Trần Mỹ Duyệt
– Bác Giuse ơi! Bố cháu bảo cháu sang nói với bác là chiếc cày của bố cháu vừa bị gẫy rồi. Bác qua sửa lại cho bố cháu bây giờ được không?
– Anh Giuse này! Chiều nay hay ngày mai ghé qua nhà tôi sửa lại 2 cái răng bừa hộ tôi được không? Khổ quá! Vừa bừa được vài luống thì gẫy bố nó 2 cái răng. Mùa màng đến nơi rồi mà có cái bừa còn gẫy răng thì làm ăn được cái gì nữa. Anh qua nhà tôi, chúng ta uống với nhau bát nước và nói truyện cho vui trong lúc anh sửa cho tôi chiếc bừa nha.
– Chị Maria ơi! Anh Giuse có ở nhà không vậy? Chị nói hộ anh ấy qua sửa cho nhà tôi cái chạn được không. Chán quá chị ơi! Chuột bọ như rươi mà có cái chạn thì cánh cửa lại xộc xà xộc xệch, rơi ra rơi vào như cái răng ông lão vậy. Chị nhớ nói với anh ấy sang sớm sớm một tí nhé.
THÁNH GIA TRONG BỐI CẢNH SỐNG THƯỜNG NGÀY
Bạn có nghĩa là những mẩu chuyện trao đổi như trên có xẩy ra trong đời sống thường ngày của gia đình Thánh Gia không? Tôi thì tôi cho là có, vì Giuse, Maria, và Giêsu trong một cái làng quê nhỏ bé như Nazareth thì ai mà chả biết. Nhất nữa Thánh Giuse lại làm nghề thợ mộc, thì hôm này người này, ngày mai người khác chạy qua, chạy lại nhờ vả, và trao đổi với nhau là chuyện rất bình thường. Chẳng vậy mà sau này khi Chúa Giêsu xuất hiện, rao giảng Tin Mừng về nước trời, thấy người trở nên lợi khẩu và thông thái, người ta đã bở ngỡ hỏi nhau: “Mọi người đều ca ngợi ngài. Họ bỡ ngỡ về những lời từ miệng ngài. Họ hỏi nhau: ‘Há chẳng phải là con ông Giuse sao?’” (Lc 4:22). Họ thắc mắc như thế vì có bao giờ thấy Giêsu đi học đâu. Con nhà nghèo thì làm gì có tiền của mà đi học.
Điều khiến chúng ta suy nghĩ không phải là cái nghề thợ mộc, và cuộc sống nghèo của Thánh Giuse hay của gia đình Ngài; cũng không phải cái tính ít nói, và trầm ngâm của Ngài. Nhưng là địa vị cao cả của Ngài trước mặt Thiên Chúa và con người. Đối với những người Do Thái đương thời và những người cùng làng quán với Ngài có lẽ không nhìn ra điều này. Nhưng đối với những người như Têrêsa D’avilla thì “trên thiên đàng, Thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin”. Ý chỉ quyền năng can thiệp và thế giá của Ngài trước tòa Thiên Chúa. Bởi vì khi còn sống, Chúa Giêsu đã được Ngài đích thân nuôi dưỡng và giáo dục. Cả Mẹ Maria cũng được Ngài bao bọc, che chở và yêu thương, săn sóc. Nhưng ngoài cảm tình vợ chồng, cha mẹ và con cái giữa Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu ra, Ngài còn có gì khác hơn để được Thiên Chúa yêu thương và loài người kính trọng không? Câu trả lời được tìm thấy trong Thánh Kinh. Thánh Kinh khi nói về Thánh Giuse và về đời sống nội tâm của Ngài đã ghi: “Giuse là ngưòi công chính” (Mt 1:19). Và chỉ bằng ấy cũng đủ nói lên tất cả sự thánh đức cao vời của Ngài. Đấng mà Thiên Chúa đã tuyển chọn để trao phó Chúa Giêsu, Thiên Chúa Nhập Thể, và Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại cho Ngài con sóc, gìn giữ và yêu mến.
Thật vậy, Thiên Chúa tôn vinh và coi trọng Thánh Giuse không phải chỉ vì dòng tộc Đavít, hoặc vì vai trò dưỡng phụ Chúa Giêsu, phu quân trồng trinh của Đức Maria. Thiên Chúa tôn vinh và yêu thương Thánh Giuse vì tấm lòng và ý chí công chính của Ngài nữa. Cũng như Đức Maria được làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Chúa Giêsu không phải vì đã sinh ra Chúa Giêsu, đã cho Chúa bú, nhưng vì đã thực hành và tuân giữ lời Chúa – đã công chính – trong tâm hồn và ý chí của Mẹ: “Ai là mẹ ta? Ai là anh em ta” (Mt 12:48), Chúa Giêsu đã hỏi người chung quanh như thế, và trong khi họ không hiểu phải trả lời như thế nào, thì Chúa đã bảo họ: “Ai thực hiện ý Cha Ta trên trời, người đó là anh, chị, em, và là mẹ ta” (Mt 12: 50).
