Uncategorized

Hội Ðồng Tòa Thánh về gia đình

Đề tài 1

Gia đình, nhà Giáo dục đức tin đầu tiên.

1/. Thiên Chúa muốn mọi người được biết và đón nhận chương trình cứu độ của Ngài đã được mạc khải và thực hiện trong Đức Kitô (1Tm 1, 15-16).

Đề tài 1

Gia đình, nhà Giáo dục đức tin đầu tiên.

1/. Thiên Chúa muốn mọi người được biết và đón nhận chương trình cứu độ của Ngài đã được mạc khải và thực hiện trong Đức Kitô (1Tm 1, 15-16).

Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta bằng nhiều cách (Dt 1, 1; toàn bộ Cựu ước). Khi thời gian đến hồi viên mãn (Gl 4, 4) Ngài nói cách trọn vẹn và dứt khoát trong và nhờ Đức Kitô (Dt 1, 2-4): Chúa Cha không truyền ban Lời nào khác cho chúng ta, vì Ngài đã ban cho ta một Lời duy nhất trong Đức Kitô (Ga 1, 1tt).

2/. Hội thánh đã đón nhận lệnh truyền ra đi loan báo cho hết mọi người tin mừng trọng đại: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Các Tông đồ đã hiểu mệnh lệnh truyền giáo theo cách đó và thực hiện mệnh lệnh đó từ ngày Lễ Ngũ Tuần bằng cách loan báo khắp thành Giêrusalem việc Đức Kitô chết và phục sinh (Cv 1-5) và mọi miền được biết đến trên toàn thế giới lúc bấy giờ (sách Công vụ và các thư Tân ước).

3/. Gia đình Kitô hữu, tức Hội thánh tại gia, tham dự vào sứ mạng này. Hơn nữa, người đón nhận đầu tiên và chính yếu lời loan báo truyền giáo này của gia đình là chính con cái của họ và những người thân thuộc khác, như được chứng thực trong các Thư Muc vụ của thánh Phaolô và những thực hành về sau. Trong chiều hướng đó, những đôi vợ chồng thánh và những cha mẹ Kitô hữu mọi thời đại đã sống lệnh truyền ấy (chẳng hạn như cha của thánh Têrêsa Giêsu, cha của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu; và còn nhiều cha mẹ khác thời nay). Được soi dẫn bởi kinh nghiệm hồng phúc của Giáo hội trong các xã hội Kitô giáo châu Âu (khi gia đình thực hiện sứ mạng giáo dục này đối với con cái) và bởi những phản hồi hết sức tiêu cực từ cuộc sống hôm nay (do bỏ bê hay xem thường sứ mạng này), ta thấy rằng gia đình phải lấy lại vai trò thầy dạy đầu tiên của mình về đức tin trong các nước này – là những quốc gia thực ra không còn tính chất Kitô giáo gì nữa – ở đó đức tin đang được hồi phục và Hội thánh đang được cấy trồng. Việc tông đồ chính yếu và quan trọng nhất mà cha mẹ phải làm là ở trong chính gia đình mình, bởi lẽ nếu đang khi nỗ lực tìm cách phúc âm hóa người khác mà lại thiếu quan tâm phúc âm hóa chính những người thân yêu của mình thì đó lại là một gương mù và là phản chứng tá nghiêm trọng. Cha mẹ truyền thông đức tin cho con cái của mình bằng chứng tá của lời nói và đời sống Kitô hữu của mình.

4/. Điểm cốt yếu của giáo dục đức tin là lời loan báo vui mừng đầy sức sống về Đức Kitô chết và phục sinh vì tội lỗi chúng ta. Những sự thật khác trong bản Tuyên Tín của các Tông đồ, các bí tích và Mười điều răn đều gắn kết mật thiết với điểm này. Các đức tính thuộc về nhân bản và Kitô giáo là một thành phần của giáo dục đức tin toàn diện. (Hành trang cơ bản này ngày nay hầu như không thể được đáp ứng, cả ở những đất nước được gọi là “Kitô giáo” và trong những trường hợp khi cha mẹ xin cho con cái mình lãnh nhận những bí tích khai tâm ta thấy họ chẳng biết gì mà cũng chẳng sống bao nhiêu về đức tin tôn giáo).

