẫn còn có 925 triệu người đói, trong đó có 578 triệu tại Á châu, 239 triệu tại Phi châu, 53 triệu tại châu Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi, 37 triệu tại vùng Trung Đông, và 19 triệu tại các nước phát triển. Như thế số người đói giảm 12% tại Á châu, 9,8% tại Phi châu, 12% tại tại Trung Đông, nhưng lại gia tăng 26% tại các quốc gia phát triển.

 

Bản tường trình cũng cho biết 2 phần 3 tổng số người đói sống trong 7 quốc gia là Bangladesh, Cộng hòa dân chủ Congo, Etiopia, Indonesia, Pakistan và trong hai cường quốc kinh tế đang lên là Trung Quốc và Ấn Độ. Đường hầm đen tối nhất là thảm cảnh của các quốc gia ở miền nam sa mạc Sahara, trong đó một phần 3 tổng số dân bị đói, và người ta không có một viễn tượng sáng sủa nào.

 

Theo ông Diouf, cứ mỗi 6 giây thì có 1 trẻ em bị chết vì các vấn đề gắn liền với tình trạng thiếu dinh dưỡng.

 

Nạn đói tiếp tục là một thảm cảnh khiến cho hàng năm trên thế giới có 9 triệu người chết, nghĩa là mỗi tháng có 700.000 người, mỗi tuần có 170.000 người và mỗi ngày có 24.000 người chết vì không có gì để ăn.*

 

Hình ảnh của một thiểu số giầu có giữa bao người nghèo đói và bất hạnh trên đang thách thức lương tâm con người. Và theo tinh thần của Tin Mừng, đòi hỏi chúng ta phải có một lựa chọn có ý nghĩa cho cuộc sống mình.

 

Nhưng nếu để tâm suy niệm bằng tâm tình yêu mến và cầu nguyện, ta sẽ khám phá ra một điều hết sức huyền nhiệm, khiến ta phải ngỡ ngàng, đó là người giầu có, phú hộ hay “đại gia” kia không có tên gọi. Ngược lại, người nghèo khổ, túng thiếu và bệnh tật kia được Chúa Giêsu nêu đích danh ông là Lazarô. Ðiều này nói lên gì? Và tại sao lại có sự phân biệt nhiệm mầu này. Theo tiếng Do Thái Lazarô (Lazarus) có nghĩa là người được Thiên Chúa phù trợ (one God has helped).

 

Như vậy người phú hộ kia, hay thành phần giầu có mà ích kỷ phải chăng không có tên gọi, và họ không được Thiên Chúa phù trợ? Thật ra, Thiên Chúa luôn luôn yêu thương và phù trợ mọi người. Riêng cái việc mà họ được giầu có, quyền lực cũng đến từ lòng yêu thương của Ngài. Nhưng khác với những người nghèo đói, túng thiếu, và gặp đau thương thử thách, những kẻ tự hào về sự giầu có, tài năng, hoặc quyền lực của mình, họ không muốn nhìn nhận những phúc lộc ấy đến từ Thiên Chúa. Vì thế, Ngài không thể đặt cho họ được tên gọi nào. Người nghèo đói, túng thiếu, bệnh tật và đau khổ thì ngược lại, họ chính là những kẻ luôn cầu xin danh Ngài, tin tưởng vào sự yêu thương, nâng đỡ của Ngài. Trong gia đình, những đứa con bé nhỏ, bệnh hoạn là những đứa con được cha mẹ thương yêu và bênh đỡ. Còn những đứa tưởng mình giầu có, khôn lớn, cao ngạo thì không phải là cha mẹ không thương yêu, đùm bọc chúng, mà chính chúng không cần đến tình thương ấy.

 

Lazarô, người được Thiên Chúa phù trợ. Nhưng câu hỏi ở đây là Ngài phù trợ ông cái gì ở giữa những ghẻ lở, chốc lếch, nghèo đói, bệnh hoạn, và bị xua đuổi ấy? Ngài làm gì ở nơi con người ấy, và trong cái khốn cùng của ông? Cũng như trong thế giới hiện nay, Ngài có nghe thấy những tiếng kêu cầu từ những con tim tan nát, những mảnh đời truân chiên, và những con người đau khổ kia không?!!!

 

Thoạt nhìn vào họ, ta có thể nói “không”. Nhưng mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa và ý nghĩa của hành động Ngài không thể nhìn bằng cặp mắt trần tục và tầm nhìn tự nhiên. Nó đòi hỏi phải có cái nhìn xuyên thấu qua tấm màn bi ái đó, qua những khốn khổ và bất hạnh đó để thì mới có thể khám phá ra sức mạnh và bàn tay thần lực của Thiên Chúa luôn luôn chở che, và bao bọc họ. Chính ở sức mạnh ấy mà Lazarô, và những tâm hồn thiện tâm đã vượt qua được những bất hạnh, những bắt bớ, những gian chuân, và thử thách để trung thành với lề luật, với đức tin, và với Thiên Chúa. Vậy đó chẳng phải là một sự phù trợ nhiệm mầu và thần thánh sao?!!! Phải để mình chìm vào nội tâm thinh lặng, lúc ấy ta mới nghe được tiếng Chúa, mới hiểu được rằng cũng như Lazarô, chúng ta cũng đã và đang là những người được Thiên Chúa nâng đỡ.

