Tâm lý xã hội

Góc tối của những ứng dụng hẹn hò trên mạng

Trần Mỹ Duyệt

 

Bạn tôi gặp gỡ, quen nhau, hẹn hò và cưới một người con gái qua những ứng dụng hẹn hò trên internet. Hai người đã trao lời thề ước, đã tổ chức lễ cưới ở nhà thờ, và tiệc cưới long trọng tại nhà hàng. Ban đầu họ sống hạnh phúc và đã có với nhau hai đứa con, nhưng sau đó lại ly dị với lý do có những bất đồng không thể giải quyết (the irresponsibility differences).

Người bạn thứ hai của tôi về thăm quê hương. Trong một lần đi uống cà phê với bạn bè, anh bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Về Hoa Kỳ một thời gian, anh quay trở lại tổ chức đám cưới với người yêu rồi đưa nàng qua Mỹ. Hai người cũng có với nhau hai con, một trai và một gái. Hạnh phúc không lâu, vợ anh nhất định đưa anh ra tòa ly dị. Nàng ly dị đơn phương, vì nàng đã có người thứ ba.

Và người bạn thứ ba của tôi đã gặp người yêu của anh trên đất Mỹ. Hai người đã có một thời gian hẹn hò rất tình tứ, lãng mạn và hạnh phúc. Họ đã đến với nhau bằng nghi lễ tại thánh đường, và tổ chức đám cưới rất linh đình. Cả hai cũng có với nhau hai con trai, nhưng rồi nàng vẫn đơn phương ly dị anh. Lý do vì nàng đã có con với người khác.

Nhìn chung, cả ba trường hợp trên đều cho thấy một điểm, đó là tâm lý tiềm ẩn trong mỗi con người không thể ngày một, ngày hai mà biết rõ được. Ngoài ra, cũng không thể căn cứ vào những gì bên ngoài để định giá về một người. Đây là kinh nghiệm của ngàn năm do người xưa để lại: “Họa hổ họa bì nan họa cốt. Tri nhân tri diện, bất tri tâm.” Tuy nhiên, khuynh hướng chọn người, khuynh hướng tìm người yêu của thời nay đang đi theo chiều hướng “mì ăn liền”, tức là căn cứ vào những dáng vẻ bề ngoài, cảm tình, và những xu hướng tính dục. Những thứ này tràn lan trên mọi phương diện truyền thông, và đang được khai thác một cách hết sức tinh vi, hấp dẫn và khoa học của các ứng dụng trên các trang mạng, hay gọi là online dating. Meredith Turits trong một bài viết có tựa đề: “Góc khuất đáng sợ của việc hẹn hò trên mạng” (The darkest side of online dating) được chuyển ngữ trên báo điện tử Mai, phát hành Thứ Bảy, ngày 7 tháng Giêng, 2023, cho biết: “Tinder, ứng dụng hẹn hò nhiều người tải về nhất thế giới, đã có ba tỷ lượt lướt mỗi ngày trong suốt tháng 3/2020 – và từ đó trở đi đã liên tục phá kỷ lục hơn 100 lần.” [1]

GÓC TỐI CỦA VẤN ĐỀ

Như muốn truyền tải một thông điệp cho người dùng, đặc biệt cho thế hệ trẻ, tác giả đã đưa ra những phân tích liên quan đến những góc khuất kinh khủng mà rất ít người muốn biết, hoặc không muốn thừa nhận, nhưng chúng lại là những cạm bẫy nguy hiểm cho việc hẹn hò trên các phương tiện như vậy. Đại khái, đây là một cạm bẫy hết sức tinh vi, một khung trời bao la huyền diệu cho những ai sống bằng ảo tưởng và ảo giác, mơ tìm những thần tượng của mình trên mạng. Một chỗ cho những kẻ nói láo chuyên nghiệp, đầy kinh nghiệm gạt gẫm, lường gạt, và dụ dỗ những kẻ thơ ngây. Và một hỏa ngục cho những tâm hồn trinh trắng, đơn sơ đã không may bước vào. Những linh hồn này bị bao vây, bị khủng bố, và bị lôi kéo để không tìm ra được lối thoát. Một phương tiện mà những ai muốn hẹn hò tìm hiểu để có một người chồng, người vợ tử tế không nên dùng. Để dẫn chứng, tác giả đã đưa ra những con số thống kê được trích dẫn từ các cuộc khảo cứu có giá trị. Những kết quả này như một lời nhắc nhở cho những ai đang đùa chơi với tương lai của mình cần phải chấm dứt.