Đề tài 2

 

Gia đình, nhà giáo dục sự thật về con người: hôn nhân và gia đình.

1/. Vấn đề quan trọng nhất mà gia đình Kitô hữu ngày nay phải đối diện trong công cuộc giáo dục con cái mình không phải là vấn đề tôn giáo mà chủ yếu là vấn đề về con người: chủ nghĩa tương đối cực đoan về đạo đức-triết học. Đối với những người theo chủ nghĩa này, không có chân lý khách quan về con người, và do đó không có chân lý về hôn nhân và gia đình. Nền tảng của sự khác biệt giới tính mà sinh học biểu lộ nơi người nam và người nữ không đặt trên tự nhiên nhưng được xem như chỉ là một sản phẩm của văn hóa mà mỗi người có thể thay đổi tùy theo quan niệm của mình. Như thế, họ chối bỏ và phá hủy chính định chế hôn nhân và gia đình.

2/. Chủ nghĩa tương đối cũng khẳng định không có Thiên Chúa, cũng như người ta không thể biết được Thiên Chúa (thuyết vô thần, thuyết bất khả tri), và không hề có những giá trị và những chuẩn mực đạo đức trường tồn. Sự thật chỉ có từ ý kiến chung đa số.

3/. Đứng trước tình hình thực tế rất quyết liệt và có sức tác động rộng lớn đó gia đình ngày nay có một nhiệm vụ không thể tránh né được đó là phải thông truyền cho con cái mình sự thật về con người. Như trong các thế kỉ đầu, ngày nay điều quan trọng nhất là làm sao hiểu biết trang đầu của sách Sáng thế: có một Thiên Chúa ngôi vị và thiện hảo đã tạo dựng con người, có nam có nữ, cùng một phẩm giá nhưng khác biệt và để bổ túc cho nhau, và trao cho họ nhiệm vụ sinh con cái nhờ một sự kết hợp bất khả phân ly hai người nên “một xương một thịt” (hôn nhân). Các bản văn trình thuật tạo dựng con người đó cho thấy rằng đôi vợ chồng hình thành bởi một người nam và một người nữ, theo ý định của Thiên Chúa, là sự diễn tả đầu tiên của sự hiệp thông các ngôi vị, qua đó Evà là tha nhân kẻ được dựng nên để bổ túc cho Ađam (x. St 2,18), và Ađam cùng với nàng tạo nên “một xương một thịt” (x. St 2,24). Đồng thời cả hai có sứ mạng truyền sinh, sứ mạng làm cho họ nên người cộng tác với Đấng Tạo Dựng (x. St 1,28).

4/. Sự thật về con người và hôn nhân này lý trí ngay thẳng của con người cũng đã nhận biết được. Quả thật, mọi nền văn hóa đều nhìn nhận nơi tập quán và luật lệ mình rằng hôn nhân tạo nên bởi một người nam và một người nữ dẫu có đôi khi nơi này nơi kia chấp nhận tục đa thê hay đa phu.

Sự kết hợp những người cùng giới vốn luôn được xem là xa lạ với hôn nhân.

5/. Thánh Phaolô mô tả tất cả những điều này rất quyết liệt trong thư gửi tín hữu Rôma, ngài nói đến hoàn cảnh của những người ngoại đạo thời bấy giờ và tình trạng vô luân con người đang sống vì họ đã không nhận biết Thiên Chúa bằng hành động trong cuộc sống, vị Thiên Chúa mà họ đã biết bằng lý trí (x.Rm 1,18-32). Trang Tân ước này các gia đình ngày nay cần học hỏi kĩ lưỡng để họ không xây dựng nền giáo dục của mình trên nền cát lún. Con người mà không biết Thiên Chúa thì cũng u tối về sự thật về con người.

6/. Các thánh Giáo phụ để lại một học thuyết rất phong phú về vấn đề và là mẫu mực tốt về cách thức tiến hành. Các ngài đã phải giải thích cặn kẽ sự hiện hữu của một Thiên Chúa Tạo Hóa và Quan Phòng – Đấng đã tạo thành trời đất muôn vật, con người, và hôn nhân như những thực tại tốt đẹp – và đã đấu tranh với những vô luân của thế giới ngoại giáo, vốn tác động trên thực tại hôn nhân và gia đình.

Đề tài 3

Gia đình, nhà nhà giáo dục phẩm giá và kính trọng nhân vị.

