Trần Mỹ Duyệt
Để tôn vinh Thiên Chúa, và để đề cao nhân đức của Thánh Giuse, Thánh Giuse – Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria, ngày 19.06.2013, Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích công bố một Sắc lệnh đã được Đức hồng y Bộ trưởng Antonius Cañizares Llovera và Đức Tổng Giám Mục Thư ký Arturus Roche ký vào ngày lễ Thánh Giuse Thợ 01.05.2013. Sắc lệnh quyết định đưa tên Thánh Giuse vào các Kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV, sau tên của Đức Trinh Nữ Maria. Trước đây, tên Thánh Giuse chỉ được đọc trong Kinh nguyện Thánh Thể I (Lễ quy Rôma). Sắc lệnh viết:
“Qua việc làm cha chăm sóc Chúa Giêsu, Thánh Giuse làng Nazareth, khi được đặt lên trông coi gia đình của Chúa, đã hoàn thành nhiệm vụ đã nhận được nhờ ân sủng. Do gắn bó chặt chẽ với các mầu nhiệm khởi đầu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Ngài trở nên mẫu gương về lòng khiêm nhường và nhân ái, những điều làm cho đức tin Kitô giáo có được những phẩm giá cao cả; và thể hiện những nhân đức nhân bản và đơn sơ, cần cho con người trở nên môn đệ tốt lành và đích thực của Chúa Kitô. Nhờ các nhân đức đó, Người Công Chính này, sau khi đã hết sức trìu mến chăm sóc Mẹ Thiên Chúa và vui vẻ tận tình dạy dỗ Chúa Giêsu Kitô, đã trở nên người quản lý kho tàng quý giá của Thiên Chúa Cha và qua các thế hệ được Dân Thiên Chúa không ngừng tôn kính như đấng bảo trợ thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, nghĩa là Hội Thánh” (Lm. Phêrô Lê Tấn Bảo dịch). (Lm.Giuse Nguyễn Hữu An, Vietcatholic.net, 17/Mar/2018)
Vậy Giuse là ai?
Không có một tài liệu nào nói rõ ràng, đầy đủ về ngài. Thánh Kinh cũng chỉ nhắc đến ngài thuộc hoàng tộc Đavít, “Giuse là con vua Đavít”, nhưng từ Đavít đến Chúa Giêsu đã 28 đời. Theo thánh sử Mátthêu: “Từ Đavít đến thời lưu đày ở Babylon là mười bốn đời, và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời” (Mátthêu 1:17). Cho nên có thể nói rằng nếu Giuse sống bằng nghề thợ mộc thì cũng không gì khó hiểu, vì cái gốc gác hoàng tộc ấy đến ngài cũng đã quá xa.
Cuộc hôn nhân giữa Giuse và Đức Maria, theo Ngụy Kinh (Apocryphal Gospel) của Giacôbê có ghi, khi Maria đến tuổi dậy thì, các thượng tế đã nghĩ đến chuyện hôn nhân cho Maria, vì sợ rằng với tuổi ấy những chuyện không tốt có thể xảy đến cho Maria và liên quan đến đền thờ. Câu chuyện bắt đầu bằng việc các thượng tế kêu gọi những trai tráng có đủ điều kiện, mỗi người phải mang một nhánh cây hoặc một cây gậy lên Đền Thờ cầu nguyện. Nếu nhánh cây hoặc gậy của người nào có dấu hiệu lạ xảy ra, người đó sẽ là chồng của Maria. Cuộc hôn nhân này được tác thành bởi các thượng tế vì Maria đã được cha mẹ là Gioankim và Anna gửi vào Đền Thờ từ lúc còn rất trẻ.
Giữa những cây gậy, nhánh cây của các thanh niên, trai tráng mang đến, gậy của Giuse bỗng nở hoa. Giuse đã được chọn làm chồng của Maria. Và đó cũng là lý do tại sao trong các ảnh vẽ, các tượng của thánh Giuse sau này đều có cằm một cây gậy nở hoa. Nó cũng là dấu hiệu đời sống thánh thiện, trinh khiết của ngài khi kết hôn và sống với Đức Nữ Trinh Maria trong đời sống hôn nhân sau này.
