Tâm lý xã hội

Bất đồng nhưng không bất hòa: Tâm lý ứng dụng

Trần Mỹ Duyệt

 

Thỉnh thoảng chúng ta nghe ông này, bà nọ nói:

“Tao thề chết cũng không nhìn mặt nó!”
“Dù có chết tôi cũng không tha cho anh!”
“Chỉ cần nhìn thấy mặt người đó là tôi đã điên tiết lên rồi!”

Những câu nói thoạt nghe như có vẻ mạnh mẽ và dứt khoát. Nhưng ở một góc nhìn khác, đó chỉ là những câu nói mang ý nghĩa tiêu cực, tự ty, phản ảnh một suy nghĩ hẹp hòi và một tâm lý bệnh hoạn.

Trước hết, nuôi dưỡng mối thù hận về một người nào đó trong lòng, là chính tự ta mang lấy mặc cảm tội lỗi trong mình, đồng thời để mất đi cơ hội có thêm một người bạn.

Thứ đến, nếu ta không tha cho người khác, thì không phải là người khác khổ, mà chính tự mình ta sẽ mang lấy sự giận hờn trong lòng, và để nó gậm nhấm sự bình an của mình. Như vậy, không phải là người khác khổ mà là chính ta khổ. Con người yếu đuối, bất toàn là một chân lý. Và do đó, ai cũng đáng được đón nhận sự tha thứ. Cá nhân người viết đã phải mất nhiều năm trải qua những kinh nghiệm thăng trầm của cuộc sống, mới hiểu và cảm được bài học xin tha thứ và tha thứ.

Những câu nói diễn tả tâm trạng của một người về một người khác như trên nếu chỉ nói cho đỡ  tức khi nóng giận, hoặc để tránh khỏi mất mặt với người này người khác thì coi như cũng tạm hiểu được. Nhưng nếu nói rồi mà ghim trong lòng và giữ mãi mối hận thù ấy thì thật là một tai họa, và cuộc sống người nói đó chắc chắn sẽ không được bằng an, hạnh phúc.

Trở lại kinh nghiệm bản thân, người viết trong thời gian sống đời sống chung đã phải đối diện với 3 người bạn tuy không phải thuộc loại “thề đến chết cũng không nhìn mặt”, hoặc “dù có chết cũng không tha thứ”, nhưng chỉ là “nhìn thấy mặt là đã không ưa”, thế nhưng ít năm gần đây, tôi mới hiểu và cảm được mình đã sai sót, và đã hối hận về suy nghĩ như vậy. Cũng may, vì tuổi trẻ, vì hiểu lầm, vì thiếu kinh nghiệm và thiếu trưởng thành tâm lý, nên bây giờ tôi đã có cơ hội sửa sai, và tình bạn của chúng tôi lại trở nên đặm đà, thân thiết hơn lúc xuân trẻ.

Những yếu tố khiến tại sao tôi không mấy ưa thích những người bạn này lúc bấy giờ, theo tâm lý học, gọi là chemical attraction (sự thu hút hay hấp dẫn tự nhiên). Mà thật sự, những người bạn ấy theo tôi, họ đã chẳng làm gì thiệt hại đến tôi, chẳng nói gì khiến tôi bị va chạm tự ái, hoặc mất mặt, nhưng tuyệt nhiên, ở vào thời điểm đó, tôi không thể đến gần hoặc có cảm tình đối với họ. Và tôi cho rằng, họ cũng biết điều này, để rồi như một phản ứng tự vệ, họ cũng không thấy thích thú để kết bạn với tôi. Nhưng thời gian đã làm cho tôi thay đổi quan niệm và cái nhìn. Tuổi đời cũng đã dạy tôi nhiều suy nghĩ tích cực, có cái nhìn lạc quan về tình người, tình bạn. Đó là kinh nghiệm mà tôi đã trải qua và tôi muốn chia sẻ, đặc biệt đối với các bạn trẻ, những người đang có chút thành đạt cả về công danh lẫn sự nghiệp trong cái nhìn và giao tiếp với bạn bè.

Một trong số ba người bạn mà tôi bắt đầu hiểu, thân thiết và qúi mến trở lại đã qua đời cách đây 5 năm. Trong một trường hợp tình cờ, tôi đã liên lạc với anh qua điện thoại, đề nghị anh một sự đóng góp cho một dự án từ thiện của tôi. Tôi chỉ hy vọng anh còn nhận ra tôi là những người bạn của thời xa xưa. Nhưng một bất ngờ khiến tôi cảm thấy khó tin, anh đã rộng rãi đóng góp, không những thế, từ đó về sau tất cả những lời kêu gọi của tôi đều được anh tham gia một cách nhiệt tình cho đến khi anh qua đời. Phải chăng sự thay đổi này đã đến với cả hai chúng tôi? Tuổi đời và kinh nghiệm sống đã nối kết chúng tôi lại với những kỷ niệm của quá khứ. Sự hấp dẫn tự nhiên đã nhường bước cho một tình bạn chân thật qua kinh nghiệm và cái nhìn trưởng thành về nhau.