1/. Hội thánh nhìn thấy nơi con người, nơi từng người, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa; một hình ảnh mà chúng ta được mời gọi khám phá mỗi ngày một sâu sắc hơn và chỉ thấy được sự viên mãn của hình ảnh ấy trong mầu nhiệm Đức Kitô. Đức Kitô mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta trong sự thật của Người; nhưng đồng thời cũng bày tỏ con người cho chính con người. Con người này đã đón nhận từ Thiên Chúa một phẩm giá khôn sánh và bất khả nhượng, vì nó đã được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Ngài và được nhận làm con Thiên Chúa. Đức Kitô bởi Nhập thể, một cách nào đó, đã kết hợp làm một với con người.

2/. Vì đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, con người mang phẩm giá của một ngôi vị: con người không chỉ là một cái gì nhưng là một ai đó. Con người có khả năng nhận biết chính mình, trao hiến chính mình trong sự tự do, và đi vào hiệp thông với những ngôi vị khác. Mối tương quan có thể không được biết đến, không được nhớ đến hay bị chối từ nhưng hoàn toàn không bao giờ có thể bị tước bỏ, bởi lẽ con người là một hữu thể có ngôi vị được Thiên Chúa dựng nên để tương quan và sống với Ngài.

3/. Người nam và người nữ có cùng một phẩm giá như nhau vì cả hai đều là hình ảnh của Thiên Chúa, và hơn nữa còn vì họ cũng thực hiện chính mình một cách sâu sắc bằng cách gặp gỡ nhau như là những nhân vị qua việc họ thành tâm tự hiến cho nhau. Người nữ bổ túc cho người nam và người nam bổ túc cho người nữ. Nam và nữ bổ túc cho nhau, không chỉ về mặt thể lý và tâm lý, nhưng cả trên bình diện hữu thể học, bởi lẽ chính nhờ cái lưỡng tính “nam” và “nữ” đó mà “nhân tính” (nghĩa là tinh chất riêng của con người làm cho ta khác với muôn loài khác, ND.) được thể hiện trọn vẹn. Chính cái “đơn vị gồm hai” người nam và nữ (unity of two) đó giúp mỗi người kinh nghiệm sự tương quan liên vị và liên đới với nhau. Hơn nữa, Thiên Chúa chỉ phó giao nhiệm vụ truyền sinh và sự sống con người cho “đơn vị hai” người này.

4/. Toàn thể tạo thành được dựng nên vì con người. Ngược lại, con người được tạo dựng và yêu thương vì chính mình. Con người hiện hữu như một hữu thể độc nhất vô nhị. Con người có trí tuệ và có ý thức, có khả năng suy tư phản tỉnh, và do đó, nó có ý thức về bản thân mình và về hành động của mình.

5/. Phẩm giá của nhân vị – của từng con người – không phụ thuộc vào bất kỳ một đòi hỏi nhân loại nào nhưng chỉ do chính hữu thể của mình được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa. Bởi thế không ai có thể ngược đãi nhân phẩm mà không xúc phạm nghiêm trọng đến trật tự Đấng Tạo Dựng đã muốn. Tương tự như thế, một xã hội ngay chính chỉ có thể hoàn thiện khi tôn trọng phẩm giá trổi vượt của con người.

6/. Những người khuyết tật, dù khuyết tật đau đớn trên thân xác hay tâm thần, vẫn là những chủ thể con người đầy đủ, với những quyền và nghĩa vụ mà không ai được quyền xâm phạm tới hay kì thị.

7/. Những thai nhi chưa sinh ra cũng là con người ngay từ lúc tượng thai; sự sống của chúng cũng không thể bị hủy hoại do nạn phá thai hay thí nghiệm khoa học. Hủy hoại sự sống thai nhi, những con người hoàn toàn vô tội, là hành động xúc phạm cao nhất và có trách nhiệm nghiêm trọng nhất trước mặt Thiên Chúa.

Đề tài 4

Gia đình, người thông truyền các đức tính và giá trị con người.

