Tâm lý xã hội

Viết về người cha nhân ngày hiền phụ

Trần Mỹ Duyệt

 

Cũng như vợ ông, ông là người có nhiều tên gọi: Cha, bố, ba, tía, thầy, hoặc cậu… Tất cả đều qui về một người, mà thiếu người này gia đình không còn mang ý nghĩa của một sự kết hợp vợ chồng đúng nghĩa và đầy đủ. Hôn nhân không còn là một cuộc phối hợp tự nhiên, truyền thống, luân lý và đạo đức giữa một người nam và một người nữ. Nó cũng không còn là nền tảng vững chắc cho quốc gia và xã hội. Ngày Hiền Phụ, cũng như ngày Hiền Mẫu, là ngày các người con dùng để bày tỏ tình cảm, lòng yêu mến và tri ân người đàn ông này.

Dùng từ “hiền” – hiền mẫu – để diễn tả tương quan tình cảm giữa mẹ và con nghe thuận tai hơn dùng từ này – hiền phụ – để nói về mối quan hệ cha con. Bởi vì dưới cái nhìn của các con, người cha thường là không hiền, đôi khi còn nghiêm khắc, kỷ luật và khó tính.

Nhưng qua câu nói đầy ý nghĩa: “Tình yêu của mẹ được nhận ra ngay từ lúc ta mới sinh. Tình yêu của cha chỉ được nhận ra khi ta trở thành một người cha” (Mother’s love is known to you since birth. Father’s love is known when you become a father), đã giúp chúng ta hiểu được phần nào người cha là ai và là gì, và tình yêu, sự săn sóc mà ông dành cho các con cũng như cho gia đình như thế nào.

Hãy để qua một bên hình ảnh tiêu cực của một số người cha bê tha cờ bạc, rượu chè, và ngoại tình trai gái. Hãy bỏ qua một bên hình ảnh của những người cha ươn lười, bệ rạc, hèn nhát, hoặc sống và hành xử theo lối gia trưởng. Và rồi chúng ta không thể phủ nhận một sự thật rõ ràng, đó là sự có mặt của mỗi người con trên cõi đời này là do người cha ban. Cuộc sống của người con được đùm bọc, nâng đỡ, nuôi dưỡng và lớn lên phần lớn cũng là do công sức, mồ hôi, và cả nước mắt của người cha.

Hình ảnh của người cha và tình yêu của người mẹ được gói ghém trong câu ca dao tục ngữ: “Đàn ông xây nhà. Đàn bà xây tổ ấm”. Sự đổ vỡ và thất bại của những gia đình khiến con cái nheo nhóc, khổ sở và mất tương lai cũng phần nào do lỗi của người mẹ. Vì nếu căn nhà mà người cha xây to, đẹp, khang trang, và tiện nghi, nhưng cái tổ ấm trong đó không được vun xới và duy trì bằng bàn tay, trái tim của người mẹ thì sống trong căn nhà ấy cũng như sống trong hỏa ngục!

Tâm thức chung, mặc dù các con thường cho cha mình là người khô khan, nghiêm nghị, hoặc khó tính. Tuy nhiên, khi nhắc lại những kỷ niệm về cha mình, hầu hết các con cũng đều cho rằng cha của mình là người:

1.Yêu thương con cái: Chỉ khác một điều là tình yêu này thể hiện bằng hành động nhiều hơn bằng lời nói. Và do đó, đôi khi các con có cảm tưởng là cha không yêu mình.

Là người luôn quan tâm đến những gì tốt nhất cho con cái. Khi đã khôn lớn, các con đều nhận ra rằng những lần ông sửa dạy chúng không chỉ vì ông tức bực, khó chịu, khó tính mà còn vì muốn chúng học được bài học do những thiếu sót của mình.

Và không chỉ là người yêu thương con cái. Người cha tốt còn là người bạn tốt đối với các con. Bằng kinh nghiệm và hành động, chính ông là người đã dạy các con về ý nghĩa cuộc đời mà thế giới chung quanh đã không cho chúng những bài học ấy.

2.Yêu thương mẹ của các con: Điều này dễ hiểu, khi một người cha yêu thương con cái, thường cũng là người chồng tốt và chung thủy.

3.Thẳng thắn trung thực: Với các con và vợ mình. Ông chẳng có lý do gì để nói láo, hoặc gian dối ngoại trừ ông đã sao lãng tình yêu đối với vợ con. “Nói sao có vậy”, “Nói sao làm vậy”. Đó là những kinh nghiệm mà hầu hết con cái đều cảm nhận về cha của mình. Đặc biệt khi ông hứa hẹn gì với con cái.

4.Sống có nội tâm: Nhận xét về cha mình khi so sánh với mẹ, phần đông con cái đều có cùng một kết luận, đó là ông ít nói, hoặc có thái độ nhẫn nhịn trước tính hay nói, hay càm ràm của vợ. Nhưng đây lại là điều mà phần lớn các con trai, ngay cả con gái lại muốn bắt chước cha mình khi giải quyết những tranh chấp trong gia đình.

5.Làm việc vất vả chăm chỉ: Vì là người được coi như cột trụ trong gia đình. Người mang về miếng cơm, manh áo cho cả nhà. Trong xã hội ngày nay, nữ giới cũng tham gia, nắm giữ nhiều vai trò, công tác xã hội, và cũng là người đóng góp vào tài chánh gia đình. Tuy nhiên, trên cả nguyên tắc lẫn thực hành, vai trò lo lắng cho gia đình vẫn thuộc về người cha.

