Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Có ai đó nói rằng:
“Cuộc đời như áng mây trôi
Ngàn năm nhân thế đắng môi lệ sầu
Đời người sống được bao lâu
Trăm năm rũ bóng huyệt sâu đợi chờ”.
Sự mong manh của kiếp người cũng tương xứng với sự mong manh của tình người. Người đến vì yêu, vì lợi nên khi lợi không còn thì tình cũng phôi phai.
“Còn duyên khối kẻ si tình
Hết duyên, buồn tẻ đi về quạnh hiu.
Bạn bè thân thiết bao nhiêu
Đến khi ngã bệnh, sớm chiều chẳng ai”.
Sự bạc bẽo của tình người thể hiện rõ nhất khi ta lìa đời. Có mấy ai là chân tình?
“Triệu người quen khắp mọi nơi
Hỏi rằng mấy kẻ thân chơi thật lòng.
Đến khi từ giã dương trần
Hỏi rằng mấy kẻ đưa phần mộ tang”.
Nói như vậy để chúng ta thấy chẳng có gì ở trần gian để chúng ta bám víu, chẳng có gì là trường cửu, là bất tử nơi dương gian.
Nhưng đáng tiếc, có những người mải mê kiếm tiền, có những người mải mê tranh giành danh lợi thú mà đánh mất lương tri, đánh mất tình người và đi sai luật Chúa. Cuối đời mới gẫm ra đời là phù du, nhưng quá muộn màng.
Chúa Giêsu đã từng nói: “Được cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, nào có ích gì”. Thực vậy, có những người khi sống đã được cả thế gian, nhưng cuối đời họ đã đánh mất tất cả. Mất cả danh dự. Mất cả bổng lộc. Mất cả người thân và cuối cùng là mất cả mạng sống.
Cách đây hơn hai ngàn năm, trên đồi Golgôtha, có ba con người cùng bị kết án tử hình trên thập tự giá. Cách phải chết giống nhau nhưng ba con người ấy đã đi vào cái chết thật khác nhau.
Người thứ nhất bên tả đã oán hận phận số của mình. Cuộc đời của anh chỉ biết giết người và cướp của. Cuộc đời anh chỉ lo gom góp cho bản thân, chỉ nhằm phục vụ bản thân, cuối cùng anh đã ra đi tay trắng trong uất hận đau thương.
Người thứ hai bên hữu đã đón nhận cái chết trong khiêm tốn, ăn năn. Anh đã hoang phí cuộc đời để chạy theo ảo ảnh trần gian. Thế nhưng, anh đã kịp ăn năn về tội lỗi lầm lạc. Anh đã chấp nhận cái chết khổ hình như một hình phạt xứng với tội lỗi của mình. Anh ra đi trong an bình của người biết sám hối ăn năn.
Ở chính giữa là thập giá Chúa Giêsu. Chúa đi vào cái chết như của lễ đền tội cho nhân sinh. Chúa chấp nhận cái chết vì loài người và để cứu rỗi loài người. Chúa đã chịu khổ hình không do lầm lỗi của mình mà vì vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chúa đã chết vì tình yêu đối với nhân loại, đến nỗi đã trở thành khuân mẫu cho mọi tình yêu. Vì “không có tình yêu nào cao qúy hơn tình yêu dám chết thay cho bạn hữu”.
Hôm nay Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu. Khi mang thân phận của một con người như chúng ta, Chúa Giêsu đã sống một đời để phục vụ con người, và Ngài cũng đón nhận cái chết vì con người. Thế nên, tình yêu của Ngài đã thành bất tử trên trần gian. Thập giá không còn là nỗi ô nhục mà là một cuộc khải hoàn vinh quang.
Đó chính là sứ điệp ngày thứ sáu tuần thánh mà Chúa đang mời gọi chúng ta, muốn trở môn đệ của Chúa hãy vác khổ giá mà buớc theo Chúa. Hãy sống một đời biết cho đi. Hãy biết dùng khả năng của mình mà phục vụ sự sống cho đồng loại. Và hãy biết hiến thân mình để đem lại hạnh phúc cho tha nhân, vì chưng: “được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào ích gì?”. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
https://www.youtube.com/watch?v=cqDzRHGofXA
Views: 0