1/. Gia đình, khai sinh từ sự hiệp thông trong đời sống thân mật và tình yêu vợ chồng vốn được đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, là nơi khởi đầu cho các quan hệ liên vị; gia đình là nền tảng của đời sống con người và là nguyên mẫu của mọi tổ chức xã hội. Chiếc nôi sự sống và tình yêu này là nơi xứng hợp cho con người sinh ra và lớn lên, đón nhận những khái niệm đầu tiên về sự thật và sự thiện, nơi con người học yêu và được yêu, và học biết nhân vị nghĩa là gì. Gia đình là cộng đồng tự nhiên trong đó người ta có được những kinh nghiệm đầu tiên và thực hành đầu tiên về xã hội loài người, bởi lẽ đó không chỉ là nơi con người khám phá tương quan liên vị giữa cái “tôi” và “bạn” mà còn mở đường ra cho cái “chúng ta” nữa. Người nam và người nữ hiến thân cho nhau trong hôn nhân tạo nên một môi sinh cho đứa bé có thể phát triển những tiềm năng của nó, ý thức phẩm giá của nó, giúp nó chuẩn bị để sẵn sàng đối diện với định mệnh của nó, một định mệnh độc nhất vô nhị. Trong môi sinh đầy ắp tình cảm tự nhiên đó liên kết các thành viên gia đình lại với nhau, mỗi con người với sự độc đáo của mình phải được nhìn nhận và nhận lấy trách nhiệm.

2/. Gia đình giáo dục con người trong mọi chiều kích để phẩm giá con người nên trọn vẹn. Gia đình là môi trường thích hợp nhất để giáo dục và thông truyền các giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo vốn thiết yếu cho sự phát triển và phúc lợi cho cả các thành viên của gia đình lẫn cho xã hội. Thật vậy, gia đình là mái trường đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà mọi dân tộc đều cần đến. Gia đình giúp con người phát triển một số giá trị nền tảng thiết yếu cho việc hình thành nên những công dân tự do, ngay thẳng và có trách nhiệm, chẳng hạn như sự thật, công bằng, tình liên đới, giúp đỡ người yếu, yêu thương tha nhân và chính mình, lòng khoan dung nhân hậu, v.v…

3/. Gia đình là môi trường tốt nhất để xây dựng cộng đoàn và những mối tương quan huynh đệ trước những xu hướng cá nhân chủ nghĩa hiện nay. Thật vậy, tình yêu, vốn là linh hồn của gia đình trong tất cả mọi chiều kích của nó, chỉ có thể hiện hữu nếu người ta thành tâm biết tự hiến cho người khác. Yêu thương nghĩa là trao ban và nhận lãnh những gì người ta không thể mua hoặc bán mà chỉ có thể diễn tả cách tự do cho nhau. Bởi yêu thương, mỗi thành viên của gia đình được nhìn nhận, đón nhận và quí trọng với phẩm giá của họ. Tình yêu thương làm nảy sinh những mối quan hệ sống cho đi cách vô vị lợi và xuất hiện những quan hệ vô tư và sâu đậm bền vững. Như kinh nghiệm cho thấy, gia đình xây dựng theo từng ngày một mạng lưới những quan hệ liên vị và chuẩn bị cho ta sống trong xã hội với một bầu khí tương kính, công bằng và đối thoại thực sự.

4/. Gia đình Kitô hữu cho con cái mình thấy rằng ông bà và những người già không phải là những người vô dụng vì họ không còn làm ra được cái gì, họ cũng không phải là một gánh nặng vì họ cần đến sự chăm sóc vô tư và thường xuyên của con cái hoặc cháu chắt. Vì gia đình dạy cho những thế hệ sau này rằng ngoài những giá trị kinh tế và hoạt động hiệu quả còn có những di sản khác mang tính nhân văn, văn hóa, đạo đức và xã hội hẳn vượt trổi hơn những giá trị kia.

5/. Gia đình cũng giúp khám phá ra giá trị mang tính xã hội của những thiện hảo mà nó có. Một bàn ăn nơi đó chúng ta cùng chia sẻ những thức ăn phù hợp với sức khỏe và với lứa tuổi của mọi thành viên chẳng hạn, đó là một ví dụ, đơn giản nhưng rất hiệu quả để cho thấy ý nghĩa xã hội của những thiện hảo được tạo thành. Trẻ cần được hấp thu dần dần những tiêu chuẩn và thái độ sống, là những điều sẽ giúp nó trong tương lai trong một gia đình khác rộng lớn hơn, tức là xã hội.

