Thánh Mẫu

Chút tâm tình dâng Mẹ

Nguyễn Ngọc Thể

 

 

Những cơn sóng, nếu xảy ra, có thể chôn vùi thân xác con nơi lòng biển sâu.
Cũng giống như  đời thường của một con người, giờ đây con vẫn còn đang lướt sóng, đang vượt biển trần gian.”

Maria, Mẹ ôi. Maria, Mẹ ôi, xin thương giúp con. Những lời van xin này con đã kêu xin Mẹ không ngừng trong những ngày con rời bỏ quê hương yêu dấu để ra đi trên chiếc thuyền mong manh. Đó là những ngày vào cuối tháng 9. Khi ra đi, con nào biết sẽ đi đâu bây giờ? Bước lên thuyền, thuyền trực chỉ ra biển khơi, và  thuyền sẽ đi về hướng nào? Không  một ai nói với nhau điều gì là thuyền sẽ đến nơi nào! Những người cùng thuyền, không ai bảo ai. Mỗi người mang một tâm tư riêng, một suy nghĩ riêng.

Riêng con, tâm tư đầy xao xuyến, lo lắng. Ra đi một mình, để lại gia đình đàng sau với những đứa con còn thơ bé. Lo lắng cho những ngày hiện tại. Lo lắng cho ngày mai, cho tương lai mịt mù. Đây cũng là tâm tư của bao nhiêu người khi cất bước ra đi tìm tự do, tìm đất sống. Người người ra đi. Người người tìm cách rời bỏ quê hương, nếu có thể, khi những người vô thần, những người cộng sản hiện diện trên đất Việt  thân yêu. Những người này, cũng là người Việt nam, nhưng con thấy họ sao quá tàn ác, dã man. Trong tư tưởng của họ chứa đầy những sắt và máu. Và người ta gọi họ có những “bàn tay sắt bọc nhung.”

Mẹ ôi, như Mẹ đã thấy đó. Ngày con lên đường rời xa tổ ấm gia đình với tâm tình buồn vui lẫn lộn, nhưng buồn nhiều vui.  Buồn vì có thể sẽ không bao giờ gặp lại bao người thân yêu trong gia đình, bởi xác thân này có thể sẽ vùi sâu nơi lòng đại dương hay cũng có thể tới một vùng đất xa lạ nào đó mà con chưa bao giờ đặt chân đến. Con chỉ có một niềm vui nho nhỏ vì sẽ không còn nhìn thấy mặt một lũ hung tàn, lúc nào như cũng muốn trả thù, muốn bắn giết mà không một chút thương tâm. Xã hội đầy những hỗn loạn. Con người đối với con người trong một nước, một xã hội hiện tại như đàn chó sói ăn thịt người, “ lupus lupi hominem”.

Mẹ, Mẹ ôi. Thuyền con rời bến vào một đêm tối trời. Lòng con cảm thấy vô cùng bất an và đầy lo sợ khi thuyền tiến ra biển khơi. Trùng dương bao la. Biển khơi chập chùng. Thuyền con như chiếc lá giữa dòng có thể trôi giạt đi đến một nơi vô định. Ai sẽ cứu con trong giờ phút này? Cô đơn. Lạc lõng. Nhưng con vẫn không ngả lòng và quyết giữ trọn niềm tin yêu vào Chúa, vào Mẹ.

Khi đêm về và màn đêm tối mịt mù. Con ngước mắt nhìn sao trời đang lấp lánh. Bầu trời cao lồng lộng. Những người đi cùng thuyền ai nấy cũng đang mệt lả vì đói khát, vì nắng nôi suốt ngày nên không một ai muốn nói lên lời gì. Phần con, con ngước mắt nhìn trời cao, con luôn tin tưởng và tiếp tục kêu xin vì Mẹ là ánh sao đêm, là ngôi sao sáng, soi dẫn những ai đang ở giữa biển khơi. Bao hiểm nguy đang chờ sẵn. Bao lo sợ những cơn sóng cao ngất đang ập tới, không biết giây phút nào. Những cơn sóng, nếu xảy ra, có thể chôn vùi thân xác con nơi lòng biển sâu. Cũng giống như đời thường của một con người, giờ đây con vẫn còn đang lướt sóng, đang vượt biển trần gian. Con ngước mắt nhìn lên ánh sao đêm, và trong âm thầm, con thỏ thẻ lời ca thánh của một tu sĩ nào đó đã viết từ rất lâu rồi: “Sóng gió muôn trùng thuyền con bấp bênh, lắc lư Mẹ ôi. Áng đêm buông dày bao trùm thuyền con hết phương chèo bơi. Lênh đênh giữa vời con biết trông nhờ nơi ai. Con kêu đến Mẹ dắt thuyền con về yên hàn.-  Mẹ ôi, Mẹ ôi hãy nghe tiếng con nài nỉ cầu xin. Ngửa đầu tìm Mẹ, con trút hết tâm hồn yêu mến, cậy, tin. Từ bao năm trời Mẹ là vì sao sáng con nhìn theo. Giờ đây xin Mẹ lại đưa thuyền con thoát nơi hiểm nghèo.”

