Tâm lý giáo dục

Người Mẹ Công Giáo: Vinh Dự-Thử Thách-Trách Nhiệm

Bernard Nguyên-Đăng, J.D.

 

Khởi nguồn cho hành trình nhập thế, Đức Maria đã được chọn làm Mẹ đức Giê Su. Khi giáo hội công giáo chuyển mình đi vào tiến trình hình thành một giáo hội hoàn vũ, thánh Mônica cũng đã được chọn làm Mẹ. Tên của hai người Mẹ, Maria-Monica, dường như rất gần gũi, âm hưởng của hai tên, cuộc đời của hai người Mẹ, dường như phản chiếu của hình hài trên mặt nước. . .mặt nước chứa chan nước mắt.  Kinh thánh không nhắc nhiều gì đến những việc hữu ích Đức Giê Su đã làm trong vai trò một người con trong gia đình, một người trưởng “nam.”  Sách liệu cũng không tiếc lời về cuộc đời của một chàng trai trẻ Augustino đã đè trên vai người Mẹ Monica nặng trĩu những thống khổ.

Nhưng, hai người Mẹ, Maria và Mônica, đã làm gì với con cái mình, với gia đình mình, và với xã hội mình đang sống, đấy là những gì những người Mẹ công giáo chúng ta đáng chiêm niệm, suy gẫm và nhìn vào hai tấm gương Maria và Monica để soi chiếu vào lòng mình, tâm thức mình, cuộc đời mình, hầu nhìn thấy rõ ba nét đáng suy tư, đáng chia sẻ, và đáng sống. . .Người Mẹ Công Giáo: Vinh Dự-Thử Thách-Trách Nhiệm.

  1. Mẹ Vinh Phúc: “Vườn Uơm Nhân Loại”

Một phụ nữ Do Thái cất tiếng nói với Đức Giêsu: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11, 27); những lời thốt lên thuở xưa vẫn còn vang vọng lại mãi trong tâm thức và trái tim của từng người Mẹ. Vì Mẹ đã được chọn, hiệp thông cùng Thiên Chúa trong sứ mệnh sáng tạo, mang con người, linh hồn sống đến gian trần và tiếp tục sứ mệnh làm Mẹ, giáo dục con cái lớn lên trong truyền thống đạo đức và hữu ích cho xã hội.

Vinh dự nhất trong trong kiếp người trên gian trần, Mẹ được chọn làm “vườn ươm hạt giống nhân loại”. Mẹ được diễm phúc mang đến cho con sự sống, hoà mình với con trong từng nhịp tim, từng hơi thở. Hơn chín (9) tháng dài, niềm vui của Mẹ, cũng là chính niềm vui của con; lo toan của Mẹ, cũng làm con lo toan không ít; đau khổ xót xa của Mẹ, làm con bồn chồn day dứt khá lâu. Mẹ không nói, con vẫn nghe Mẹ thì thầm; Mẹ thở than, ôi, con nghe lắm não nùng. Con không nói, nhưng con cảm nghiệm được; con không thấy, nhưng những gì Mẹ thấy, đã chan hoà vào đôi mắt con. Ngũ quan của Mẹ, chưa đủ, muôn vàn trải nghiệm, cảm nghiệm, cảm xúc của Mẹ, ngay trong cả giấc ngủ, giấc mơ đêm, ước mong ngày. . .con đều làm một với Mẹ.

Bầu Mẹ, chính là sự sống đời con. Chăm sóc bảo bọc của Mẹ, làm con vưon lên trong nhịp sống, giáo dục của Mẹ, giúp con nên người, ngay cả trước khi Mẹ đưa con vào trường lớp xã hội.

Mẹ, ôi, vinh dự thay, thiên chức làm Mẹ. Không Mẹ, trần gian có là chi. Không Mẹ, trần gian đây có nghĩa gì. Có Mẹ, con có tất cả. Không Mẹ, con chỉ là hư vô!

