Tâm lý hôn nhân

Năng lực phục hồi giá trị hôn nhân


Trần Mỹ Duyệt

 

Mỗi người khi sinh ra vào đời đều được trao cho một sứ mệnh. Tùy theo quan niệm và lối nhìn, sứ mệnh ấy có thể được xem như một nghề nghiệp, một bậc sống, hay một ơn gọi. Như vậy, không ai sinh ra vào đời mà lại không được đặt vào đôi tay, khối óc, và trái tim mình một ít vốn liếng cần thiết cho nghề nghiệp, bậc sống, và ơn gọi của mình. Theo tinh thần Tin Mừng, đó là những nén bạc. Người được trao cho 1 nén, người khác 2 nén, người khác nữa 5 nén tùy theo ý muốn của Thượng Ðế.

Nhưng thực tế đã cho biết, có nhiều người đã hoang phí số vốn ấy ngay khi còn thiếu thời: bỏ học, lười biếng, bạn bè xấu… Kẻ khác tiêu xài quá tay khi ở tuổi trung niên: cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, trai gái… Và cũng có người khi tuổi đời xế bóng: buông xuôi, trốn tránh xã hội, và cô độc… Ðó là những thành phần mà thường ngày họ sống như những kẻ chán đời, hận đời, và thù ghét xã hội. Ðối với họ, đời là một chuỗi ngày dài đáng ghét, buồn thản, và cuộc sống là vô giá trị. Họ luôn luôn hận thù và nghĩ rằng đời không công bằng với họ. Họ có thể phải khác hơn và phải thành công hơn những gì mà họ đang có. Những họ lại cố tình hay không hiểu rằng chính họ đã hủy diệt tương lai và giá trị cuộc sống của họ, chứ không phải do ai khác. Cũng không phải đời đã bất công đối với họ.

Ngược lại, cũng thực tế lại cho thấy có biết bao nhiêu tâm hồn cao thượng quanh ta, và ở mọi nơi. Họ là những người chấp nhận cuộc đời, mở rộng tâm hồn, đôi tay và thiện chí xây đắp cuộc đời: cuộc đời chính họ và cuộc đời của tha nhân. Xây dựng, xoa dịu và làm đẹp cho đời. Họ là những tâm hồn cao thượng. Họ can đảm và dám đối diện với thực tế, với cuộc đời mặc dù đời không phải luôn luôn dễ dãi và mỉm cười với họ. Và mặc dù đời có quay mặt lại với họ, phũ phàng, cười nhạo họ. Tóm lại, đây là những người ta cần phải học hỏi, bắt chước, cần phải nâng đỡ để cùng với họ, ta làm được một cái gì đó cho đời và cho chính mình.

HIỆN TƯỢNG HÔN NHÂN THỜI ÐẠI

Những thứ đang làm cho nhiều người thiện chí thao thức và quan tâm đến đời sống hôn nhân, gia đình hiện nay:

1- Ly dị:

Hơn 50% những cặp hôn nhân ngày nay đã tan vỡ bằng ly dị, và hàng triệu, triệu các em nhỏ đã không được hưởng hạnh phúc của một gia đình đầy đủ với cha mẹ, và anh, chị, em. Ðiều này hẳn cũng đã đôi lần khiến ta phải suy nghĩ khi tham dự một lễ cưới, hoặc tiệc cưới của con, cháu, hay anh chị, em, bạn hữu. Trong những lúc như vậy, có khi ta tự hỏi: “Ai! Ðôi nào trong những đôi này sẽ ở trong số ½ những cặp hôn nhân ly dị?” Và kết quả thật đau lòng, nhiều cặp trong số ấy chỉ kéo dài cuộc sống hôn nhân sau 3, 5, hoặc 10 năm chung sống.

2- Phá thai:

Cơn cuồng phong phá thai – kết quả của những quan niệm lệch lạc về hôn nhân. Con số thống kê của các quốc gia, cũng như tại Việt Nam rất khủng khiếp. Mỗi năm trên thế giới có đến hằng chục triệu những thai nhi bị giết, bị hủy diệt bằng nhiều cách do chính cha mẹ và những người phụ giúp cha mẹ các em làm việc ấy.

Ðọc những tài liệu về phá thai, tự nhiên tôi liên tưởng đến cái chết của hơn mấy trăm ngàn người Nhật sau hai trái bom nguyên tử bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki vào thời Ðệ Nhị Thế Chiến với câu tự hỏi, nếu vậy, ngày nay người ta phải dùng đến bao nhiêu trái bom nguyên tử để hủy diệt hằng chục triệu thai nhi mỗi năm. Một não trạng và lối sống vong thân, nói theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là tệ trạng của một nền “văn hóa sự chết”!…

3- Ðồng tính, hôn nhân đồng tính:

Não trạng và tầm nhìn lệch lạc về hôn nhân của xã hội hiện nay đang đem lại nhức nhối cho nhiều người, nhiều cha mẹ, nhiều phụ huynh, đặc biệt khi phải đối diện với tình trạng đồng tính và hôn nhân đồng tính của con cháu, anh chị em mình. Tội hay phúc? Xấu hay tốt? Chưa ai có đủ thẩm quyền phê phán và lượng định trên bình diện lương tâm con người. Nhưng với cái nhìn tự nhiên của mục đích hôn nhân, thì lối sống này quả thật không đạt được ý nghĩa tròn đầy của nó.

