Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
Bài trích sách Tiên tri Mikha.
«2 Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en
cho đến thời một phụ nữ sinh con.
Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó
sẽ trở về với con cái Ít-ra-en.
3 Người sẽ dựa vào quyền lực ĐỨC CHÚA,
vào uy danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Người
mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp,
vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất.
Người sẽ chiến thắng Át-sua
4 Chính Người sẽ đem lại hoà bình.
Khi Át-sua xâm nhập xứ sở
và giày đạp đất nước chúng ta,
chúng ta sẽ đặt bảy mục tử và tám thủ lãnh chống lại chúng
5 Họ sẽ dùng gươm mà cai trị đất Át-sua,
lấy giáo mà cai trị xứ Nim-rốt.
Nhưng Người sẽ giải thoát chúng ta khỏi Át-sua
khi nó xâm nhập xứ sở, và giày xéo lãnh thổ chúng ta.
Vai trò tương lai của số còn sót lại giữa chư dân»
Chúng ta thường thấy các ngôn sứ dùng hai cách nói:
Cách nói thứ nhất: cảnh báo cho những kẻ sống buông tha, lãng quên Giao Ước với Thiên Chúa và những trách nhiệm đòi hỏi từ Giao Ước. Những kẻ ấy đang tự gây cho mình những tai họa…
Cách nói thứ hai: những lời khuyến khích cổ vũ cho những người cố gắng giữ niềm tin, nhưng lâu dài có thể nhụt chí khí. Và một khi đuối sức rồi, nghe những lời khuyến khích cổ vũ đã khó mà càng khó hơn khi chấp nhận những lời khiển trách.
Bài chúng ta đọc hôm nay rõ ràng thuộc thể loại thứ hai, những lời khuyến khích. Tìm ở đâu chứng cứ trong bài cho thời buổi khó khăn khi mọi người thất vọng, nhụt chí? Khi ngôn sứ viết: «2 Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en cho đến thời một phụ nữ sinh con», rõ ràng vị ngôn sứ đang ám chỉ bối cảnh họ đang sống. Chắc chắn dân chúng có cảm tưởng Thiên Chúa bỏ mặc họ và tự nói: Tất cả những lời hứa đường mật, lập đi lập lại từ bao nhiêu thế kỷ đều là hư không.
Vị vua lý tưởng từng được hứa hẹn, chưa được sinh ra! Có lẽ sẽ không bao giờ có!
Thời buổi lịch sử nào thế?
Không ai biết rõ lắm: Ngôn sứ Mi-kha sống vào thế kỷ thứ tám trong vùng Giê-ru-sa-lem, đế quốc At-sua thời ấy, gây hoang mang khắp nơi. Các vua đương thời không có chút gì dung nhan lý tưởng của đấng Mê-si-a như mọi người trông đợi.
Nhiều người tin rằng mình bị bỏ rơi. Bài này có thể từ chính ngôn sứ Mi-kha viết.
Tuy nhiên, rất nhiều lý do về cách phát biểu, văn thể, các từ ngữ; làm cho nhiều người cho rằng bài này với hình thức hiện nay là một bài được viết rất trễ, ghép lại sau này trong sách Mi-kha. Trong trường hợp ấy, những lý do làm mọi người thất vọng có lẽ xuất phát từ các triều vua đã mất đi. Từ ngày lưu đày Ba-by-lon, vương triều Giê-ru-sa-lem không còn nữa, vua Đa-vít không còn hậu duệ; dân phải sống dưới ách đô hộ ngoại bang gần như liên tục. Chính những lúc ấy, mới cần phải nhắc lại những lời hứa về đấng Mê-si-a.