Đề tài 5

Gia đình, mở ngỏ hướng đến Thiên Chúa và anh em đồng loại.

1/. Con người được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa để sống và chung sống với Ngài. Thái độ vô thần, bất khả tri, hay dửng dưng với tôn giáo không phải là những hoàn cảnh tự nhiên đối với con người và chúng không thể là những tình trạng cuối cùng cho một xã hội. Con người trong bản chất của mình liên kết với Thiên Chúa giống như một ngôi nhà gắn bó với người kiến trúc sư đã xây dựng nên ngôi nhà đó. Những hậu quả đau đớn do tội lỗi chúng ta gây ra có thể làm mờ tối đi viễn tượng này, nhưng sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ khát mong ngôi nhà và tình yêu của Cha trên Trời. Chúng ta giống như tình trạng đứa con hoang đàng trong dụ ngôn (của thánh Luca): nó vẫn mãi là đứa con một khi đã bỏ nhà cha đi xa, và dẫu cho tội lỗi thế nào, cuối cùng nó vẫn cảm thấy một khát khao muốn trở về không cưỡng lại được. Quả thế, mọi người đều luôn cảm thấy có một khát vọng hướng đến Thiên Chúa và họ có cùng một kinh nghiệm như thánh Augustinô, cho dẫu họ không có khả năng diễn tả điều ấy ra cách mạnh mẽ và tuyệt vời như ngài: “Ngài đã dựng nên chúng con cho Ngài, lạy Chúa, và vì thế tâm hồn chúng con vẫn sẽ trăn trở mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài mà thôi” (Tự Thú, 1,1).

2/. Ý thức thực tế đó, gia đình Kitô hữu đặt Thiên Chúa ở chân trời cuộc sống của con cái mình ngay từ sớm lúc con cái bắt đầu có ý thức. Đó chính là môi sinh mà chúng hít thở và hòa nhập sống. Môi sinh ấy giúp con cái khám phá và đón nhận Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Chúa Thánh Thần và Hội Thánh. Một cách hoàn toàn phù hợp, cha mẹ xin Hội Thánh cho con mình chịu Bí tích Thánh tẩy, ngay từ lúc chúng vừa mới sinh ra, và vui mừng đem chúng đến giếng nước Rửa tội. Rồi cha mẹ chuẩn bị cho con đón nhận Rước lễ lần đầu và Bí tích Thêm sức, và ghi danh cho con tham dự các lớp giáo lí của giáo xứ và tìm trường tốt nhất cho con nơi có một nền giáo dục Công giáo tốt.

3/. Tuy nhiên, một nền giáo dục Kitô đích thực không chỉ giới hạn vào việc đặt Thiên Chúa vào trong những biến cố quan trọng của cuộc đời chúng mà thôi, nhưng là đặt Thiên Chúa vào ngay trung tâm của cuộc đời chúng một cách như thế nào để tất cả những hoạt động và thực tại khác (như trí tuệ, tình cảm, tự do, lao động, nghỉ ngơi, đau khổ, bệnh tật, những cuộc vui, những phúc lợi vật chất, văn hóa, nói tóm lại là tất cả mọi sự) được khuôn đúc và uốn nắn bởi tình yêu đối với Chúa. Trẻ phải được tập quen với suy nghĩ trước mỗi hành động: “Chúa muốn tôi làm gì hoặc không làm gì giờ phút này đây?” Chúa Giêsu đã xác nhận đức tin và niềm xác tín của những tín hữu Cựu ước về cái mà họ xem là “giới răn trọng nhất”, khi Người trả lời vị tiến sĩ Luật rằng : “Giới răn trọng nhất là thế này: ngươi phải mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức ngươi” (Mc 12,28; Lc 10,25; Mt 22,36t).