Để tỏ sự tôn kính Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu, các dịch giả hoặc trước tác Việt Nam cố gắng tránh dùng từ “chồng” khi nói về Giuse đối với Đức Maria, thay vào đó dịch là “bạn” bạn trăm năm, bạn thanh sạch của Đức Mẹ. Danh từ “cha” của ngài đối với Chúa Giêsu được dịch là “bõ nuôi”, “cha nuôi”, “dưỡng phụ”, hoặc “nghĩa phụ”. Nhưng chính Đức Maria đã không ngại nhận Giuse là chồng, và là bố của Giêsu. Thánh Kinh ghi lại điều này khi gia đình lạc nhau lúc trẻ Giêsu lên 12 tuổi. Trong đền thờ: “Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Luca 2:48).
Dĩ nhiên, người chồng và người cha ở đây không chỉ hiểu theo một nghĩa thông thường. Thánh Giuse cũng không phải là người bình thường. Ngài kết hôn với một trinh nữ “Được chúc phúc giữa các phụ nữ” (Luca 1:42). Vợ (bạn thanh khiết) của ngài là Maria, Trinh Nữ rất thánh, và là Mẹ Chúa Cứu Thế. Nhưng một thử thách đã đến với ngài. Vị hôn thê của ngài có thai mà không rõ lý do? Để bảo vệ sự công chính của mình, và để tôn trọng người hôn thê mà ngài rất mực yêu mến, ngài đã chọn giải pháp ra đi âm thầm. Quyết định này đã khiến Thiên Chúa phải can thiệp, và cũng từ đó, ta mới biết thêm về vai trò làm cha (dưỡng phụ) Đấng Cứu Thế của ngài. Vì “khi ông đang suy nghĩ về những chuyện này, thiên thần Chúa xuất hiện với ông trong giấc ngủ và bảo, “Giuse con David, đừng sợ nhận Maria làm vợ: vì người con trong lòng bà là bởi phép Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông đặt tên là Giêsu” (Mátthêu 1:20-21). Ngài đã đón nhận Maria, và ngài là người đặt tên cho người con đó. Và người mà đặt tên cho con, đương nhiên phải là người cha.
Trong những giao tiếp thường ngày, người ta thường chào nhau bằng những danh hiệu phù hợp với địa vị xã hội và trình độ học vấn. Thí dụ, bác sĩ, dược sĩ, luật sư, giáo sư, bộ trưởng, tổng trưởng, dân biểu, nghị sĩ, hoặc tổng thống. Giới giới tu hành, thì được xưng hô là tu sĩ, linh mục, mục sư, giám mục, hồng y, giáo hoàng, thượng phụ giáo chủ, hoặc thượng tọa, hòa thượng, đại đức, tăng thống… Nhưng không thấy có ai được xưng tụng bằng danh hiệu “công chính”. Lý do vì không ai dám tự nhận cho mình danh hiệu này. Ðiều con người không dám làm và không làm được, thì Thiên Chúa lại làm. Trước đây 2000 năm, Ngài đã cho gọi đích danh một người, và ban cho người ấy danh hiệu “công chính”: “Giuse là người công chính” (Mátthêu 1:19). Và cũng từ đó, danh tính ấy và con người ấy đã gắn liền với cuộc đời và sứ mạng cứu thế của Ðức Giêsu, cũng như của mẹ Ngài là Trinh Nữ Maria.
Mặc dù Thánh Kinh không nói nhiều về ngài – cũng như Ðức Maria – Thánh Kinh đã nói đủ để ta biết ngài là ai, làm gì, và sống như thế nào. Tiểu sử của ngài thực ra không phải là không được nhắc tới. Cùng với Maria, người vợ đồng trinh của mình, Giuse cũng được nhắc đến một cách vừa đủ để không bị ảnh hưởng đến những gì mà Thánh Kinh cần viết, và cần nói về Chúa Giêsu, Ngài mới là nhân vật chính.
