Uncategorized

Lịch sử Giáo Hội 14

DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam

 

 

TRÌNH THUẬT 28

 

GRÊ-GÔ-RI-Ô, VỊ "GIÁO-CHỦ VĨ- ĐẠI"

 

DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam

 

 

TRÌNH THUẬT 28

 

GRÊ-GÔ-RI-Ô, VỊ "GIÁO-CHỦ VĨ- ĐẠI"

 

Năm 1076 xẩy ra chuyện phải đến: cuộc xung-đột công-khai giữa giáo-chủ và hoàng-đế. Xung-đột quả cần-thiết, vì từ vai-trò "che-chở" thế-quyền bây-giờ muốn "nắm" luôn Giáo-hội. Gánh thế-quyền đã trở nên quá nặng khiến Giáo-hội phải tháo gỡ, nếu không muốn mãi bị lệ-thuộc.

 

Canh-tân vươn tới Rô-ma.

 

Tinh-thần của Cluny vươn tới Rô-ma, khi giám-mục giáo-phận Bamberg (Đức) năm 1046 được bầu làm giáo-chủ với hiệu là Clê-men-tô II và tuyên-bố: "Ai đút tiền để làm phép nhà thờ, cho giáo-sĩ mượn tiền hoặc phong chức linh-mục vì tiền, kẻ đó sẽ bị tuyệt-thông." Giáo-chủ này tìm cách chấm dứt không những nạn mua bán chức tước, mà còn cả tục linh-mục lập gia-đình.

Giáo-chủ canh-tân kế-tiếp là Lê-ô IX, người quyết-tâm nhất đem tinh-thần Cluny vào giáo-triều. Cuộc chia-tay đông tây năm 1054 xẩy ra trong thời ngài. Cũng như Lê-ô IX, các giáo-chủ Vic-to-ri-ô II, Stê-pha-nô IX và Ni-kô-lê-ô II đều là những giáo-chủ nhiệt-tâm muốn đổi mới.

 

Định lại việc bầu giáo-chủ.

 

Năm 1058 Ni-kô-lê-ô II nhậm chức giáo-chủ. Ngài nổi tiếng về sắc-chỉ bầu giáo-chủ năm 1059, theo đó từ nay trở đi hoàng-đế hay vua không còn ảnh-hưởng nào nữa trong việc bầu giáo-chủ. Sắc-chỉ định rõ: Trước hết bảy hồng-y – giám-mục (các giám-mục phụ-cận Rô-ma) phải đồng ý với nhau về một ứng-viên giáo-chủ, rồi đem ra cho các hồng-y – linh-mục (linh-mục của các nhà thờ chính ở Rô-ma) và hồng-y – phó-tế bầu, trước khi hỏi ý-kiến dân chúng. Hoàng-đế chỉ có việc chuẩn-y, chứ không được nhúng tay vào việc bầu.

 

Lại cấm hôn-nhân giáo-sĩ, mua bán chức tước và thế-quyền bổ nhiệm giáo-sĩ.

 

Hai thượng-hội-đồng mùa chay năm 1075 và 1076 đã có quyết-nghị dứt-khoát đối với việc linh-mục lập gia-đình, lệ mua bán chức tước và việc thế-quyền bổ nhiệm giáo-sĩ. Tục mua bán và quyền định-đặt của thế-quyền bị thượng-hội-đồng kết-án là rối đạo. Quyết-định thượng-hội-đồng về khoản độc-thân gặp chống-đối dữ-dội của giáo-sĩ, đặc-biệt nơi các giáo-sĩ cấp thấp. Tổng-giám-mục giáo-phận Mainz (Đức) sém mất mạng, khi buộc giáo-sĩ mình bỏ vợ lẽ. Chỉ vài chục năm sau, chuyện giáo-sĩ có vợ có đào lại trở về tình-trạng đương-nhiên như trước đó.

 

Luật độc-thân giúp giáo-sĩ tránh gánh nặng và bận-rộn gia-đình. Cấm lệ mua bán nhằm đưa giáo-sĩ về với ơn-gọi và khả-năng thật-sự của mình. Cấm việc nhúng tay của thế-quyền sẽ giúp giáo-sĩ cấp cao thoát khỏi quyền-lực các lãnh-chúa và tránh việc đời-hoá giai-tầng này. Đó là lần đầu tiên người ta nói đến nạn này. Cụ-thể: Thượng-hội-đồng quyết-nghị doạ tuyệt-thông những ông vua nào chiếm giữ các giáo-phận và tu-viện.

