Hai phụ nữ đã bị giết chết một cách dã man tại đường Montaigne, Paris, vào đêm 19 rạng ngày 20.3.1887, đồ nữ trang của họ đã hoàn toàn biến mất. Sự kiện này đã làm xôn xao dư luận quần chúng. Hai ngày sau cảnh sát đã bắt được một kẻ tình nghi gây án, hắn tên là Henri Pranzini, 30 tuổi. Hắn mạnh mẽ phủ nhận những lời cáo tội, và tự tin đối phó với các nhân chứng và tòa án, xem ra hắn không phải là một tội phạm bình thường. Ngày 13 tháng 7, Pranzini bị kết án tử hình.
Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu khi ấy mới 14 tuổi, chị đã nghe tin về kẻ tội phạm này, chị ước ao cứu lấy linh hồn anh ta. Trong khi đó, tất cả các báo chí đều coi Pranzini là “tên đồi bại ghê rợn”, “ác quỷ” hay “kẻ hung ác cực kỳ xấu xa,” thì chị Têrêxa lại coi phạm nhân như đứa con đầu lòng của mình. Chị đã cầu nguyện và làm việc hy sinh thật nhiều để cầu xin ơn thống hối cho tội nhân. Têrêxa cũng xin chị Céline cùng hợp ý trong việc này.
Têrêxa đã ghi lại trong tự thuật của mình: “Tôi đã xác tín tận thâm tâm rằng những ước nguyện của chúng tôi sẽ được đoái nhận, nhưng để cho mình can đảm tiếp tục cầu nguyện cho kẻ tội lỗi, tôi thưa với Chúa tôi tin chắc rằng Ngài sẽ tha thứ cho Pranzini bất hạnh đáng thương, và tôi xin điều ấy cho dù anh ta không xưng tội hay tỏ dấu sám hối. Tôi đã tin tưởng như thế vào lòng nhân từ của Chúa Giêsu, nhưng tôi vẫn xin một ‘dấu chỉ sám hối’, chỉ để an ủi mình.”
Ngày 31 tháng 8, tại nhà tù Grande Roguette, trước máy chém Pranzini đã phản đối án tử và cho rằng mình vô tội, và anh ta đã từ chối các phép sau hết của linh mục tuyên úy nhà tù. Tuy nhiên vào phút chót, anh ta đã xin cho được cây thánh giá và hôn kính hai lần trước khi chết.
Dấu chỉ này của tử tội đã làm cho Têrêxa vô cùng xúc động. Vậy là lời cầu nguyện và dấu chỉ đã được Chúa chấp nhận. Điều này đã được đáp ứng đúng với ân huệ mà Chúa Giêsu đã ban cho chị Têrêxa để động viên chị cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi.(Luy Gonzaga Maria, CMC, 101 Giai thoại các Thánh)
Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã tích cực cầu nguyện, dẫn nhập chúng ta vào bài Tin Mừng Thánh Luca hôm nay. Chúa Giêsu dạy kinh Lạy Cha và cầu nguyện như thế nào? Cần thái độ và tâm tình cầu nguyện ra sao.
Cứ xin sẽ được
“Anh em cứ xin thì sẽ được.” (Lc 11, 9)
Ngày kia, trên Đường trở về lại xứ Ái Nhĩ Lan thánh Columban gặp một cơn bão lớn. Nhiều cây sóng lớn quét ngang boong tàu và hầm tàu bắt đầu ngập nước. Thánh Columban muốn giúp các thuỷ thủ tát nước, nhưng họ từ chối và nói với ngài: “Cha làm mất thì giờ của cha, tốt hơn hết, cha hãy cầu nguyện cho những người sắp mất.”Ngài lên lại trên boong và ở đó ngài quì giang tay cầu nguyện. Tức thì gió yên, biển lặng. (Sưu tầm, Tin Mừng.net)
Khi kêu xin, nài van thì đương nhiên phải hạ mình, khiêm tốn và chân thành. Không thể thất kính, mà kiên nhẫn trông cậy. Thánh nữ Têrêxa vừa cầu nguyện, vừa dốc lòng hy sinh. Thánh Columban quỳ giang tay thiết tha cầu nguyện
Nhưng tại sao nhiều điều chúng ta xin không được Chúa đáp ứng? Vì có thể điều đó không có lợi cho đời sống viên mãn của chúng ta sau này. Vì có thể Thánh Ý Chúa không như nguyện vọng trần tục của chúng ta. Ngay chúng ta, đâu phải lúc nào cũng đáp ứng ngay lời xin của con cái, vì chúng ta biết điều gì xấu hay tốt cho chúng.
“Vậy anh em là những người xấu, mà con biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người,” (Lc 11, 13)
Alibaba phải thật tự tin hô to câu thần chú: “Vừng ơi hãy mở ra!” thì cánh cửa kho tàng mới rộng mở. Kho tàng hồng ân vô giá của Chúa cũng thế, luôn sẵn sàng ban phát, nếu chúng ta mở lời cầu xin, với tấm lòng tràn đầy lửa Tin Cậy Mến. Chứ còn cứ do dự, bán tin bán nghi, thì làm sao Chúa nghe đặng?
