SỐNG TIN MỪNG

ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng

Dr. Huỳnh Lương Ngân

Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ. 

1 Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư.

2 Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào,

3 mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh em lại nói: “Đứng đó!” hoặc: “Ngồi dưới bệ chân tôi đây!”,

4 thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?

5 Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao?

Bài dụ ngôn ngắn về người giàu và người nghèo trong cộng đồng Kitô này, thoáng qua có vẻ như một biếm họa. Thật vậy không ai trong chúng ta làm như thế ! Thế nhưng…chỉ thay đổi một chút bối cảnh thì chúng ta sẽ nhận ra ngay thực tế. Sự đua đòi đủ loại rất thịnh hành trong các hội này, câu lạc bộ kia trong xã hội. Tiếp đón người nghèo trong Giáo Hội vẫn còn khó khăn và có nhiều hình thức của nghèo khó. Các điều thánh Giacôbê nhắm vào ở đây là mọi hình thức kỳ thị, bất cứ trong lãnh vực nào: chủng tộc, màu da, xã hội, tài chính hay gì gì khác nữa.

Các bạn có thể nói, đâu cần gì đức tin trong điều này. Tất cả xã hội có luật pháp đều bảo đảm bình đẳng mọi người trước pháp luật. Itraen nhìn nhận nguyên tắc ấy: «15 Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử: không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào » (Lv19,15). Nhưng, một lần nữa, điều đặc biệt ở Itraen đó là nguồn gốc của Lề Luật, và Luật này chính là Luật của Thiên Chúa. Trong trường hợp hôm nay, vì Thiên Chúa công minh, con người cũng được mời gọi không thiên vị như thế.

Sau đây là vài ví dụ:

« .17 Các ông đừng thiên vị ai trong khi xét xử: hãy nghe người nhỏ cũng như người lớn, đừng sợ ai, vì xét xử là việc của Thiên Chúa. Có vụ nào khó quá đối với các ông, thì các ông hãy trình bày với tôi, tôi sẽ nghe vụ đó. »(Đnl 1,17) 

« 17 vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, là Thần các thần, là Chúa các chúa, là Thiên Chúa vĩ đại, dũng mãnh, khả uý, là Đấng không thiên vị ai và không nhận quà hối lộ » (Đnl 10,17)

« 19 Người không về phe với hàng thủ lãnh, không trọng người giàu, khinh kẻ nghèo, vì tất cả đều là công trình do tay Người tạo tác » (G 34,19)

Dĩ nhiên chúng ta cũng không quên các ngôn sứ. Malakhi chẳng hạn, ông đả kích các lãnh đạo dân chúng: «9 Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật » (Ml 2,9).

Và chúng ta thường thích nhắc đến câu truyện ngôn sứ Samuen chọn lựa Đavít. Giesê có tám người con, trong ấy Sa-muen biết có một người được Chúa chọn. Khi người con cả trình diện, chàng trai cao lớn dung mạo đẹp đẽ, ông tin chắc là chàng này. Thế nhưng chính xác không phải thế.

Đây là đoạn Thánh Kinh: « 7 Nhưng ĐỨC CHÚA phán với ông Samuen: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng» (1Sm 16,7).

Từ đó, câu truyện này thường được nhắc đến !

Tân Ước dĩ nhiên không bao giờ phủ định dữ kiện đã được xác lập từ Mặc Khải của Chúa. Thánh Phaolô xác nhận: «11 vì Thiên Chúa không thiên vị ai » (Rm2,11)

Thánh Phêrô cũng lập lại như một tiếng vang: «17 Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử » (1Pr1,17).

Nhưng khi đi vào cốt lõi, có phải phần sau của bài đọc hôm nay phủ nhận tính cách không thiên vị của Thiên Chúa ?

Đây thánh Giacôbê nói: (C5) « Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc. Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao? 

Thế thì Chúa dành ưu đãi cho người nghèo à ?

Trước hết xin đừng quên sự ưu đãi đó không phải một « sở thích » nhưng là một chọn lựa vì sứ vụ, luôn là thế. Đây là một điều độc đáo của sự Mặc Khải của Thiên Chúa.

Itraen rất ý thức họ được Thiên Chúa chọn, chọn để thực hiện một sứ vụ đặc biệt, nhưng họ cũng từng biết Thiên Chúa yêu mến tất cả các dân tộc, và tất cả mọi người vô cùng.

Vô cùng tất nhiên là không thể nào đo lường được. Không nên nói tới ưa thích theo nghĩa thông thường mà hãy nói chọn lựa.

Và hình như Chúa chọn người nghèo để thi hành một sứ vụ đặc biệt: «26 Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái.

27 Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh » (1Cr1, 26-28) .

Và trên thực tế, trong lịch sử Itraen, Thánh Kinh có vẻ có một sự vui sướng láu lỉnh khi giới thiệu Thiên Chúa thích chọn những kẻ bé nhỏ, Ápraham là một cụ già hiếm muộn không con cái, tức là không tương lai, khi Ngài chọn dẫn đầu dân Ngài;

Môsê bị đi đày vì giết một người Aicập; Đavít, trong các con của Giesê không phải là đứa con đẹp nhất, lớn nhất hay thánh thiện nhất, và còn gì nói đến Salômon trong việc này ?…

Bêlem là thị tộc nhỏ nhất Giuđa và Nadarét, chẳng ai thấy điều gì tốt đẹp từ đó ra. Thế nhưng thánh Phaolô cho chúng ta giải đáp của bí mật ấy:

«7 Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi » (2Cr4,7).

 

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut

Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures  Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô  Lương Huỳnh Ngân

 

Nguồn  cursillo.org

Xin xem thêm  https://tramtubensuoi.blogspot.com/

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.