 

Hai kẻ mạnh miệng nhất đẩy thượng-hội-đồng đi tới những quyết-định trên là hồng-y Humbert và "thầy tu Hildebrand", người về sau trở…

 

 

TRÌNH THUẬT 32

THÁNH BERNARD VÀ CUỘC VIỄN-CHINH THẬP-GIÁ THỨ HAI

Để chống lại đà đời-hoá của đan-viện Cluny, năm 1098 Robert ở Molesme lập ở rừng Citeaux (Xi-tô) một đan-viện khác thật nhặt-nhiệm; đó là nhà mẹ của các nhà Xi-tô về sau. Nhà này sẽ tiếp-tục công-cuộc cải-cách của Cluny. Robert cho rằng các tu-sĩ chỉ cần mỗi ngày ngủ vài ba tiếng với áo quần đầy đủ là được. Với ông, ngủ là chuyện "mất giờ", ăn uống là một "nhơ-nhuốc kín-đáo". Nên chi các tu-sĩ của ông không những cần kiêng thịt, mà cả kiêng ăn cá, trứng và uống sữa. Dưới con mắt của nhà Xi-tô, tu-sĩ Cluny chỉ còn là "mù dắt mù", một đám giả-hình và chỉ thích nhậu.

Viện-phụ ở Clairvaux

Vì quá khổ, nhà Xi-tô dần hết người tu. Cho tới năm 1112, một hiệp-sĩ trẻ 21 tuổi cùng với "ba mươi giáo-sĩ có học, đứng-đắn và cũng chừng đó qúi-tộc và giáo-dân quyền-uy thế-giới" xin nhập dòng. Anh thanh-niên quí-tộc trẻ kia là Bernard, sinh năm 1090 trong thành Fontaines gần Dijon. 25 tuổi, Bernard trở thành viện-phụ nhà Clairvaux, một nhà chị em với nhà Xi-tô do ông lập năm 1115. Cho tới lúc chết, Bernard đã lập được tất cả 28 nhà như thế.

Dù có kiến-thức khoa-học, Bernard hạn-chế tu-sĩ mở rộng văn-hoá và nghệ-thuật: nhà thờ và phụng-vụ phải thật đơn-giản, không cần đẹp, không cần trang-hoàng gì cả. Bernard viết nhiều, nên được coi là "Thầy Giáo-hội [1]". Nhưng sách của ông ít giá-trị thần-học, mà chú-trọng nhiều vào "cảm-tính" và "sự thả hồn trong Chúa Ki-tô" một cách thần-bí.

Là nhà thần-học, ông đặc-biệt chống lại tư-tưởng của Abaelard là người muốn đưa cái gọi là "phương-pháp hoài-nghi" trong việc tìm chân-lí vào thần-học. Làm thế, là vì ông sợ đức tin có thể bị triết-học đẩy vào đường cùng. Ông xác-quyết, đức tin phải được nuôi dưỡng bởi Sách Thánh và giáo-huấn của các Thánh-phụ chứ không phải bởi những suy-tư triết-học.

Giáo-triều đặc-biệt dị-ứng với Bernard, bởi vì ông chỉ-trích thẳng-thừng những bất-cập, thói hám quyền và thích giàu-sang của Giáo-hội thời đó. Theo Bernard, khi giáo-chủ ăn bận lụa-là, nghênh-ngang với áo mũ lông chim có dát vàng và kim-cương, ngồi trên bạch mã theo sau với lính-tráng và kẻ hầu, thì ngài đâu còn là người kế vị thánh Phê-rô nữa, mà là hậu-duệ của đại-đế Konstantin.