 

Câu truyện của bài thơ bất hủ “Dấu chân trên cát” đã được tác giả diễn tả một cách hết sức tài tình. Ðó là trong những lúc thanh bình, dạo chơi với Chúa trên bãi biển, linh hồn nhìn lại thấy in bốn dấu chân trên bãi biển. Nhưng gặp những lúc sóng gió nổi dậy, những thử thách dồn dập, ngoái nhìn lại, linh hồn chỉ thấy có hai dấu chân! Thất vọng, hốt hoảng, linh hồn quay ra phiền trách Chúa: “Những lúc như vậy Chúa ở đâu?!!”. Tại sao chỉ có hai dấu chân thôi. Nhưng Chúa chỉ ôn tồn nói với linh hồn rằng: “Chính những lúc ấy là lúc cha bồng con trên tay”.

 

Ôi mầu nhiệm tình yêu. Mầu nhiệm Chúa yêu thương con người. Ta cứ tưởng như Chúa xa tránh mình, từ bỏ mình thì đâu ngờ, Ngài đang ở bên ta và bồng bế ta trên cánh tay thần lực của Ngài mà đưa ta vượt qua giữa muôn sóng gió và thử thách của cuộc đời.

 

Trong một cuộc khảo cứu gần đây của đại học Princeton, với chủ đề “Giàu có có đem lại hạnh phúc không?” Kết quả cuộc khảo cứu cho hay “tiền bạc không đem lại hạnh phúc”. Dĩ nhiên, hạnh phúc là cái gì còn tùy ở từng người. Tuy nhiên, theo cuộc khảo cứu này thì những người có mức sống trung bình lại có cuộc sống thanh thản và thoải mái hơn những người giầu có. Cũng theo kết quả của cuộc khảo cứu, thì những ai với mức lợi tức hằng năm 200.000 Mỹ kim trở lên đã tỏ ra dễ dàng gặp khủng hoảng, lo lắng và phiền muộn. Hằng trăm những vấn nạn hằng ngày luôn nhẩy múa trong đầu óc, khiến họ không mấy lúc được an nhàn, thư thái. Thí dụ, làm sao để giữ được mức lợi tức như hiện có. Làm cách nào để sinh lợi hơn những gì mình đang có. Hoặc làm sao để tránh bị thâm thủng, hoặc thua lỗ trong cách làm ăn, buôn bán…. Giầu có sinh lễ nghĩa. Ðó cũng là tâm trạng chung của những kẻ dư tiền thừa của. Họ không biết làm sao để tiêu dùng của cải mình có, hoặc làm cách nào để tránh khỏi bị mang tiếng lỗi thời. Và hằng trăm, ngàn những lo lắng khiến họ cảm thấy hết sức mỏi mệt. Ðúng với câu ca dao tục ngữ Việt nam:

 

“Ăn cơm với cáy, ngáy o o.
Ăn cơm với bò, lo ngay ngáy”.

 

Một bữa cơm thanh đạm với bát nước mắm cáy, chấm trái cà với tâm hồn thanh thản, an nhàn sẽ đem lại một giấc ngủ ngon. Gáy kho kho. Ngược lại, tiệc tùng linh đình, thịt bò, thịt heo mà lòng dạ rối bời, bực bội thì chỉ làm khó tiêu, xình bụng, ợ chua, và trằn trọc không ngủ được.

 

Tóm lại, người phú hộ giầu có và Lazarô khó nghèo, bệnh tật. Hình ảnh này đại diện cho hai bộ mặt, hai lối sống của con người thời đại. Lời Chúa xẩy ra đúng như những gì thế giới hiện nay đang diễn ra. Và dụ ngôn này đã trả lời cho những thao thức kiếm tìm của những tâm hồn thiện chí. Nó là câu trả lời cho những bất công mà họ đang gặp phải. Cho những thử thách và đau khổ mà họ đang phải lãnh chịu, cũng như hằng trăm những thứ lo toan đang đè nặng trên đôi vai. Nhưng dù là giầu hay nghèo, cái đích điểm cuối cùng vẫn là sự chết. Và cái ngăn cách hố giầu nghèo không phải là tiền bạc, mà là hai chữ đời đời. Người công chính cũng như Lazarô chịu nghèo hèn, bệnh tật, bất công, vu khống, cáo gian, và hãm hại, nhưng là những người luôn được Thiên Chúa phù trợ. Vậy hãy chọn cho mình một nếp sống phù hợp với những gì Chúa đang ban tặng và gửi đến cho ta, hơn là phàn nàn, kêu ca, và phiền trách Ngài.

 

____

* Linh Tiến Khải
(Avvenire 15-9-2010)
VietCatholic News (29 Sep 2010 14:11)

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.