Tâm lý hôn nhân

Làm mai

Nguyễn Thị Thanh Dương

 

Tiếng phone vang lên, chị Bông đang bận rộn trong phòng. Tiếng chồng cũng vang lên:

– Em ơi, phone của chị Hảo gọi em

– OK. Có em ngay đây.

– Từ hôm tái ngộ đến giờ hai bà nhiều chuyện nhỉ, một tuần gọi nhau mấy lần.

– Vậy mà chưa hết chuyện đó anh?

Chị Bông nhấc phone lên và chuyện trò vui vẻ ríu rít như lần đàu tiên hai người tái ngộ sau bao năm xa cách. Chị Bông và chị Hảo là bạn hàng xóm cũ, chị Hảo sang Mỹ trước

mấy năm sau mới đến chị Bông. Họ thất lạc nhau từ dạo đó rồi tình cờ qua một người bạn khác họ nối lại nhịp cầu thân.

– Ủa, chị đang tìm vợ cho thằng Út hả?

Chị Hảo kể lể:

– Nhà có 3 thằng con trai hai anh nó đều nhanh chóng kiếm được vợ là bạn cùng học, còn thằng út Bảo hiền lành lận đận hơn hai anh, quen cô nào cũng không đi tới đâu nên

tôi muốn tìm người giới thiệu cho nó, một cô gái còn đủ những bản tính ngoan hiền của phụ nữ Việt Nam thì tôi thích nhất..

Chị Bông lanh chanh:

– Ðây, đây, đâỷ tôi có sẵn mối đây, đúng là có duyên với nhau nhé, chị đang cần và hỏi rất đúng chỗ, cô này vừa xinh vừa ngoan, con nhà tử tế, và là cháu của tôi..

Chị Hảo reo lên vui mừng:

– Ðược cháu chị thì tốt qúa, duyên tao ngộ của tôi và chị vừa mừng vui vừa mang lại niềm may mắn đấy..

Chị Bông cũng hí hởn:

– Trời xui khiến tôi và chị gặp lại và trời cũng xui khiến chị thố lộ chuyện tìm vợ cho con đúng lúc tôi có đứa cháu họ đang là du học sinh ở Pháp, tôi cũng đang muốn tìm người kết duyên cho nó đây.

– Sao cháu không du học Mỹ mà lại du học Pháp hả chị?

Chị Bông khoe:

– Cháu tên Tuyền, tốt nghiệp phổ thông hạng giỏi và đoạt được xuất học bổng của Pháp.Tuyền đã sang Pháp được 1 năm rồi. Con bé giỏi giang thông minh lắm, nó mà sang Mỹ thì học gì chẳng được, sinh ngữ chính của nó là Anh ngữ mà, vì Pháp cho học bổng nên ráng đi thôi, chứ bỏ tiền túi ra thì dại gì không đi Mỹ.

Chị Hảo hài lòng lắm:

– Vậy chúng nó sẽ liên lạc trao đổi hình ảnh và thư từ trước xem có thích nhau không thì sẽ gặp gỡ sau chị nhé. Thằng Bảo mà lấy cháu gái chị thì chúng tôi yên tâm rồi và tình bạn chúng ta sẽ biến thành tình thân.

Chị Bông khẳng định:

– Chứ còn gì nữa, chị tin cậy tôi, tôi cũng tin cậy chị, hai cháu chắc sẽ thành đôịhạnh phúc.

Chị Bông vừa cúp phôn thì anh Bông lo ngại hỏi vợ:

– Em à, em định làm bà mai lần nữa sao? anh lo ngại lắm, con Tuyền là cháu em thật nhưng xưa nay em có sống gần gũi đâu mà biết tính nết nó.

– Thì nghe bố mẹ nó kể em cũng đoán ra tính nết nó rồi Ai cần tìm bạn đời là em đều muốn ra tay mai mối cho cuộc đời vơi bớt kẻ lẻ loi, huống gì mối này lại thích hợp

cho cháu em, vừa giúp người vừa giúp cháu được ở Mỹ..

– Nhưng em không mát tay, đừng ra tay tội nghiệp người ta. Một lần tưởng em sợ tới gìa rồi chứ?

– Em có kinh nghiệm rồi, sau một lần thua đau lần này sẽ khác hoàn toàn?