    2. Thử Thách

Mẹ, thiên chức, nhưng nào mấy ai biết trân quí Mẹ, để rồi Mẹ phải đối diện muôn vàn thử thách. Ngôn ngữ nào nói hết ra cho Mẹ những gì Mẹ phải đối đầu; sách vở nào viết ra cho trọn những gì Mẹ phải làm để chu toàn thiên chức làm Mẹ. Khi còn trong lòng Mẹ, chiếc ao the, cũng đủ che thân con và Mẹ, gió mưa bão bùng; Mẹ biết con yên hàn trong lòng Mẹ. . .nhưng, từ khi con mở mắt, cùng nhìn về cuộc đời với Mẹ, thử thách chan đầy, chỉ một mình Mẹ gánh vác lấy, đơn độc…Muôn vạn nẻo đường đời, đâu phải một Mẹ, nhưng, vạn triệu người Mẹ khác, cùng ngược xuôi, lo lắng, cơm gạo áo tiền. . .Nợ, món cũ chưa dứt, nợ mới chồng lên, áo quần tháng ngày đã nhanh bạc màu. . . rồi, tóc Mẹ cũng phai theo. . .gian truân, thử thách.

Gánh nặng gạo tiền, cân đo được; còn gánh năng giáo dục con nên người, thước nào đo, cân nào biết được trọng lượng đè trên vai Mẹ. Ước gì, có cẩm nang, có kim chỉ nam cho từng ngày sống, từ đấy Mẹ an tâm nuôi dạy con nên người.

Mẹ vẫn còn chữ hiếu trên đầu, lo cho ông bà nội ngoại; Mẹ còn chữ tình, lo cho anh chị em hai đàng; Mẹ còn hai chữ-trách nhiệm, lo cho đàn con thơ dại. Mẹ, thử thách vô cùng, không rút gọn, không giảm thiểu, những bớt đi những lo toan suốt đời của Mẹ.

  1. Trách Nhiệm

Rời tuổi thanh xuân, Mẹ gánh thêm giang sơn nhà Nội. Nào ai buộc, nào ai bắt, nào ai đè nặng trên vai Mẹ những trách nhiệm ngút ngàn. Nhưng, Mẹ là sự đảm đang, là sự can đảm, biết phó thác, biết nỗ lực, biết làm tất cả. . .dầu Mẹ chưa vào trường lớp chuẩn bị hành trình làm Mẹ, Mẹ vẫn chu toàn trách nhiệm làm “con”, cả hai đàng. Mẹ vẫn chu toàn trách nhiệm làm vợ, khi không hề có bản thảo soi đường chỉ lối cho Mẹ gồng gánh. Mẹ, là cẩm nang giáo dục với kim chỉ nam làm người. Ôi cao quý tuyệt vời! Đến trần gian, Mẹ đã có sẵn trong trái tim cẩm nang làm người, dạy con, chuẩn bị cho con hành trang ắt có để vào đời, rồi, Mẹ cùng song hành, lo cho con từng miếng ăn, từng giấc ngủ, từng ngày sống. Mẹ lo cho con, rồi cho cháu, cho chắt. . .Mẹ giành Mẹ lo, Mẹ lo cho hết họ hàng, cả hàng xóm, Mẹ lo. . .Đến cuối đời, không còn chỗ để ai lo cho Mẹ.

Là thành viên của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Mẹ hãnh diện khoác lên người màu áo dài Xanh, màu cờ của Đức Mẹ. Mẹ hân hoan choàng vào cổ dây ảnh, nhắc nhớ lời Mẹ tuyên hứa, hứa sống với ba điều, nhấn mạnh đến ba [3] sứ mệnh: 1) Tu Thân; 2) Tề Gia; và 3) Phục Vụ Xã Hội.

I.Tu Thân

Mẹ dạy con biết tu thân. Mẹ không dài dòng văn tự, không khách sáo đẩy đưa, Mẹ dạy con ngay. . .

    1. Don’t Compare “Đừng so sánh”- Mẹ dạy con chớ so sánh người với mình, chồng/vợ người, con cái người, nhà cửa người, xe cộ người, của cải người…với những gì là của riêng mình. . . Vợ/chồng mình, con cái mình. . . mọi cái mình có, không thể so đo, giống với của người. Dầu khí trời là của chung, nhưng nào có hơi thở của ai giống ai. Dầu nhịp tim cùng đập bởi con tim trong lồng ngực, nhưng nào có nhịp tim nào ăn khớp với nhịp tim ai. Mẹ dạy, so sánh là cội rễ mọi sự chia rẽ, công kích, mất đoàn kết. . .Thôi, “Đừng so sánh nhé con!” Mẹ dặn.

2. Don’t Complain – “Đừng Cằn Nhằn” – Cằn nhằn, chỉ vun xới toàn ám khí, hơi ngạt, hơn là những gì tạo nên sinh khí, nhựa sống. Cằn nhằn, chỉ làm cho ngày sống thêm lê thê, mệt mỏi, chán chường. Cằn nhằn, chỉ làm cho máu thôi ngừng vận chuyển; Cằn nhằn, không phải là công việc để kiếm cơm hay tiến thân, vươn lên làm người. Cằn nhằn, không động viên được ai, ngay chính người thốt ra những lời cằn nhằn. . .Buồng phổi con người chỉ cần dưỡng khí. . .không gì khác ngoài sinh khí, thoáng khí. . .