Thuyền vẫn lướt sóng. Từ tận đáy lòng con, con vẫn luôn miệng lập đi lập lại lời ca thánh này. Từ xa xa, chúng tôi thấy một chiếc tàu thật lớn, tựa như một cao ốc. Đó là chiếc tàu của người Anh. Tàu này đang neo đậu giữa khơi. Thuyền chúng tôi đang cố gắng tiến lại gần để mong chiếc tàu này cứu vớt. Nhưng khi tiến lại gần, tàu đã nhanh chóng bỏ đi. Thất vọng! Nhưng mấy phút sau đó, từ trên không, chúng tôi thấy có chiếc máy bay bay đến. Khi chiếc máy bay này đến trên đầu chúng tôi, máy bay nghiêng qua nghiêng lại, mọi người nhận ra lá cờ Pháp nơi thân máy bay. Máy bay chớp đèn như ra hiệu rồi bay đi xa thật xa, có ý cho chúng tôi biết, họ sẽ đi tìm một chiếc tàu khác đến cứu. Một lát sau, chiếc máy bay này trở lại, cũng chớp đèn hiệu, nghiêng mình cho thấy cờ Pháp, rồi bay đi luôn.

Thuyền chúng tôi vẫn tiếp tục đi.  Chúng tôi vẫn không thấy một dấu hiệu nào là đang có tàu đến cứu cả. Nhưng kìa, khi nhìn thấy từ xa xa phía trước, chúng tôi thấy có một chiếc tàu. Ai nấy đều cảm thấy phấn khởi vui mừng. Đó là một chiếc tàu đang khoan dầu. Tài công thuyền chúng tôi cho thuyền sát lại và chúng tôi năn nỉ kêu xin họ cứu vì thuyền sắp hết dầu và máy thì cũng sắp hỏng. Tài công kêu gọi ai có thể nói được tiếng Anh, xin lên tiếng kêu họ giúp. Bấy giờ, thuyền chúng tôi đã cặp sát mạn tàu. Một người Mỹ từ trên tàu nhìn xuống và hỏi: “Các anh cần gì? Dầu máy, thực phẩm?” Chúng tôi trả lời, “Xin cứu, vì máy đã hỏng và không còn dầu để chạy.” Họ lập tức thả thang dây để xuống xem có đúng như thế không. Quả thực, ông Mỹ này đã xem qua máy và biết máy không còn chạy được nữa. Ông ta báo cho “đài chỉ huy” biết, và thuyền trưởng ra lệnh cứu chúng tôi. Họ báo cho chúng tôi biết để lên tàu, con nít và đàn bà lên trước, rồi đến đàn ông, từng người một trèo lên thang bằng dây cáp, để lên chiếc tàu lớn đang đậu sẵn. Có vài người đang bị xỉu vì say sóng, say nắng. Họ được lên trước hết.

Sau 5 ngày và 4 đêm lênh đênh trên biển cả, chiếc thuyền con cuối cùng  đã được một tàu dàn khoan cứu nguy trên vùng biển Nam dương. Hôm ấy là ngày 2 tháng tháng 10 năm 1981, cũng là ngày bắt đầu tháng Mân Côi kính Mẹ. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhỏm. Những ai có niềm tin vào Chúa và Mẹ, chắc chắn sẽ không ngừng dâng lên lời cảm tạ vì Chúa và Mẹ đã khấng nhậm lời những ai đã thành tâm kêu xin. Sau khi được tàu dàn khoan vớt lên, tất cả những thuyền nhân cùng đi một chuyến, độ khoảng trên 100 người, trên một chiếc thuyền máy mà chiều dài chỉ độ 18 thước và bề ngang 4, 5 thước.