Chị Bông nhíu mày gắt chồng:

– Mà sao chưa gì anh đã ủ ê điều xui xẻo rồi. Chán anh qúa, con người luôn bi quan cầu bại. Anh nhắc tới vụ làm mai con Ngân để làm em mất hứng hả?

Cách đây 3 năm chị Bông đã làm mai một anh kỹ sư Mỹ trong hãng cho đứa cháu họ ở Việt Nam.

Anh Mark thích người Việt Nam, mỗi giờ lunch thường mang đồ ăn ra ngồi cùng bàn với chị Bông, vừa ăn vừa chuyện trò, biết Mark độc thân và có ý định tìm 1 phụ nữ Việt

Nam để kết hôn, thế là chị Bông không bỏ lỡ cơ hội.

Chị Bông có mấy đứa cháu gái họ gần họ xa ở Việt Nam lúc nào cũng ước mong kiếm được chồng kết hôn để qua Mỹ định cư để đổi đời. Suy nghĩ kỹ chị lựa Ngân vì nhà nó nghèo nhất luôn là ưu tiên số một để?giải thoát đói nghèo cho nó.

Gia đình Ngân ở một vùng nông thôn miền Bắc chị Bông đã về thăm họ hàng miền Bắc một lần nên hiểu rõ hoàn cảnh nhà Ngân lắm.

Ngân trình độ văn hóa thấp, mới học hết lớp 7 thì nghỉ ở nhà phụ bố mẹ làm ruộng, nhưng bù lại cô gái nghèo ít học được trời cho một nhan sắc khỏe mạnh và xinh xắn.

Ngân hiền lành tử tế đúng với tiêu chuẩn đòi hỏi của Mark, Mark không mong gì hơn. Người Mỹ thoáng hơn người Việt Nam, không so đo tính toán về gia cảnh hay trình độ

học vấn miễn là họ hợp nhãn và có tình cảm..

Mọi việc diễn ra suôn sẻ từ lúc đầu hai người liên lạc nhau bằng email, dĩ nhiên qua sự thông dịch của chị Bông, rồi trao gởi hình ảnh rồi Mark theo chị Bông về Việt Nam gặp Ngân trước khi hai người quyết định kết hôn, cho đến đám cưới tổ chức ở Việt Nam vừa là bằng chứng hợp pháp để Mark bảo lãnh vợ vừa để Ngân và gia đình rạng rỡ niềm vui, niềm hãnh diện với họ hàng và lối xóm.

Chưa đầy một năm sau Ngân đã sang đoàn tụ với chồng. Mới sang Mỹ lại không biết một chữ tiếng Anh nào nên cái gì Ngân cũng phone hỏi chị Bông.

Ngân sang Mỹ sống với Mark được chừng một tuần thì gọi phone cho chị Bông giọng hối hả:

– Cô ơi sắp đến ngày phụ nữ.

Vừa nghe đến 3 chữ ngày phụ nữ chị Bông nghĩ ngay đến ngày phụ nữ Việt Nam hay ngày phụ nữ vùng lên mà trước kia lúc còn ở Việt Nam chị đã từng nghe đến quen tai và nhàm chán, chị liền vội vàng cắt ngang không hài lòng:

– Cháu ơi, sang đến Mỹ rồi cháu còn bận tâm đến ngày phụ nữ làm gì, chuyện ấy để chính quyền Việt Nam lo..

– Không phải thế, ý cháu muốn nói là sắp đến ngày phụ nữ của cháu, là ngày cháu có tháng đấy. Cháu cần…

Bấy giờ chị Bông mới hiểu ra:

– Là ngày cháu có kinh nguyệt ấy hả cháu gọi là ngày phụ nữ thì làm sao cô hiểu cho nổi. Ðược rồi cô sẽ chỉ cháu mua băng vệ sinh.

Ngân bào chữa:

– Ở quê cháu người ta gọi vậy cho lịch sự cô ạ.

Chị Bông mừng vui và yên thân được chừng mấy tháng thì một hôm chị nhận được phone của Ngân với giọng ngượng ngùng và buồn bã:

– Cô ơi cháu khổ tâm lắm anh ấy chẳng muốn quan hệ với cháu.

Chị Bông lo lắng hay là Mark đã nhận thấy sự chênh lệch học vấn kiến thức không thể hoà hợp hai tâm hồn, như hai quốc gia bất đồng xung khắc thì mối quan hệ ngoại giao

không tốt đẹp. Chắc anh ta lạnh nhạt không thèm nói chuyện với vợ nên Ngân tủi thân. Chị Bông trấn an:

– Mark không quan hệ cũng không sao cháu à, cứ sống với nhau khi có con là sẽ hiểu nhau và hai tâm hồn sẽ gần lại.