Ông vươn tay ra khắp nơi

Bernard là một trong những ki-tô hữu năng-động nhất thời đó. Thư-từ trao-đổi của ông nhiều hơn cả của các giáo-chủ và hoàng-đế cùng thời. Và có ảnh-hưởng lạ-lùng trên các vị này. Ông là người lãnh-đạo giáo-triều dưới thời giáo-chủ Ơ-gê-ni-ô III. Sau 16 năm sống trong tu-viện, ông lang-thang 25 năm dài trên các nẻo đường Âu châu, qua Pháp, Ý, Đức và Anh. Uy-tín ông lớn đến nỗi người ta phải tự hỏi : "Quyền nào mà một thầy tu tầm-thường đã có thể coi-sóc cả giáo-hội Pháp? Hoà-giải chuyện cắn-xé nhau trong các giáo-phận là việc của một ông thầy tu vô danh sao ?… Ông ta vươn tay ra khắp nơi, đứng trên các giám-mục, trên các công-đồng quốc-gia và trên cả sứ-thần (của giáo-chủ)."Trước bình-phẩm cho rằng ông mâm nào cũng muốn ngồi, Bernard trả lời:"Thú thật, tôi có mặt ở công-đồng Laon và Chalons.Nhưng người ta đã gọi và lôi tôi tới. Nếu điều đó làm các bạn bực mình thì tôi cũng bực mình không kém. Nếu Chúa không muốn, thì tôi đã chẳng tới đó!"

Thánh chiến mới tạo ra khốn-khổ mới.

Khi Edessa mất vào năm 1144, Âu châu tin rằng phải mở một cuộc thánh chiến mới để cứu-vãn Đất Thánh và sự-nghiệp của Ur-ba-nô II. Vua Pháp Louis VII là người cổ-xuý điều này mạnh nhất. Sở dĩ ông hăng-say thánh chiến, theo truyền-tụng kể lại, là vì ông được "tiên báo" sẽ làm chủ không những Kon-stan-ti-nôp hay Babylon mà cả phương đông.

Thoạt tiên, Bernard chần-chờ tham-gia, vì giáo-chủ chưa có quyết-định ngã-ngũ về vấn-đề này. Nhưng sau khi ông đánh-động được giáo-chủ Ơ-gê-ni-ô III – một cựu bạn tu và là học-trò của ông – ("Cha phải noi gương sốt-sắng của vị mà Cha đại-diện!"), vị này đã bật đèn xanh cho ông tham-gia. Bernard cũng đã lôi-kéo được vua Đức Konrad III nhảy vào qua một bài giảng ở nhà thờ chính-toà Speyer.

"Khắp nơi toàn là bà goá, mà chồng thì vẫn còn sống".

Ngày 31.03.1146 Bernard khởi đầu các bài giảng vận-động thánh chiến. Người ta kể lại, ông xuất-hiện như một "thiên-thần" trước thính-giả. Ai nấy đều xin cho được một huy-hiệu thập-giá, đến nỗi số dự-trữ mang theo chẳng đủ vào đâu. Dân vùng Rhein thực ra không hiểu tiếng ông giảng, nhưng cũng nườm-nượp theo vì hào-quang toát ra từ con người ông. Thành-công của Bernard, theo một tài-liệu, là "khả-năng ra lệnh siêu-phàm ghê-gớm" của ông. Chỗ nào không tới thuyết-giảng được, ông viết thư, gởi sang Anh, Tây-ban-nha, Ý, Boehmen, Maehren, Ba-lan, Đan-mạch.

Chẳng bao lâu Bernard quá đỗi vui mừng báo về cho giáo-chủ: "Cha ra lệnh, con thi hành. Uy-tín của kẻ ra lệnh đã giúp sự vâng-lời của con mang hoa trái tốt. Con vừa mở miệng thì hàng hà sa số người theo. Làng-mạc thị-trấn trở nên vắng tanh. Cứ bảy người đàn bà thì may ra mới gặp được một đàn ông. Đâu-đâu cũng chỉ toàn là bà goá, mà chồng thì vẫn còn sống."

Nhưng, cũng giống như thời Peter ở Amiens, nhiều kẻ tham-gia đợt này cũng toàn là bọn tứ cố vô thân, cướp đường, phiêu-lưu và tội-phạm. Họ theo để tránh cảnh túng-quẩn, tránh bị tội hoặc để cầu may ở phương đông xa-xôi. Một dân thánh chiến ở Giê-ru-sa-lem đã thú-nhận: "Ai (ở quê-hương) nghèo, tới đây nhờ Chúa trở nên giàu. Người chỉ có vài đồng, tới đây kiếm được vô số vàng bạc."

