Lm. Phanxicô Xavier Lê Văn Nhạc
Hôm ấy, vào đêm Vọng Giáng Sinh, trong một trường giáo dục trẻ em khuyết tật ở Mỹ, người ta cho các trẻ em diễn một hoạt cảnh Giáng Sinh, trước sự hiện diện của các phụ huynh và ân nhân.
Vở kịch có ba màn. Màn đầu diễn ra ở Nazarét, với sắc lệnh của Hoàng đế Xêsarê Augustô, truyền mọi người phải về quê ghi sổ gia đình. Màn hai diễn lại cảnh Thánh Giuse và Mẹ Maria đi tìm quán trọ, bị các chủ quán xua đuổi. Màn ba là cảnh hang đá máng cỏ Bêlem.
Ban Giám đốc và các phụ huynh rất lo âu cho các trẻ, sợ các trẻ diễn xuất vụng về, không đạt. Nhưng màn đầu diễn tiến khá lắm. Qua màn hai, người ta thấy Giuse và Maria gõ cửa quán trọ. Nhìn Giuse thì nghèo nàn, Maria thì bụng mang dạ chửa, chủ quán đưa tay xua đuổi lia lịa, miệng thao thao : Không có chỗ, không có chỗ ! Hai vợ chồng Giuse và Maria cứ năn nỉ, với nét mặt u sầu. Chủ quán hơi lưỡng lự, nhưng rồi cũng đọc được hàng chữ ghi trên cửa quán : Không còn chỗ ! Cảnh van xin và từ chối lại diễn ra một lần nữa. Và lần này hai ông bà có vẻ tha thiết nài xin. Chủ quán trẻ cũng vẫn đưa tay từ chối. Nhưng vừa bắt đầu mấy tiếng : Tôi đã nói rằng hết …thì em không tiếp tục nói thêm được nữa. Em chạnh lòng thương, rồi giơ tay giựt xuống tấm bảng : “Không còn chỗ” và nghẹn ngào thổn thức trong nước mắt : “Con xin nhường phòng con cho hai ông bà, mời hai ông bà vào” !
Trước cảnh bất ngờ đó, giáo viên đạo diễn tỏ ra bực bội, lúng túng và cho ngưng diễn. Nhưng toàn thể khán giả đều cảm xúc ra mặt, vì cái vẻ hồn nhiên trong trắng của em bé tốt bụng. Cử chỉ, ngôn ngữ và cung cách của em nói cho mọi người hay ý nghĩa thực sự của lễ Giáng Sinh : Lễ Giáng Sinh là lễ tiếp đón Thiên Chúa giáng sinh làm người đến ở cùng chúng ta : Ngài là Emmanuel.
Tất cả mọi người chúng ta, cách này hay cách khác, đang đóng vai người chủ quán trọ. Chúng ta dang rộng tay đón tiếp kẻ này, vung ta xua đuổi người khác. Tôi có phải là người chủ quán trọ ngày xưa, đã xua đuổi Thánh Giuse và Mẹ Maria trong đêm tịch mịch cô đơn không ? Hay tôi là đứa bé khuyết tật đóng vai chủ quán trọ tốt bụng trong vở kịch hôm ấy ? : “Con xin nhường phòng con cho hai ông bà, xin mời hai ông bà vào” !
Thiên Chúa đã vào đời.
Người đã sinh ra làm người trong thân phận một hài nhi bé bỏng, nằm rét run trong máng cỏ bò lừa, vì bị người đời xua đuổi.
Đó là hình ảnh cho bao người chiêm ngưỡng và chạnh lòng thương xót. Đó là đề tài cho thi ca, hội họa, âm nhạc cảm hứng. Đó cũng là đề tài cho các nhà tu đức, các nhà thần học không ngừng khai thác. Còn đối với đông đảo dân chúng, lễ Giáng Sinh là một ngày vui. Vui cho trẻ con, nhưng cũng vui cho cả người lớn. Vui cho người tín hữu, nhưng cũng vui cho cả người ngoài kitô giáo, có khi còn vui cho cả những người không tin nữa.
