Bác sỹ Lương Huỳnh Ngân
NHỮNG THÀNH KIẾN SAI LẦM
VỀ BỆNH CAO HUYẾT ÁP
Uống thuốc Cao Huyết Áp (CHÁ) mà không có bệnh CHÁ!
Bệnh CHÁ là gì? Thật ra tên đúng bệnh là Cao Huyết Áp – Vô căn – Thường xuyên, bệnh này phải chữa trị “suốt đời”, và chỉ bệnh này mà thôi.
Trong định nghĩa có 3 yếu tố: Huyết Áp Cao, Vô căn, Thường xuyên.
Khi nào mới xem là Huyết Áp Cao? Khi HA trên hay bằng 140/90, cho người bình thường, không mắc bệnh gì khác liên quan đến CHÁ, ví dụ người bị Tiểu Tháo Đường, HA phải dưới 130/80…
Khi nào mới gọi là thường xuyên? HA cao thường xuyên, phải đo trong 3 lần khám khác nhau, ba lần không cùng ngày, và trong những tình huống khác nhau, nếu cả 3 lần ấy, ba lần liên tục đều trên hay bằng 140/90 mới gọi người này có bệnh CHÁ (thường xuyên).
Lấy huyết áp đúng tiêu chuẩn: bệnh nhân ngồi hay nằm sau từ 3 đến 5 phút nghỉ, nhất là khi vừa đi lên thang lầu hay đi bộ nhanh, lúc hồi hộp, lo lắng, hoặc sau nhiều đêm mất ngủ vv… Có một bệnh y học quốc tế gọi là “ Hội Chứng Bơ-lui-dơ trắng “ (Blouse – y phục bệnh viện), nhiều bệnh nhân, khi gặp người lấy huyết áp là bị tăng lên, trong lúc ở nhà thì bình thường! Có khi phải đeo máy 24 tiếng mới chẩn đoán chính xác!
Trường hợp chỉ có 1 hay 2 lần huyết áp cao hơn hoặc bằng cả hai số 140/90, người này chưa phải xem như bị bệnh CHÁ, cần tiếp tục theo dõi HA, nếu cả 3 lần khám liên tục đều trên hay bằng 140/90, lúc ấy mới khuyên uống thuốc, và uống cả đời.
Vì sao phải uống thuốc cả đời, xin xem phần chữa trị đoạn sau.
Trường hợp chỉ có một số trên (còn gọi là HA tối đa) cao hơn hay bằng 140, hay số dưới (còn gọi là HA tối thiểu) cao hơn hoặc bằng 90 thì vẫn chưa xác định là CHÁ. Trường hợp này cần phải thay đổi lối sống (ăn nhạt, vận động thể lực)… và tiếp tục kiểm tra.
Trường hợp mặc dù số tối đa dưới hay bằng 140 nhưng số tối thiểu cả ba lần cao hơn 90 thì cũng phải chữa trị, vì con số “tối thiểu” này quan trọng, để lâu sẽ có vấn đề.
Trường hợp chỉ một lần, nơi một bệnh nhân lâu nay không được lấy huyết áp, con số quá cao như 160/100 hay cao hơn, thì không cần phải chờ 3 lần, nên xử lý như người có bệnh CHÁ.
Tại sao phức tạp thế?
CHÁ tuy quan trọng nhưng chỉ khi về lâu về dài mới có nguy cơ cho tim mạch, chức năng thận vv… Cho tới ngày nay y khoa chỉ có cách cho dùng thuốc “ cả đời “ mới tránh những nguy cơ do CHÁ, đem tuổi thọ về bình thường. Muốn kết án một ai phải uống thuốc cả đời phải ít nữa xét xử ba lần. Có rất nhiều trường hợp huyết áp chỉ cao một thời gian rồi lại ổn. Những người này không có một nguy cơ gì. Giả dụ như cho những trường hợp này dùng thuốc, sau đó không một BS nào dám quyết định ngưng thuốc! Vì lẽ đó, có người sẽ bị uống “ cả đời “ mà chưa hề bị bệnh CHÁ theo tiêu chuẩn y khoa quốc tế, tức là không có nguy cơ gì về sau! Quỹ gia đình và quỹ bảo hiểm y tế phải mất vô ích số tiền lớn này!