Dĩ nhiên, khi nói những lời trên, Chúa Giêsu không phủ nhận vai trò làm mẹ của Đức Maria, cũng không phủ nhận mình là con của Đức Trinh Nữ Maria. Nhưng cao cả hơn thế, Chúa muốn đề cao cái cốt lõi “làm mẹ” của Đức Maria trong trường hợp này, là nghe và thực hành lời Thiên Chúa. Một sự lắng nghe và thực hành đến độ khiến Thiên Chúa cũng cúi nhìn Mẹ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng trinh nữ. Trinh nữ có phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1: 28). Những lời này do chính miệng Tổng Thần Gabriel đã nói với Đức Mẹ trong ngày Truyền Tin.
Cũng một cách tương tự, khi Chúa Giêsu gọi Thánh Giuse là “cha” – bố hay ba – không chỉ vì Thánh Giuse thật sự là cha – người cha đồng trinh – đã có công nuôi dưỡng, che chở, và giáo dục mình, mà hơn thế nữa, vì Thánh Giuse đã lắng nghe, suy niệm, và thực hành lời Thiên Chúa. Vì lý do đó, khiến Ngài được trở thành cao cả, được tôn vinh không những ở trần gian, mà còn cả ở trên trời như lời Thánh Têrêsa D’avilla đã nhận định.
GIUSE CÔNG CHÍNH VÌ LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Bằng một cái nhìn vừa có tính cách thực tế, vừa tâm linh, chúng ta sẽ thấy ngay Thánh Giuse thật sự yêu mến, vâng giữa lời Thiên Chúa, nói một cách khác, đã công chính như thế nào. Thánh ký kể lại, trong biến cố Nhập Thể khi phải đối đầu với một vấn nạn không có lời giải thích, một vấn nạn mà trí khôn con người thật sự cảm thấy mâu thuẫn, thì Thánh Giuse đã can đảm, công chính thắng lướt tất cả vì lời của Thiên Chúa: “Hỡi Giuse đừng sợ. Hãy nhận lấy Maria về làm vợ của mình” (Mt 1:20). Chỉ một câu ấy thôi và khi biết được đó là ý Thiên Chúa, thì Ngài đã sẵn sàng bằng mọi giá hăm hở, vui vẻ, và yêu mến đi trọn con đường “đồng công” mà Thiên Chúa đã muốn Ngài và Đức Trinh Nữ Maria tham dự.
Có lẽ chúng ta cho rằng làm được như Thánh Giuse thì cũng dễ dàng, và ở vào hoàn cảnh của Ngài ai cũng có thể làm được. Nhưng nghĩ như vậy, thì vô tình ta coi thường sự phán xét của Thiên Chúa khi Ngài công nhận và gọi Thánh Giuse là “công chính”, và cũng coi thường thánh đức của Ngài.
Thật vậy, ở vào hoàn cảnh của Thánh Giuse, một người đàn ông tự trọng và biết coi trọng giá trị đạo đức, thì khi biết vị hôn thê của mình mang thai, mà cái thai ấy không phải là của chính mình thật sự cảm thấy lúng túng và khó xử. Và sự dằn vặt ấy đã đem đến ý nghĩa và quyết định “âm thầm” bỏ đi. Và chúng ta cũng có thể lý luận rằng, trên thực tế, hẳn cũng không thiếu những trường hợp người đàn ông bị đặt vào hoàn cảnh tương tự như Thánh Giuse. Họ cũng gặp những cắn rứt lương tâm và khó xử vậy. Trong những trường hợp như vậy, cũng có người đã im lặng, và cũng có người đã âm thầm bỏ trốn hoặc tha thứ. Nhưng im lặng, tha thứ và chấp nhận đến mức độ nào, có được Thiên Chúa cho là công chính hay không hẳn là hiếm có. Trường hợp của Thánh Giuse, rõ ràng Thánh Kinh thừa nhận là công chính: “Giuse là người công chính” (Mt 1:19). Cái đó chính là sự thánh thiện cao vời, và do lòng yêu mến Thiên Chúa thẳm sâu của Thánh Giuse. Người đời chỉ có thể suy tôn, học hỏi, và cố gắng bắt chước, nhưng hẳn là không mấy kẻ đạt được mức thánh đức như Thánh Giuse đã đạt tới.