Tình bạn của người bạn thứ hai hiện nay đang định cư tại Úc châu cũng đã đến với tôi một cách rất tình cờ, và cũng chỉ mới khoảng 5 năm trở lại đây trong một chuyến anh qua thăm Mỹ. May cho chúng tôi là anh có người thân tại Westminster, CA, và thế là chúng tôi không hẹn mà hò đã có một tuần lễ rất đậm đà tình bạn với nhau. Chúng tôi đã gọi nhau là “cố tri”. Chúng tôi đã trao cho nhau những cảm tưởng, những suy nghĩ về sự ngây ngô của tuổi trẻ, về những cái đã khiến chúng tôi không có một tình bạn thân thiết khi còn trẻ. Và kể từ đó, chúng tôi ngày càng trở nên thân thiết hơn bao giờ.

Và người bạn thứ ba, điều làm tôi hết sức bỡ ngỡ, đó là anh đã viết cho tôi những dòng tâm sự này trên email: “Mình biết trước đây tụi mình không mấy thân thiết với nhau. Nhưng thời gian xa nhau, mình vẫn luôn nghĩ tốt về Duyệt. Bất cứ bạn bè nào nói xấu, hoặc nhận xét tiêu cực về cậu là mình “đóng đinh” chúng nó liền”. Tôi thật sự xúc động khi đọc tâm sự này và thầm nghĩ, còn tìm đâu được người bạn tốt như vậy? Tại sao một người bạn như vậy mãi nay sau 50 năm tôi mới khám phá ra. Kể cả người đó, tại sao luôn có cảm tình tốt với tôi mà lại giữa mãi cho đến giờ này mới bộc lộ. Thời điểm mà chính anh đã nói là “get line for a last trip” vì bệnh ung thư của anh đang ở vào giai đoạn cuối. Có thể cũng tại vì cái “chemical attraction”, và cũng tại vì tuổi trẻ chúng tôi đã không có những suy nghĩ chín chắn về tình bạn.

Chúng ta có nên giữ lòng giận hờn, thù ghét, hoặc nghi ngờ nhau về một câu nói, một hành động vô tình hoặc ngay cả cho là hữu ý không? Hoặc chúng ta có nên lạnh lùng, xa cách hay coi thường người bạn, mà theo từ ngữ của tâm lý học là không có những hấp dẫn tự nhiên từ bên ngoài không?

“Có được người bạn tốt là như chiếm hữu một kho báu” (Ecclesiasticus 6:14) “A faithfull friend is a strong defence: and he that hath found such an one hath found a treasure.” Triết gia Cicero cũng đã từng nói: “Sức mạnh của tình bạn có thể làm nảy nở sự thịnh vượng, phát triển  và xua tan đi nghịch cảnh.”

Nhưng người bạn tốt, người bạn trung tín không nhất thiết phải là người luôn đem lại cho chúng ta cảm giác được tâng bốc, được ca tụng, được thoải mái, kể cả cảm giác được kính trọng. Theo Tuân Tử: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”. Như vậy, những bạn hữu khiến chúng ta đôi lúc cảm thấy không hài lòng về những lời trách móc, sửa sai, hoặc những nhận xét khách quan về con người, về cách sống, và về cuộc đời của chúng ta chưa chắc đã là những người bạn xấu. Ngược lại, những người xem ra bề ngoài luôn luôn khen chúng ta, tâng bốc, nịnh bợ chúng ta. Họ xuất hiện trước mặt chúng ta như một hiền nhân, quân tử hay một triết gia cũng chưa chắc đã là người tốt. Và như vậy, những dáng vẻ bề ngoài kia cũng là những gì khiến chúng ta phải có tầm nhìn khách quan, trung thực để nhận xét, và phán đoán.

Trong đời sống thực tế, ít khi chúng ta gặp được một người hoàn toàn theo ý mình. Dù là hai kẻ yêu nhau, dù là vợ chồng, dù là hai bạn thân, hoặc bất cứ mối thân tình nào. Chúng ta chỉ gặp được những con người mà họ chỉ có thể phần nào đáp ứng được những đòi hỏi, những mong ước của mình. Nhưng quan trọng là những người ấy là gì đối với chúng ta, và chúng ta phải có thái độ nào trong những tương quan ấy. Cố chấp, ích kỷ, và chủ quan chỉ làm cho tình cảm, tình yêu, và tình bạn của chúng ta trở nên mòn mỏi, héo úa và đi đến chỗ tan rã. “Bất đồng quan điểm chứ không bất hòa” là một tâm lý ứng dụng thực tế trong cuộc sống. Điều này giúp chúng ta biết tự trọng, tự nhận thức, và tự kiềm chế trong những tương quan giữa mình cũng như với những người khác. Và đây là cái làm cho cuộc sống mang nhiều ý nghĩa lạc quan, tích cực và đáng sống hơn.

 

 

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.