Lm. Dominic Trần Quốc Bảo, dcct
Từ một cậu bé trong cơn động đất…
7 giờ 30 sáng ngày 1-10-1987, từ Whittier, một thành phố Miền Nam California, tôi bắt đầu ngày mới bằng cảm xúc kinh hoàng với cơn động đất ở độ rung 5.9. Mức công phá lên đến cao điểm số VIII đã làm nhiều nhà cửa, trường học, cơ sở công cộng, sụp đổ ngổn ngang. Ở gần trung tâm địa chấn, một ngôi trường mầm non trong thành phố đổ tan tành bịt kín lối thoát của các em học sinh bé nhỏ. Trong lớp học, các em khóc la hoảng loạn. Thế rồi, giữa đám trẻ hãi hùng, có một bé trai khá dũng cảm. Chẳng những không khóc, em còn liên tục trấn an các bạn với lời dõng dạc như một người lớn: “Bố mình sẽ trở lại đây tìm đón mình. Sáng nay, khi thả mình xuống xe vào lớp, ông đã nói với mình như thế. Mình biết ông sẽ trở lại tìm mình!”.
Nhiều giờ trôi qua. Bị kẹt giữa đống gạch đá, các em học sinh đói lả, sợ hãi và rên khóc lúc một thảm thiết hơn. Em bé dũng cảm cũng ít linh hoạt đi, nhưng vẫn bình tĩnh an ủi các bạn: “Các bạn đừng khóc nữa. Bố mình sẽ trở lại đón mình. Khi nào ông tới, mình sẽ nói ông chở các bạn về nhà các bạn”.
Sau cùng, khi nhân viên cứu nạn đã tìm ra dấu vết của các em, họ dùng mọi phương tiện moi đống gạch đá và đưa các em ra. Từng em bé thơ ngây hớt hãi bước ra khỏi vùng tử địa. Cậu bé dũng cảm được đưa ra sau cùng. Ra đến ngoài trong ánh nhá nhem của buổi hoàng hôn, em nhìn thấy ngay khuôn mặt bố mẹ mình đang lo lắng chờ con đã lâu. Sau những cái hôn âu yếm trong nước mắt của bố mẹ, cậu bé dũng cảm nhớ ngay một điều cần làm. Quay qua các bạn còn đứng chung quanh, em hãnh diện nói lớn chúng: “Đấy các bạn thấy chưa! Bố mình trở lại đón mình đây này. Mình biết chắc Bố sẽ giữ lời hứa mà.”
Một ngày trời đẹp. Một ngày học vui cùng thầy và bạn. Tuổi thơ trong sáng như ánh bình minh. Thế rồi…một cơn địa chấn không ngờ. Tất cả sụp đổ tan
hoang. Bóng tối chụp xuống trên đầu. Hãi hùng. Đói khát. Khóc than. Đã có những đứa trẻ với ký ức kinh hoàng đầu đời. Nhưng lại cũng có phong cách rất lạ về tinh thần ‘rất lớn’ của một người bạn ‘rất thơ’. “Bố mình sẽ trở lại đón mình!” Niềm tin nơi lời hứa yêu thương của người bố đã phong toả mọi chấn động hãi hùng trong tâm tư của một trẻ thơ. Niềm tin mãnh liệt của chú bé nơi tình yêu ấy có lẽ cũng đã băng bó những thương tích có thể rất tang thương trong tâm thần của các trẻ thơ khác cùng cảnh ngộ.
…Đến thế giới trong cơn đại dịch
Một năm mới của thập niên mới vừa khởi đầu. Mùa xuân mới đang về trong khí tiết và lòng người. Tôi đang chuẩn bị dâng thánh lễ thường lệ cho giáo dân thì được tin khẩn: Đức Tổng Giám Mục địa phận ‘đình chỉ mọi thánh lễ trực tiếp cho đến khi có thông báo mới’. Lúc ấy, tôi ý thức ngay những hệ lụy sắp tới của cơn đại chấn tinh thần do cơn dịch Corona.