4/. Công cuộc giáo dục lấy tình yêu Chúa làm trung tâm điểm ấy được cha mẹ thực hiện đặc biệt qua những thực tại đời sống hàng ngày: cầu nguyện trong các bữa ăn gia đình, khơi dậy lòng biết ơn đối với Chúa nơi con cái mỗi khi chúng đón nhận một hồng ân, chạy đến với Chúa mỗi lúc gặp đau buồn dưới mọi hình thái, tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật với chúng, đi cùng với chúng đến Bí tích Hòa giải, v.v…

5/. Câu hỏi của vị tiến sĩ Luật chỉ là: “Đâu là giới răn quan trọng nhất?” Nhưng khi trả lời, Đức Giêsu còn nói thêm: điều răn thứ hai cũng giống như điều trước “hãy yêu mến người thân cận của con như chính mình”. Như thế tình yêu đối với người thân cận là “giới răn của Người” và là “dấu chỉ” là môn đệ của Người. Một cách tinh tế về tâm lí thánh Gioan đã kết luận: “Nếu chúng ta không yêu mến người thân cận mà chúng ta trông thấy, làm sao chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa Đấng mà chúng ta không thấy?” (1Ga 4,20).
6/. Cha mẹ phải giúp con cái mình khám phá người đồng loại, những người thân cận mình, nhất là những người nghèo khổ, và thực hành những việc phục vụ bác ái nhỏ bé nhưng thường xuyên chẳng hạn như: chia sẻ những món đồ chơi hay quà tặng với anh em chị em của chúng, giúp đỡ những người hèn kém, bố thí cho người nghèo bên đường, thăm viếng những người bà con đau yếu, đỡ đần ông bà già yếu qua những phục vụ nho nhỏ, chấp nhận người khác bằng cách tha thứ những xúc phạm, giới hạn nho nhỏ của họ trong cuộc sống thường ngày, v.v… Những việc đó nếu cứ được tái diễn sẽ hình thành nơi các em một cách suy nghĩ và tạo ra những thói quen tốt để đối diện với cuộc đời hay có “thành kiến” bằng một tình yêu mến con người, và như thế khiến cho con cái mình có khả năng góp phần tạo nên một xã hội mới.

Đề tài 6

Gia đình, nhà nhà đào luyện lương tâm chuẩn mực.

1/. Con người ngày nay càng lúc càng xác tín rằng phẩm giá và ơn gọi của mình đòi hỏi con người phải nhờ trí tuệ mà khám phá ra các giá trị đã được khắc ghi trong bản tính của mình, không ngừng phát triển những giá trị ấy và thể hiện chúng ra trong cuộc sống, nhờ thế mà càng ngày càng luôn tiến bộ hơn. Tuy nhiên, trong những phán quyết của mình về các giá trị luân lý, nghĩa là về những gì là tốt hay xấu, tức là về những gì phải làm hoặc không được làm, thì con người không thể định đoạt những phán đoán theo tự do riêng của mình. Trong nơi sâu thẳm của lương tâm mình, con người khám phá thấy có một lề luật mà mình không phải là tác giả nhưng bắt mình phải tuân phục. Lề luật này được Thiên Chúa khắc ghi trong trái tim của con người một cách như thế nào đó để giúp họ nên kiện toàn hơn, và dựa trên chính lề luật đó Thiên Chúa sẽ phán xét con người cách riêng.

2/. Bởi thế, phẩm giá con người không thể được phát huy thực sự nếu như người ta không tôn trọng trật tự cốt yếu trong bản tính đó. Hẳn là rất nhiều hoàn cảnh cụ thể và nhiều nhu cầu của cuộc sống con người đã thay đổi và vẫn còn tiếp tục thay đổi. Thế nhưng, trong bất kỳ hoàn cảnh biến hóa nào của phong tục, những hình thái khác nhau của cuộc sống phải được duy trì sao cho để không vượt quá những giới hạn đã được qui định bởi những nguyên tắc bất di dịch vốn dựa trên cơ sở những yếu tố cấu thành và những tương quan cốt yếu của cuộc sống con người; là những yếu tố và tương quan vượt xa điều kiện vô thường của lịch sử.

