Thánh Mẫu

KÍNH CHÀO NỮ VƯƠNG RẤT THÁNH. Chương 7

Chuyển ngữ: Trần Mỹ Duyệt

HỘI THÁNH CUỐI THỜI

AI BIẾN GIÁO HỘI THÀNH NGƯỜI MẸ?

 

Qua Thánh Kinh, Tông Truyền, tín lý của Giáo Hội, chúng ta biết được về một người mẹ. Chúng ta biết Thánh Nữ Đồng Trinh Maria. Nhưng ở đây chúng ta cần phải nhận định rõ, Giáo Hội không đem chúng ta về với Đức Maria bằng Đức Maria đem chúng ta về với Giáo Hội. Nói một cách đầy đủ hơn, vì là Mẹ của Giáo Hội, Người đã ban cho chúng ta Con Thiên Chúa của Người qua Giáo Hội, và qua Giáo Hội, Người đem về cho Chúa Cứu Thế những anh chị em mới.

Nghiên cứu Phúc Âm cho chúng ta cái nhìn về Đức Maria như Evà Mới, người Mẹ của muôn sinh linh, Mẹ của gia đình giao ước của Thiên Chúa. Khoa phân tích còn cho chúng ta thấy Đức Maria như là Phúc Âm của Chúa Cứu Thế nữa. Thật ra, cao điểm của Sách Thánh, trong Khải Huyền, tân nương và người mẹ cũng được nhận diện là Giáo Hội nữa.

Khải Huyền cho chúng ta thấy mối liên kết nhiệm mầu giữa người phụ nữ đang lâm bồn sinh Chúa Kitô (và với anh em của Ngài) và Tân Nương của con Chiên, đã được vén màn ở tuyệt đỉnh của lịch sử. Người Mẹ, Tân Nương, và người phụ nữ là Đức Maria. Người Mẹ, Tân Nương, người phụ nữ là thánh đô của Giêrusalem mới: Giáo Hội.

Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành

Nói rằng sự khám phá về Đức Maria của Giáo Hội là một huyền nhiệm, nhưng đó không có nghĩa là một ẩn dụ. Phân tích Thánh Kinh hơn là tìm sự đồng thuận về văn chương, vì Thánh Kinh vượt trội hơn văn chương. Thánh Kinh là lịch sử. Đúng vậy, khoa khảo sát Thánh Kinh cho biết Thánh Kinh ở trên lịch sử; đó là một lời tiên tri. Hơn thế nữa, nó còn hơn cả lời tiên tri, nó là thực thể. Và còn hơn một thực thể, nó là đời đời. Chính vì thế, khi chúng ta nói về Đức Maria như Mẹ của Giáo Hội và nhà kiến trúc của Giáo Hội, là chúng ta nói về một chân lý vĩnh cửu, một con người một cách hoàn toàn sống động, và một sự thật mà nó là căn bản của chương trình của Thiên Chúa đối với thế giới.

Giáo Hội đã thảo luận vấn đề này bằng một phương cách minh bạch qua những tài liệu của Công Đồng Vaticano II (1962-65). Mặc dù Công Đồng không đem lại một tài liệu đặc biệt, chủ yếu dành riêng về Đức Maria. Tuy nhiên, những tài liệu của Công Đồng một cách chung đã bao gồm nhiều giáo huấn về Đức Maria hơn bất cứ Công Đồng nào trong lịch sử của Giáo Hội. Trong thực tế, giáo thuyết về Đức Maria của Vaticano II đã trổi vượt hơn tất cả các Công Đồng trước cộng lại.

Một số học giả nói rằng tài liệu quan trọng nhất của Công Đồng là Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium), hiến chế về Giáo Hội.  Chính trong giây phút quan trọng của Ánh Sáng Muôn Dân, mà các nghị phụ đã tuyên bố giáo huấn về Thánh Mẫu được các ngài chú trọng nhất. Phần kết thúc của tài liệu mang tựa đề “Rất Thánh Đồng Trinh Maria, Mẹ Thiên Chúa, trong Mầu Nhiệm Đức Kitô và Giáo Hội”.