GIUSE CÔNG CHÍNH VÌ THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Chúng ta hãy đưa tầm nhìn vào mái ấm gia đình Thánh Gia. Ở đó Mẹ Maria, thiếu nữ Sion tuyệt vời, bông hồng rực rỡ của vườn hồng Giêricô. Một thiếu nữ đẹp, và hiền thục, mặn mà như vậy, nhưng khi ở với Mẹ Maria, không chỉ bằng tình bằng hữu, anh chị em, tình cảm bình thường của con người đối với con người, mà bằng tình nghĩa vợ chồng, tình cảm, và tình nghĩa của hai người yêu nhau, vậy mà Thánh Giuse vẫn giữ được sự công chính tức là thánh đức từ trong tư tưởng, lời nói và việc làm trong cuộc đời hôn nhân thánh thiện ấy thì đủ biết Ngài công chính đến mực độ nào. Đủ biết Ngài yêu mến Thiên Chúa và vâng giữ lời Thiên Chúa đến mực độ nào. Người trần gian thật không ai dám nghĩ mình có thể và làm được như vậy. Dĩ nhiên, Thánh Giuse làm được việc này cũng là nhờ ơn Chúa, nhưng sự cộng tác vào ơn thánh của Ngài đã cho ta nhận thấy sự công chính của Ngài như thế nào!!!
Chúng ta có nghĩ rằng Thánh Giuse thiếu óc cầu tiến và không có tinh thần trách nhiệm với gia đình Ngài không? Cứ nhìn vào cảnh nghèo túng, đơn sơ của Thánh Gia, có thể nhiều người sẽ cho rằng việc Thánh Gia nghèo vì thiếu tiền có thể đến từ tâm thức an phận và buông xuôi của Thánh Giuse. Ngài không có óc cầu tiến. Không biết cách làm giầu. Và không biết cách xoay xở. Thấy nghề thợ mộc khó kiếm ăn, sao không đổi nghề. Sao không kiếm cho mình một nghề khác.
Hoặc chúng ta lại thắc mắc mà tự hỏi rằng, không biết ở trong hoàn cảnh như vậy Thánh Giuse nghĩ thế nào, nhất là khi Ngài biết vợ mình là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, và con mình, Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể. Tâm lý sống của Ngài lúc ấy như thế nào? Có mặc cảm tự ty, hay trở thành khô khan, vô cảm. Mặc cảm tự ty, trái tim không cảm, chắc chắn không có nơi trường hợp một tâm hồn công chính. Vậy thì, để hóa giải và để sống trong sạch, vui tươi, và bình an trong trường hợp Ngài, Thánh Giuse đã phải có lòng yêu mến Thiên Chúa nồng nàn biết bao để có thể chấp nhận hoàn cảnh sống của mình và của gia đình mình. Và Ngài đã phải tập luyện mình như thế nào để giữ được tâm lý sống thanh thản và trưởng thành khi phải đối diện với một cảnh sống như vậy. Sự khôn ngoan, thánh đức của Ngài ở chỗ là trong mọi cảnh ngộ vẫn giữ được lòng mình bình an và kính sợ Thiên Chúa.
BÁC PHÓ MỘC CÔNG CHÍNH
Tóm lại, khi xưng tụng Thánh Giuse là người công chính, Thiên Chúa muốn chúng ta hiểu rằng vai trò làm cha “đồng trinh” hay dưỡng phụ Đức Kitô, vai trò làm chồng đồng trinh của Đức Maria của Thánh Giuse là một đặc ân xứng đáng mà Thiên Chúa ban cho chỉ một mình Thánh Giuse, và cũng chỉ mình Ngài xứng đáng với những danh hiệu ấy. Bù lại, Thánh nhân đã phải chứng tỏ mình thật sự xứng đáng và xứng hợp với danh hiệu ấy không phải bằng những hình thức và lối sống bên ngoài, mà bằng việc chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh và môi trường Thiên Chúa đã đặt Ngài vào.
Trường hợp của Thánh Giuse môi trường ấy là một gia đình và cuộc sống đơn sơ, bình dị và nghèo nàn. Một cuộc sống như tất cả mọi người chúng ta, và có thể kém hơn nhiều người về mặt tài chính, địa vị, học thức và nghề nghiệp. Điều này cũng đưa chúng ta đến một nhận định khác về cuộc đời, đó là cái làm cho con người trở nên cao cả không lệ thuộc hình thức và sắc thái bên ngoài, mà cốt lõi là tấm lòng và ý chí bên trong. Thánh Giuse đã nên gương cho chúng ta không phải vì Ngài cao cả và địa vị trước mặt người đời, cho bằng Ngài đã trở nên cao cả trước mặt Thiên Chúa. Bởi vì Ngài đã trở nên công chính bằng việc lắng nghe và thực hành lời Thiên Chúa. Ngài, một bác phó mộc công chính.
Views: 0