Uncategorized

Đường Thánh Giá Đại Hội Giới Trẻ

Thứ Sáu 26/7/2013
Sáng: ĐTC Phanxicô từ nơi trú ngụ trong chuyến tông du Ba Tây của ngài là Sumare đã đến công trường “Quinta da Boa Vista”, cách xa 19 cây số, nơi có nhiều tòa giải tội đã được dọn sẵn cho giời trẻ đến hòa giải, trong đó có một tòa được giành cho ngài để ngài giải tội cho 5 giới trẻ bằng tiếng Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Thứ Sáu 26/7/2013
Sáng: ĐTC Phanxicô từ nơi trú ngụ trong chuyến tông du Ba Tây của ngài là Sumare đã đến công trường “Quinta da Boa Vista”, cách xa 19 cây số, nơi có nhiều tòa giải tội đã được dọn sẵn cho giời trẻ đến hòa giải, trong đó có một tòa được giành cho ngài để ngài giải tội cho 5 giới trẻ bằng tiếng Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Trưa: từ công viên trên ngài đi xe đến gặp ĐTGM TGP Rio ở tư dinh của vị này. Vào lúc 11 giờ 30, ngài đã gặp 8 giới trẻ bị giam giữ, 6 nam và 2 nữ, và ngài được các em tặng cho một cỗ tràng hạt lớn làm bằng nhựa. Ngay sau đó ngài đến Nguyện Đường và nguyện Kinh Truyền Tin với tín hữu, với lời nhắn nhủ về 3 lần một ngày nguyện Kinh Truyền Tin để "nhắc nhở chúng ta về một biến cố rạng ngời làm biến đổi lịch sử, đó là biến cố Nhập Thể, giây phút Con Thiên Chúa làm người nơi Đức Giêsu Nazarét". Ngài đồng thời cũng nói về hai vị thánh thân sinh của Đức Mẹ là Thánh Gioakim và Anna. Sau đó ngài đến gặp ĐTGM Tempesta và 12 giới trẻ thuộc các quốc tịch khác nhau, đại diện cho từng châu lục. Sau trưa, ngài trở về nơi ngài cư trú nghỉ ngơi trước khi đến chủ sự Đường Thánh Giá của Giới Trẻ.

Chiều: ĐTC đến bãi biển Copacabana là nơi cử hành các biến cố chính của Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXVIII, bao gồm cả cuộc Đi Đường Thánh Giá chiều tối Thứ Sáu, 26/7/2013.

Trước khi Đi Đường Thánh Giá, ĐTC xin 35 giới trẻ Á Căn Đình thất nghiệp, thành phần đã có việc làm trước cuộc khủng hoảng năm 2001, lên khán đài với ngài và ngài đã thân ái chào họ. Họ đang phải sống khổ sở ở những khu gọi là "villas miserias", như là một trong cả 100 ngàn người ở Á Căn Đình, thành phần được gọi là "cartoneros", hằng đêm đi làm nghề thu lượm giấy tờ, chai lọ, đồ ăn  để recycle kiếm sống.

Đường Thánh Giá được bắt đầu vào lúc 6 giờ. Có tất cả là 14 chặng. 13 chặng đầu được kéo dài gần 1 cây số (900 mét), và kéo dài 1 tiếng 15 phút.

Chặng 14 ở ngay trên khán đài là nơi ĐTC chủ sự và được trình chiếu qua các màn hình.  Bài suy niệm được soạn dọn bởi hai vị linh mục được tiếng là phục vụ giới trẻ.

Kết thúc, ĐTC đã ban huấn dụ giới trẻ như sau:

Giới Trẻ thân mến,

Chúng ta đã đến đây hôm nay để hộ tống Chúa Giêsu trong cuộc hành trình sầu thương và yêu thương của Người, đó là Đường Thánh Giá, một trong những giây phút cao điểm nhất của Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Vào cuối Năm Thánh Cứu Chuộc, Chân Phước Gioan Phaolô II đã muốn trao phó Cây Thánh Giá này cho các bạn giới trẻ, xin các bạn 'hãy vác đi khắp thế giới như là một biểu hiệu của tình yêu Chúa Kitô đối với nhân loại, và loan báo cho hết mọi người rằng chỉ có ở nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô chúng ta mới gặp được ơn cứu độ và cứu chuộc' (Address to Young People, 22 April 1984). Từ đó, Cây Thánh Giá của Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã du hành đến khắp châu lục và qua những cảnh đời khác nhau của nhân loại. Thật sự Cây Thánh Giá này hầu như đã 'gắn sâu' vào kinh nghiệm đời sống của vô số giới trẻ là thành phần đã từng trông thấy và vác lấy. Anh chị em thân mến, không ai có thể tiến đến và chạm vào Thánh Giá của Chúa Giêsu mà lại không để lại ở đó một cái gì đó của chính bản thân họ, và không mang một cái gì đó từ Thánh Giá của Chúa Giêsu vào đời sống của mình. Tôi có 3 câu hỏi hy vọng là sẽ âm vang trong trái tim của các bạn tối hôm nay khi các bạn bước đi bên cạnh Chúa Giêsu: giới trẻ Ba Tây thân mến, trong hai năm vừa rồi, Thánh Giá được băng qua xứ sở to lớn của mình, các bạn đã lưu lại gì nơi Cây Thánh Giá này? Thánh Giá của Chúa Giêsu đã lưu lại những gì cho các bạn, nơi từng người các bạn? Sau hết, Cây Thánh Giá này dạy cho chúng ta những gì?