“Thánh Công Đồng” tuyên bố, “Khi trình bày giáo lý về Giáo Hội, nơi mà Chúa Cứu Thế đang thực hiện ơn cứu độ, Thánh Công Đồng chủ tâm làm sáng tỏ vai trò của Đức Trinh Nữ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và Nhiệm Thể, cũng như nêu rõ bổn phận những ai được cứu chuộc đối với Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ Đức Kitô và Mẹ nhân loại, nhất là các tín hữu” (Ánh Sáng Muôn Dân 54).

Tiếp đến, tài liệu đòi hỏi một sự tranh luận tương tự như trong tác phẩm này, khám phá Đức Maria dưới ánh sáng của thần học, phân tích Thánh Kinh, tín lý, và cuối cùng là giáo hội học, khảo cứu thần học của Giáo Hội. Công Đồng đã thừa nhận hình ảnh phảng phất được phân tích trong Cựu Ước cũng như vài trò căn bản và số ít trong Tân Ước (số 55). Tuy nhiên, đỉnh điểm của cuộc tranh luận cuối cùng nằm trong một khảo cứu về vai trò tiếp nối của Đức Maria trong đời sống của Giáo Hội.

Tư Cách Là Mẹ và Là Chi Thể

Đức Maria liên quan với Giáo Hội như thế nào?

“Người là Mẹ các chi thể của Chúa Cứu Thế… hợp nhất với đức ái mà các Kiô hữu được sinh ra trong Giáo Hội, họ là những chi thể của chiếc Đầu này” (Ánh Sáng Muôn Dân 53, trích Th. Augustinô).

“Thánh Nữ Đồng Trinh … kết hợp mật thiết với Giáo Hội” (số 63).

“Người là thành phần siêu việt và duy nhất của Giáo Hội” (số 53).

 Người là “mẫu gương tuyệt vời và đặc trưng trong Đức Tin và Đức Mến” của Giáo Hội (số 53).

“Giáo Hội Công Giáo được dạy dỗ bởi Chúa Thánh Thần, để tôn kính Mẹ như một người Mẹ đáng yêu nhất với tâm tình của đạo làm con và với lòng hiếu thảo” (số 53).

Đức Maria, cũng là mẹ của gia đình Thiên Chúa. Người là mẫu gương cho gia đình này, và Người tham dự một cách tích cực trong việc “sinh sản và giáo dục” các con cái” (số 63). Là một người Mẹ, Người còn là một thành viên trong gia đình này và cùng với Chúa Cha, Mẹ đem lại cho gia đình hình ảnh riêng biệt của nó.

Giáo Hội cũng là người mẹ nữa – nhưng đây là một chức vụ trong mối liên kết Giáo Hội với Chúa Kitô và Đức Maria. Giáo Hội, căn cứ vào mối dây mật thiết liên kết của mình với Đức Maria, có đầy đủ đặc tính của một người mẹ bao lâu Giáo Hội bắt chước, và tôn kính thiên chức người mẹ đồng trinh của Đức Maria.

“Thực vậy, Giáo Hội suy ngắm sự thánh thiện tiềm ẩn của Người, đức ái của Người và sự hoàn tất một cách tin tưởng thánh ý Chúa Cha, qua việc đón nhận Lời của Thiên Chúa trong Đức Tin để chính mình trở thành một người mẹ.” Giáo Hội, như Đức Maria, cũng là Nữ Đồng Trinh, đón nhận và bảo vệ Đức Tin đã được ban cho bởi Chúa Giêsu, Hôn Phu của mình. “Bắt chước Mẹ của Chúa mình, và với quyền năng của Chúa Thánh Thần, [Giáo Hội] gìn giữ sự tinh tuyền, trinh khôi một Đức Tin nguyên vẹn, một Đức Cậy vững vàng, và một Đức Mến chân thực” (số 64).

(Còn tiếp)

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.