Tóm lại, Thánh Giuse theo Thánh Kinh thuộc hoàng tộc Ðavít. Quê quán tại Belem, sinh sống và hành nghề thợ mộc tại Nazareth (x. Lc 2:4). Ngài kết hôn với Maria, con GioanKim và Ana. Ngài có người con trai là Giêsu. Ngoài những bạn bè, những người thân thương trong làng xóm, ngài cũng đã từng gặp gỡ các mục đồng trong đêm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, tiên tri Simêon và Ana khi đem Chúa Giêsu đi cắt bì tại Giêrusalem. Nhất là được hân hạnh đón tiếp những nhân vật lỗi lạc như 3 nhà đạo sĩ trong thời gian Hài Nhi Giêsu vừa mới sinh tại Belem: “Sau khi Chúa Giêsu sinh tại Belem xứ Giuđêa thời vua Hêrôđê, các đạo sĩ từ Ðông Phương đã tới Giêrasalem và hỏi: “Vua Do Thái mới sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao Ngài xuất hiện và chúng tôi đến để triều bái Ngài” (Mátthêu 2:1-2).
Về ngày sinh và ngày qua đời của ngài không ai biết rõ, nhưng phần đông các học giả Thánh Kinh vẫn cho rằng ngài qua đời trước khi Chúa Giêsu bước vào con đường hành động công khai. Trên thập giá, không thấy Ðức Giêsu nói về người cha đáng kính ấy của mình, nhưng đã trối mẹ của mình lại cho Gioan, môn đệ yêu dấu: “Gần thập giá Chúa Giêsu, đứng đó có mẹ Ngài, và chị họ mẹ Ngài là Maria vợ ông Clôpas, và Maria Mađalêna. Trông thấy mẹ mình cùng với môn đệ Ngài yêu dấu, Chúa Giêsu nói với mẹ Ngài: “Hỡi bà, này là con bà”. Rồi nói với môn đệ: “Này là mẹ con”. Và từ giờ đó, môn đệ đem người về nhà mình” (Gioan 19:25-27).
Tiểu sử của ngài như vừa được tóm lược một cách đơn giản trong Thánh Kinh, tuy ít, nhưng cũng đủ để ta hiểu về ngài chỉ trong một câu đơn giản: “Giuse là người công chính”. Sự công chính là thuộc về Thiên Chúa. Do đó, khi thiên thần gọi Giuse là công chính, là ngụ ý rằng Thiên Chúa đã sẵn lòng thông ban cho ngài một phần vinh quang, một phần sự tốt lành, và một phần thánh đức của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Nhưng thánh Giuse đã sống và hành động như thế nào để xứng đáng với danh hiệu công chính?
Ðồng trinh
Nhân đức nổi bật, lạ lùng, cao siêu nhất của Thánh Giuse là “đồng trinh”. Không thấy Giáo Hội và truyền thống Giáo Hội nói gì về sự đồng trinh nguyên thủy của ngài như đã từng nói về Bạn Ðồng Trinh của ngài là Trinh Nữ Maria. Nhưng vì Ðức Maria là đấng đồng trinh: đồng trinh trước khi sinh con, đang khi sinh con, và sau khi sinh con. Khi được Tổng Thần Gabriel đề cập đến vai trò làm mẹ Ðấng Cứu Thế trong ngày Truyền Tin, Mẹ đã trả lời rõ ràng: “Việc ấy xẩy ra thế nào được, vì tôi giữ mình đồng trinh” (Luca 1:34). Từ sự đồng trinh của Ðức Trinh Nữ Maria, đã cho thấy đức đồng trinh của Thánh Giuse. Có thể nói một cách hợp lý rằng đức đồng trinh của Ðức Maria làm rạng ngời đức đồng trinh của Thánh Giuse, và nhờ đức đồng trinh của Thánh Giuse mà đức đồng trinh của Mẹ Maria được bảo đảm như đã được Thánh sử Mátthêu ghi lại: “Sau đây là gốc tích của Ðức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Ngài đã đính hôn với Giuse. Nhưng trước khi hai ônb bà về chung sống với nhau, bà đã mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Giuse chồng bà, là người công chính không muốn tố giác bà, nên đã định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Máttthêu 1:18-19).