  1. Don’t Criticize – “Đừng chỉ trích” – Vì chỉ trích đã không làm người bị chỉ trích vui, hiểu được cái sai, cần được thay đổi, học hỏi, vươn lên, nhưng cả mọi người chung quanh, người khác phải nghe những lời chỉ trích, đã tạo nên bầu khí, ám khí, thiếu dinh dưỡng, thiếu trong lành. Ngược lại, chính người chỉ trích kẻ khác, cũng bị đánh giá thấp, …vì chưng, chỉ trích người khác, nói lên cái tôi yếu hèn của chính mình, nói lên cái tôi bất ổn, nói lên sự thiếu đắc nhân tâm, thiếu công bằng, thiếu bác ái. Nghe vậy, biết vậy, nhưng, bản tính tự nhiên của con người không ngăn được thói chỉ trích. . .dường như là liều thuốc xoá đi khuyết điểm của chính mình, cái tôi bất toàn. . .như thể, mình là người toàn thiện, là người không còn chỗ để cải thiện, vươn lên. . .Chỉ trích là một tập quán, thói quen, hành động thường núp sau cái “tôi” tổ tướng của từng người, để chỉ biết có thể đánh giá người khác, nhưng, không nhận diện ra cái thiếu sót, cái không đúng của mình. . .Ngược lại, có mấy ai can đảm lắng nghe người khác nói về nhược điểm, điểm yếu, lắm cái sai, nhiều điều quấy của riêng mình. .. Chỉ trích, phê phán, chê bai. . .cốt chỉ tạo chung quanh mình rào cản, ngăn chận mọi người, xa lìa, trốn chạy chúng ta. Không ai dám đến gần, can đảm hội nhập, làm việc hay gần gũi những người luôn luôn chỉ biết đánh giá, chỉ trích người khác.

“Criticism is something we can avoid easily by saying nothing, doing nothing, and being nothing.”– Aristotle

  1. Don’t Condemn – “Đừng Luận Tội” – Đừng luận tội-để anh chị em khỏi bị luận tội-Stop judging, that you may not be judged” (Matthew 7). Mẹ dạy. . .Thiên Chúa chưa hề luận tội ai khi còn sống trên đời, lại nữa. . .đừng đóng vai trò giám sát, công tố, bồi thẩm, hay thẩm phán, để luận tội, xét xử ai. . . Đức Giáo Hoàng Phanxicô đáp lời phóng viên khi họ hỏi ngài về những người đồng tính, “Tôi là ai mà phán xét người anh em?” Một lời phát biểu tuy đơn sơ, trong sinh hoạt đời thường của ngài, nhưng lại là một thái độ và cở sở cho một sứ mệnh mới trong vai trò lãnh đạo giáo hội công giáo của ngài. Trong chuyến công du tuần rồi tại Á Nhĩ Lan (Ireland), Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh lại một lần nữa, nhắn nhủ giới phụ huynh về giới đồng tính, ” Đừng luận tội họ. . .hãy nguyện cầu và cảm thông!” (“Don’t condemn. Dialogue. Understand, give the child space so he or she can express themselves.”)

Nếu, trong chúng ta không có những so sánh, không cằn nhằn cau có, không chỉ trích lên án, không đoán phạt luận tội, ắt hẵn sẽ không có bất hoà, không có xung khắc, không có chiến tranh [No Conflict]

Rồi, Mẹ dạy, nhớ mãi đừng quên chữ “Nếu”. “Nếu, chúng ta không còn lời gì để động viên, khích lệ, nâng đỡ, bênh vực, chở che, giúp nhau thăng tiến, giúp nhau vươn lên và mưu cầu bình an, hạnh phúc. . .thì tốt nhất, đừng nói gì hết.”

 

II.Tề Gia

Có lời, “Hởi các bật phụ huynh, chớ quá quan tâm về con cái không nhớ những gì cha mẹ răn dạy-nhưng, hãy sợ con cái không hề quên hành động của cha mẹ, những gì cha mẹ đã làm.” Làm gương-gương lành, gương tốt hay gương xấu?