Vị ngôn sứ của chúng ta (dù là Mi-kha hay một ngôn sứ khác cũng không thay đổi) trả lời rằng: Các bạn tưởng rằng Thiên Chúa bỏ rơi các bạn, nhưng hãy tin chắc rằng dự án của Chúa sẽ được thực hiện. Đấng Mê-si-a sẽ được sinh ra: «Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en cho đến thời một phụ nữ sinh con». Theo nghĩa thông thường có thể hiểu như một định mệnh, nhưng thật ra là trái hẳn lại: «cho đến thời một phụ nữ sinh con» có nghĩa là điều này sẽ xảy đến. Không phải một điều cần phải có mà một xác tín. Nói một cách giản dị: Chỉ vì Chúa hứa như thế. «một phụ nữ sinh con»: Có nghĩa là người phụ nữ ấy nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Và như thế, phải hiểu rằng thời gian Thiên Chúa có vẻ bỏ mặc, chỉ là một giai đoạn trong diễn biến của lịch sử nhân loại.
Tại sao bài nói nhấn mạnh đến Bê-lem?
«…hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en».
Có hai lý do:
Thứ nhất Đấng Mê-si-a đến từ dòng dõi Đa-vít, và chính tại Bê-lem, ngôn sứ Sa-mu-en đã đến thừa lệnh Thiên Chúa chọn một vị vua từ tám đứa con trai của Gie-sê… Vì lẽ đó, đối với những ai quen với Thánh Kinh, nói đến Bê-lem là nhớ đến lời hứa Đấng Mê-si-a.
Lý do thứ hai, tác giả cố tình nói lên tương phản giữa sự vĩ đại và niềm kiêu hãnh của Giê-ru-sa-lem với một thị trấn Bê-lem: «nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa».
Một ngôn sứ không thể nào quên điều này. Chính trong sự nhỏ bé, yếu đuối, sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện.
Theo phương pháp thông thường của Ngài, Chúa chọn những người nhỏ bé để thực hiện những điều vĩ đại. Và không phải ngẫu nhiên, vị ngôn sứ chọn từ ngữ «Ép-ra-tha» thay vì Bê-lem, vì «Ép-ra-tha» có nghĩa là «cao khả năng sinh sản». Chữ này chỉ định một trong những nhóm cư ngụ tại vùng Bê-lem. Thế nhưng từ nay, cả Bê-lem sẽ được gọi là «Ép-ra-tha».
Lời tiên tri của Mi-kha về Đấng Mê-si-a được sinh ra tại Bê-lem và mọi người dân Do Thái biết. Bằng chứng là trong đoạn nói về các nhà Chiêm Tinh (Mt 2 ,6), thánh Mát-thêu kể rằng các kinh sư đọc cho vua Hê-rô-đê nghe câu của tiên tri Mi-kha để dẫn đường cho các nhà Chiêm Tinh đến Bê-lem.
Thế nhưng đâu có ai ngờ Đấng Mê-si-a được sinh ra tại Bê-lem?
Đối với nhiều người đương thời, Chúa thuộc về Na-da-rét: với những kẻ ấy, không thể nào tưởng tượng người Ga-li-lê này là Đấng Mê-si-a. Bằng chứng là trong Tin Mừng theo thánh Gio-an chẳng hạn: khi bắt đầu xét xử những nghi vấn thật sự về đấng Giê-su, có nhiều người bắt đầu nói có lẽ ông ta là đấng Ki-tô; họ trả lời rằng:
«Làm sao được… đấng Ki-tô không thể đến từ Ga-li-lê,
tiên tri Mi-kha nói rõ rằng…Đây là đoạn ấy: «40 Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.”41 Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Ki-tô.” Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao? “43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ». (Ga 7, 40-43).
Phần cuối, Mi-kha lập lại những từ ngữ của lời hứa bất hủ, lúc nào cũng những lời ấy; lập đi lập lại suốt nhiều thế kỷ, từ đời Đa-vít, một vị vua xuất hiện từ dòng dõi vua Đa-vít.
Như một mục tử, Ngài sẽ đem lại công chính và bình an, và không chỉ cho Giê-ru-sa-lem. Ngôn sứ thoả thích nhấn mạnh về sự phát triển hoà bình như đã hứa:
Cả nhân loại được hưởng, không giới hạn thời gian cũng như không gian.
Trong không gian (c3): «Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất»…
Trong thời gian (c1) «Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa».
Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho mọi người, muôn thuở!
Views: 0