Hình ảnh No-en với hang đá và ngôi sao đã trở thành như một chuyện thần tiên, một huyền thoại. No-en là dịp cho nhân loại vui ca múa nhảy, ăn chơi, trao đổi cho nhau những món quà hay những lời chúc mừng đã trở nên khách sáo, ít ai cảm thấy cần phải tìm hiểu ý nghĩa của ngày đó. Có chăng chỉ là một vài cố gắng ôn lại một kỷ niệm dĩ vãng đã được tô màu, đánh bóng, được thi vị hóa : nó cũng hời hợt và giả tạo như những cái hang đá bằng giấy, hay những ngôi sao lấp lánh nhờ đèn điện…
Đối với những người kitô hữu, ngày Chúa vào đời không thể là một ngày vui chơi theo lối trần tục, tầm thường. Trái lại, đó phải là một ngày vui lớn, là ngày trọng đại, bởi vì đó là ngày Chúa đã sinh ra cho chúng ta, nghĩa là để cứu độ chúng ta.
Chúa đã đến trong thân phận con người như chúng ta, và ở giữa chúng ta (Ga 1,14). Người không đến theo kiểu thần thoại, nghĩa là như tiên gíáng trần, hay như thần hóa thân. Người cũng chẳng đến như kiểu vua quan đến thăm dân, những người này có thể thân dân, gần dân, có thể thương dân đến nỗi thích được sống gần dân, họ có thể đôi khi hành động với dân, như xăn quần xắn áo trồng cây, tưới cây hay cày cuốc… Nhưng không ai có thể vừa là quan vừa là dân được. Nếu muốn là dân, họ phải thôi làm quan. Thành thử ra, thân dân, gần dân đối với họ chỉ là chuyện một giờ, chứ không thể nói chuyện kéo dài.
Trái lại,
Đức Giêsu Kitô
Vốn dĩ là Thiên Chúa
Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
Địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
Mặc lấy thân nô lệ,
Trở nên giống phàm nhân,
Sống như người trần thế. (Pl 2, 6-7)
Người đã đến với nhân loại, không phải trong một vài giờ, trong một vài ngày, vài tháng, nhưng là trong trọn một kiếp người.
Tại sao vậy?
Công Đồng Vatican II đã trả lời cho chúng ta : vì “Người đã muốn sống cuộc sống nhân loại, để hành động với bàn tay nhân loại, để suy tư với một trí óc nhân loại, để yêu với một trái tim nhân loại” (Hc. Vui mừng và Hy vọng, số 22) “Ngôi Lời nhập thể để đích thân nhập cuộc liên đới với cộng đồng nhân loại” (ibid. số 32)
Tóm lại, vì Thiên Chúa yêu thương con người.
Tình yêu là một sự gặp gỡ và sẻ chia. Gặp gỡ ngoài đường ngoài chợ chưa đủ; gặp gỡ trong nhà hàng, trong quán cà phê, trong một cuộc du ngoạn v.v…cũng chưa đủ. Phải gặp gỡ tha nhân nơi chính họ sinh sống, trong nhà họ, trong làng mạc, trong xứ sở của họ. Và tình yêu trọn vẹn còn đòi hỏi phải gặp gỡ tha nhân trong chính cuộc đời của họ, nghĩa là phải chung sống với họ, chung sống trọn đời. Tình yêu là “ăn đời ở kiếp” với nhau. Bởi thế mà Đấng đến với loài người đã mang tên là EMMANUEL : Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Tình yêu còn là sự chia sẻ. Chia sẻ một tấm bánh, một ly rượu chưa đủ; sẻ chia một niềm vui, một nỗi buồn, một nỗi ưu tư, v.v…cũng chưa đủ. Phải sẻ chia trọn vẹn cuộc sống.