Tại sao gọi là Vô căn? Vì không tìm thấy lý do gây ra CHÁ, ví dụ như ghiền các thứ thuốc xịt chữa trị nghẹt mũi; ăn thường xuyên kẹo có chất cam thảo; suy động mạch thận; quá cân…
Nếu CHÁ có căn nguyên, cố gắng chữa căn bệnh gây ra CHÁ. Nên chữa căn nguyên trong vòng 6 tháng hay 1 năm mà không cần uống thuốc trị CHÁ, trừ phi huyết áp quá cao, có thể dùng thuốc tạm thời, sau khi trị dứt căn nguyên sẽ dừng uống thuốc và kiểm tra lại huyết áp.
Thuốc của anh chị tốt sao BS không cho tôi?
Có nhiều thuốc trị CHÁ đang được xử dụng ở nước ta, chia thành nhiều nhóm với một số đặc tính. Thuốc nào tốt nhất?
Phải biết “Tốt” là như thế nào? Có 3 tiêu chuẩn thuốc “Tốt”:
Thuốc tốt là thuốc “trị” CHÁ hữu hiệu, đem huyết áp thường xuyên dưới 140/90: tức là về lâu về dài bệnh nhân không bao giờ bị biến chứng của bệnh CHÁ, và tuổi thọ không kém so với người bình thường, không có bệnh CHÁ.
Sau nhiều năm nghiên cứu, loại nào cũng NHƯ NHAU đối với một bệnh nhân không bị bệnh gì khác, như Tiểu Tháo Đường, Suy Tim, Suy Thận vv… (Xin nhắc lại trường hợp Tiểu Tháo Đường, HÁ phải dưới 130/80 và nên dùng loại thuộc Nhóm 6 hay 7, xem các nhóm thuốc đoạn sau)
Thuốc tốt là thuốc không gây cho bệnh nhân một phản ứng phụ không mong muốn nào.
Thuốc tốt là thuốc rẻ tiền, tiện dùng, lý tưởng là chỉ uống một lần trong ngày.
Một thành kiến sai lầm là các “siêu BS” có bằng cấp cao, tiến sĩ, thạc sĩ các bệnh viện danh tiếng thường có thói quen cho thuốc đắt tiền, làm bệnh nhân tưởng là thuốc tốt. Điều này không dựa trên một tiêu chuẩn khoa học nào cả. Vì thế khi đi tái khám, nên xin không thay đổi thuốc nếu thuốc cũ vẫn cho kết quả tốt, và không có phản ứng phụ nào. Điều này bệnh nhân nên chủ động xin BS đừng thay thuốc. Có thể bệnh viện này không có thuốc đang dùng, trong trường hợp đó xin thay thuốc cùng nhóm.
Đại để có 7 nhóm, mỗi nhóm có điểm tích cực và tiêu cực riêng, tuỳ bệnh nhân, BS ban đầu chọn nhóm nào thích hợp nhất.
Nhóm thuốc lợi tiểu: Gồm có Hydroclorothiazid, Indapamid, Furosemid, Spironolacton, Amilorid, Triamteren…
Nhóm thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương: Gồm có Reserpin, Methyldopa, Clonidin…
Nhóm thuốc chẹn alpha: Gồm có Prazosin, Alfuzosin, Terazosin, Phentolamin…
Nhóm thuốc chẹn bêta: Gồm có Propanolol, Pindolol, Nadolol, Timolol, Metoprolol, Atenolol, Labetolol, Acebutolol… Chống chỉ định nơi bệnh nhân mắc bệnh suyễn, nhịp tim quá chậm dưới 60/phút.
Nhóm thuốc đối kháng calci: Gồm có Nifedipin,Nicardipin,Amlodipin( Amlor*), Felodipin, Isradipin, Verapamil, Diltiazem; tác dụng phụ thường nhất là suy tĩnh mạch làm phù chi dưới, nhức đầu …Trong trường hợp này tránh uống thêm thuốc trị suy tĩnh mạch hay thuốc trị nhức đầu, chỉ cần thay nhóm thuốc CHÁ khác.
Nhóm thuốc ức chế men chuyển: Gồm có Captopril, Perindopril, Quinepril,…; tác dụng phụ: làm tăng kali huyết và gây ho khan.
Nhóm thuốc mới ức chế thụ thể Angiotensin II. Thuốc đầu tiên được dùng là Losartan, sau đó là Irbesartan, Candesardan, Valsartan… Chống chỉ định của thuốc là không dùng cho phụ nữ có thai hoặc người bị dị ứng với thuốc.
