Uncategorized

Ngày Chúa đến

Vào lúc 4h40, ngày 8/11/2013, siêu bão Haiyan đổ bộ vào đảo Samar, cách thủ đô Manila 600 km về phía đông nam và ở miền trung Philippines, rồi nhanh chóng di chuyển về phía tây bắc, tấn công các tỉnh Leyte và Iloilo. "Sức gió đạt 315 km/h, hiếm có tòa nhà nào chịu được gió mạnh đến thế", AFP dẫn lời miêu tả siêu bão của chuyên gia khí tượng Jeff Master thuộc tổ chức Weather Underground.

Vào lúc 4h40, ngày 8/11/2013, siêu bão Haiyan đổ bộ vào đảo Samar, cách thủ đô Manila 600 km về phía đông nam và ở miền trung Philippines, rồi nhanh chóng di chuyển về phía tây bắc, tấn công các tỉnh Leyte và Iloilo. "Sức gió đạt 315 km/h, hiếm có tòa nhà nào chịu được gió mạnh đến thế", AFP dẫn lời miêu tả siêu bão của chuyên gia khí tượng Jeff Master thuộc tổ chức Weather Underground.

 

Tại Tacloban, thủ phủ tỉnh Leyte, chỉ ít phút sau khi Haiyan đổ bộ, nước lũ cao 6 mét tràn lên nhanh chóng, nhấn chìm các khu dân cư ven bờ biển. New York Times dẫn lời Virginia Basinang, một giáo viên về hưu 54 tuổi, cho biết bà và gia đình gần như không kịp phản ứng gì khi bão về. Họ chỉ biết vật lộn tìm cách thoát thân trong dòng nước lũ.

 

Hình ảnh dòng nước chảy siết, tiếng người bị nạn gào thét, xác người và mảnh vỡ nổi lềnh bềnh hằn sâu trong tâm trí Basinang. "Có những người hoặc kiên trì, hoặc may mắn mà thoát chết, nhưng đa số thì không được như vậy", bà cho biết. Nửa tiếng sau khi Haiyan ập vào bờ, 14 xác chết xuất hiện quanh mảnh tường đối diện nhà bà.

 

Thành phố với 220.000 người dân này bỗng chốc trở nên hoang phế, khi xác chết đầy đường, nhà cửa bị tàn phá, cây cối bật gốc và hệ thống điện, viễn thông bị ngắt. Những người sống sót trắng tay, không nhà cửa, thiếu thốn nước uống và thực phẩm.

 

Trong trích thuật Tin Mừng Mat thêu hôm nay, Đức Giêsu loan báo ngày cánh chung sẽ đến rất bất ngờ. Người kêu gọi mọi người phải tỉnh thức và sẵn sàng.

 

Bất ngờ

 

Thân phận con người quá mong manh, khó chống đỡ nổi thiên tai bão táp. Vừa qua, dân chúng Philippinnes dù đã được cảnh báo trước về nguy hiểm của siêu bão Haiyan, nhưng cũng đành chịu thúc thủ trước sức tàn phá kinh hồn.

Chẳng ai biết được khi nào “Chúa thương gọi con về.” Cái chết của mỗi người cũng coi như ngày cánh chung cá nhân. Thường bất chợt, thình lình như kẻ trộm đêm khuya, như chủ đi đình đám về, như chú rể khuya khoắt đến đón dâu. Vậy Đức Giêsu mới tận tình khuyên nhủ: “Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào Con Người đến.” (Mt 25, 13)

Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của thời hiện tại. Người muốn Kitô hữu sống viên mãn ngay bây giờ, chứ không chần chừ chờ đến khi ngấp nghé cửa huyệt, mới vội vã chuẩn bị.

Với dân chúng trong hội đường: “Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Sách Thánh này nơi tai các ngươi.” (Lc 4,16-22).

Với Zakêu: “Hôm nay ơn cứu rỗi đã đến cho nhà này. …, vì Con Người đến để tìm cứu sự đã hư đi”.  (Lc 19, 1-10):

 

Với người trộm lành: “Quả thật, Ta bảo ngươi: hôm nay ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng làm một với Ta”. (Lc 23,43)

 

Muốn khỏi bị động, khỏi bất ngờ với cái chết, chỉ còn con đường duy nhất là luôn sống mật thiết, gắn bó với Chúa trong từng giây phút hiện tại.

 

“Sống bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng: là liên lỉ canh tân, là quyết định chọn hay chối Chúa, là tìm nước Chúa, là tin ở tình yêu vô bờ của Chúa, là hành động với tất cả hăng say, là thể hiện mến Chúa yêu người,“ngay trong giây phút này.”(Đường Hy Vọng, số 26)

 

Tỉnh thức

 

Để tránh lâm vào tình thế bất ngờ, thì luôn sống tỉnh thức, luôn tỉnh táo, chiến đấu thoát ra khỏi cõi u mê, mù lòa vì đam mê, ham muốn vật chất, xác thịt, tiện nghi, danh lợi, chức quyền. Cái khôn ngoan, cái tài giỏi, mánh lới thế gian luôn trái nghịch với sự sáng suốt, thông minh và đạo đức của Chúa Thánh Thần. Những ai thật tình theo Chúa thì từ bỏ thói đời, cùng những khuynh hướng vụ lợi, đều trở nên dại dột, điên khùng dưới mắt thế gian, vì chịu thua thiệt, bị chế giễu, bị ức hiếp, tù tội.

 

Thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của công danh, vật chất, lợi lộc, nhất là cám dỗ hưởng lạc, không phải dễ dàng, nếu không biết sám hối, ăn năn quay trở về, nương cậy vào tình khoan dung, lòng thương xót vô biên của Chúa.

 

“Hãy cố gắng, dù yếu đuối ngã sa, con hãy xin Chúa thứ tha và tiếp tục tiến. Trên võ đài, trong vận động trường quốc tế, các lực sĩ cũng lắm lần ngã quỵ, bị nhiều cú đấm, bị thương tích, nhưng cứ vùng dậy, cứ hy vọng, họ đã đoạt giải vô địch quốc tế. (Ðường Hy Vọng, số  971)

 

Sẵn sàng

 

Tỉnh thức mà chưa sẵn sàng về với Chúa, thì cũng phí công vô ích. Tỉnh thức mà không làm chi hết, chỉ thụ động chờ Chúa gọi về cũng hoài công. Tỉnh thức để sẵn sàng và tích cực chiến đấu ba thù với trang bị áo giáp là Đức Kitô qua Lời Chúa, Thánh Thể cùng các phép Bí Tích. Thánh Phaolô đã khẩn thiết khuyên nhủ tín hữu Roma hãy năng động chuẩn bị ngày cánh chung:

 

“Ðêm sắp tàn, ngày gần đến. Chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng xác thịt.” (Rm 13, 12-14)

 

“Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. Nếu con đã hy vọng vào Chúa thì con sẽ không phải hổ thẹn đến muôn đời” (Đường Hy Vọng, số  43)

 

Lạy Chúa Giêsu, xưa Người đã nhắc nhở các môn đệ: "Anh em hãy canh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến." Xin Chúa cho chúng con luôn biết tỉnh thức, luôn sẵn sàng đón Chúa ngự đến, bằng đời sống sốt sắng thờ phượng Chúa và chan hòa tình bác ái yêu thương.

 

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ luôn nhắc nhủ chúng con biết khiêm nhường nhìn lại bản thân, sám hối, ăn năn và sống chân thành theo Lời Chúa, để xứng đáng được cứu rỗi. Amen.

 

AM Trần Bình An

 


PX

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.