Ðể hiểu thêm về đức đồng trinh cao cả ấy, ta cũng nên biết thêm rằng trên nguyên tắc, Ðức Maria là vợ của Thánh Giuse. Bổn phận hay trách nhiệm làm vợ của một phụ nữ trong đời sống hôn nhân gia đình gắn liền với bổn phận và trách nhiệm làm mẹ. Do đó, sinh lý trong hôn nhân, không những chỉ là phương tiện truyền sinh, mà cũng là một hành động của tình yêu đôi lứa, của sự gắn bó vợ chồng. Ở đây, Giuse và Maria đã nâng giá trị hôn nhân và đời sống vợ chồng lên một mức thánh đức trọn hảo, tuyệt vời nhờ vào đức đồng trinh của hai đấng. Cả hai đã sống với nhau và đối xử với nhau như các thiên thần trên trời như Chúa Giêsu đã mặc khải: “Quả thật, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ, lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mátthêu 22:30). Có thể một số người cho rằng cuộc sống vợ chồng như thế là không ai thực hiện được, nhưng Phaolô Tông Ðồ cũng đã cho biết, người ta có thể sống như thế khi viết: “Những ai có vợ hãy sống như không có vợ”. (1 Cor 7:29)
Thánh Giuse đã làm nổi bật và kiện toàn tình yêu cao cả dành cho Ðức Maria khi tôn trọng sự đồng trinh của Ðức Mẹ, mặc dù sau này qua lời thiên thần Ngài mới biết đó là ý muốn và ý định của Thiên Chúa: “Giuse con Ðavít đừng ngại nhận Maria làm vợ, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội. Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mátthêu 1:20-23). Một người không có tình mến thẳm sâu, không kính sợ Thiên Chúa như Thánh Giuse, thì những lời ấy vẫn không ngăn cản được ý định và ước muốn của bản năng, nhất là bản năng ấy được xử dụng trong hoàn cảnh hợp tình, hợp lý và hợp pháp như trong đời sống vợ chồng. Và điều này càng làm cho Thánh Giuse trở thành cao cả, và đáng mến biết bao.
Khiêm nhường
Sau đức đồng trinh của Thánh Giuse, ta hãy nhìn tới đức khiêm nhường của ngài.
Như đã được nhắc tới trong Thánh Kinh, Thánh Giuse xuất thân từ dòng tộc Ðavít. Ngài là một người thuộc hoàng tộc. Ðiều này càng làm cho đức khiêm nhường của Ngài thêm sáng chói, nếu đem cộng thêm thiên chức cao cả mà Thiên Chúa đã ban cho Ngài là “làm chồng đồng trinh của Ðức Maria, và làm cha nuôi Chúa Cứu Thế”.
Cả dân tộc Do Thái thời bấy giờ và trong suốt thời gian Cựu Ước, ngày đêm trông mong sự xuất hiện của Ðấng Cứu Thế. Ai trong các thiếu nữ Sion cũng muốn mình lấy chồng, và mơ màng một ngày nào đó được làm mẹ Ðấng Thiên Sai. Ðó là sự nôn nóng và nô nức tự nhiên, hợp tình, hợp lý. Một giấc mơ thánh thiện.
Một cách tương tự, ai trong các thanh niên Do Thái lúc bấy giờ mà chẳng muốn mình làm cha Ðấng Thiên Sai. Còn gì vinh dự, hãnh diện và hạnh phúc hơn là từ gia đình mình, từ dòng dõi mình xuất hiện Ðấng Cứu Thế. Ðây là một vinh dự lớn và không dễ gì đã có ai bỏ qua. Nhưng trường hợp của Thánh Giuse lại khác hẳn. Ngài sẵn sàng bỏ qua ý tưởng đó, chỉ muốn sống một cuộc đời khiêm nhường. Ngài đã chỉ vì yêu mến Thiên Chúa mà chấp nhận vai trò và danh dự làm “cha nuôi” Ðấng Thiên Sai mà thôi.
Thánh Giuse đã rất giản dị, bình dân, và khiêm tốn. Thánh Kinh không thấy chỗ nào nói tới việc Ðức Maria nhận mình là Mẹ Thiên Chúa – Ðấng Thiên Sai. Cũng vậy, không thấy chỗ nào Thánh Giuse đã nói, hoặc cho ai biết mình là cha của Ðấng Thiên Sai. Cả hai, Ðức Maria và Thánh Giuse không những không nói cho ai biết về cái bí mật mà mọi người đang hăm hở kiếm tìm ấy, mà cũng không hành xử như một người làm mẹ hay làm cha của Ðấng Cứu Thế. Ðây là một hành động hết sức khiêm nhường. Một nhân đức sáng ngời và trổi vượt của Thánh Giuse trong những nhân đức phi thường mà Ngài đã sống với trong cuộc hành trình dương thế của mình bên cạnh Ðức Maria và Chúa Giêsu.