Mẹ đã sống, minh chứng một người Mẹ không những can đảm, nhưng còn đảm đang, gan dạ, đương đầu với những thử thách, hiểm nguy để đàn con của Mẹ được bình an, được ăn học nên người, được tất cả những gì Mẹ hằng mong ước nơi con cái.

Mẹ dạy chúng con biết yêu thương nhau, biết phấn đấu ăn học nên người, biết dấn thân phục vụ xã hội. Mẹ không nói, nhưng chính Mẹ đã sống làm người mãi mãi biết thích nghi, biết vươn lên, biết cầu toàn, và biết giá trị của từng ngày sống.

Mẹ dạy, đừng phí phạm thời giờ bàn đến chuyện người khác, tranh cãi về sự kiện nầy, liên hoan nọ, nhưng hãy dành thì giờ tìm kiếm những người có những tư duy sáng tạo, ý tưởng hay, việc làm ích lợi cho chính mình, gia đình và tha nhân. [Gần mực thì đen–gần đèn thì sáng]

Mẹ, chính cuộc đời của Mẹ là một bản cẩm nang gia đình, kim chỉ nam cho từng thành viên trong gia đình, từ trong tư duy, từng lời nói, và mọi hành động trong từng ngày sống. Ra đường, Mẹ dạy nhìn vào gương, soi lại mình về lối ăn mặc chỉnh tề, cho hợp thuở, hợp thời, hợp từng đối tượng mình giao tiếp, giao dịch. Tối về, Mẹ dạy lại nhìn vào gương, để soi lại lòng mình, đã làm gì trong từng giờ thức giấc, cho bản thân, cho tha nhân, kiểm điểm lại lương tâm mình lần cuối, trước khi vào giường ngủ.

 

III. Hiến thân phục vụ tha nhân

“Giá trị sống, không phải là chỉ biết nhận lãnh, nhưng, chính là cho đi. . . Cho đi, không cần biết, không phân biệt ai là người nhận lúc cho đi, không đợi chờ phần thưởng lại” Mẹ dạy.

Phục vụ, Mẹ dạy, không chọn đối tượng để phục vụ, không chọn thời gian, không gian để dấn thân. Mẹ nhắc đi nhắc lại. . .”Vác đỡ gành nặng cho tha nhân, như vậy, chúng ta mới chu toàn luật Đức KiTô.” (Carry each other’s burdens, and in this way, you will fulfill the law of Christ. Galatians 6:2).

Với Mẹ, tha nhân không phải là gánh nặng, là chướng ngại bước tiến của mình, là đối thủ, là những gì phiền muộn của kiếp người. . .nhưng Mẹ luôn luôn nhìn thấy trong tha nhân, “Đền thở của thiên Chúa”. Thánh Phao lô nói, “Anh em chẳng biết rằng, chính anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và thánh thần của thiến Chúa ngự trong anh em sao” (1 Corinthians 3:16). Từ đó, chúng ta những không dám lừa dối nhau, không chỉ trích nhau, không luận tội nhau, nhưng chỉ biết tôn trọng, tôn kính, và yêu thương nhau thôi. Từ đó, chúng ta tìm thấy suối nguồn bình an, hạnh phúc tràn ngập trong trái tim mình. . .toả lan ra mọi người chung quanh.

Mẹ đón nhân vinh dự làm Mẹ, không phải để được mọi người xưng tụng, nhưng để hiến thân một đời “mình vì mọi người”.

Mẹ đã tu thân, để chuẩn bị cho Mẹ một hành trang làm Mẹ, giáo dục con cái nên người hữu dụng.

Mẹ liên lỷ phấn đầu và can đảm đương đầu với những chướng ngại, thử thách từng giờ, từng ngày, suốt một đời làm Mẹ.

Mẹ đã chu toàn một đời làm Mẹ và Mẹ luôn sẵn sàng ra đi. Mẹ thường nói, “Mẹ sống, nhưng hân hoan chờ Chúa gọi về sống trong nước Chúa.” Niềm tin tuyệt vời đó, đã biến Mẹ thành một người Mẹ sắt son với đức tin, với văn hoá tuyệt vời của một người Mẹ Việt Nam. Trọn cuộc đời Mẹ sống trong hy sinh, trong can đảm và quảng đại. Mẹ thật là một biểu tượng vô cùng cao quí mà nhà thơ Hồ Zếnh đã thốt lên qua mấy câu thơ, “Cô gái Việt Nam ơi, nếu chữ ‘HY SINH’ có ở đời, tôi quyết nạm vàng muôn khổ cực, cho lòng cho gái Việt Nam tươi.”

BNĐ

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.