Thiên Chúa yêu thương con người, nên đã làm người. Người đã đến chung sống, đồng hành, chia sẻ cuộc đời với chúng ta. Người là Thiên Chúa, nhưng đã trở thành anh em với chúng ta. Người đã nhập cuộc liên đới với toàn thể nhân loại, không những để cùng suy tư, hành động với con người, nhưng còn để hướng dẫn những suy tư và hành động của con người tới sự hoàn thiện của Thiên Chúa. Ngoài trí óc suy tư và bàn tay xây dựng, Thiên Chúa còn yêu thương anh em nhân loại của mình bằng một trái tim nhân loại, nhưng đó không phải là một tình yêu tầm thường, ích kỷ, mà là tình yêu phục vụ và dâng hiến, tình yêu cứu sống. Tình yêu đó như mưa sa xuống cõi lòng khô cằn sỏi đá của loài người, như ánh sáng chan hòa làm rực lên niềm hy vọng nơi ánh mắt tối tăm mù quáng của con người.
Hơn thế nữa, khi vào đời, Chúa còn muốn làm người nghèo giữa những người nghèo khổ bị áp bức và bỏ rơi. Người muốn cho đêm Giáng Sinh trở nên đêm khởi đầu một tình yêu cao cả : Con Thiên Chúa trở thành con người anh em nhỏ bé và nghèo hèn nhất của loài người. Người muốn cho đêm Giáng Sinh trở thành đêm Trời Đất giao hòa, để cho Thiên Chúa và loài người gặp gỡ yêu thương, cho hòa bình chớm nở trên trái đất. Người muốn cho đêm Giáng Sinh trở thành đêm Đấng Tuyệt Đối khác lạ trở thành thân quen, thành bạn hữu của loài người, hầu kêu gọi con người hãy nhận nhau là anh em, là bạn hữu. Người muốn cho đêm Giáng Sinh trở thành đêm Đấng giàu sang khôn sánh trở thành người nghèo khó, để cho người nghèo khó nhất cũng được trở nên ngang hàng với Con Thiên Chúa. Và như vậy, để loài người biết yêu thương và tôn trọng người nghèo, như yêu thương và kính trọng chính Thiên Chúa.
Nhưng, thử hỏi bài học dấn thân nhập cuộc liên đới và chia sẻ của Chúa mấy ai còn nghĩ tới ?
Bởi vì nếu nhân loại đã học được bài học đó, thì tại sao thế giới này vẫn còn chiến tranh, chém giết, hận thù ? Tại sao thế giới này vẫn còn quá nhiều những người nghèo khổ và cô thế cô thân, bị khinh dễ, bị bỏ lại phía sau, bị gạt ra bên lề xã hội ?
Cho nên vấn đề quan trọng không phải là mừng lễ Giáng Sinh, cho dù là sốt sắng đến đâu đi nữa, mà là hiểu, sống và thực hiện bài học Giáng Sinh : ấy là cùng Chúa nhập cuộc liên đới và sẻ chia với những người anh em nghèo đói, ốm đau, dịch bệnh, những người anh em bị bỏ rơi, xa cách về không gian cũng như tinh thần, những người tìm đường di cư, tỵ nạn, trong các nước, ngay bên trong nhân loại.
Và một khi chúng ta biết mở tâm hồn đón tiếp và yêu thương, sẻ chia và liên đới với những ai bé nhỏ, nghèo hèn, coi họ ngang hàng với Con Thiên Chúa, mang gương mặt của Con Thiên Chúa, thì khi ấy chính tâm hồn chúng ta sẽ trở thành hang đá Bêlem, và ánh sao No-en sẽ bừng lên trong khóe mắt chúng ta.
Ngày ấy, trên mặt đất này sẽ không còn những bãi chiến trường với những ánh hỏa châu che khuất ngôi sao Sinh Nhật, và sẽ không còn tiếng bom đạn, hỏa tiễn vang rền át tiếng ca của các Thiên Thần. Ngày ấy sẽ không còn dịch bệnh hoành hành trên hoàn cầu, không còn biến đổi khí hậu, không còn ô nhiễm môi trường, nhân loại sẽ sống trong hòa bình, an vui và hạnh phúc. Ngày ấy sẽ không chỉ có các mục đồng và Ba Vua đến thờ lạy Chúa Hài Nhi Giêsu, mà tất cả loài người được Thiên Chúa yêu thương sẽ cùng hội nhau lại để họp mừng Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta : EMMANUEL.
Giáo xứ Hạnh Thông Tây
Giáng Sinh 2021
Views: 0