Khởi đi từ một nơi chốn cách Seattle (WA) 5398 dặm, với một công dân Mỹ trở về từ Vũ Hán vào ngày 15-1-2019, sinh vật cực bé corona đã gây nên một bi kịch lớn trên toàn Hoa Kỳ và cả thế giới. Người ta lây nhiễm. Người ta tử vong. Con số ngày càng tăng cao đáng buồn: vài chục, vài trăm, vài ngàn và bây giờ đã hơn triệu nạn nhân.
Đạo binh corona liên minh với thần chết cứ ung dung đi từ nơi này đến nơi khác trên toàn cầu mà chẳng sức mạnh quân sự, khoa học, y tế nào của thế giới hiện nay kềm chân được. Chúng đi từ Vũ hán đến Lombardia (Ý), qua Paris, ngang Đức Quốc, xuống Madrid (Tây Ban Nha), lên Moscow (Nga), v.v. Chúng trải dài bước chân tử thần trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ từ Seatte (WA), đến Louisiana, lên Detroit (MI), qua New York. Hôm nay Thống đốc bang New York than thở:
“Thật kinh hoàng, đau đớn và nghẹt thở. Tôi chẳng có lời nào diễn tả được nữa…”.
Mọi nơi mọi chỗ corona đi qua đều để lại dấu ấn tan tác. Ở Mỹ, tỷ lệ người thất nghiệp như dâng cao như sóng thần Tsunami. Bao người nối đuôi xếp h àng xin các phần ăn từ thiện trông thật đáng thương. Cuộc sống với những ước mơ và dự tính tự dưng đảo lộn. Các chương trình đám cưới, sinh nhật, lễ hội đình hoãn vô hạn định. Bao gia đình đành đoạn để người thân quá cố đi vào nghĩa trang trong buồn tẻ, cô đơn. Thành phố hoang vu thu mình trong nỗi sợ hãi. Đời sống tinh thần hoang mang cùng cực. Tiếng thở than trong tâm tư cả thế giới hòa cùng giai điệu tang chế trong bóng đêm đại dịch dài như vô tận .
Có những ánh sáng ‘cứu nạn’ đó đây đã lóe lên, nhưng chỉ như sao băng vụt qua bầu trời đen thẳm: nào thuốc chống sốt rét cùng với trụ sinh; nào chất phản dịch (antidote) trong bạch huyết cầu của các bệnh nhân đã hồi phục, nào máu con giun biển, v.v. Thế rồi, người người vẫn nhiễm; số tử vong vẫn tăng hằng ngày; việc làm cứ mất, kinh tế ngày càng khó khăn; đầu óc vẫn cứ căng thẳng; tinh thần vẫn cứ hoang mang. Niềm tin kiệt quệ dần đi. Hy vọng như đang cùng hàng chục ngàn nạn nhân xấu số tiến vào nấm mồ hoang lạnh. Bóng đêm vẫn dày đặc trong cơn hoài vọng của nhân loại.
Thế rồi, thời điểm trở lại của Lễ Phục Sinh. Năm nay, ý nghĩa Phục sinh cho ta rất cụ thể. “Đừng sợ! Thày đã chiến thắng thế gian”! “Thày sẽ không để các con mồ côi”! “Thày sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”! Lời Đức Kitô đã hứa. Lời đã được thể hiện qua việc Ngài sống lại. Vậy thì, Kitô hữu: Ta có thể tin lời yêu thương của Đức Kitô cách mạnh mẽ hơn chú bé dũng cảm đã tin lời hứa của bố mình không. Hãy để cho niềm tin ấy làm rực sáng lại hy vọng trong tâm tư mình. Và hãy làm cho ánh sáng hy vọng nơi Đức Kitô lan tỏa và bừng lên giữa màn đêm corona.
