TÔN GIÁO

Hồi Ký Hành Trình Tìm Về Dấu Chân Chúa: Kỷ niệm cuộc hành hương Đất Thánh, Mùa Chay 2019

Trần Mỹ Duyệt

 

Cuộc hành hương Đất Thánh vừa qua đối với tôi là một cuộc hành trình tìm về những dấu chân Chúa. Nó mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Tôi đã có dịp nhìn thấy, sờ thấy những dấu tích trên chặng đường Ngài đã đi qua, mà hôm nay tôi đang dõi bước trên những chặng đường ấy. Đâu đâu tôi đi qua, tôi cũng nghe văng vẳng tiếng Ngài đang nói với tôi cũng như các tông đồ khi xưa: “Hãy theo Thầy” (John 1:35-42, Matt 4:18-23, Luke 5:1-11).

Trước khi ghi lại những cảm nghiệm và những suy tư của mình về cuộc hành hương này, tôi muốn ghi lại một vài điểm vui tươi nổi bật, mà theo tôi, chỉ có trong Tour Alpha 2019 mới có. Nó là những câu chuyện vui giữa những suy tư và chiêm nghiệm. Nó như làn gió mát trong hoang địa, chất xúc tác làm thư giãn những bước chân mỏi mệt của người lữ hành.

Mở đầu bằng những cảm nghĩ của riêng tư. Khi đặt chân đến phi trường Tel Aviv, sau những thủ tục cần thiết của hải quan, chúng tôi được đưa ra xe bus về khách sạn. Tuy mỏi mệt, nhưng biết rằng linh mục tuyên úy Joseph Nguyễn Văn Huyền và hướng dẫn viên Kim đã chờ chúng tôi cả giờ trước đó, tự nhiên, tôi thấy mình được tăng thêm nghị lực. Từ phi trường về hotel ở Bethlehem, đường dài khoảng chừng 45 phút, Linh mục Huyền đã nói với chúng tôi về ý nghĩa cuộc hành trình bằng tâm tình của những người con tìm về miền đất Mẹ, mà theo ngài thì chính nơi đây Mẹ Maria, người mẹ linh thánh đã sống, đã cưu mang Con Chúa, và cũng đã đồng hành với người Con ấy trong sứ mạng cứu độ nhân trần trong đó có chúng tôi. Và cuộc hành hương này, chính là sự trở về của những đứa con xa quê, xa mẹ nay có dịp trở về quê xưa dấu yêu nơi còn mang những dấu hình của mẹ.

Ngoài Lm. Huyền, tôi có cảm tình ngay với người nữ hướng dẫn viên qua giọng nói nhẹ nhàng, duyên dáng, kèm theo một tí dí dỏm và thanh lịch. Đặc biệt, tôi rất cảm phục khả năng hiểu biết về lịch sử Do Thái, lịch sử Thánh Kinh, những diễn biến văn hóa, xã hội và cả chính trị liên quan đến lịch sử cứu độ. Đối với tôi đây là một hồng ân Chúa ban cho đoàn hành hương có được một hướng dẫn viên như vậy. Và nó cũng là một thách đố cho sự hiểu biết mà trước đây tôi vẫn tự hào về Thánh Kinh.

Như đã nói trước, phần chia sẻ cảm nghiệm này được nhắm tới với những điểm vui và đặc biệt mà chỉ có đoàn hành hương Alpha 2019 mới có.

Những vị linh hướng dễ thương:

Trước hết là hai linh mục linh hướng. Cha Huyền trầm tĩnh, nhẫn nại nhưng rất hòa đồng. Cha Hoàng linh động, hài hước và cũng rất hết mình với anh chị em trong đoàn hành hương. Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Lm. Joseph Nguyễn Văn Huyền: Nói về chuyện vui liên quan đến cha Huyền phải kể đến hai lần cha bị tai nạn nghề nghiệp liên quan đến nước. Lần đầu tại sông Jordan, và lần thứ hai tại Biển Chết.