Khó nghèo
Giầu có về ân sủng và nhân đức, nhưng cuộc sống trần thế của Thánh Giuse luôn luôn lận đận với cái nghèo. Người ngoài sẽ không biết rõ được gia đình của Giuse và Maria nghèo đến thế nào nếu như không có biến cố Giáng Sinh tại Belem. Thánh Kinh ghi rõ, cả hai đều bị từ chối và không tìm được một nơi trú ngụ giữa các hàng quán quanh thành. Luca đã ghi lại chi tiết nghèo của thánh gia trong thời gian lưu lại ở Giêrusalem: “Bà sinh con trai đầu lòng, quấn tã lót và đặt trong máng cỏ, vì họ không tìm được chỗ trong các quán trọ” (Lc 2:7). Có thể là vì số người đã nhiều mà các quán trọ không đủ phòng ốc. Cũng có thể là nhìn thấy Maria đang mang thai và như đang gần ngày sinh. Nhưng lý do nghèo của hai người là chính. Có tiền bạc đầy đủ và giầu có thì kiếm đâu không có phòng trọ? Nhưng vì nghèo, nên cả hai đã phải tạm trú tại một chuồng bò ngoài thành. Và trong hoàn cảnh ấy, Thiên Chúa đã hạ sinh và ở giữa chúng ta.
Sự nghèo nàn của thánh gia còn được thấy khi trong nghi lễ hiến dâng Hài Nhi Giêsu. Vì nghèo không đủ tiền mua những lễ vật giá trị hơn, nên cha mẹ của Giêsu chỉ mua được một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non (x Lc 2:22-24), những lễ vật thuộc giới bình dân và nghèo. Nhưng đó là một cái nghèo tự nguyện. Một đời sống nghèo của người công chính, không chộp giật, không bon chen, và không tham lam. Với số vàng, nhũ hương và mộc dược ba nhà đạo sĩ dâng tặng trong lần họ đến bái yết Hài Nhi Giêsu chắc dư dùng cho gia đình nếu như Giuse và Maria có lòng tham lam muốn giữ làm của riêng. Nghề thợ mộc ở vào thời điểm của Thánh Giuse chắc cũng không phải là nghề không kiếm ra tiền, nhất là với tay nghề vững chãi, kinh nghiệm, cộng với sự nhiệt tâm, chịu khó của ngài. Do đó, cái nghèo của Thánh Giuse hiển nhiên là một đức nghèo trọn lành của Phúc Âm. Nó phát xuất từ tâm hồn đơn sơ, phó thác và tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa Quan Phòng.
Đặt chân đến Nazareth, khách hành hương như hơi thất vọng với một thành phố mà cho mãi đến ngày nay vẫn hiện lên nét nghèo, với đường xá chật chội, gập ghềnh sỏi đá, nhà cửa không gì mấy khang trang. Nazareth bây giờ cũng chỉ có thể so sánh với những thành phố nghèo ở Việt Nam, Lào, Cao Mên, Mễ, Phi luật tân, hay một nước nào đó bên Phi Châu, trung Đông kém mở mang. Thành phố gồm những căn nhà nhỏ bé, những hẻm đường với những cửa hàng buôn bán bày ra cả lối đi. Đường vào thánh đường Cana hẹp, khó đi, luồn lách qua các ngõ hẻm.
Nhưng đây lại là nơi Thánh Gia lập nghiệp và định cư, nơi Con Thiên Chúa ẩn dật, che dấu thân phận Thiên Chúa của Ngài cho đến khi xuất hiện công khai năm lên 30 tuổi. Gần ba mươi năm sống trong thôn làng nhỏ bé này, chắc Chúa rành rẽ đường đi, nước bước. Và vì có dịp làm quen với những người nghèo, nếp sống nghèo nên sau này Chúa thường dùng những ví dụ thực tế, dễ hiểu của đời thường để nói về những mầu nhiệm nước trời. Thí dụ, dụ ngôn người gieo giống, hạt cải, cây vả, cây nho… ngay cả đến hình ảnh của một người con phung phá, ông phú hộ.
