Nguyễn Ngọc Thể
Những ngày đầu của một năm học mới đang trở về. Có những em lần đầu cắp sách đến trường, dáng vẻ nhút nhát, sợ sệt. Nhiều em khác, xem ra hớn hở vì giờ gặp lại bạn bè cũ sau mấy tháng hè xa cách.
Trở lại mái trưòng, nhắc chúng ta biết rằng, mùa hè sắp qua đi và mùa thu đang đến. Một quãng thời gian vừa trôi qua và thời gian tiếp nối đang đến, để nhận ra rằng, chúng ta đang tiến dần tới đích.
Đích gì và đích nào, ai cũng biết được. Một chiếc xe đang lăn bánh, để đưa người đang xử dụng nó tới nơi mà mình muốn đến. Một cánh hoa đang nở, màu sắc rực rỡ, đang khoe mình dưới ánh nắng ban mai, để cho người ngắm, và rồi hoa cũng sẽ tàn úa. Cánh chim trời đang lướt nhẹ trên không, ta tưởng rằng, chim đang chơi đùa với gió, nhưng chim đang bay về một nơi mà chúng muốn, theo bản năng của chúng.
Là con người, mỗi khi hành động, đều có cái mục đích của mình, ngoại trừ những ai không có định hướng, không có đích điểm, sống trong mông lung, mộng ảo. Hành động mà không suy nghĩ, không có cân nhắc, chỉ đưa đến thảm bại khôn lường. Tôi vẫn còn nhớ lời này của một tác giả người Pháp, ông Francois Rabelais [1] : “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme (science without conscience is the ruin of the soul), xin tạm dịch: “Khoa học mà không có lương tâm chỉ đưa đến sự đổ nát cho tâm hồn.”
Người viết đã có dịp làm việc và tìm hiểu với một số ít người mà ta gọi là vô gia cư. Có người sống phiêu bạc, không nhà, không cửa, khi được hỏi thì trả lời họ dứt khoát: thích tự do, phóng túng, không muốn lệ thuộc vào ai, nhưng khi “bụng đói thì phải bò”, nghĩa là phải ngửa bàn tay để xin từng miếng ăn cho qua ngày. Cũng có người lâm vào hoàn cảnh “tứ cố vô thân”, tức là, thích phiêu bạt đó đây, không họ hàng thân thich, không nơi nương tựa.
Năm 1975, sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, vào tháng 9, các em bắt đầu cắp sách đến trường trở lại, dưới chế độ mới (!) Những tuần lễ đầu, nhiều gia đình bắt đầu để ý có những cách giáo dục sao thấy khác thường, không như thời gian trước đó. Ở lớp học, thầy cô giáo dặn dò mỗi em phải có một cuốn sổ tay (notebook), để lúc ở nhà, theo dõi những sinh hoạt của gia đình, từ cha mẹ cho đến những người lớn khác. Để ý gia đình ăn uống những gì, nói năng làm sao, thì ghi vào sổ và nạp cho thầy cô khi vào lớp. Các em ngây thơ, vô tình nào biết nhà trường có những ý đồ gì. Hóa ra, theo chủ trương của cộng sản, cần giáo dục, đầu độc con em phải để ý đến từng sinh hoạt của gia đình.
Học toán cộng, toán trừ, các em được dạy như thế này. Chẳng hạn, “có 30 tên lính xâm lược Mỹ, bị quân giải phóng tiêu diệt 20 tên, hỏi còn lại mấy tên?” Hoặc bài học thuộc lòng thì cho các em học những bài học ngắn như “Chuyện con ong diệt Mỹ!” Một vài đan cử nho nhỏ như thế để chúng ta thấy được chính sách tuyên truyền, nhồi sọ của cộng sản trong khi đầu óc các em còn ngây thơ, trong trắng. Điều này vô cùng quan trọng. Đầu óc các em còn nhỏ, tựa như tờ giấy trắng, ai muốn tô vẽ lên những gì thì sẽ mãi mãi khắc ghi trong tâm trí em. Đối với con em, người Việt có câu: “học ăn, học nói, học gói, học mở.”
Nói chung, tất cả đều phải học mới biết, mới có thể áp dụng được trong cuộc sống. Thời gian này, ngay nơi đất nước mà chúng ta đang sinh sống, việc giáo dục tại một số nơi, đang áp dụng chính sách, điều mà chúng ta gọi là “nhồi sọ” (indoctrination). Tại sao chúng ta gọi là “nhồi sọ”? Việc giáo dục “nhồi sọ” nhằm đưa đến một mục đích quyết liệt nào đó, tạo cho con em biết “đường đi nước bước” trong tương lai mà một số các chính khách “thân tả” đang đề ra, chẳng hạn như về phái tính, vể kỳ thị chủng tộc, về tính dục… Việc giáo dục như thế, không những dành cho các em đã trưởng thành, các em thanh thiếu niên, mà ngay cả cho con em còn ở tuổi trong trắng, đơn sơ. Một ví dụ, dạy và cho các em nhìn thấy những hình ảnh xấu, dâm ô, những cảnh rùng rợn, ghê gớm, cảnh giết người, sẽ tạo cho tâm trí các em luôn bị ám ảnh những gì mà các em đã thấy và đã nghe.
Việc tạo nên những hình ảnh như thế thật khó mà gột rửa được. Chính vì thế mà một số các phim ảnh khi đưa trình chiếu cho công chúng xem, nhà sản xuất phim đều có ghi: “loại phim ảnh này chỉ được xem cho những em ở lứa tuổi nào đó, như 13 hay 16 tuổi, chẳng hạn (PG13. PG16), xem những loại phim này, cần có cha mẹ hay người giám hộ để ý theo dõi. Mục đích của việc “nhồi sọ”, để cho người nghe và xem tin tưởng rằng, những gì nhà trường (thầy cô) truyền đạt đều có mục đích của nó. Còn việc đúng hay sai, hậu quả thế nào, khi họ truyền đạt những gì cho con em, thì không nói ở đây.
Lúc tôi còn bé, sống dưới thời kỳ Việt minh (1945-1954), khi đến trường, người cộng sản chỉ dạy học hay dạy cho hát những bài hát nặng mùi truyên truyền. Không bao lâu, cha mẹ tôi đành phải cho tôi nghỉ học, vì ngày ngày ở trường về với gia đình, cha mẹ tôi chỉ nghe những bài hát, bài học của cộng sản! Đó là chưa nói đến những hình thức tuyên truyền khác nữa như dạy phải ca tụng “Malenkov” (tức Greg. Malenkov, là nhà độc tài nối nghiệp Stalin, ở Nga), như ca tụng Hồ Chí Minh (!). v.v.
Tóm lại, việc gởi các em đến trường ngày nay, đòi hỏi cha mẹ phải chịu khó hơn để theo dõi, liệu con em của mình có được dạy dỗ, được truyền đạt kiến thức từ các thầy cô giáo, theo một mô thức thuần túy giáo dục, là đào tạo cho con em trở nên người hữu ích cho chính mình, hữu dụng cho xã hội bây giờ và ngày mai không? Qua đó, liệu con em chúng ta có đang một nền giáo dục đàng hoàng hay đang bị “đầu độc” mà chúng ta không hay biết gì, bởi những tà thuyết nguy hiểm mà một số các chính khách đang cố gắng cổ võ và khuyến khích, nhất là nơi môi trường học đường.
_______________
[1] Ông là một nhà văn (1494-1553) chuyên viết những chuyện châm biếm, được biết đến dưới thời Phục Hưng ở Pháp; đồng thời, ông cũng là một linh mục và là nhà vật lý nổi tiếng.
Views: 0