Bên bề sông Jordan hôm đó, vì muốn bắt chước Gioan Tiền Hô trong lúc thực hành nghi thức lập lại phép rửa cho đoàn hành hương, cha đã mon men ra xa bờ, không ngờ trượt chân té sụp xuống sông. Ôi! Thế là ướt cái quần rồi! Thê thảm hơn, là vì nước sông Jordan ở đoạn đó có nhiều phù sa nên toàn cái mông cha loang lổ trông rất thảm. Thảm thì thảm thế mà chẳng ai dám cười. Nhưng làm sao bây giờ, thôi cha vẫn cứ để vậy mặc kệ ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Lần thứ hai liên quan đến nước, lần này sẩy ra ở Biển Chết. Tin rằng tại Biển Chết không cần làm gì, cứ ra đó nằm dài tự nhiên mình sẽ nổi. Trời ơi là trời. vì tin vào lời hứa tự nổi ấy, cha đã mang theo tờ báo xăm xăm ra xa xa để thưởng thức cái thú nằm đọc báo trên Biển Chết, nào ngờ đọc báo đâu không thấy nhưng lại thấy báo hại. Vừa nổi trên mặt nước chưa đầy một nửa phút, cha bị lật nhào úp mặt xuống biển miệng nếm nước biển mặn chát, mắt cay xè. Cũng may là không bị chết đuối vì biển chết không thích ai bị chết chìm. Không biết cái này có phải là vì đức tin còn yếu không đây, nhưng nghe đâu với kinh nghiệm này, cha Huyền đang dự định mở khóa huấn luyện “thả nổi trên Biển Chết” cho những ai muốn tắm Biển Chết trong các đoàn hành hương tới. Số người giới hạn, ưu tiên cho những ai ghi danh trước.

Lm. Nguyễn Đình Hoàng: Riêng cha Hoàng thì ngoài tính năng nổ, nhanh nhẹn, ngài còn có biệt tài ca hát. Ca đoàn ngài hướng dẫn trong các lễ nghi phụng vụ là một ca đoàn mà ai muốn hát giọng nào cũng được, và ai muốn hát trầm bổng sao cũng được. Trên thiên đàng, Chúa chỉ mỉm cười và bảo thiên thần ghi vào sổ: “Ca đoàn có những giọng hát vượt thời gian”. Ngoài ra, ngài còn có tài kể truyện vui. Nhờ ngài mà trong những đoạn đường dài di chuyển bằng xe bus không ai thấy mệt mỏi, có chăng vì cười nhiều nên mệt. Cha có khả năng cuốn hút người nghe bằng những câu truyện hài hước, dí dỏm. Câu truyện sau đây tuy đã được kể nhiều lần nhưng với tài kể truyện và giọng cười “liêu trai” của cha đã làm cả đoàn cười sảng khoái:

Một bà vào tòa xưng tội kiêu ngạo. Bà xưng bà đứng hàng giờ trước gương làm đẹp mỗi ngày. Sau những giờ phút chải chuốt, son phấn ấy, bà lại đứng hàng giờ trước gương ngắm nghía nét đẹp “chim sa cá lặn” của mình. Rồi bà thấy mình hơn hẳn mọi người.

Nghe hối nhân xưng tội, cha giải tội cũng cảm thấy tò mò, bèn vén tấm màn che nhìn xem người đang xưng tội kiêu ngạo ấy đẹp như thế nào, nhưng vửa nhìn cha đã vội vàng kéo màn che lại và nói với hối nhân:

“Con ơi! Con không phạm tội kiêu ngạo. Cha đoan chắc là con không phạm tội kiêu ngạo, mà chỉ phạm tội nhầm lẫn mà thôi!”

Nhân vật của đoàn:   

Như những nhân vật xuất sắc được tuyển chọn hàng năm của tạp chí TIMES như John Paul II, Gorbachev… Đoàn hành hương Alpha 2019 cũng có hai nhân vật tiêu biểu được chọn: Tony Nguyễn, và Vũ Bông.

