Tâm lý hôn nhân

Cách Nhìn Mới Trong Đời Sống Hôn Nhân-Gia Đình (Kết)

 

 Biết Văn

“Mà đời thì như chiêm bao

Khi yêu nhau biết ra sao ngày sau?

Tình đầu thường lên men đau

Nên đôi khi trái tim như nhỏ máu…”

(Tình đầu, tình cuối -Trần Thiện Thanh)

Thật vậy, trong cuộc sống lứa đôi, dần dà chúng ta không còn cảm nhận cái hay, cái tốt và sự linh thiêng trong đạo vợ chồng, trong hôn nhân và gia đình mà khi gặp nhau, yêu nhau chúng ta đã trao cho nhau mà không cần so sánh, tính toán thiệt hơn, giàu nghèo hay các dị biệt khác..?

Các cặp hôn nhân ngày nay sống chung với nhau thì rất ư là dễ dàng… nhưng khó mà tay trong tay sống và đi hết cuộc đời có nhau… có phải cái chúng ta cần là thái độ tốt, lòng tốt khi nhìn về nhau, về người phối ngẫu để còn gìn giữ cho cho nhau cái lửa của yêu thương? Hay chúng ta chỉ nhìn người phối ngẫu khi nghĩ về cái “sex”, dồi dào “tiền bạc”, hay “danh lợi” cho bản thân mình?

 Hôn nhân ngày nay vì hai chữ “tư do” cá nhân và bả “danh lợi” lấn lướt, nên không còn bị ràng buộc bởi cái tốt, cái xấu, sự tôn trọng trong tình yêu, sự trung tín và thái độ hy sinh cần phải có trong hôn nhân và gia đình. Do đó đời sống hôn nhân của chúng ta gặp rất nhiều thử thách và đưa đến sự tan rã trong những năm đầu sống chung.

Chúng ta phải nên biết rằng: gia đình này là của chúng ta, không ai tạo được hạnh phúc cho chúng ta ngoài chính hai vợ chồng… Lời khuyên tốt nhất dành cho các cặp hôn nhân đã và đang yêu là: Nếu vợ, chồng không đồng hành cùng nhau, không bàn tính, thu xếp, cùng với nhau để giải quyết mọi khó khăn, trắc trở trong hôn nhân thì tôi nghĩ không ai có thể giúp cho chúng ta.

Điểm thêm qua một số những nguyên nhân gia đình đổ vỡ dựa trên khảo sát của Đại Học Emory, Mỹ, chúng ta tìm thấy những lý do khi nói ra rất buồn cười và rất ư là thiển cận, hay do chúng ta thiếu hiểu biết, hay thiếu trưởng thành cho bản thân. Một số các nguyên nhân đổ vỡ hôn nhân

-Do kết hôn quá sớm ở tuổi 18,

-Hẹn hò và kết hôn quá ư nhanh chóng nên thiếu sự hiểu biết rõ về nhau,

-Khoảng cách tuổi tác chênh lệch giữa vợ chồng,

-Khoảng cách tuổi tác càng lớn thì nguy cơ ly hôn càng cao,

-Không biết chia công việc nhà bình đẳng cho nhau,

-Vợ chồng lười biếng…

Tóm lại, từ những phân tích trên, chúng ta đã có một cách nhìn mới về hôn nhân và gia đình trong xã hôi đương đại mà có những tâm lý và ứng phó phù hợp cho cuộc sống lứa đôi đầy chông gai, thử thách.

Hãy tránh cho gia đình đỗ vỡ vì có kẻ đứng núi này trông núi nọ. Cuộc sống gia đình của mỗi người không ai giống ai thì hà cớ gì cứ phải bắt chước, hay nhìn gia đình khác áp dụng vào gia đình mình… hay kể lễ chuyện gia đình mình cho anh, chị, em hay láng giềng, bạn bè nghe như ca thán, buồn chán về gia đình mà chưa chắc gì gia cảnh họ có tốt đẹp gì hơn mình mà cứ góp mỗi người một ý vô hình chung biến gia đình chúng ta thành ra nồi “tả bí lù.” Rồi từ đây các “anh, chị kết nghĩa” đầy cơ hội, hay người thứ ba ra tay nghĩa hiệp vô cớ nhảy vào làm đổ vỡ gia đình chúng ta mà bảo đảm khi chia tay người chồng hay người vợ yêu thương nhau khi xưa giờ chỉ còn biết sự căm hận và những đứa con đầy oan khiên…

Hãy học lấy sự trưởng thành, vì trong tình yêu, đối tượng chúng ta chọn làm vợ, làm chồng, chúng ta phải có trách nhiệm họ với gia đình và con cái. Hãy đi tìm cho mình những chuyên gia về tâm lý thích hợp, tham dự những khóa học về gia đình để học lấy sự khôn ngoan, thăng tiến trong tình yêu, hôn nhân và gia đình.