1- Theo một câu truyện cổ Rôma thì khi tẩu thoát khỏi thành phố này trong cuộc bách hại của Nero, Thánh Phêrô đã trông thấy Chúa Giêsu đang đi ngược chiều, tức là về phía thành phố, nên đã ngạc nhiên hỏi Người rằng: 'Chúa ơi, Chúa đi đâu vậy?' Chúa Giêsu trả lời rằng: 'Thày đi đến Rôma để tái tử giá'. Bấy giờ Thánh Phêrô hiểu được rằng ngài cần phải can đảm theo Chúa cho đến cùng. Thế nhưng, ngài cũng nhận thấy rằng ngài không bao giờ lẻ loi cô độc trong cuộc hành trình ấy; Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương ngài cho đến chết, bao giờ cũng ở với ngài. Chúa Giêsu, bằng Thánh Giá của Người, bước đi với chúng ta và nhận lấy các nỗi sợ hãi của chúng ta, các thứ trục trặc của chnúg ta, và các thứ khổ đau của chúng ta, cho dù là những gì sâu xa nhất và đớn đau nhất. Bằng Thánh Giá của mình, Chúa Giêsu liên kết bản thân mình với sự thinh lặng của thành phần nạn nhân của bạo động, với những ai không còn kêu gào, nhất là thành phần vô tội và bất khả tự vệ; với Thánh Giá của mình, Người liên kết với các gia đình đang gặp khốn khó và với những ai đang than van khóc lóc trước tình trạng mất mát thê thảm con cái của họ, như trong trường hợp của 242 nạn nhân trẻ gây ra bởi cuộc hỏa hoạn ở Thành Phố Santa Maria vào đầu năm nay. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Trên Cây Thánh Giá, Chúa Giêsu liên kết với hết mọi người đang chịu đói khổ trên thế giới, một thế giới mà đồng thời lại cũng đang xẩy ra tình trạng xa xỉ hoang phí bao nhiêu là tấn thực phẩm mỗi ngày; trên Thánh Giá, Chúa Giêsu liên kết mình với nhiều người mẹ và người cha đang chịu khổ khi thấy con cái của mình trở thành nạn nhân của ngất ngây ma túy; trên Thánh Giá, Chúa Giêsu liên kết mình với những ai đang bị bách hại vì tôn giáo, vì niềm tin của họ hay chỉ vì mầu da của họ; trên Thánh Giá, Chúa Giêsu liên kết mình với rất nhiều giới trẻ đang bị lạc mất đức tin nơi các cơ cấu chính trị, vì họ thấy nơi các cơ cấu này chỉ toàn là vị kỷ và băng hoại; Người liên kết mình với những thành phần giới trẻ đã đánh mất niềm tin nơi Giáo Hội, hay thậm chí nơi Thiên Chúa vì tình trạng phản chứng của Kitô hữu và các vị thừa tác viên của Phúc Âm. Những thứ bất nhất của chúng ta làm cho Chúa Giêsu chịu khổ biết bao! Thánh Giá của Chúa Kitô mang lấy khổ đau và tội lỗi của loài người, bao gồm cả của chúng ta. Chúa Giêsu chấp nhận tất cả những điều ấy bằng đôi tay rộng mở, vác trên vai những cây thập giá của chúng ta và nói cùng chúng ta rằng: 'Con hãy can đảm lên! Con không vác thập giá của mình một mnìh đâu! Cha vác với con. Cha đã chiên thắng sự chết và Cha đã đến để ban cho con niềm hy vọng, để ban cho con sự sống' (cf Jn 3:16).

