Tâm lý giáo dục

Quê Hương và Quê Trời

Chuyện cho con

Ngoan Nguyễn

 

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều …

Chuyện kể rằng Tuệ Tĩnh là tên hiệu của Nguyễn Bá Tĩnh, người Cẩm Giàng, Hải Dương, sinh khoảng năm 1330, ông mồ côi cha mẹ lúc 6 tuổi và ông được Hòa thượng ở chùa Hải Triều nuôi cho học văn và học thuốc để giúp việc chữa bệnh cùng với các nhà sư trong chùa quê ông và chùa Giao Thủy, Sơn Nam (nay thuộc Nam Định). Ông đỗ tiến sĩ năm 1351. Là một nhà sư và thầy thuốc đại tài, ông là ông tổ của thuốc Nam Việt Nam, với quan niệm: “Thuốc Nam chữa cho người Nam” và vì thuốc Bắc không hợp với phong thổ của người phương Nam. Ông bị bắt cống sang Trung Hoa năm 1385 và mất ở Giang Nam khoảng năm 1400. Lời khẩn cầu nổi tiếng của Tuệ Tĩnh được biết đến từ chuyến đi lịch sử của Nguyễn Danh Nho (người cùng làng, cùng họ với Tuệ Tĩnh) và Trần Thọ, chánh và phó sứ của đoàn sứ bộ Việt Nam đã đến viếng mộ Tuệ Tĩnh và đã lấy giấy bản dập hàng chữ trên bia đá đặt trên mộ Tuệ Tĩnh mà mang về.

Từng con chữ khắc trên mộ phần ông là lời di nguyện đau xé lòng:

TUỆ TĨNH
Ngày sau, có ai người nước Nam qua đây
Xin đưa hài cốt tôi về với

Các con thân mến, hôm nay nghe bé T. đối đáp với Bà Nội khi Nội hỏi:

“Con là người gì vậy?”

Con đã không ngần ngại mà đáp ngay:

“ Con là người Việt Nam, nhưng con sanh ở Mỹ và con nói tiếng Mỹ phải

Không Bà Nội…”

Ba thật sự cảm xúc và hãnh diện về các con, các con tuy còn nhỏ nhưng lại biệt rõ cội nguồn của mình nên hôm nay ba muốn chia sẽ với các con về hai chữ “Quê Hương” mà đến chết cụ Tuệ Tĩnh đã trăng trối làm thương cảm lòng người!

Dân gian ta có câu “Nơi chôn nhau cắt rốn”. “Nhau và rún” nghĩa đen là phần nuôi dưỡng thai nhi sau khi sinh bị cắt bỏ đi, và cuống rún vài ba ngày sau cũng sẽ rụng khỏi người của em bé. “Nhau” và “rún” ngày xưa các cụ thường đem chôn quanh nhà nhằm xua đuổi tà ma và còn có ý nghĩa là để con cháu lưu luyến nơi đã chôn cái “Nhau” và cái “rún” của mình ở đó. Vì thế theo nghĩa bóng nơi “chôn nhau, cắt rún” là quê hương của một người nơi mà cha mẹ đã sinh ra nên dù có đi bao xa mọi người đều nhớ vẫn nhớ về một nơi đó và gọi là Quê Hương.

Đối với các con, con người của thế giới hiện đại, cái “nhau”, cái “rún” nhiều khi các con chẳng biết, nhà ở Mỹ thì nhà thuê, nhà mướn sống bương chải ở khắp 50 tiểu bang hay toàn thế giới nên chẳng cần thiết phải chôn bất cứ thứ gì tại nhà mình thuê…các con và Ba tuy ở rất xa quê hương còn xa hơn cả cụ Tuệ Tĩnh lắm nhưng chúng ta không bị cống đi như cụ Tuệ Tĩnh ngày xưa vì giao hảo chính trị mà chúng ta bị ruồng bỏ bởi một chế độ phi nhân quên mất tính dân tộc, coi rẽ con dân nước Việt  để đẩy chúng ta vào cuộc sống tha hương, lưu vong cả đời và hoài vọng cội nguồn. Ba và các con cũng như bao nạn nhân của một chế độ gọi là “ưu việt-xã hội chủ Nghĩa” luôn canh cánh bên lòng hai chử “Quê Hương” mà xót xa, mà ngậm ngùi cho mỗi hoàn cảnh và số phận trên đất khách quê người để rồi khi chết đi cũng có cùng hoài vọng như cụ Tuệ Tĩnh là muốn xương cốt mình đem về lại quê hương nơi cội nguồn dân tộc.