Kết hợp hai hay nhiều thứ thuốc thì tốt hơn? – Không hẳn đúng!
Có một tiêu chuẩn thực tế được trắc nghiệm: cách dùng càng đơn giản càng tốt, ví dụ một viên mỗi ngày, về lâu ít quên. Nếu huyết áp chưa ổn có thể tăng liều thuốc đang uống nhưng chưa cho thuốc thứ hai. Chỉ kết hợp hai thứ nếu có lý do chính đáng, ít khi phải dùng 3 hay nhiều nhóm khác nhau. Có loại kết hợp hai nhóm thuốc trong một viên thì cũng đơn giản như một thứ thuốc.
Lâu lâu nên ngưng uống thuốc vài ngày? – Sai!
Làm như thế không có lợi ích gì nhưng có thể gây những biến chứng trầm trọng như suy tim cấp, đột quỵ vv… nhất là nhóm thuốc chẹn Bê-ta. Khi nào quên, ngay lúc nhớ, uống liều thuốc đã quên, bất cứ giờ nào, hôm sau đúng giờ thường ngày uống liều thường ngày tiếp theo.
Tại sao phải dùng thuốc liên tục cả đời?
CHÁ thông thường chỉ gây biến chứng về lâu về dài. Nếu không chữa trị thì tuổi thọ giảm đi nhiều, do suy tim, suy thận, đột quỵ vv… Hiện nay khoa học chỉ biết chữa bằng cách đề nghị uống thuốc mỗi ngày, trên lý thuyết là uống cả đời, thì tuổi thọ mới không giảm. Nếu chấp nhận nguyên tắc đó mới tránh các nguy cơ bị các biến chứng của CHÁ. Nếu không chấp nhận nguyên tắc uống thuốc mỗi ngày và lâu dài thì thà đừng dùng hơn là dùng không liên tục. Kết quả vô ích, như không dùng thuốc.
Bao lâu phải tái khám? mỗi tháng, mỗi ba hay sáu tháng?
Lúc ban đầu phải tái khám mỗi tháng để BS xem có hiệu quả hay không, có phản ứng phụ gì nên báo cho BS biết. Có thể có những xét nghiệm máu để kiểm tra thuốc có ảnh hưởng gì cho cơ thể. Dù sao cũng không ngưng thuốc trước khi tái khám.
Sau khi ổn định, tái khám mỗi ba tháng là nhịp bình thường.
Nhịp tái khám sau nhiều năm cho các bệnh nhân ổn định, đã được kiểm tra có thể kéo dài đến 6 tháng, nhất là các bệnh nhân năng động trong công việc, ít thời gian đi khám bệnh. Nếu BS đòi hỏi quá nhiều, vì thiếu thời gian bệnh nhân có thể dùng không liên tục. Các BS vì lợi ích riêng ít khi chấp thuận 6 tháng và dùng chiêu thay thuốc mặc dù không có lý do y học. Vì thế bài này giúp bệnh nhân có dữ kiện thảo luận với BS. Đây là nói cho bệnh nhân mua thuốc ngoài bảo hiểm y tế, chỉ chú ý đến khía cạnh y học. Luật hành chánh bảo hiểm y tế nước ta mỗi nơi còn áp dụng mỗi khác.
Xét nghiệm máu mỗi lần tái khám rất cần? – Chưa hẳn cần!
Trong bệnh CHÁ, chỉ cần xét nghiệm mỗi năm một lần mà thôi, nếu không có bệnh gì khác.
Trong trường hợp dùng nhóm thuốc lợi tiểu, phải xét nghiệm thường hơn. Có 3 thứ cần kiểm tra, và chỉ 3 thứ này mà thôi, thêm nữa thường là tốn tiền vô ích, bởi các trung tâm xét nghiệm y khoa tư nhân và vài bệnh viện công thường cho hoa hồng BS trên số tiền bệnh nhân xét nghiệm, ngay những thứ không có ích gì!
Ba thứ cần kiểm tra là:
Creatinine (chức năng thận)
Iono: Thuốc lợi tiểu có thể làm K và Na thay đổi trong máu.
Acide urique: có thể gây bệnh Gút (Goutte)
KỲ TỚI: CHỨNG HÔI MIỆNG
Views: 0