Trời chiều bắt đầu buông xuống trên dại dương. Những cơn sóng nhấp nhô đuổi nhau trên mặt đại dương. Biển khá yên tĩnh. Những người làm việc trên tàu nói với chúng tôi, sau khi tắm rửa xong  sẽ có sữa nóng để uống, sau đó sẽ ăn cơm chiều. Màn đêm dày đặc đang bao phủ cả không gian. Từ trên tàu, chúng tôi thấy có vài chiếc tàu đang lướt sóng. Báy giờ, “Ban chỉ huy” tàu đã liên lạc với chính quyền Tân-gia-ba- (Singapore) để xin tiếp nhận. Họ từ chối, và cuối cùng chính quyền Nam dương đồng ý nhận. Từ vùng biển này, một chiếc tàu thật lớn đưa chúng tôi đến ngụ tạm tại một hòn đảo gọi là “đảo Kuku”. Phải mất gần 24 giờ chúng tôi mới đến đảo này. Chúng tôi tạm dừng chân ở đây khoảng 1 tháng để rồi có tàu “Seasweep” của Tin Lành (World Vision) đưa chúng tôi đến trại tỵ nạn Galang, cũng thuộc Indonesia.

… Nay tháng năm lại về, tháng của muôn hoa đầy màu sắc đang nở rộ khắp trời như để tiến dâng lên Mẹ đồng trinh cùng với muôn lời ca, tiếng hát để chúc tụng Mẹ là Mẹ Chúa Cả Thiên đình. Nếu con người không dâng lên Mẹ những lời chào: “Ave Maria Mẹ đầy ơn phúc” qua những phút giây trong ngày, hay không dâng lên những cành hoa thiêng, thì thay vào đó, thiên nhiên có muôn hoa thắm sắc, và đó đây có những tiếng chim ca hát từ mỗi sáng sớm để chúc tụng Thiên Chúa Tình Yêu và Mẹ Chúa Trời cao cả đã hằng đoái thương ban phúc, giữ gìn các con cái đang còn sống giữa cõi thế, giữa nơi trần gian, giữa chốn khách đày và những ngóng trông mau về cõi Thiên đàng vinh phúc.

Mỗi lời kinh Kính mừng mà con cái Mẹ dâng lên mỗi ngày, được ví như những lời chúc tụng, lời chào kính, chắc chắn sẽ làm cho Mẹ vui mừng khôn xiết vì có những đứa con hiếu thảo, luôn nghĩ đến Mẹ trên trời.

Thầm tính lại, đã có bao nhiêu năm sống xa xứ, bao nhiêu năm đất nước đã hoàn toàn rơi vào tay của những kẻ vô thần cộng sản. Kể từ những ngày cộng sản tiến chiếm miền Nam (Việt nam Cộng hòa), không ai trong chúng  ta mà không nghĩ đến, đã có bao người vĩnh viễn ra đi nơi các trại tù cộng sản, nơi rừng thiêng nước độc. Trong đó, có những người cha, những người anh em, bạn bè thiết thân của chúng ta. Lại cũng có những người đã hoàn toàn bặt tin khi rời xa gia đình để đi tìm tự do. Sau bao nhiêu năm, giờ nhìn lại, chúng ta thấy gì nơi quê cha đất tổ. Những kẻ vô tổ quốc nay đã đan tâm dâng hiến một phần đất mẹ, một phần biển cho bọn giặc phương bắc. Những người Việt xa xứ làm sao không đau lòng khi nghĩ đến, khi nhìn lại mảnh đất quê hương không còn nguyên vẹn như thuở nào. Cha ông chúng ta đã dày công gầy dựng, đã tốn biết bao xương máu qua bao đời, nay bọn phản bội tổ quốc đã dâng hiến cho quan thầy của chúng.

Mẹ ôi, xin đoái thương nước Việt chúng con đang sống trong quằn quại, khổ đau. Bao dân lành ngày ngày không đủ cơm ăn, áo mặc. Bao trẻ thơ được sinh ra và lớn lên trong cảnh thiếu thốn cơ cực. Nguyện xin Mẹ thương đến nước Việt thân yêu của chúng con và xin ban cho được mau chóng thấy ngày tươi sáng hơn.

Nguyễn Ngọc Thể

(Để tưởng nhớ ngàymất nước – 30.4)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.