Nghèo và những người ở đây cũng chân chất đến nỗi chính Nathanael khi được Philip mời gia nhập đoàn với các Tông Đồ, đã tỏ ra hoài nghi về Chúa Giêsu vì Ngài xuất thân từ Nazareth: “Ở Nazareth có gì hay ho đâu” (Gioan 1:46). Ý ông nói: “Đất sỏi làm gì có chạch vàng?”. Vỹ nhân làm sao xuất thân từ nơi khỉ ho cò gáy như thế? Không chỉ có Nathanael là người Bethsaida đồng quê với Phêrô và Andrê, ngay trong dân làng Nazareth họ cũng tỏ dấu nghi ngờ Chúa Giêsu khi họ nghe Chúa giảng dậy và làm những phép lạ: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?” (Máccô 6:2).
Âm thầm
Do khiêm nhường và tâm tình khiêm tốn, nên Thánh Giuse đã hoàn toàn âm thầm và giữ đúng vai trò trung gian của mình giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Giữa Mẹ Maria, Chúa Giêsu và Ðấng đã ủy thác cho mình việc nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ.
Trong thực hành, ít ai ở vào địa vị như ngài mà lại âm thầm, và khuất tịch được như Ngài. Ai mà không thích danh giá. Không muốn được xưng tụng với danh hiệu này, danh hiệu khác, nhất là khi thực sự mình có danh giá, có địa vị, và chỗ đứng trong xã hội. Ai bằng Ðức Maria, thiếu nữ Sion tuyệt vời, tràn đầy ơn phúc như lời Tổng Thần Gabriel trong ngày truyền tin: “Hãy vui lên, Ðấng đầy ơn sủng. Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1:28). Còn Isave, chị họ thì ca tụng: “Em có phúc hơn mọi phụ nữ” (Lc 1:42). Ai bằng Giêsu, Con Một Thiên Chúa làm người. Ðấng là chủ tể vũ trụ. Nắm trong tay hai bảo tàng vô giá ấy, mà không huênh hoang, không muốn nổi nang, và luôn luôn khuất tịch, thì chỉ có Thánh Giuse mới làm được. Và cũng chính vì ngài đã làm được chuyện này, nên đã xứng đáng được gọi là công chính.
Trước xưởng mộc của Thánh Giuse ở Nazareth, là một tượng đồng của ngài. Dáng vẻ suy tư trầm ngâm nhưng hiền từ, trong tay có cằm một cây gậy nở hoa. Bức tượng diễn tả đúng với con người của Giuse, người mà Thánh Kinh gọi là công chính: “Giuse chồng bà là người công chính” (Mátthêu 1:19). Khách hành hương với lòng sốt sắng, yêu mến đã xoa vào hai đầu gối bức tượng khiến mòn đi. Họ làm vậy phải chăng với ngụ ý trút bỏ những gánh nặng nề trên bước đường dương thế cho thánh nhân, và nhờ ngài ra tay nâng đỡ. Tôi có cảm tưởng như những gánh nặng mà khách hành hương đã trút bỏ lên hai đầu gối kia nhiều lắm.
Thánh Kinh đã ghi rõ Giuse làm nghề thợ mộc. Là thợ mộc, nên ông cần phải có một xưởng mộc. Cái nghề thợ mộc của ông sau này đã bị người ta đem ra dè bửu khi nói về Chúa Giêsu: “Họ hỏi, đây chẳng phải là Giêsu con ông Giuse, người mà chúng ta biết cả cha lẫn mẹ sao” (Gioan 4:42). “Đây chẳng phải là con bác phó mộc sao?” (Mátthêu 13:55).
Trung tín
Sau cùng là sự trung thành tuyệt đối của Thánh Giuse trong sứ mạng bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài đã trung thành công việc được trao phó một cách tự nguyện và với tinh thần trách nhiệm: “Giuse đừng sợ, hãy nhận lấy Maria làm vợ, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mátthêu 1:20). Thánh Kinh ghi tiếp: “Khi tỉnh giấc, Giuse đã nhận Maria về nhà mình” (Mátthêu 1:24).
Từ ý thức sâu xa trách nhiệm mình trước mặt Thiên Chúa, Thánh Giuse ngày đêm để ý chu toàn dù gặp những thử thách và đau khổ. Ðau khổ đầu tiên là biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu. Ðau khổ thứ hai là khi nghe lời tiên báo của Simêon tại đền thờ trong ngày dâng Hài Nhi Giêsu như luật định. Chẳng nói ra thì ai cũng biết rằng, những mũi gươm tinh thần mà Simêon nói về Maria thì ít nhiều Giuse cũng mang nó trong lòng, vì ngài là người chồng hoàn hảo nhất, và không thể nào lại không chia sẻ những đau khổ – dù là tinh thần – với người vợ của mình.