– Cô lại hiểu sai ý cháu rồi, là anh Mark không quan hệ vợ chồng với cháu, là không có chuyện ấy với cháu.

Chị Bông vừa bàng hoàng vừa trách cháu:

– Sao cháu không nói đầy đủ là  quan hệ vợ chồng mà chỉ nói nửa vời, cô không hiểu tiếng miền Bắc lịch sự của cháu đâu nhé, lần sau cháu phải nói cụ thể rạ. Trời ơi,

có nghĩa là Mark không làm chuyện vợ chồng với cháu mấy tháng nay hả? hả? hả?

– Vâng, chính xác là thế.

Chị Bông chết điếng người khi lắng nghe hết câu chuyện thầm kín của vợ chồng Ngân. Không thể ngờ rằng Mark đẹp trai cao lớn như thế mà bất lực, từ ngày mang vợ về Mỹ

anh ta chưa hề ân ái với Ngân, ban đầu Ngân chỉ ngạc nhiên tự hỏi? Hay phong tục người Mỹ nó thế?  Để dành một ngày nào đó mới động phòng?  Và hay là anh ấy đợi mình qua ngày phụ nữ cho sạch sẽ mới dám gần gũi.

Rồi Ngân mắc cở không dám hỏi ai hay thố lộ với ai.

Mấy tháng trôi qua thì Mark mới tâm sự với Ngân về sự bất lực của mình, Ngân đã hiểu chút tiếng Anh vừa nghe vừa đoán cũng biết là anh rất cô đơn muốn cưới vợ để làm

một người bạn trong cuộc sống, thay vì chỉ làm bạn với con chó như mấy năm qua.

Mark nói Ngân không cần đi làm, anh sẽ cung cấp cho Ngân một đời sống vật chất đầy đủ vì ngoài đồng lương kỹ sư Mark còn thừa hưởng tiền lời hàng tháng từ gia tài to

lớn của cha mẹ để lại.

Mark đồng ý cho Ngân có một bạn tình bên ngoài để đời sống sinh lý quân bình, nhưng Ngân vẫn là vợ Mark và cùng sống bên anh suốt đời cho vui nhà vui cửa..

Mark rất yêu thương Ngân và cần Ngân, đi đâu cũng có hai người, ngay như ở nhà lúc ngồi xem tivi Mark cũng không thể thiếu Ngân, anh ôm ấp Ngân để cùng chia sẻ một bản

tin hay chuyện phim trên ti vi .

Ngân đã có tất cả, quần áo, nữ trang, xe đẹp, Ngân theo Mark đi đến những nhà hàng sang trọng, những nơi chốn thanh lịch, đi đâu, làm gì cũng có Mark. Nhưng Ngân chỉ

thiếu Mark trong chuyện gối chăn.

Ngân không thể vừa là vợ Mark vừa là bạn tình của ai đó bên ngoài. Ðó là điều xúc phạm ghê gớm đối với Ngân, một cô gái nhà quê con nhà nề nếp quen với những điều lễ

nghĩa. Bây giờ Ngân chẳng biết tính sao.

Chị Bông khuyên cháu ráng chịu đựng cho tới khi có tấm thẻ xanh. Hãy chăm sóc và mang niềm yên vui cho Mark coi như cám tạ tình yêu và công lao Mark đã mang Ngân sang

Mỹ rồi vài năm sau sẽ lựa lời, tìm cách phân bày cho Mark hiểu để li dị.làm lại cuộc đời.

Ngân nghe lời khuyên này và đang sống với chồng như hai ngườỉ bạn thân, rất thân..

Anh Bông vẫn bị ám ảnh chuyện của Ngân, cố tình làm chị Bông nản lòng:

– Về phía cháu Tuyền của em thì ngoan rồi, còn phía chị Hảo, em quen thân chị Hảo nhưng nào biết tính nết con chị ấy mà đòi làm mai? Một vụ anh Mark kia đã đau lòng biết

bao rồi. Ai mà ngờ nổi một người không thể ăn được mà vẫn cất công mua về nhà tấm bánh ngon cho khổ người ta.