Ánh sáng Phục sinh trên màn đêm corona
Câu chuyện Tin mừng ngày Chúa nhật Phục sinh được chọn từ Phúc âm Gioan. Thánh Gioan viết Phúc âm như vẽ một bức tranh với nhiều lớp màu. Ở góc độ nào của các biến cố trong Phúc âm Gioan, ta cũng có thể nhìn thấy những gam mầu mang nhiều ý nghĩa thần học rất thâm thúy. Sâu và phong phú nhưng các ý nghĩa đó lại đối thoại cách rất cụ thể với những thực tại và thách đố của cuộc sống nhân loại. Thách đố mà cơn đại dịch đang bồi ra cho thế giới là những mất mát, thất vọng, sợ hãi, chết chóc, v.v. Ta hãy chiêm ngắm vài ánh sáng lớn trong cuộc đối thoại giữa Tin Mừng lễ Phục sinh hôm nay với đêm tối corona.
-“Ngày đầu tuần, Maria đi ra mồ…”: Phúc âm thánh Gioan mở đầu với cụm từ :‘Từ khởi đầu (đã có Ngôi Lời)” (Gn.1:1). Trong suốt chiều dài 19 chương nội dung phúc âm của mình, Gioan cho thấy hoạt động sáng tạo của Tình yêu Thiên Chúa đạt đến đỉnh cao với Đức Kitô trên Thập giá thốt và lời sau cùng của Ngài “thế là đã hoàn tất” (Gn. 19:30). Từ đó, một công trình tạo thành mới khởi sự với “ngày đầu tuần”, khi Maria sẽ diện kiến Đấng Sống Lại từ cõi chết. Cũng thế, “Ngày đầu tuần” của mùa ơn sủng sẽ tới khi thế giới thực sự mở mắt tâm hồn nhận ra Đấng Phục sinh. ‘Ngày đầu tuần’ của mùa chữa lành sẽ tới khi toàn cầu nhận ra Ngài đang hiện diện giữa những khổ đau tang thương trong cơn đại dịch.
-“khi trời còn tối”: Thánh Gioan đã cẩn thận ghi nhận yếu tố này. Trong Phúc âm Gioan, sự tối tăm không chỉ hàm ý vật lý mà còn là biểu tượng cho tình trạng thiếu niềm tin. (Ta nhớ, trong phép lạ Đức Giêsu làm cho người mù bẩm sinh được sáng, anh mù mắt thì nên sáng tâm hồn, còn các Pharisiêu sáng mắt thì mù tối tâm linh (Gn. 9). Điểm then chốt chính là sự tin nhận Đức Kitô). Maria ra đi khi trời còn tối vì khi ấy bà chưa biết tin nhận mầu nhiệm Phục sinh. Tâm hồn bà còn đang chìm đắm trong tối tăm của thất vọng, u sầu. Tâm hồn thế giới hôm đang và sẽ còn chìm ngập trong khủng hoảng bởi cơn đại dịch, cho đến khi nào còn chưa tin nhận ánh sáng của Đức Kitô.
-“bà thấy tảng đá đã được lăn ra”: Mộ chôn người chết ở Do thái thời đó thường là cái hang có phiến đá. Phiến đá được lăn vào từ một phía của cửa hang, sau khi tang sự xong, để chứng tỏ sự chết đã chắc chắn. Động từ ‘Được lăn ra’ ở đây mang nghĩa phiến đá mộ Chúa Giêsu được ‘quay ngược trở lại’. Đây là yếu tố then chốt của đoạn Phúc âm này: tin buồn não nề đã quay ngược, chuyển hướng thành Tin Mừng cả thể. Sự tăm tối đã bị phá tan với ánh sáng mới. Tất cả tang thương của việc Chúa Giêsu tử nạn đã chuyển hướng trọn vẹn thành niềm hoan lạc Ngài sống lại.
Viên đá nấm mồ đã không thể đóng lại, cầm giữ Chúa Giêsu trong sự chết, nhưng đã được đổi hướng và mở ra, hầu sự sống của Ngài tuôn trào và thống trị. Cũng thế, đại dịch corona như cánh cửa tử thần đang giam hãm nhân loại trong khiếp sợ và sự chết cũng sẽ phải bị đẩy ngược bởi quyền lực tối hậu của Thiên Chúa Chữa Lành, Thiên Chúa Yêu Thương và Chủ Tể Sự Sống.