Trong biến cố đem Hài Nhi Giêsu và Mẹ của Ngài chạy trốn qua Ai Cập để trốn thoát cảnh lùng bắt của Hêrôđê. Giữa mùa Ðông giá lạnh, và phải lầm lũi đoạn trường đưa vợ con chạy trốn, cảnh tượng này một người chồng, người cha có trách nhiệm không thể nào lại không đau lòng và lo lắng. Theo những nhà khảo sát Kinh Thánh, chưa đầy 4 năm ở bên Ai Cập, Thánh Giuse đã phải di chuyển chỗ ở đến 21 lần vì tránh sự dòm ngó của người nhà Hẽrôđê.
Với tinh thần trách nhiệm, Thánh Giuse không những lo lắng lúc đem Hài Nhi và Ðức Maria chạy trốn, mà cả khi về lại quê cha đất tổ. Mặc dù lúc ấy Giêsu đã lớn, nhưng Thánh Giuse không thể không cảm thấy băn khoăn, lo lắng. Mátthêu đã ghi lại những suy tư của ngài: “Khi nghe tin Aùckhêlao đã kế vị cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđêa, nên ông sợ không dám về đó. Sau khi được mộng báo, ông lui về miền Galilêa và đến ở một thành kia gọi là Nagiarét” (Mátthêu 2:22-23).
Nhưng có lẽ biến cố gia đình thất lạc tại Ðền Thờ đã chạm đến tinh thần trách nhiệm của ngài một cách sâu xa hơn cả như Thánh Kinh đã ghi nhận: “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ, đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, vừa nghe, vừa đặt câu hỏi. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Này con! Sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con không thấy cha con và mẹ đã phải đau lòng tìm con sao!” (Luca 2:46;48).
Thánh Kinh đã khen tặng những người trung tín. Chúng ta có thể nhìn thấy giá trị và kết quả của đức tín trung của Thánh Giuse khi nhìn vào công việc hoàn thành của Chúa Giêsu trong việc cứu chuộc nhân loại. Nhìn vào cuộc đời thánh đức của Ðức Maria. Ðiều này đã cho thấy Thánh Giuse không những sống thánh thiện cho mình, mà còn dùng sự thánh thiện ấy để hoàn tất việc bao bọc và dưỡng nuôi Hài Nhi Giêsu, và Mẹ Thánh của Ngài để chuẩn bị cho Thiên Chúa dùng trong công trình cứu chuộc.
Cựu Ước đã ca tụng Abraham là cha của những kẻ tin. Tân Ước đã ca tụng Thánh Giuse là người công chính. Abraham dâng con là Isaác làm của lễ như Thiên Chúa truyền, Thánh Giuse cũng đã cùng với Đức Maria dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa trong Đền Thánh để làm của lễ hiến tế và cứu chuộc nhân loại. Thánh Giuse đã dùng cả đời mình để yêu thương, săn sóc, nuôi dưỡng và bao bọc của lễ này. Và Ngài xứng đáng được đó nhận những lời ca tụng của Hội Thánh: “Do gắn bó chặt chẽ với các mầu nhiệm khởi đầu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Ngài trở nên mẫu gương về lòng khiêm nhường và nhân ái, những điều làm cho đức tin Kitô giáo có được những phẩm giá cao cả; và thể hiện những nhân đức nhân bản và đơn sơ, cần cho con người trở nên môn đệ tốt lành và đích thực của Chúa Kitô.” (Sắc Lệnh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, 01.05.2013)
Thánh Tiến Sĩ Têrêsa d’Avila đã nói về quyền năng và thần thế của Thánh Giuse:
“Tôi thấy không lần nào xin sự gì cùng Thánh Giuse mà không được như ý. Dường như Thiên Chúa ban ơn cho các Thánh giúp ta việc này, việc khác. Nhưng kinh nghiệm cho tôi biết Thánh Giuse giúp chúng ta trong mọi trường hợp. Tôi lấy danh Chúa mà xin những ai không tin lời tôi hãy thử mà xem”. Ite ad Joseph – Hãy đến cùng Giuse.
Tháng Thánh Giuse, 2020
Views: 0