Biết Văn
Chuyện kể rằng một bà mẹ sống đạo đức ở Mỹ những ngày cuối đời bà sống trong đau đớn vì trị liệu của bệnh ung thư, cuối cùng bà xin bác sĩ một mũi thuốc trợ lực đủ khỏe trong 48 giờ …bởi vì bà mong ước về lại Việt Nam, được nhìn thầy những đứa con, những đứa cháu và được chết tại Việt Nam nơi “chôn nhau cắt rốn” của bà. Nhưng cái đáng buồn là sự mãn nguyện của bà chưa thật hoàn thành vì sự nhiêu khê của giáo quyền và các luật lệ như cản bước đi của “Tình yêu Thiên Chúa” vì sau khi bà qua đời, các con, các cháu của bà tìm nhà thờ nơi bà ở khi xưa là huyện Hốc Môn, thì cha xứ từ chối làm phép xác vì viện dẫn bà không phải là giáo dân của họ.
Xấu hổ thay, một người được rửa trong Chúa Kitô, một Kitô hữu, một bà mẹ Công giáo mà bị đối xử chẳng khác gì người bị bỏ rơi trong bài dụ ngôn “người Samarita nhân hậu” ở thể kỷ 20 này bởi những người luôn nhận là anh em của họ.
Xấu hổ thay luôn cho tôi, khi tôi lại đặt bút viết tiếp về đề tài tôn giáo mà các anh em tôi hay dè chừng tôi là “phải dẹp cái tôi của mình đi”, phải “sống trong lòng mến.” nhưng sự thật vẫn là sự thật và ai có tai thì sẽ nghe biết sự thật! (Cảm ơn lời dạy của Đức Cha M. và Đức Cha T.L người không chê trách tôi khi tôi viết về đề tài Giáo Hội)
Thưa vâng! Tôi không trách các linh mục vì họ vẫn là người trần mắt thịt, vẫn đầy đủ “tham, sân, si” và “hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục”, và tôi luôn ngợi ca danh Chúa vì nhìn thấy Giáo Hội của Ngàivững mạnh qua bao thế hệ, trong mọi đảo điên của nghịch cảnh, bách hại và các thế lực chính trị từ những thế kỷ đầu tiên cho đến nay… tôi nhận thức rõ rằng mọi người sống bằng “lời Chúa” nhiều hơn chứ không phải sống bằng bánh và lời thế gian.
“Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”(Lc 21, 29-33)
Vậy có gì liên quan từ “hôn nhân, gia đình và ơn gọi”?
Có liên quan gì giữa “bí tích hôn phối” và “bí tích truyền chức Thánh”?
Trong khuôn khổ bài viết trình bày, tôi không muốn bàn cải về thần học, tu đức cũng như tín điều giáo lý công giáo về Bí tích ở đây, cũng không muốn đã phá bất kỳ cá nhân linh mục nào; tôichỉ muốn nói đến sự thật và sự liên quan mật thiết giữa hôn nhân, gia đình và thiên chức linh mục. Đừng có cái nhìn tầm thường và quan niệm tục hóa hôn nhân, ngược lại, có cái nhìn thần thánh hóa và nâng cao ơn gọi linh mục. Nếu không có cha mẹ sinh thành, dưỡng dục và hy sinh cho con cái, thì không có các giám mục, linh mục để cho thế gian gắn mác “thần thánh” cho họ. Câu truyện trao đổi giữa mẹ con của thánh Giáo Hoàng Piô X là một bài học mà chúng ta cần phải suy nghĩ:
Hôm đó Giuseppe Sarto, tức Giáo Hoàng Piô X sau này, vừa được tấn phong giám mục. Vị giám mục trẻ vinh quy bái tổ và gặp gỡ bà mẹ góa của ngài. Đưa tay có đeo chiếc nhẫn giám mục cho mẹ xem, vị giám mục hỏi mẹ:
-Mẹ xem chiếc nhẫn này có đẹp không?
Và người mẹ góa với bàn tay lam lũ, cần cù, mộc mạc cũng đưa ra chiếc nhẫn cũ kỹ, chiếc nhẫn cưới của bà, rồi nói với con:
-Nếu không có chiếc nhẫn này thì cũng không có chiếc nhẫn kia!
Cũng chính vì sự thần thánh hóa ấy đã tha hóa, và tạo điều kiện kiêu căn, ngạo mạn cho các giám mục, linh mục, và đó là điều đã và đang làm nhức nhối cho nhiệm thể Giáo Hội…Và xin đừng đồng hóa máu các Thánh tử đạo, hạt giống đức tin Giáo hội với những phẩm trật, phẩm tước trong Giáo Hội mà có cái nhìn thiên lệch, Thiên Chúa quan phòng luôn luôn biết đến việc Ngài làm.
