Tâm lý giáo dục

Giai thoại về Lòng Chúa Thương Xót (II)


Ngoan Nguyễn

Anh Thione Niang một di dân từ Senegal đến Mỹ với 20 đô la trong túi. Nhưng anh nhanh chóng xây dựng được một đời sống thành công. Hiện nay anh cống hiến trở lại cho xã hội bằng cách thúc đẩy người trẻ tự tin vào chính mình và khả năng của mình. Anh hy vọng sẽ tạo cảm hứng cho những người trẻ tại một trường học ở Washington, D.C để các em theo gương của anh – tiến bước và dẫn đầu. Anh cho biết:

“Nếu một thiếu niên có thể đến đây với 20 đô la trong túi và hiện đang đi du lịch thế giới, tiếp xúc với giới trẻ vòng quanh thế giới, thì tôi nói với các bạn, mọi việc đều có thể xảy ra…”

Thione Niang đã làm được – và tiến trên con đường giúp một Tổng thống Hoa Kỳ đắc cử. Anh Thione khám phá ra được sự yêu thích chính trị địa phương tại tiểu bang Ohio, nơi anh tốt nghiệp đại học và bắt đầu làm việc cho những chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ. Anh nói những người trẻ phải dấn thân:

“Mỗi một quyết định được thực hiện hầu hết trong đời sống của bạn và tương lai đất nước bạn và tương lai của gia đình bạn và con cái bạn đều bị các chính trị gia kiểm soát. Do đó riêng cá nhân tôi, tôi muốn ngồi tại bàn nơi các người làm quyết định ngồi, hơn là chờ đợi những người này đưa ra quyết định giùm tôi.”

Thật vậy, có rất nhiều di dân tiếp tục đóng góp to lớn cho xã hội Mỹ. Một số doanh nghiệp thành công nhất như Google, AT&T và eBay là do các di dân sáng lập, chúng ta cảm ơn họ vì sự phấn đấu, nổ lực và sáng tạo cho đất nước Hoa Kỳ và cho cả thế giới này. Nhưng còn di dân bất hợp pháp, hay di dân lậu ? Một vấn đề được nói đến từ lâu nhưng đặc biệt nổi lên trong cuộc bầu cử tổng thống năm vừa qua và những hành động của Tổng Thống Trump gần đây.

Nhiều người ca ngợi và đồng tình với chủ trương giải quyết mạnh mẽ của Tổng Thống Donald Trump giúp bảo vệ nước Mỹ và những giá trị của Mỹ, nhưng không ít người khác, trong đó có dân Mỹ gốc Việt, cho rằng hãy nhận định về chính mình và những nguyên tắc đạo lý để đừng đối xử khắt khe với người di dân và kêu gọi lòng thương xót đến với họ.

Hãy thử tưởng tượng một thế giới không thương xót sẽ ra sao?

Hãy tưởng tượng con người sống vô tâm, vô cảm thì sẽ ra sao ?

Lòng thương xót được thể hiện trên tất cả sự khác biệt về dân tộc, tôn giáo hay văn hóa, hầu xoa diệu phần nào nổi đau của nhân loại, vì thương xót là sự thấu hiểu những hoạn nạn của người khác.

Hiện tại, dự luật DREAM Act cho phép những người đến Mỹ bất hợp pháp dưới 16 tuổi có thể xin hưởng quyền công dân. Tuy nhiên, có nhiều người chống đối cho rằng dự luật này khuyến khích di cư bất hợp pháp, gian lận và che giấu tội phạm bị trục xuất. Nhưng giới ủng hộ cho rằng dự luật sẽ tạo ra nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và không nên trừng phạt những trẻ em bị cha mẹ đưa vào Mỹ một cách bất hợp pháp.

Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, di dân bất hợp pháp là người sinh ra tại nước ngoài, không phải công dân Mỹ nhưng đang cư trú không có giấy tờ hợp pháp tại quốc gia này. Phần lớn di dân bất hợp pháp đã nhập cư “lậu” vào Mỹ hoặc đã được chấp nhận vào tạm thời nhưng vẫn ở lại Mỹ sau khi đã hết hạn lưu trú. Gần một nửa trong hơn 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ đã ở lại theo cách thứ hai này.

Thực ra, muốn trục xuất một người nhập cư, nước Mỹ thường theo một khung làm việc thương lượng với quốc gia tiếp nhận; quá trình này thường được chi tiết bằng văn bản, thông qua bản ghi nhớ (MOU). Một nước quyết định không nhận những công dân bị Mỹ trục xuất có thể gánh những hậu quả lớn hơn; Hoa Kỳ năm ngoái đã có hành động ngoại giao chống lại Eritrea, Guinea, Sierra Leone và Campuchia bằng cách hạn chế visa.