    

Theo nghiên cứu năm 2017 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 36% người hẹn hò qua mạng cảm thấy những tương tác mà họ nhận được “cực kỳ khó chịu hoặc rất khó chịu”. Lạm lạm dụng tình dục là điều luôn xảy ra trên các cuộc hẹn hò qua mạng, những lạm dụng này mang hình thức tâm lý, và khủng hoảng tâm lý bao gồm những lời lẽ thô bỉ, tục tĩu, những lời dụ dỗ trắng trợn, bệnh hoạn. Nữ giới từ 18 đến 34 tuổi, 57% cho biết họ nhận được những tin nhắn về quan hệ tình dục một cách lộ liễu, hoặc những hình ảnh mà họ không yêu cầu. Tình trạng này xảy ra càng trở nên nguy hiểm hơn cho các em tuổi vị thành niên, cách riêng với những thiếu nữ từ 15 đến 17 tuổi. Nhiều em và phụ nữ nhẹ dạ đã tin tưởng và bị dụ dỗ rơi vào tình trạng bị lạm dụng thể xác, trở thành những thiếu nữ mua bán tình dục thuộc những nhóm buôn bán phụ nữ. Nghiên cứu được thực hiện tại Úc năm 2018 về tin nhắn trên ứng dụng hẹn hò cho thấy tình trạng quấy rối và lạm dụng nhắm đến giới tính xảy ra nhiều hơn ở phụ nữ. Ngoài ra, dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2020 cũng cho thấy nhiều phụ nữ trải qua một số hình thức bị quấy rối từ ứng dụng hẹn hò. Có đến 19% nữ giới so với 9% nam giới bị đe dọa.

Để khơi dậy trí tò mò và hấp dẫn hơn, năm 2020, ứng dụng Bumble công bố phần trí tuệ nhân tạo “làm mờ một số hình ảnh và yêu cầu người dùng phải đồng ý nếu họ muốn xem ảnh đó”. Nguy hiểm tiềm ẩn được một nghiên cứu trước đó năm 2019, Đại học Báo chí Columbia ở New York City và trang tin tức ProPublica phát hiện là tập đoàn Match Group sở hữu khoảng 45 ứng dụng hẹn hò, nhưng họ chỉ rà soát danh tính kẻ tấn công tình dục với người dùng có trả tiền, mà không hề kiểm soát trên những ứng dụng miễn phí như Tinder, OKCupid và Hinge. [2]

ỨNG DỤNG THỰC TẾ

Hẹn hò (dating). Thời gian trai gái tìm hiểu nhau, chủ ý là chọn cho mình một người phù hợp để tiến tới hôn nhân. Đây là thời gian thơ mộng, lãng mạn, tình tứ của hai người. Nhưng nó cũng là thời gian quan trọng để tìm cho mình một người phù hợp.

Từ rất lâu, ca dao Việt Nam có câu: “Trai khôn tìm vợ chợ đông. Gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân.” Quan niệm này không chỉ nói lên kinh nghiệm của tiền nhân, nhưng đã đi vào tâm thức của người Việt. Nó trở thành một triết lý nhân sinh và bản sắc văn hóa của dân tộc.

“Chợ đông” được cho là có liên quan tới phẩm chất tốt của người phụ nữ gia đình, và “chốn ba quân” gắn với bản lãnh cột trụ gia đình của người đàn ông Việt Nam. Để làm nội tướng gia đình, người phụ nữ xưa phải làm quen với môi trường chợ. Nó thừa nhận vị trí quan trọng của họ – những “tay hòm chìa khóa” của gia đình. “Giữa chốn ba quân”. Hình ảnh một thao trường nơi các người đàn ông, thanh niên đang tập rượt, theo luyện binh đao để chuẩn bị cho cảnh chiến tranh đầu rơi máu chảy. Một nghĩa nào đó, khi người đàn ông có trong tay sức mạnh, mưu lược, quyền lực quân sự và chính trị, thì ngược lại, người phụ nữ nắm trong tay sức mạnh tinh thần cho sự ổn định kinh tế và sắp xếp trật tự gia đình.

Không chỉ chọn người phụ nữ ở giữa chợ đông người. Người phụ nữ của gia đình theo cái nhìn của văn hóa Việt Nam còn là một người phụ nữ bao gồm tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh. Ngày nay quan niệm tam tòng không còn mang nặng tính chất tiêu cực nữa, nhưng vị thế người phụ nữ trong gia đình vẫn luôn là một điều hết sức quan trọng. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” rất phù hợp trong bối cảnh gia đình trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào. Cũng theo quan niệm này, triết lý sống của người người chồng, người cha là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm nổi bật ý nghĩa câu ca dao tục ngữ: “Gái tham tài, trai tham sắc”. Phụ nữ thường chỉ yêu sau khi đã nể phục.