Tony Nguyễn: Ai trong đoàn cũng rất xúc động và cảm phục khi thấy anh vừa mang tật ở chân, vừa mang chứng Parkinson, thế nhưng ai đi tới đâu, anh đi tới đó. 70 bậc tam cấp leo lên Nhà thờ Thăm Viếng, chuyện nhỏ. Đồi Calve, Núi Tabo, Núi Nebo, Kỳ công thế giới Pe Tra, núi cát tại hoang mạc Wadi Rhum, Jordan anh đều leo tất cả. Những nơi mà các gót chân bình thường cũng cảm thấy mỏi mệt thì anh đều vượt qua một cách không mệt mỏi.

Vũ Bông: Không chỉ “ai tới đâu tôi tới đó”. Người hùng 81 tuổi này vượt trội đến nỗi cả đoàn phải ngả mũ khi người hùng trổ tài leo núi Sinai cao gần 3 Km vào ban đêm để nhìn mặt trời mọc. Sinai là ngọn núi Maisen đã lên và đã lãnh hai bia đá ghi 10 giới răn Chúa ban. Bạn cứ tưởng tượng giữa màn đêm âm u, với từng cơn gió lạnh buốt lùa về trong hoang địa, rít qua các khe núi, và để lên đến đỉnh núi, phải cưỡi lạc đà trên một tiếng, rồi leo bộ 700 bậc đá gập gềnh, trơn trượt. Bận lên cũng như bận xuống. Đây là hành động biểu tượng cho ý chí, tinh thần bất khuất và cho khả năng chinh phục của một phụ nữ trên 80 tuổi. Hoan hô cụ Bông. Hoan hô nữ anh hùng của đoàn.

Muốn vác thánh giá phải trả tiền:

Thường ngày chúng ta vẫn nghe đọc: “Ai muốn theo ta phải từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo” (Mt 16: 24).

Nghe đến hai chữ thập giá, nói về hai chữ thánh giá là ai cũng ngao ngán, và sợ hãi. Nhưng chỉ có ở Thánh Địa là người ta lại vui vẻ, sung sướng và tranh nhau “trả tiền” để được vác thánh giá. Chuyện nghe như đùa nhưng có thật, là nếu bạn muốn được cảm nghiệm vác thánh giá đi một chặng trong 14 chặng đường nơi Chúa đã đi qua để lên đồi Calve, bạn sẽ phải trả 2$. Số tiền gọi là “thuê” thánh giá.

Nếu để bảo tồn hạnh phúc gia đình, bảo tồn giá trị tình yêu và hôn nhân, bảo tồn lòng đạo đức sốt sắng mà người ta sẵn sàng mang lấy thánh giá hằng ngày của mình thay vì “thuê” thánh giá thì thế gian đã trở thành thiên đàng, và hơn 2000 năm trước, Chúa đã chẳng vất vả, nhục nhã, đớn đau vác lấy thập giá mình để rồi chịu đóng đanh trên đó.

Cô Cúc chà bông:

Ra đi mang cả quê hương. Đó là lý do tại sao có những người trong đoàn đã mang theo nào là cà phê, bơ con bò cười, nước mắm, nước tương, mì ly, mì gói, và cả thịt chà bông. Người mang theo cả nửa quê hương ấy là chị Cúc.

Quê hương ta có mùi thơm nước mắm. Cứ tưởng tượng hôm ăn cá Thánh Phêrô bên biển hồ Galilê bỗng ai ai cũng nghĩ ngay đến nước mắm. Ước một cái là có liền, chị Cúc lôi ra trong ba lô một chai nước mắm nhỏ và một chai nước tương. Không biết mấy anh bồi bàn Trung Đông hôm đó ngửi mùi nước mắm có bị dị ứng không, nhưng mặc kệ, nước mắm ớt mà ăn với cá Thánh Phêrô chiên xù thì tuyệt!

Ngoài nước mắm, nước tương, chị Cúc nhà ta còn mang theo cả một túi đầy thịt chà bông. Nhưng chà bông thì bằng mọi cách phải thanh toán cho hết trước khi lên máy bay về lại Mỹ, thế mới có màn “chà bông cho không, biếu không” bằng cách ai ăn một tặng một, ai chưa ăn cũng ráng ăn giùm. Vì thế chủ nhân túi chà bông bỗng nhiên được đặt danh hiệu là cô Cúc chà bông. Cô Cúc chà bông để phân biệt với cô Cúc phó nhòm.