6.Lo lắng an sinh gia đình: Ca dao Việt Nam có câu: “Con không cha như nhà không nóc.” Kinh nghiệm sống này vẫn có gí trị ngay trong thời đại tân tiến hiện nay. Lo lắng lớn lao của người cha, người chồng thực ra không hẳn chỉ là tiền bạc. Người con khi còn nhỏ ít hiểu được những nỗi băn khoăn của cha mình trước tương lai của mình, và trước mặt, đó là sự an nguy của cả nhà. Điều này chỉ được hiểu sau khi chính chúng đã trở thành những người cha trong gia đình.

7.Cởi mở và phóng khoáng: Sau cái vẻ nghiêm nghị, khó tính là một tâm hồn cởi mở và phóng khoáng của người cha, của tâm lý nam giới. Cái nhìn viễn ảnh, lối sống cởi mở luôn là điều làm cho các con cảm thấy thoải mái, tin tưởng.

Cha cũng là người đem lại cho con những nụ cười. Ngoài ra, còn dạy con biết mỉm cười khi đời đối xử bất công với mình.

8.Có đó khi con cần đến: Mẹ có thể làm những việc như may vá, cơm nước, lo lắng cho con cách này, cách khác. Nhưng cha là người dạy con lái xe, sửa xe, cắt cỏ, thay bóng đèn, sửa bồn nước… Tóm lại, ngoài những giúp đỡ tinh thần, những hướng dẫn về học hành thì cha luôn là người có đó khi con cần đến. Theo tâm lý, người con khi đến 40 tuổi mới hiểu được và thán phục cha mình: “Không biết ngày xưa cha mình làm sao mà qua được những khó khăn này?”.

9.Thúc đẩy con vươn lên: Đôi khi không hẳn bằng lời nói, nhưng qua ánh mắt, cử chỉ và hành động, người cha luôn là động lực thôi thúc con cái phải vươn lên. Luôn có những ước mơ lớn lao cho con ông. Ông thường là người nhìn thấy, khám phá được khả năng và con người của mỗi đứa con của ông, cũng như hoài bão mà con ông có thể vươn tới.

Là người phân biệt rõ ràng những gì mình muốn và những gì mình cần. Nguyên tắc sống này rất thực tế. Nó giúp con ông biết định giá được những khả năng cũng như những tham vọng của mình.

10.Làm cho con hãnh diện: “Hổ phụ sinh hổ tử”. Đây là sự thật rất rõ ràng mặc dù trong thực tế, nhiều người cha cũng chẳng màng đến những lời khen này, vì các ông biết mình là ai và đã làm gì. Điều này càng thật hơn khi người cha đã khuất bóng, lúc ấy con họ mới nhận ra kho tàng quí giá mà Thượng Đế đã ban cho họ. Nhưng như một định luật mang tính bất công đối với người cha, là các con ông phần đông chỉ hối hận sau này khi nghĩ đến người cha đã quá cố của mình!

Tóm lại, nếu “nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, thì công cha cũng cao vời vợi: “như núi Thái Sơn”. Tình thương của người cha dành cho con tuy bao la trời biển nhưng lại ít khi bộc lộ bằng những lời nói.

Trong thực hành nếu mẹ là người lo lắng cho con miếng cơm, manh áo thì cha lại là người dạy cho con những giá trị miếng cơm, manh áo bằng những giọt mồ hôi và nước mắt.

Nếu mẹ là người lo lắng cho con khỏi vấp ngã, thì cha là người dạy cho con biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã.

Nếu mẹ là người dạy con biết trân quí những bài học quí giá trong đời, thì cha là người dạy con biết học lấy kinh nghiệm mà chính mình đã trải qua.

Nếu mẹ là người lo lắng cho con, thì cha là người dạy con biết tự lo lắng cho chính mình.

Và như mẹ lo lắng cho những bước đi đầu đời của con, cha mới chính là người hướng dẫn những bước chân chập chững vào đời của con.

Như vậy đứng trước tình yêu của cha mẹ, người con mỗi khi nghĩ về mẹ mình cũng cần nghĩ đến cha mình. Một người xem như có những cung cách nói năng, hành động, và cư xử không hợp với cảm tình của mình; nhưng thực chất, đó là những bước căn bản, và những yếu tố giúp người con lớn lên, trưởng thành và bước đi những bước vững chãi trên hành trình cuộc sống.

Nhân ngày Hiền Phụ, chúng ta hãy dành cho cha mình một sự yêu kính, với lòng biết ơn và tâm tình của những người con hiếu thảo. Hãy đến trước mặt cha mình nếu cha còn sống, và hãy cầm tay ông, nhìn vào mắt ông và nói với ông một lời: “Bố! Con yêu bố!” Nhưng điều quan trọng là hãy sống sao để ông dù có chết cũng mỉm cười thỏa mãn, vì:

“Khi người cha tắt thở, ông vẫn chưa chết

vì ông còn để lại những người con giống ông.”

(Huấn Ca 30:4).

Ngày Hiền Phụ

17 Tháng 6 năm 2018

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.