– Thì coi như Mark ăn bánh bằng mắt. Tụi Mỹ đôi lúc thật khó hiểu.

Chị Bông tự tin tiếp:

– Nhưng em đã gián tiếp kiểm tra rồi, em hỏi chị Hảo rằng thằng Bảo của chị thích có nhiều con hay ít thì chị Hảo nói nó muốn lấy vợ và có 3 đứa con như bố mẹ đã có là

vừa đủ. Một thanh niên bình thường mới có ước ao con cái như thế chứ.Vậy chúng ta khỏi lo thằng con trai út chị Hảo bất lực.

Chị Bông thêm niềm tin:

– Chị Hảo kể tính nết Bảo hiền và tốt. Thử hỏi một thanh niên tử tế có ăn học, có việc làm, em không làm mai cho cháu mình cũng uổng. Lần này em làm mai cho con Tuyền

để nó sang Mỹ phát huy hết khả năng học vấn. Hai đứa thật xứng lứa vừa đôi, cháu mình cũng vừa xinh vừa giỏi

– Nghĩa là em vẫn tiếp tục làm mai vụ thứ nhì này, phải không?

– Vâng, thua keo này bày keo khác. Không lẽ ván nào cũng thua. Lần trước em làm mai con cháu nhà quê miền Bắc, lần này con cháu dân thành phố Sài Gòn miền Nam, học vấn

tương đương với chú rể. Hai đám khác nhau không thể nào lây cái xui xẻo trước được.

Sau khi nghe chị Bông ca ngợi đứa cháu gái, chị Hảo đồng ý và khuyến khích con trai thử làm quen Tuyền và tìm hiểu xem sao, nếu có duyện thì thành chồng vợ, nếu không

thì làm bạn cũng vui.

Mọi việc tiến triển tốt đẹp y như vụ làm mai đầu tiên của chị Bông cho Mark và Ngân.

Sau một thời gian trao đổi thư từ hình ảnh và gọi phone cho nhau, Bảo đã thu xếp một chuyến đi Pháp gặp Tuyền. Cuối cùng hai đứa cùng đồng ý tiến tới tình cảm xa hơn.

Chị Hảo hài lòng nói với bạn về dự tính tương lai:

– Thằng Bảo cưới Tuyền sang Mỹ chúng tôi sẽ cho Tuyền ăn học, chẳng mấy chốc lấy bằng cấp bên Mỹ thì cuộc sống hai vợ chồng nó càng vững vàng và hạnh phúc.

Chị Bông vui lắm, lần này không có lý do gì mà trục trặc cho được.

Một năm sau thì Tuyền sang Mỹ, vợ chồng chị Bông hớn hở từ Texas bay qua Florida để cùng gia đình chị Hảo đón cô dâu tương lai.

Nhìn cảnh gia đình chị Hảo và nhất là Bảo ân cần tiếp đón Tuyền mà chị Bông càng thêm mát lòng mát dạ.

Chị nói riêng với chồng:

– Anh thấy chưa? Em vừa giúp nhà chị Hảo có dâu ngoan dâu giỏi vừa mang được đứa cháu sang Mỹ định cư, khỏi phải lang bang du học ở nước Pháp và chờ ngày trở về Việt

Nam nữa.

Anh Bông cũng vui:

– Ừ, tôi thấy cảnh này là yên chí rồi.

Chị Bông hứa hẹn:

– Lần sau sẽ tới lượt cháu gái anh. Con Thúy Hiệp con chị Ba của anh cũng ao ước đi Mỹ phải không? Em sẽ làm mai cho nó kẻo anh ganh tị em chỉ lo làm mai cho cháu của

em.

Anh Bông xiêu lòng:

– Ừ. Chị Ba cứ nhờ kiếm chồng cho Thúy Hiệp đi Mỹ mà anh đâu dám. Thôi, nhờ em vậy, có người vợ lanh chanh như em may ra nhờ được vụ này.

Chị Bông hào hứng thêm:

– Làm mai con Thúy Hiệp xong, anh còn đứa cháu gái nào cứ đưa danh sách đây em sẽ làm tiếp. Nhưng anh đừng nói em lanh chanh nữa nhé, chẳng qua là em chỉ muốn giúp

người giúp đời .

Vợ chồng chị Bông đã ở lại nhà chị Hảo mấy ngày chung vui với cháu và gia đình bạn. Vợ chồng chị được chủ nhà tiếp đãi nồng hậu, vừa là chỗ bạn bè vừa là chỗ làm sui

trong tương lai gần sắp tới..