Sự chọn lựa như trên phần nào lý thuyết, nhưng để sống và để đi cùng đường với nhau trong hành trình hôn nhân, ta cần phải có cả lý thuyết lẫn thực hành. Con đường hôn nhân là một con đường đẹp, hạnh phúc, nhiều hoa thơm, cỏ lạ, trái ngọt. Nhưng cũng là một con đường gồ ghề, trơn trượt, và khó đi. Hơn 50% những cuộc hôn nhân đổ vỡ đã cho thấy thử thách của nó như thế nào?!

Ứng dụng trong tâm lý hôn nhân, khi một đôi trai gái trong thời gian hẹn hò, họ không nên chỉ tìm hiểu khả năng sức khỏe, tài chính, tri thức của nhau, mà còn phải để ý đến những chi tiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời và cách sống sau này của nhau nữa. Chúng bao gồm:

-Ảnh hưởng di truyền. Người Việt Nam có câu: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Trong gia đình có ai mang những bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo không. Có ai nghiện ngập, rượu chè, cờ bạc, và bị bắt vì trộm cướp, giết người không?

-Ảnh hưởng giáo dục. Nền giáo dục gia đình, học đường, niềm tin.

-Ảnh hưởng và sự khác biệt về văn hóa, chủng tộc, và ngôn ngữ.

-Ảnh hưởng tuổi tác. “Tình yêu không phân biệt tuổi tác”. Đây là một quan niệm sai lầm trong hôn nhân. Sự khác biệt tuổi tác sẽ đưa đến hậu quả của đời sống tình dục, tình cảm, và nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe thể lý. Tuổi tác, do đó, vẫn là một yếu tố cần được quan tâm khi nghĩ đến chuyện trăm năm.

“Tình mất vui khi đã vẹn câu thề.

Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.” [3]

Trên thực tế không có gì dang dở mà lại đẹp cả. Nhưng “tình mất vui khi đã vẹn câu thề” là điều thường xuyên xảy ra trong đời sống hôn nhân.

KẾT LUẬN

Hôn nhân là một ơn gọi (vocation), vì đó là tiếng mời gọi bước vào tình yêu mà Thượng Đế trao ban cho con người. Một tiếng gọi mời giữa hai con tim. Hôn nhân không phải là một khế ước, một trao đổi của hai người (commitment), khi người này hội đủ những gì mà người kia cho là thỏa mãn với đòi hỏi, và ngược lại.

Như vậy, việc tìm kiếm hay hẹn hò để tìm cho mình một người yêu, người chồng, người vợ có thể cùng nhau đi trọn cuộc tình là một điều hết sức quan trọng. Trong cái nhìn đó, chúng ta phải loại bỏ ý nghĩ về những hình thức hẹn hò, chọn lựa mang nghĩa “mì ăn liền”. Mới gặp nhau trên mạng, nhìn tấm hình của nhau, nghe vài lời, nói vài câu, và viết vài dòng là yêu, là cưới liền.

Hẹn hò trên mạng, tò mò và muốn thử nghiệm những cuộc hẹn hò trên mạng còn là con dao hai lưỡi, một bẫy sập tinh vi cho những ai đang muốn thử, muốn tìm kiếm một hướng đi mới cho hôn nhân. Thực tế, nó là một cám dỗ từng dẫn đến ngoại tình, làm hại và phá vỡ bao cuộc tình chân chính, bao gia đình. Đối với tuổi trẻ, cám dỗ này còn có thể tha thứ, bỏ qua, nhưng đối với những người đã có gia đình, đã trưởng thành mà còn bị thu hút và bị chi phối dẫn đến sa ngã là điều không thể chấp nhận được. Tiếc rằng điều không thể chấp nhận được ấy lại xảy ra thường ngày, và nó đang trở thành một nỗi kinh hoàng, một bóng ma cho đời sống hôn nhân, gia đình.

Riêng đối với tuổi trẻ, hẹn hò trên mạng như đã trình bày sơ lược trên, chính là một cạm bẫy tinh vi, nguy hiểm và hủy hoại tương lai. Nó nhắc nhở cha mẹ, phụ huynh phải quan tâm, hướng dẫn các em, nhất là không nên chiều chuộng các em để chúng đi vào ngõ cụt, rơi vào một tương lai đen tối hủy hoại cuộc đời của các em.

__________

Nguồn:

  1. https://baomai.blogspot.com/2023/01/goc-khuat-ang-so-cua-viec-hen-ho-tren.html
  2. Ibid.
  3. Ngập Ngừng – Hồ Dzếnh.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.