HẬU QUẢ CỦA LY DỊ

Hậu quả sự tàn phá những giá trị tinh thần và vẻ đẹp tích cực đời sống hôn nhân không dừng lại ở những lãnh vực xã hội và đạo đức xã hội. Nó còn ảnh hưởng sâu đậm đến những người trong cuộc như cha mẹ, con cháu, và cả đến những thế hệ mai sau.

1- Giữa vợ chồng:

Ðối với những nạn nhân của ly dị, biến cố này đã để lại một vết thương đau đớn khó hàn gắn, hoặc đòi hỏi lâu ngày mới được hàn gắn. Hậu quả tâm lý này được phản ảnh qua những lần ly dị kế tiếp. Vì một lần ly dị sẽ mở đường cho những lần ly dị sau này. Bởi lẽ họ sẽ không còn tin tưởng vào tình yêu của mình cũng như của người khác. Ảnh hưởng này còn dẫn đến một quan niệm về tình yêu và hôn nhân như một trò chơi ái tình, đến rồi đi không mang một ý nghĩa hay giá trị tinh thần nào cả.

Ngoài ra, tình cảm con người cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ít người sau khi ly dị mà quay lại nhìn nhau bằng một cái nhìn thân thiện và bằng hữu. Và nếu đã không nhìn nhau như bằng hữu, thì sự thù hận, cay đắng sẽ mãi mãi là một cầm buộc nơi chính con người ấy; do đó, sẽ khó có được sự khách quan và công bằng. Dĩ nhiên, hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng đến con cái của họ.

2- Với con cái:

Ðối với con cái sau khi cha mẹ ly dị. Ðây chính là đề tài mà nhiều nhà tâm lý, xã hội, cũng như đạo đức không đồng nhất với nhau về kết quả của những cuộc khảo cứu. Nhưng nói chung, con cái sống với mẹ và cha dượng, với bố và mẹ kế, với những người anh, chị, em không cùng cha mẹ, ít nhiều vẫn có những khó khăn khi hội nhập vào một môi trường và hoàn cảnh sống mới. Dù là Âu, Mỹ, Phi, hay Á, tâm lý “con ông, con tôi, con chúng ta” vẫn là một tâm lý không chỉ gây phiền toái cho con cái, mà còn ngay cho cả những cha mẹ này.

3- Xã hội và tâm linh:

Ảnh hưởng ly dị còn liên quan đến lãnh vực xã hội và tâm linh nữa. Một xã hội mà trong đó giới trẻ mất niềm tin, sống trong tâm thức buồn nản và thất vọng khi nhìn đến sự đổ vỡ của cha mẹ. Những trẻ em này khi lớn lên cũng sẽ hành động hay bị thôi thúc hành động như cha mẹ chúng. Kết quả khảo cứu đã cho thấy, con cái các cha mẹ ly dị cũng có xác xuất ly dị cao hơn con cái những cha mẹ không ly dị.

Như vậy, sự đổ vỡ về hôn nhân, mà hậu quả kinh khủng của nó chính là căn bệnh hiểm nghèo của gia đình và xã hội. Và việc tiếp tay xây dựng, đổi mới, và làm đẹp đời sống này, chính là những việc làm dù rất nhỏ bé, nhưng thật sự cao cả và cần thiết. Khi nền tảng gia đình là đời sống hôn nhân bị phá sản, thì nhân loại không cần phải đến bom nguyên tử, những khí giới giết người hàng loạt, hoặc những thiên tại như động đất, bão lụt hủy diệt, nhưng chính nó sẽ tự hủy diệt và nhận chìm nó, vì hôn nhân là cốt lõi của gia đình, mà gia đình là nền tảng của xã hội và giáo hội.

NĂNG LỰC PHỤC HỒI

Ai dám nhận mình tốt lành, và thánh thiện? Họa may chỉ dám tự nhận mình là một tội nhân nhờ ơn biết xám hối. Và vì thế, thật là hữu lý khi ta biết dùng chút thời giờ, khả năng, và sức lực của mình cho một ơn gọi mà như vừa trình bày ở trên, là cấp bách và thực tế: Ơn gọi hôn nhân gia đình.

Ða số chúng ta bước vào đời sống hôn nhân với nhiều thiếu sót và không mấy trưởng thành cả về thể lý, tâm lý, và tâm linh. Điều này dẫn tới cái nhìn về tình yêu, hôn nhân, gia đình thường bị lẫn lộn bởi những thao thức, hồi hộp, và hấp dẫn của tình cảm và tình dục. Chính vì thế, khi trách nhiệm và bổn phận của người làm chồng, làm cha, làm vợ, và làm mẹ ùa tới, nhiều người đã hốt hoảng, đã trốn chạy, và đem tới đổ vỡ. Nhưng hậu quả của những tan vỡ ấy không dừng lại ở chỗ 2 người chia tay nhau. Nó còn chồng kéo đến cả đời con, cháu, mà hệ quả là dẫn tới một quan niệm và lối sống về hôn nhân, về gia đình như hiện nay.

Những buổi thuyết trình, hồi tâm, hội thảo, cũng như những cuộc gặp gỡ trao đổi giữa bạn bè quen thân là những cơ hội để bạn và tôi có dịp ngồi lại, chia sẻ và giúp nhau “tái khám phá”. Vâng, tái khám phá thôi, vì tự nó hôn nhân đã là một khởi đầu của hạnh phúc, và là một cơ hội để con người sống chung hạnh phúc. Và sau khi tái khám phá là việc phục hồi, bởi vì do bụi bặm của thời gian, do sức ép của cuộc sống, và do những nhàm chán của cuộc đời thường nhật đã làm cho nhiều người từ từ mất đi cái nhìn đích thực về những giá trị và vẻ đẹp của đời sống này.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.