Đoàn hành hương có nhiều người đẹp nhất:

Có thể nói đây là một đoàn hành hương Đất Thánh có nhiều người mẫu ăn ảnh nhất, và ảnh đẹp nhất. Lý do vì ngoài những tay nhiếp ảnh nghiệp dư, trong đoàn có đến 2 nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, phục vụ toàn thời gian cho những người mẫu, đó là nhiếp ảnh gia Cúc Vũ và nhiếp ảnh gia Hằng.

“Cho tôi xin tấm hình này”, “Chụp cho chị tấm đứng chỗ này”, và “Em chụp cho anh chị tấm này làm kỷ niệm”… No problem! Tất cả đều được thu vào ống kính nhà nghề cả. Hơn ba, bốn trăm tấm hình cứ thế mà lựa chọn, mà download cho vào album của riêng mình free.

Cám ơn Cúc, cám ơn Hằng đã lưu lại những kỷ niệm có một không hai trong đời của mỗi người trong chuyến hành hương đầy kỷ niệm này.

Có ai thấy chồng em không?

Câu truyện hành hương được kết thúc với màn delay tại phi trường Istanbul sau chuyến bay trễ khởi hành từ Ai Cập.

Trong lúc náo loạn, vội vã chạy cho kịp đến cổng bay, một người bị bỏ lại. Đây không phải lỗi của ai nhưng lại gây ra sự hồi hộp cho cả đoàn. Người này hỏi, người kia hỏi: “Chồng chị đâu. Sao không thấy trong đoàn?” Người vợ đáng thương chỉ còn rơi lệ cầu xin: “Xin Chúa cho con tìm lại được chồng con.” Riêng người bị bỏ lại tâm hồn hết sức hoang mang lo lắng, vì nếu trễ chuyến bay thì coi như bị giữ lại Thổ Nhĩ Kỳ làm người hành khất lang thang. Lý do, Passport và tất cả giấy tờ tùy thân đều nằm trong túi sách tay của vợ.

Cũng may trong hoang mang, hốt hoảng ấy lại gặp ngay cha Huyền và phái đoàn San Francisco cũng đang lôi thôi lếch thếch, mồ hôi nhễ nhãi chạy ngược lại quầy vé để xin chuyển chuyến bay vì bị trễ. Thế là đang chết đuối vớ được cái phao, người hành khất lạc vợ kia nhập bọn trở lại nơi quầy vé, và ô kìa, vợ tôi cũng đang đứng đó. Niềm vui òa vỡ, người vợ vội chạy lại: “Cả đoàn bị trễ, anh phải mau mau đổi vé, anh đi theo em ra quầy vé”. Vừa đi, nàng vừa trách yêu chồng: “Anh làm gì mà chậm chạp như con rùa vậy, làm em lo muốn chết”.

Trong cái xui có cái hên, cả đoàn sau khi được chở về hotel chờ bay chuyến hôm sau, đã được tham quan một quần thể đền Hồi Giáo đẹp nhất, lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Và được ngắm thủ đô Istanbul về đêm.

Rút kinh nghiệm này, nên từ đó các bà, các chị ai có chồng cũng khư khư giữ kỹ. Chồng không đi nhanh, không đi mau thì nắm tay mà lôi đi như lôi con nít trông vừa dễ thương, vừa tức cười. Anh là lính lôi hổ nhưng bây giờ anh bị hổ lôi nhá. Anh là biệt động quân “sát”, nhưng bây giờ người hô “sát” là em nè. Anh phải đi theo em và đi bên em. Nghĩ lại, các ông lúc này được take care kỹ nên bỗng nhiên thấy mình có giá: “Đấy nhá. Ở nhà các bà cứ chê bai, cằn nhằn chúng tôi bây giờ ra ngoài lại sợ mất!”

(Còn tiếp)

Lưu ý: Để tiếp tục theo dõi loạt Hồi Ký HÀNH TRÌNH TÌM VỀ DẤU CHÂN CHÚA, xin vào thăm facebook Duyệt Trần, hoặc theo dõi trên trang nhà www.giadinhnazareth.org

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.