Hãy tránh gia đình đổ vỡ khi chúng ta không biết nói không với những đam mê và dục vọng. Đừng đổ thừa “Tại, bị, bởi vì” vì chưng không ai ép chúng ta làm những việc chúng ta không muốn làm ngoài trừ chính chúng ta thỏa hiệp hay cho phép bản thân chúng ta.

Đam mê không phải là sự ngủ mê, hay đam mê không thể đánh đổi bằng chính gia đình và con cái mình.

Tham lam dục vọng không phải là sự bán rẻ lương tri hay bán rẻ lương tâm.

Hãy nhớ rằng, chiếc nhẫn đính hôn hay nhẫn cưới chúng ta trao cho nhau có nghĩa là “emblem of love through time” tạm dịch là biểu tượng của tình yêu xuyên suốt thời gian. Chiếc nhẫn cưới hình tròn không có đầu và cuối được đeo bên tay trái tượng trưng cho tình yêu vĩnh cữu như máu chảy về tim không ngừng nghỉ mãi cho đến chết.

Family có nghĩa là “Father and Mother I love you” … Hãy trân quí gia đình và con cái. Nhưng tình yêu đó đôi khi chỉ vì cái ga lăng, cái liếc mắt, hay quà cáp, tiền bạc của người khác phái, hay đồng phái làm chúng ta rung động. Đam mê và dục vọng kia làm chúng ta sa ngã, và phạm tội mà quên đi cái vòng tròn của tình yêu?

“Sống có đức, mặc sức mà ăn.”

Hãy học lấy sự khiêm nhường và lòng đạo đức, vì trong sự kiêu ngạo, dối trá chúng ta tự nghĩ mình đẹp, mình tài cần phải có người thưởng thức hay phải được hưởng thụ… vô hình chung chúng ta đẩy gia đình chúng ta vào chỗ tăm tối từ những ý nghĩ thiển cận của chúng ta. Cuộc đời không phải như mơ hay những tình huống như phim kiếm hiệp mà chúng ta nghĩ đó là sự thật. Giá trị xã hội, giá trị con người, và tình yêu không thể đổi bằng “trao chác bán mua”. Tình yêu bền vững không thể đổi bằng những lời “chót lưỡi, đầu môi”. Sống đời đạo đức cho ta sự thanh tịnh, trong sáng, vững tin lo cho gia đình, gia đạo thì xá gì thói đời:

             “Còn bạc còn tiền còn đệ tử

            Hết cơm, hết rượu hết ông tôi

               Xưa nay đều trọng người chân thật

            Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi

            …..

             (Thói Đời – Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Đừng để sự dễ dãi trong các mối quan hệ, không coi trọng giá trị bản thân và lòng chung thủy để hủy hoại hạnh phúc gia đình. Lòng chung thủy là khái niệm dễ hiểu đối với nhiều người. Nhưng không dễ thực hành cho rất nhiều người… nó cũng chứa đựng màu sắc riêng tùy theo cách nghĩ của mỗi người, và mỗi người trong số chúng ta đều có cách diễn giải riêng biệt về điểm bắt đầu cũng như kết thúc của ranh giới này.

Hãy định nghĩa cho mình một phạm trù về sự chung thủy và đạo đức của mình trong đời sống hôn nhân gia đình.

Hãy nhận biết tình yêu như là sự cống hiến, sự tận tâm, và đó là sự cam kết và là lựa chọn dấn thân của cá nhân và không bị tác động từ bên ngoài như gia đình chồng hay gia đình vợ, danh vọng, tiền bạc… nếu khái niệm về lòng trung thành chỉ để làm người khác vui lòng sẽ khiến bạn không hạnh phúc. Bạn cần phải thực tế và trung thực với bản thân và biết rõ yếu tố mà bạn có thể hoặc không thể thay đổi trong niềm tin của người bạn đời.

Hãy tập Chấp nhận bản chất của người bạn đời của mình, kể cả mọi khuyết điểm của họ.

Hãy tập lắng nghe và tha thứ cho nhau. Nên nhớ rằng lòng trung thành sẽ không bao gồm sự lừa dối đối với đối phương.

Xin mượn lời bài hát thay cho lời kết thúc:

“Có tốt với tôi, thì tốt với tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa người
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi phải ra đi
….

Nếu có bao dung thì hãy bao dung bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa đời
Đừng đợi ngày mai biết đâu tôi nằm im hơi
Tôi chẳng làm sao tạ lỗi cùng người…”

(Nếu có yêu tôi – Trần Duy Đức)

Hãy tập cảm ơn nhau mỗi ngày khi còn có nhau và xin hãy giữ lửa yêu nhau như lần đầu gặp nhau.

Biết Văn

California ngày 16 tháng 10 năm 2018

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.