Cứ tìm sẽ thấy
Trên mạng internet hiện nay có hàng ngàn trang web Công Giáo, nhưng có lẽ tự cho mình giữ đạo quá tốt rồi, quá đủ rồi, nên nhiều Kitô hữu chúng ta chẳng màng tìm đến, mà chúi mũi vào các web đời, lắm chuyện lâm ly, bi đát, tình tiền tù tội hấp dẫn hơn. Nhiều người còn vô tư cho rằng, web đạo chỉ dành cho giới tu sĩ, linh mục mà thôi, vì khô không khốc! Cho rằng rồi đây các đấng cũng giảng dạy y như thế, đâu cần mất thì giờ vào coi!
Vô tri bất mộ, chẳng tìm hiểu, thì chẳng biết chi đạo nghĩa ngoài những bài giáo lý vỡ lòng ngày xưa, đã rơi rụng gần hết, làm sao mến Chúa được? Làm sao sống đạo? Không tìm tòi học hiểu, thì chỉ xứng danh là người Công Giáo Ngày Chúa Nhật mà thôi.
Ngày xưa, Ba Vua thấy xuất hiện một ngôi sao lạ, vội vã lên đường tìm Đấng Cứu Thế. Trải qua bao gian nan khổ cực, kể cả lạc đường mất dấu, Ba Vua vẫn nhiệt thành tìm kiếm, để cuối cùng mãn nguyện, được vinh dự chiêm bái Chúa Hài Đồng Giêsu. Còn vua Hêrôđê Cả cho bộ hạ tìm Người, không phải để bái lạy, mà để hạ sát, vì lo sợ bị soán ngôi. Ba mươi ba năm sau, vua Hêrôđê Antipa cũng muốn tìm gặp Đức Giêsu, cũng chỉ thỏa tánh hiếu kỳ.“Ông Gioan, ta đây đã cho chém đầu. Vậy ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”Rồi vua Hêrôđê tìm cách thấy mặt Chúa Giêsu. (Lc 9, 9).
Riêng ông Da Kêu, trưởng ty thuế vụ Giêricô chẳng hề tự ti thấp bé, tội lỗi, nhanh nhẹn leo lên cây sung để nhìn thấy Đức Giêsu đi ngang qua. Ông đã tìm và đã gặp anh mắt từ bi. Hoán cải khi đón Chúa đến nhà.(Lc 19, 1-10)
Còn thêm một môn đệ trong bóng tối nữa, đó là ông Nicôđêmô lại tìm Đức Giêsu trong khung cảnh tĩnh mịch ban đêm. Sau đó còn gặp Chúa hai lần nữa, mà Thánh Gioan cẩn thận ghi lại. Nhưng ông Nicôđêmô chưa kịp xả kỷ, chưa quên nổi danh phận Biệt phái đáng kính, để dứt khoát theo Chúa.
Ngoài ra còn biết bao người bệnh hoạn, tàn tật, đau khổ cả thể xác lẫn tinh thẩn hăng say tìm đến với Đức Giêsu, để được chữa lành.
Ngày nay, chẳng phải đi đâu xa, chúng ta luôn có thể tìm thấy Người hằng ngày, hằng giờ qua Lời Chúa, Thánh Kinh và nhất là qua Thánh Thể nhiệm mầu. Tránh xa ồn ào, huyên náo, xô bồ của thế gian, đắm mình vào trong thinh lặng, như ông Nicôđêmô, môn đệ trong bóng đêm, chúng ta mới tìm gặp được Người, mới tâm sự và lắng nghe Người an ủi, dạy dỗ, khuyên can, nhắn nhủ. Chắc chắn chẳng bao giờ Người nỡ ngoảnh mặt từ chối, khi chúng ta tìm đến cùng Người.
Cứ gõ cửa sẽ mở
Vấn đề là chúng ta có tích cực, có tha thiết tìm đến, có tích cực gõ cửa, hay cứ mãi kiêu căng tự phụ, ơ hờ lạnh nhạt, dửng dưng như kẻ xa lạ, lười biếng, hèn nhát, hoặc bất cần Người cứu giúp, thoát khỏi thung lũng đầy nước mắt này.
Người muốn chúng ta chân thành và kiên nhẫn, hoàn toàn phó thác tin cậy, hoàn toàn tin tưởng. Nều không, chúng ta chẳng xứng đáng đón nhận: "Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” (Mt 7. 6)
Thánh Giêrađô ao ước dâng mình cho Chúa, đã phải vượt biết bao trở ngại từ gia đình đến nhà dòng, mới được toại nguyện. Ngài phải trốn mẹ, sau khi để lại mảnh giấy vỏn vẹn vài chữ: “Từ giã mẹ con đi làm thánh.” Ngài kiên trì trước những lời từ chối thẳng thừng của các đấng bề trên. Cuối cùng, Chúa đã nhận lời, khi ngài vững lòng, kiên nhẫn cứ mãi gõ cửa.
“Bền đỗ là đặc tính của các thánh, vì “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi.” (Đường Hy Vọng, số 49)
“Trong tâm hồn con có hai con người: Gioan và Giuđa. Bao lâu con còn bền chí phấn đấu, là dấu con theo Gioan trung thành; giờ phút nào con hèn nhất đầu hàng, con chọn Giuđa làm quan thầy, và thắp hương tôn thờ quan thầy phản bội ấy.” (Đường Hy Vọng, số 59)
Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng dạ chúng con mỗi khi đọc kinh Lạy Cha với tất cả niềm tin cậy mến. Xin giúp chúng con sống đúng theo những lời tuyên xưng đó.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con cầu nguyện với tất cả tâm hồn khiêm nhu, trông cậy và tin tưởng mãnh liệt vào Chúa. Amen.
AM Trần Bình An
—
PX
Views: 0