Các con thấy đó, đi tất cả mọi nơi, bao danh lam thắng cảnh, nhưng các con sẽ thấy quê hương Việt Nam vẫn đẹp và đẹp như đã tạc vào tim như con đường đầu làng, bến sông quê hương thuở nào:

Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?”

                                         (Dừa ơi!)

Và thế đấy gọi là quê hương:

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè    

(Bài học đầu cho con)

Nhắc tới quê hương, tìm hiểu về quê hương và đọc những dòng thơ quê hương nghe sao thân thương, ấm lạ nhưng ba lại muốn chia sẽ thêm với các con về một quê hương vĩnh cữu mà sau khi chúng ta sống và qua đời nơi quê hương của chúng ta mà chúng ta gọi là “dương thế”, còn có một quê hương thứ hai, mong mỏi và cao trọng hơn mà ai cũng mong tìm đến…đó là “Quê Trời”.

Thượng Đế đã cho ta nhận biết một quê hương trần thế với bao yêu thương đến từ cha, từ mẹ, từ gia đình và ngậm ngùi ra sao cho kiếp làm người “sinh, lão, bệnh, tử” thì người cũng dạy chúng ta hãy tìm về quê hương đích thực cho đời sống mai sau đó là “Quê trời” hay “Nước Trời.”

Sống trên trần gian là cuộc lữ hành đi về quê thật. Có biết bao con đường mở ra hang tram vạn nẻo giúp dẫn đưa con người đi đến cùng đích. Con người từ mọi thời đại, từ mọi nơi đã suy tư giác ngộ ra nhiều thứ đạo, nhiều tôn giáo và nhiều cách thức để đạt mục đích tìm về “chân, thiện, mỹ”. Có 20 tôn giáo chính thức, đang là chỗ cậy dựa tinh thần cho nhiều người. Kitô giáo đông nhất có trên 2 tỷ tín đồ, Hồi Giáo khoảng trên 1 tỷ 570 triệu, Hinduism có khoảng 950 triệu, Buddhism (Phật giáo) số thống kê không rõ mấy (từ 1.350 – 1.800 triệu tín đồ)…Ngoài ra còn rất nhiều các nhóm tôn giáo khác nhau. Tất cả các tôn giáo cùng đi tìm ý nghĩa và cùng đích cho cuộc sống hôm nay và ngày mai sau khi bỏ lại thể xác trên quê hương. Đa số các tôn giáo đều tin có cuộc sống hạnh phúc mai hậu nơi thiên đàng, nơi niết bàn, cõi tây thiên cực lạc, quê trời, cõi trời hay nơi con người sẽ trường sinh bất tử…

Quê Trời khởi đi từ trần thế và kết thúc về lại trên quê trời. Thiên Chúa quan phòng cho chúng ta thấy những dấu chỉ của thời gian, không gian và vạn vật muôn loài thay đổi có sinh thì ắc có tử; Mọi loài, mọi thứ đều có khởi đầu và có ngày cùng tận. Mọi loài thụ tạo được phát triển trong thời gian và không gian giới hạn… đừng mong có những bước nhảy vọt hay nhân loại sẽ thắng được cái chết. Cuộc sống của con người cũng như thiên nhiên cần phát triển theo những chặng đường rất tự nhiên, từ trẻ tới già, từ non nớt tới sự chín mùi, từ ngây thơ tới tuổi trưởng thành và từ khởi sinh đến cùng đích. Thượng Đế mời chúng ta bước trên con đường trọn lành để tìm và chiếm hữu “quê trời” đích thật.

Chúa Giêsu từng nói với các môn đệ: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 2-3).

Chúc các con từ cảm xúc về quê hương mà luôn có ý hướng tới “quê trời”, quê hương vĩnh cữu dành cho các con mai sau. Hãy sống nâng niu và yêu quí cuộc sống về “chân, thiện mỷ”, về con người và về quê hương mến yêu thì cũng chính là các con đã tìm cho mình quê hương thứ hai đó là “Quê Trời.”

            Thương các con nhiều

            Orange County ngày 31 tháng giêng năm 2020

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.