Gia đình chị Hảo vẫn theo lễ nghĩa phong tục Việt Nam, lại đạo Thiên chúa giáo nên hết sức giữ gìn. Chị cho Tuyền ở một phòng riêng và dặn dò Bảo cũng như Tuyền đều phải

giữ mình trong trắng cho đến ngày tổ chức hôn lễ. Cả hai ngoan ngoãn hứa sẽ vâng theo.

Gia đình sẽ chọn thời gian thích hợp sớm nhất để làm đám cưới, trong khi chờ đợi nhà chị Hảo sẽ dạy Tuyền lái xe cũng như tập làm quen với nếp sống và xã hội Mỹ.

Ðám cưới cho con trai út vợ chồng chị Hảo dự định làm thật lớn vì là đám cưới sau cùng của 3 đứa con và vì cả nhà cũng như Bảo rất ưng ý cô dâu.

***

Tiếng phone reo liên hồi, anh Bông lại gọi toáng lên:

– Em ơi, có phone của chị Hảo nè?

Chị Bông hớn hở nói với chồng:

– Lần này không phải tán dóc như mọi lần nhé, chắc chị Hảo gọi bàn ngày đám cưới đây? Con trai nôn nóng vợ qúa thúc giục mẹ nó đây mà.

– Dù là bàn đám cưới thì hai bà cũng sẽ bàn cả giờ đồng hồ?

Chị Bông vội vã bốc phone và đon đả:

– Chào chị Hảo, chị thông báo tin vui hả? Mới có 2 tuần đã chọn được ngày lành tháng tốt rồi hả?

Tiếng chị Hảo vang to giận dữ:

– Cưới hỏi gì ! Chị chuẩn bị đón cháu chị về !!

Chị Bông kinh hoàng lắp bắp:

– Trời ơỉ có chuyện gì?… Chuyện gì? Chị nói tôi nghe!!

– Tôi không có thì giờ và tâm trí nào giải thích cho chị nữa. Chị nghe cháu gái của chị nói thì biết.

Tiếng Tuyền buồn bã và e dè thốt lên trong phone:

– Chào mợ Bông?

Chị Bông sốt ruột:

– Thôi khỏi chào ?

Tuyền vẫn lịch sự lễ phép kiểu Việt Nam :

– Cậu mợ có khỏe không ạ?

Chị Bông nóng nảy gắt lên:

– Thôi khỏi hỏi thăm?.

– Cậu mợ khỏe mạnh là cháu mừng?

– Trời ơi, cháu đừng thủ tục thăm hỏi xã giao đúng bài bản nữa, mau kể mợ nghe chuyện gì đã xảy ra? Mợ đang ngồi trên đống lửa, đang dẫm trên chông gai nhọn đây nàỷ

– Mợ Bông ơỉlỗi ở con?

– Con làm gì nên lỗi với gia đình họ?

Tuyền khóc thút thít:

– Con có lỗi với anh Bảo, gia đình Bảo và cả với mợ Bông nữa. Sang Pháp du học một năm con đã quen và yêu một người là anh Văn, anh Văn đang học đại học, hẹn học xong

sẽ cưới con. Khi mợ giới thiệu anh Bảo cho con vì ham muốn được định cư ở Mỹ nên con nhận lời, tưởng sẽ quên anh Văn dễ dàng. Nhưng sang tới Mỹ trong thời gian chờ đợi ngày đám cưới với Bảo, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày lòng con thương nhớ anh Văn. Con chợt nhận ra tình yêu thực sự của lòng mình là anh Văn, còn anh Bảo và nước Mỹ này chẳng nghĩa lý gì cả.

Chị Bông tan nát cõi lòng:

– Trời ơi, sao bây giờ cháu mới nhận ra điều ấy vô tình mà hai mợ cháu mình đã lừa dối tấm chân tình của gia đình Bảo rồi!

– Mợ Bông ơi, càng thấy gia đình và anh Bảo rộn rịp bàn tính chuyện đám cưới con càng không thể để tình trạng dối lòng này đi xa thêm sẽ đau khổ và bẽ bàng cho con và

họ, nên con đã thú thật và hết lời xin lỗi họ..

