Y tế

Xin cho tôi liều thuốc cuối cùng

Dr. Huỳnh Lương Ngân

 

Hiện nay báo chí và dư luận bàn tán sôi nổi về đề tài « trợ tử » hay  « An tử »  tôi mạn phép chia sẻ qua kinh nghiệm hơn 30 năm của một bác sĩ, đã bao lần đương đầu trực tiếp với những tình huống tế nhị này. Tôi xin đưa ra vài ý kiến nhân bản, cố tình không nói nhiều về khía cạnh đức tin Công Giáo, mà gần như ai cũng biết quan điểm, có thể có ích khi nói chuyện với những người không Công Giáo. (xem thêm An tử-Trợ tử dưới nhãn quan thần học luân lý của LM Phêrô Trần Mạnh Hùng)

– Ai thường đề cập tới « quyền trợ tử » nhiều nhất ?

«Nếu tôi có bệnh nặng vô phương cứu chửa, hãy cho tôi một liều thuốc cuối cùng, đừng để tôi đau đớn vô ích».

Vâng, thường đó là lời nói của những người chưa phải trực diện với thần tử. Thật vậy tôi chưa từng nghe từ miệng một bệnh nhân thốt ra, dù biết mình không còn sống bao lâu, dù biết bệnh của mình vô phương cứu chửa, dù phải sống từng giây từng phút với những đau đớn, khó chịu của thể lý. Những ý nghĩ này hầu hết đến từ thân nhân hay những người vì lòng quảng đại ưu ái tới những người bệnh nhân cuối đời. Hay tệ hơn từ những nhà báo nâng niu những tình cảm dễ dãi của nhiều đọc giả kém suy nghĩ.

Nếu làm như thế, có phải là thật sự giúp đỡ cho bệnh nhân không ?  Đó là vấn đề cần nhận định sâu sắc qua thực tế. Với tính cách là bác sĩ đã bao lần ở cạnh những bệnh nhân bất hạnh đó, quên mình, hy sinh thời gian ngơi nghỉ, hy sinh quyền lợi riêng tư, tôi xin đưa ra vài trải nghiệm để thêm dữ kiện cho người đọc bài này suy nghĩ.

Có phải là những bác sĩ như chúng tôi thiếu lòng bác ái, dành các quyền ban thuốc này phương pháp nọ để kéo dài thời gian đau đớn của bệnh nhân ? Thật ra nghề chúng tôi được xã hội ưu đãi, có những quyền lợi tài chính và vật chất khá dư thừa để kiếm chác thêm từ các trường hợp này một cách vô luân và đáng ghê tởm, nó không tô đẹp gì hơn cho lương tâm chúng tôi.

Bây giờ chúng ta thử nhìn với góc nhìn của các bệnh nhân. Những bệnh nhân « ất hạnh» (?) này, chỉ chờ một giây lát thuyên giảm của cơn đau của mình để tận hưởng cái phút khoan khoái của trạng thái bình thường. Chắc hẳn có nhiều người cũng như chúng tôi đã có lần chứng kiến bệnh nhân có lúc tìm lại một lúc thuyên giảm, tìm lại một nụ cười, một vẻ mặt bình thản, thoải mái, đem lại niềm vui cho người thân đang ngày đêm chăm sóc mình. Cái giây phút bất ngờ ấy dù có ngắn ngủi đi nữa, nó quý giá vô cùng cho người đang vật lộn với cái chết.

Tôi còn nhớ rõ một bệnh nhân bị ung thư đại tràng cuối đời. Đêm đêm không ngủ được chỉ gõ nhẹ trên giường là bà vợ hay một trong hai người con gái chạy ngay tới, hoặc cho ông uống nước hoặc cho ông tiểu tiện hay cho thêm thuốc giảm đau. Đêm này qua đêm khác cả ba mẹ con mệt lắm, nhất là hai cô ban ngày phải đi làm việc. Có một buổi sáng nọ cả nhà rất đỗi ngạc nhiên vì ông ngủ êm qua trọn đêm, sáng lại vui vẻ xin được ăn tô phở. Cả nhà vừa ngạc nhiên vừa thật sự vui mừng và hạnh phúc được chia niềm vui đó với ông. Sau khi ăn sáng ông rướm nước mắt cầm tay vợ với hai người con gái đứng cạnh bên không nói lên lời nào, nhưng cả nhà nhận ra lòng biết ơn và tình yêu của ông qua ánh mắt.

Ta nhân danh nguyên tắc gì mà gạt bỏ cái ân huệ này của người sắp vĩnh viễn ra đi ? Vả lại, dù những người này có ngỏ ý trong lúc còn mạnh giỏi muốn được « trợ tử » đi nửa, họ cũng có quyền đổi ý phút cuối cùng. Ai đã từng không bao giờ có một lần đổi ý cho một quyết định quan trọng trong đời mình, thì xin hãy bước tới bơm liều thuốc « trợ tử » cho người bệnh nhân này đi. Tôi tưởng tượng cái cảnh người sắp chết đã đổi ý phút chót mà không còn sức để xin người bác sỉ  ngừng tay, đang lù lù tới với cái ống chích sát nhân !!!

Ta nhân danh nguyên tắc gì mà gạt bỏ cái quyền tự do của mỗi người được thay đổi ý kiến của mình? Vả lại không một ai có quyền hủy diệt mạng sống của mình ngoài Đấng Tạo Hóa, vì quyền sinh tử là ở trong tay Ngài mà thôi.

Y học hiện nay có những kỹ thuật hiện đại chữa đau từ thể lý lẩn tâm lý thật hiệu nghiệm để đồng hành với bệnh nhân lúc cuối đời. Điều nên tránh là dùng máy móc để duy trì đời sống một cách giả tạo. Tuy nhiên những kỹ thuật này đòi hỏi thật nhiều nỗ lực, nhân sự chuyên môn và những thiết bị thích ứng. Người bác sĩ ngày nay cần cập nhật những hiểu biết khoa học về những phương pháp trợ giúp giai đoạn cuối các bệnh không còn phương chữa trị. Các bệnh viện các nước tân tiến đều có khoa « giảm đỡ » (Soins palliatifs) cho các trường hợp này.

Có phải người ta nhân danh nguyên tắc tiết kiệm tối đa, để chính thức hoá «quyền trợ tử » ? Tôi không dám nghĩ là như thế, đa số chỉ vì thiếu phán đoán, nghe theo lập luận của một thiểu số cầm quyền cố tình biện minh cho giải pháp lập công cho ngân quỷ mà thật sự rất vô nhân đạo ấy. Ngoài ra người Kitô hữu còn cậy trông vào thánh ý của Thiên Chúa, Người Cha nhân từ trên trời.

Xin cùng anh chị cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng ta Đức Tin ấy. Vị linh hướng của tôi thường nhắc : «Chúa không bao giờ chơi xấu ! »

13 Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.( 1Cr 10,13)

Thật vậy qua ánh sáng của Đức Tin, Mầu Nhiệm Đau Khổ dẫn ngay chúng ta tới con đường Thương Khó của Chúa Kitô, để rồi cuối đường là hào quang rực rỡ và vinh quang của Chúa Phục Sinh .

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.