2- Giờ đây chúng ta có thể trả lời câu hỏi thứ hai: Cây Thánh Giá đã cống hiến gì cho những ai gắn mắt vào đó và cho những ai đã chạm đến đó? Thánh Giá đã lưu lại gì nơi mỗi người chúng ta? Các bạn thấy đó, Cây Thánh Giá cống hiến cho chúng ta một kho tàng không ai có thể ban cho chúng ta được: đó là niềm tin tưởng vào tình yêu thương trung thành Thiên Chúa giành cho chúng ta. Một tình yêu cao cả lớn lao đến độ chấp nhận tội lỗi của chúng ta và tha thứ tội lỗi của chúng ta, nhận lấy khổ đau của chúng ta và cống hiến cho chúng ta sức mạnh để vác lấy. Đó là một tình yêu chấp nhận cái chết để chiến thắng tử thần mà cứu độ chúng ta. Thánh Giá của Chúa Kitô chất chứa tất cả tình yêu thương của Thiên Chúa; ở đó chúng ta thấy được tình thương khôn lường của Ngài. Đó là một tình yêu chúng ta có thể đặt trọn niềm tin tưởng của chúng ta, có thể tin tưởng. Giới trẻ thân mến, chúng ta hãy ký thác bản thân mình cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy hiến bản thân mình cho Người (cf. Thông Điệp Ánh Sáng Niềm Tin, khoản 16), vì Người không bao giờ làm cho ai bị bẽ bàng! Chỉ ở nơi một mình Chúa Kitô tử giá và phục sinh chúng ta mới tìm thấy ơn cứu độ và cứu chuộc. Với Người, sự dữ, khổ đau, và sự chết không phải là phán quyết cuối cùng, vì Người ban cho chúng ta niềm hy vọng và sự sống: Người đã biến đổi Thập Giá từ phương tiện của hận ghét, thua bại và chết chóc thành một dấu hiệu yêu thương, chiến thắng, khải hoàn và sự sống.

Cái tên đầu tiên được gán cho Ba Tây là 'Mảnh Đất của Thánh Giá'. Thánh Giá của Chúa Kitô được dựng lên 5 thế kỷ trước đây, chẳng những trên các bờ biển của xứ sở này, mà còn trong giòng lịch sử, trong tâm can và đời sống của nhân dân Ba Tây cũng như các nơi khác. Chúa Kitô khổ đau là Đấng được thấm thía cảm thấy ở nơi đây, như là một người trong chúng ta để thông phần vào cuộc hành trình của chúng ta cho tới cùng. Không có một thập giá nào, lớn hay nhỏ, trong cuộc đời của chúng ta mà Chúa không chia sẻ với chúng ta.

3- Thế nhưng, Thánh Giá của Chúa Kitô cũng kêu mời chúng ta hãy để cho mình được tình yêu của Người tác động, dạy chúng ta luôn nhìn đến người khác một cách xót thương và trìu mến, nhất là những ai đau khổ, những ai đang cần giúp đáp, những ai cần đến một lời nói hay một hành động cụ thể nào đó; Thánh Giá mời gọi chúng ta hãy ra khỏi bản thân mình để gặp gỡ họ và giang tay ra cho họ. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã thấy họ trên Con Đường Thánh Giá, biết bao nhiêu lần họ đã hộ tống Chúa Giêsu trên đường lên Canvê: Philatô, Simon thành Cyrene, Maria, thành phần phụ nữ… Hôm nay tôi xin hỏi các bạn: các bạn muốn là ai trong số những nhân vật đó? Các bạn có muốn như Philatô, người đã không có can đảm để chống lại với triều sóng để cứu sống Chúa Giêsu, thay vào đó đã phủi tay vô trách nhiệm? Hãy cho tôi biết đi: phải chăng các bạn là một trong những người phủi tay mình, những người giả vờ chẳng biết gì và nhìn đi chỗ khác? Hay các bạn như Simon thành Cyrene, người đã giúp Chúa Giêsu vác cây gỗ nặng ấy, hay như Maria và các phụ nữ khác, những người đã không sợ đi cho đến cùng suốt đoạn đường này để hộ tống Chúa Giêsu với lòng mến yêu và dịu dàng? Phần các bạn, các bạn muốn là ai? Như Philatô? Như Simon? Như Maria? Chúa Giêsu giờ đây đang nhìn các bạn và hỏi các bạn rằng: các con có muốn giúp Cha vác Thánh Giá hay chăng? Anh chị em ơi, với tất cả sức mạnh tuổi trẻ của mình, các bạn sẽ đáp lại Người ra sao?

Các bạn thân mến, chúng ta hãy mang đến cho Thánh Giá của Chúa Kitô các niềm vui của chúng ta, các nỗi khổ đau của chuúg ta và các lầm lỗi của chúng ta. Ở đó chúng ta sẽ thấy một Con Tim mở ra cho chúng ta và thông cảm với chúng ta, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta và kêu gọi chúng ta hãy cưu mang tình yêu này trong đời sống của chúng ta, hãy yêu thương mỗi một con người, từng người anh chị em, bằng cùng một tình yêu thương.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, phần tin tức lấy từ VIS ngày 27/7/2013, hình ảnh của hãng thông tín AP từ google, và phần bài nói từ http://www.vatican.va/holy_father/francesco/speeches/2013/july/documents/papa-francesco_20130726_gmg-via-crucis-rio_en.html – những chỗ in nghiêng và đậm là do người dịch tự ý muốn nhấn mạnh

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.