Chị Bông vẫn đau khổ hậm hực như con thú bị thương:

– Cháu làm họ thất vọng đã đành, mà còn mất mặt với bà con họ hàng và bạn bè của họ nữa, vì ai cũng biết gia đình chị Hảo đã bảo lãnh cháu qua và sẽ làm đám cưới với

Bảo .Cháu giết họ và giết cả mợ nữa, cháu ơi là cháu.!!

– Họ có chửi rủa cháu, mợ có từ cháu thì cháu cũng nhận hết lỗi mà. Cháu đã tính sai nước cờ chứ không muốn lật lọng như thế này. Ngày mai họ sẽ mua vé máy bay cho cháu

để tống khứ cháu ra khỏi nhà, nhưng còn nhân đạo hỏi cháu là muốn bay về Pháp luôn hay ghé Texas thăm cậu mợ ?

Chị Bông dãy nảy lên và đổi giọng:

– Thôi mày về Pháp cho khuất mắt tao, tao cũng không muốn thấy mặt mày trong lúc này. Nhưng chắc gì thằng người yêu ở Pháp vẫn chờ đón mày ? Coi chừng mất trắng cả tình

thật lẫn tình vờ đấy.

– Mợ khỏi lo chuyện này, con đã nói dối với anh Văn là cậu mợ bảo lãnh con sang Mỹ thăm gia đình vài tuần. Không ngờ con phòng xa vậy mà ăn khớp ghê, con sẽ trở về Pháp

đúng hen.

Chị Bông buông phone, nãy giờ anh Bông cũng hồi hộp lắng nghe câu chuyện của vợ. Anh não nề lên tiếng:

– Bây giờ anh càng biết ở đời không có gì là chắc ăn hết, miếng ăn không có chân có cẳng gắp lên tới miệng có khi nó còn nhảy xuống đất mà. Cả hai vụ làm mai của em,

vụ nào cô dâu cũng sang tới Mỹ nhưng thất bại khủng khiếp.

Thấy mặt vợ thảm thương anh Bông an ủi:

– Tuy nhiên phải khen hai đứa cháu gái của em đều tử tế và có lòng tự trọng..

Chị Bông sụt sùi khóc và than van:

– Trời ơỉ em sẽ ăn nói làm sao với chị Hảo đây??

– Còn gì nữa mà nói, lúc nãy chị Hảo đã không thèm nói chuyện với em rồi, chị đang oán hận em lắm.

Chị Bông quay ra trách cháu mình:

– Cũng tại con Tuyền, phải chi sang tới Mỹ rồi nó ráng quên thằng người yêu ở Pháp và vui duyên mới thì đẹp biết bao.

– Chính nó cũng muốn thế nhưng không thể quên anh chàng Văn kia được. Nó có lương tâm, không dối lòng mình, không dối người để đạt được mục đích ở lại Mỹ. Cả hai chưa

đám cưới, chưa chung đụng gối chăn nên chưa ai thiệt thòi nghiêm trọng cả.

Anh Bông lại an ủi :

– Vì danh dự gia đình chị Hảo sẽ có cách giải thích cho họ hàng và bạn bè của họ về sự việc lủng củng dở dang này. Thời gian sẽ làm nguôi ngoai mọi nỗi đaủbiết đâu lúc

nào đó chị Hảo lại gọi phone mời vợ chồng mình đi dự đám cưới Bảo với người khác?

– Cũng may em và chị Hảo ở xa, chứ ở cùng thành phố thì em độn thổ cho rồi, làm sao dám nhìn mặt chị ấy..

– Vậy là từ giờ trở đi em chừa cái thói thích làm mai đi nhé.

Chị Bông vừa gạt nước mắt vừa loé một tia hi vọng:

– Thế còn vụ định làm mai cho cháu gái Thúy Hiệp của anh? Hãy cho em cơ hội cuối cùng, em mới thua hai keo chưa qúa tam ba bận mà anh.

Anh Bông mỉm cười thoải mái:

– Giờ này mà em còn đùa hay em vẫn tơ tưởng đến chuyện làm mai? Thôi anh xin em để cho anh ăn ngon ngủ yên, thà cháu gái anh ế chồng ở Việt Nam chứ anh quyết chí không để em nhúng tay vào mai mối gì hết.

______________________________

 *Tác giả Nguyễn Thị Thanh Dương hiện nay ở thành phố Dallas , TX,

USA :

Nguồn: Peter Nguyenthanh

Friday, January 13, 2023 at 5:53PM

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.