3/. Những nguyên tắc nền tảng mà lý trí vốn có thể hiểu được này ẩn chứa trong lề luật vĩnh cửu, khách quan và phổ quát nhờ đó Thiên Chúa xếp đặt, điều khiển và cai quản thế giới và những lối đường của cộng đồng nhân loại theo kế hoạch khôn ngoan và yêu thương của Ngài. Thiên Chúa làm cho con người tham dự vào lề luật này của Ngài để con người có thể nhận biết mỗi ngày một nhiều hơn về chân lý không thay đổi. Hơn nữa, Chúa Kitô đã thiết lập Hội Thánh của Người như cột trụ và nền tảng của chân lý và thông ban cho Hội Thánh sự trợ giúp thường xuyên của Thánh Thần để Hội Thánh gìn giữ một cách không sai lầm những chân lý thuộc trật tự luân lý và giải thích cách chính thức không chỉ lề luật khách quan được mạc khải mà cả những nguyên tắc luân lý phát xuất từ chính bản tính tự nhiên của con người và giúp con người phát triển và nên hoàn hảo.
4/. Ngày nay nhiều người cho rằng chuẩn mực pháp lý của hành vi nhân linh đặc thù của con người không nằm trong bản tính tự nhiên con người, cũng không nằm trong lề luật mạc khải, nhưng lề luật duy nhất tuyệt đối và bất di dịch chính là sự tôn trọng phẩm giá con người. Hơn nữa, chủ nghĩa tương đối về triết học và luân lý chối bỏ sự hiện hữu của mọi chân lý khách quan, cả trên bình diện hữu thể lẫn trên bình diện thực hành đạo đức. Mỗi người có chân lý riêng của mình, vì cá nhân giải thích các sự việc và cách sống theo sự hiểu biết riêng và theo lương tâm của mình. Sống chung với nhau sẽ dẫn chúng ta đến một chân lý chung được tất cả mọi người chấp nhận, nhờ một sự đồng thuận cho phép chúng ta sống hòa bình với nhau. Đó là cơ sở cho các luật xuất phát từ những ý kiến công nghị dân chủ. Giáo hội không nên nói gì cả và nếu có nói điều gì Giáo hội sẽ rơi lạc vào lãnh vực không phải của mình mà điều đó thì nguy hiểm đối với nền dân chủ.

5/. Từ đó phát sinh những hệ quả tai hại cho con người, gia đình và xã hội. Từ đó người ta biện minh cho việc phá thai như là một quyền của người phụ nữ, người ta ra sức để hợp pháp hóa sự trợ tử (euthanasia), kiểm soát sinh sản theo phương pháp nhân tạo, những luật cho phép ly dị tạo tình thế ngày càng bi thảm hơn, những quan hệ ngoài hôn nhân, v.v…

6/. Gia đình Kitô hữu gặp thách thức rất lớn trong khi giúp hình thành nơi con cái mình một lương tâm ngay chính và biết tôn trọng sự thật, đồng thời làm sao phải tôn trọng phẩm giá và tự do của chúng cách thận trọng, và giúp chúng đào luyện nên một lương tâm ngay thẳng trước những vấn đề lớn của cuộc sống con người như: thờ phượng và thờ kính Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành và Cứu Chuộc, yêu mến mẹ cha, tôn trọng sự sống, tôn trọng thân xác của chúng và thân xác của người khác, tôn trọng của cải và danh dự của người đồng loại, sống tình huynh đệ giữa mọi người, tôn trọng định mệnh chung của các thiện ích của tạo thành, không kỳ thị tôn giáo, không phân biệt giai cấp xã hội hay kinh tế, v.v… Những điều khoản của Mười giới răn và Bát Phúc là những điểm chắc chắn của giáo huấn này.

7/. Cha mẹ ngày nay phải tin tưởng và can đảm mà dạy con cái mình những giá trị này, bắt đầu từ giá trị căn bản nhất trong tất cả, đó là: có chân lý và người ta cần phải tìm kiếm và theo đuổi chân lý để thực hiện chính mình như là người. Những giá trị chủ chốt khác đó là lòng yêu mến công lý và một nền giáo dục tính dục rõ ràng và tế nhị dẫn đến thái độ quí trọng thân xác và vượt thắng được lối suy nghĩ và thực hành coi thân xác con người như một thứ đồ vật phục vụ cho khoái lạc ích kỉ.

8/. Một điều kiện căn bản của nền giáo dục này là nuôi dưỡng nơi trẻ lòng yêu mến đối với Hội Thánh và sống hài hòa với Hội Thánh, và một cách đặc biệt hơn, lòng yêu mến đối với Đức Giáo hoàng, các Đức Giám mục, và các linh mục; sao cho chúng thấy được nơi các ngài bận tâm của một người mẹ hiền yêu thương chúng và chỉ muốn giúp chúng sống một cuộc sống đứng đắn và có phẩm chất trong thế giới này và hưởng được sự chiêm ngắm Thiên Chúa trong vinhg.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.