Theo đài VOA, Chính quyền của Tổng thống Trump loan báo thành công trong việc giảm số quốc gia từ chối nhận lại công dân bị Mỹ trục xuất. Chính quyền cho biết hơn một chục nước được lấy tên ra khỏi danh sách “ngoan cố”, mở đường cho việc trục xuất khoảng trên 100.000 người từ các quốc gia này. Theo Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE), có 98.679 lệnh trục xuất chung cuộc dành cho công dân các nước “ngoan cố” vào tháng 6 năm 2017. Trong toàn bộ năm 2016, chẳng hạn, tổng số lên tới 450.000 người.

Chúng ta đã qua rồi thời các băng đảng “Thiên Địa Hội”, “Nghĩa Hòa Đoàn” hay Mafia và những bang đảng khác xuất đi từ gốc di dân, những người có những cuộc sống bất định, bấp bênh ở xứ sở tạm dung mới mà họ sống như những tay “anh, chị giang hồ” phóng túng, cải lương, vô luật pháp và có phần “đạo nghĩa” và “luật chơi” do chính họ định ra…Còn chúng ta đang sống trong một thế giới pháp trị và con người thượng tôn pháp luật; chúng ta không thể bao che cho những hành vi phạm pháp, băng đảng; cũng không khinh chê những người di dân với những hoàn cảnh éo le khác nhau.

Sống ở đâu cũng phải làm mới có ăn, dù ở Mỹ hay trên quê hương của chính mình… Khi đã ở Mỹ, người cư trú bất hợp pháp phải chịu nhiều thiệt thòi, dù có tiền cũng không mua được sự hợp lệ và bất định cho bản thân. Những người này có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào nếu visa không định cư của họ đã hết hạn mà vẫn chưa ra khỏi Mỹ. Họ sẽ bị bắt giữ, tạm giam sau đó trục xuất ra khỏi Mỹ, vĩnh viễn không còn cơ hội quay lại. Suy cho cùng thì những người thuộc thành phần sống bất hợp pháp này đại đa số không phải là người tốt, họ mới tìm cách xâm nhập nước Mỹ bằng mọi cách…Vì người tốt luôn chấp hành các luật lệ và các giấy tờ công dân đòi hỏi khi vào và sống ở Mỹ. Vậy tại sao họ lại không muốn về lại quê hương để sinh sống tốt hơn là cứ sống bám vào đất Mỹ mà bụng dạ cứ hồi hộp bất an, một số lại trở thành tội phạm ?

Trong cuộc phỏng vấn chương trình “Meet the Press” của đài truyền hình NBC về quan điểm chính trị của mình, ông Trump bày tỏ thẳng thắn: “Chúng ta phải giữ các gia đình sum họp với nhau, nhưng họ phải đi khỏi…Chúng ta hoặc là có một đất nước, hoặc là không có một đất nước.”

Chính phủ quyết tâm thi hành luật di trú hiện hữu, rõ ràng có mục đích bảo vệ người đóng thuế Mỹ thì đâu có gì gọi là sai trái nhưng chúng ta cũng hãy theo tình người mà có những cải tổ thỏa đáng cho luật di dân với những người có cống hiến cho quốc gia này.

Lòng thương xót đã không đến từ quốc gia của họ do các thể chế chính trị sai lầm, của những cấp lãnh đạo tham nhũng, độc tài, độc đảng hay chiến tranh triền miền…thì lòng thương xót đó lại đến từ những quốc gia mở rộng vòng tay cưu mang họ và gia đình họ. Việc trục xuất thường làm tan nát gia đình, chấn thương tình cảm và tâm lý đối với con cái của những người bị trục xuất.

Hãy nguyện cầu cho lòng thương xót cho các quốc gia, các nhà lãnh đạo và thi hành pháp luật không phải chỉ là cảm giác tội nghiệp cho những người khốn khổ, nhưng đó là cảm xúc khiến chúng ta phải hành động để làm vơi đi sự khốn khó mà người đó đang phải chịu.

Thương xót sự bất hạnh, nhưng không có nghĩa là thỏa hiệp với lỗi lầm. Đừng làm ngơ hay ngồi để hỏi họ có bị bất hạnh hay không, nhưng hãy giúp họ thế nào để thoát khỏi bất hạnh. Trục xuất, đón tiếp và giúp đỡ họ, hay phạt vạ họ theo luật di trú chỉ là hình thức nói lên lòng thương xót của con người; nhưng xin hãy vì lòng từ bi và xót thương đích thực để giúp thế giới này vơi bớt khổ đau.

Chuyện cho con
Kính Lòng Chúa Thương Xót
California ngày 5 tháng 4 năm 2018
Ngoan Nguyễn

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.