Trong phần trả lời thắc mắc của giáo dân về “Bí tích nào quan trọng nhất trong 7 Bí tích Công Giáo”, giáo sư đại chủng viện (tại Hoa Kỳ), linh mục Nguyễn Khác Hy trả lời rằng “bí tích rửa tội”và “bí tích Mình Thánh Chúa” là quan trọng nhất vì có liên quan mật thiết đến ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô.
Nhưng đối với tôi, “Bí tích hôn nhân” và “Bí tích truyền chức” là hai bí tích quan trong nhất, vì nó liên quan mật thiết trong công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa.
Nếu Bí Tích là dấu bề ngoài do Ðức Chúa Giêsu đã lập để ban ơn bề trong cho chúng ta, và nếu để trở thành một bí tích khi nó bao gồm 3 điều kiện: “Phải do Chúa Giêsu Lập, Dấu bề ngoài, Ơn bề trong thì “bí tích hôn phối” và “bí tích truyền chức” có liên quan mật thiết với nhau theo nhóm “ơn gọi”.
“Ơn gọi” sống đời sống hôn nhân gia đình và “ơn gọi” sống đời dâng hiến. Nếu hôn nhân, gia đình mất đi bầu khí đạo đức, hoặc khi lễ giáo của môi trường xã hội bị suy giảm, thì ảnh hưởng rất nhiều đến giá trị và niềm tin trong ơn gọi linh mục.
Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.”(Sáng thế Ký C2, 18)
Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi ! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành mộtxương một thịt. Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.” (Sáng thế ký C2, 22-25)
Hôn nhân, gia đình trước hết là một ơn gọi Chúa mời chúng ta đến với nhau qua việc phối hợp trong tình yêu. Hai vợ chồng được mời gọi trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa, một Thiên Chúa yêu thương và luôn trung tín. Đây là bí tích đầu tiên chính Đức Chúa Trời trong công trình sáng tạo Ngài đã dựng lên con người với Thần Khí của Chúa Thánh Thần mà chính Chúa Giêsu tái khẳng định: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19,6)
Chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và ngay từ khởi nguyên người tạo ra con người có Nam, có Nữ giống hình ảnh Ngài và Ngài hợp nhất họ trong một tình yêu trước mọi sự khác biệt. Chúng ta cũng không nên lo lắng quá về hôn nhân và gia đình của mình vì từng bước, từng bước Chúa sẽ chỉ cho chúng ta biết ơn gọi của mình ra sao và để chúng ta sống trong ơn nghĩa của Ngài. Đừng tầm thường hóa hôn nhân, gia đình qua những cuộc đổ vỡ, ly hôn, li dị, tái hôn mà xem thường đi hạnh phúc đích thực Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta qua “Bí tích hôn nhân”.
Ngày nay, khi tham dự tiệc cưới, nhiều người rất thích, vì đó là những dịp vui mừng. Ngày ấy, bạn nhìn thấy xem cô dâu chú rể trong trang phục đẹp nhất, cười vui đẹp nhất và niềm tin rạng ngời trên gương mặt họ. Hai người thật vô cùng hạnh phúc và tương lai họ dường như đầy hứa hẹn và ngập tràn hy vọng khi đến với ơn gọi hôn nhân gia đình.
Nhưng chúng ta phải công nhận tiếp là ngày nay hôn nhân, gia đình bị tục hóa như “mì ăn liền”. Theo kết quả thống kê, hiện nay cứ 2 cặp kết hôn thì có một cặp đổ vỡ, và vì thế người ta có quanđiểm rất lộn xộn về hôn nhân, và gia đình. Dù chúng ta chúc phúc và mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cặp vợ chồng mới cưới, nhưng đôi khi chúng ta lại tự hỏi:
-Tại sao họ phải đến với nhau với đầy khác biệt?
-Cuộc hôn nhân này sẽ hạnh phúc không?
-Họ sẽ sống bền vững với nhau không?
Đừng lo lắng thái quá hay tìm hiểu chi về những “dấu chỉ” của ơn gọi hôn nhân là gì, là như thế nào khi đến với nhau? Nên nhớ rằng “đám cưới chỉ kéo dài có một ngày, còn hôn nhân kéo dài suốt cả cuộc đời” nên hãy sống bằng lời Chúa như kim chỉ nam dẫn đường. Hôn nhân cũng là món quà từ Thiên Chúa yêu thương, và một hôn nhân thành công là nền tảng tốt nhất cho đời sống gia đình, xã hội và giáo hội. Con cái cần sống trong một môi trường ổn định, có cha mẹ nuôi dưỡng, yêu thương, dạy dỗ và hướng dẫn.
(Còn tiếp)
Views: 0