Cũng có không ít người Do-thái chết oan trong cuộc lên đường lần này, vì họ không chịu đáp-ứng yêu-cầu của đám hành-hương đòi chi tiền cho việc thánh chiến. Đặc-biệt người Do-thái ở vùng Rhein nước Đức đã gặp nạn lớn. Các tổng-giám-mục giáo-phận Koeln và Mainz cũng như chính Bernard đã cố-gắng bảo-vệ họ. Ai trong số tu-sĩ bản dòng có tư-tưởng bài Do-thái đều bị Bernard đuổi về lại tu-viện.

Nằm lại trên đường

Vua Konrad III dẫn đoàn thánh chiến người Đức khởi-hành từ Regensburg băng Hung-gia-lợi hướng về phương đông. Khi tới Tiểu-á, đoàn được hoàng-đế (Đế-quốc Rô-ma) Phía Đông khuyên nên theo bờ biển mà đi, nhưng Konrad ra lệnh xuyên băng qua bán-đảo, là vùng khô và rất khó đi. Chẳng mấy chốc cả đoàn hết nước hết lương-thực, chơ-vơ giữa sa-mạc mênh-mông. Vì thế họ đã bị quân Thổ phát-hiện và truy-diệt. Số sống sót theo Konrad chạy về Ni-xê-a. Nhưng quân Thổ tiếp-tục truy-kích, khiến đoàn ra đi 80.000 về đến Ni-xê-a còn lại 7000 người.

Vua Louis nước Pháp cũng theo đường người Đức nên cũng gặp số-phận tương-tự. Kẻ theo đường bờ biển thì đa số chết vì đói khát, kiệt lực và dịch bệnh. Một tài-liệu về vua Louis ghi lại, đoàn người sống sót đã được những người Hồi giáo tốt bụng giúp-đỡ: "NgườiThổ-nhĩ-kì bố-thí dư-dả cho những người bệnh và đói khổ. Người Hi-lạp (ki-tô giáo) thì bắt những ai còn khoẻ phải phục-dịch và thay vì tiền công họ nhận được roi-vọt… Sống với người vô đạo (Thổ) tốt bụng xem ra an-ninh hơn nên hơn ba ngàn thanh-niên hành-hương đã đi theo. Họ đổi đạo lấy của ăn (vào đạo Hồi), mặc dù người Thổ chỉ hài-lòng với việc phục-vụ của họ và không bắt họ phải theo đạo."

Vây chiếm thành Askalon không xong, dân thánh chiến sống sót bỏ về lại quê-hương. Chấm dứt cuộc lên đường thứ hai. Đoàn quân ra đi gần 1 triệu, trở về còn lại khoảng 100 ngàn người.

Ai có lỗi ?

Bernard vô cùng thất-vọng về kết-quả chuyến thánh chiến "của mình": "Hình như Chúa, vì tội-lỗi chúng ta, đã quên lòng thương-xót của Ngài và đã tới để phán-xét thế-giới. Chúa cũng đã chẳng hề quan-tâm tới danh Ngài, vì bọn ngoại đạo đã từng kêu: Đâu là Chúa của người ki-tô ? Chúng ta hứa-hẹn thành-công, giờ nhận toàn đắng-cay."

Trước thất-bại chua-cay đó, Bernard bị cáo-buộc nặng-nề nên tìm cách đổ lỗi cho "Chúa phạt". Ông cũng đổ lỗi cho các ông hoàng có mặt trong đoàn, cũng như cho sự "cứng-cổ" của chính dân thánh chiến, như dân Israel xưa khi được Mai-sen dẫn qua sa-mạc.
Ngày nay, ta lấy làm lạ khi thấy Bernard đổ lỗi cho người này người kia, mà đã không kết án chính ngay việc thánh chiến. Vì Chúa đã nói trong Phúc-Âm: "Hãy tra gươm vào vỏ, vì ai dùng gươm sẽ chết vì gươm." Tiếc thay cũng chính vì sự hiểu lầm câu này mà chuyện đáng tiếc đã xẩy ra. Bởi Bernard đã viết cho giáo-chủ để động-viên ngài ra lệnh thánh chiến: "Chúa nói với Phê-rô: Hãy tra gươm vào vỏ. Gươm như vậy thuộc quyền Phê-rô (cũng là quyền của giáo-chủ). Con nghĩ, giờ là lúc cần tuốt cả hai thanh gươm ra."

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.