-“Chúng tôi không biết họ để Người ở đâu?”: Maria thở than như thế mặc dù đã được cho thấy rằng nấm mồ sự chết đã được mở toang và sự sống đang hiện diện nơi ấy. Tại sao bà thở than? Vì mắt bà tuy đã thấy nhưng linh hồn bà chưa ngộ. Cho nên, như trong đoạn kế của Phúc âm Gioan, bà còn tiếp tục khóc (Gn 20: 11); và, trong phản ứng rất ‘con người’, bà còn muốn níu kép Chúa như thể ôm giữ những thực tại phàm trần của bà theo kiểu xưa cũ. Maria cần thêm thời gian để Chúa có thể dạy dỗ bà đón nhận với con mắt niềm tin sự thật này: Chúa đã sống lại; thân xác ngài đã biến đổi tự bản chất. Và khi Chúa nói với bà: ‘Thôi đừng giữ Thày lại’ (Gn 20:17), Ngài muốn dạy bà hiểu rằng cảm xúc u buồn cũ do cái nhìn về hoàn cảnh cũ mà bà thường ôm ấp trước kia không còn thích hợp nữa. Thời điểm và những thực tại của thế giới mới đã bắt đầu. Đó là thế giới được tái tạo bởi sự sống lại của Chúa. Và cùng với sự tái tạo đó, bà cũng được mời gọi thay đổi quan điểm và thái độ sống sao cho đúng đắn, xứng hợp, như kẻ tin nơi sự sống lại.
Có lẽ, mọi người chúng ta trong cơn tai biến của đại dịch hiện nay cũng giống như Maria. Là Kitô hữu, chúng ta đã ‘thấy’ Chúa Kitô phục sinh qua mạc khải Kinh thánh. Chúng ta biết chắc chắn Ngài sẽ chiến thắng mọi hệ lụy của tội lỗi trong thế gian này là bệnh hoạn, khổ đau và sự chết. Nhưng rồi trong hiện thực đời sống hằng ngày, ta vẫn cứ âu lo, bất an. Bản tính yếu đuối cố hữu của con người là như thế. Theo tâm lý chiều xâu, trạng thái băn khoăn hay lo lắng là một phản ứng tự vệ trong tâm tư (psychological mechanism of defense) mong níu kéo sự bình an giới hạn để trốn chạy cảm giác tuyệt vọng của mình. Thế nên, nhiều người trong chúng ta cũng đang trăn trở tự hỏi cách rất hiện sinh: “Không biết Chúa đang ở đâu trong lúc đại dịch nguy khốn này?”
Qua việc Đức Kitô dạy Maria tiếp đón Tin Mừng Phục sinh với cung cách mới, chúng ta được nhắc nhở phải nhận ra bằng con mắt Đức Tin rằng: Đức Kitô không chỉ đã sống lại trong quá khứ. Ngài đang hiện diện cách rất thực: ở giữa mọi nỗi thống khổ cuộc đời, để ban cho nó ý nghĩa phục sinh. Ngài đang hiện diện cách rất mới (và lạ nữa!): nơi những người đang nhiễm bệnh, những người đã ra đi và những người đang chăm lo các nạn nhân. Ngài đang hiện diện cách rất sống động: trong chính những giá trị tinh thần cao cả tâm hồn ta muốn vươn tới; trong lời cầu nguyện ta dâng về Ngài; và chắc chắn, trong những việc làm tương thân tương ái, dù nhỏ bé, ta đang thi hành cho những kẻ bé mọn bất hạnh nhất.
‘Thầy đã chiến thắng thế gian”, “Thày sẽ không để các con mồ côi”, “Thày sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Dựa theo các lời ấy của Đức Kitô trước khi chịu treo thập giá, và dựa theo việc Ngài đã sống lại để minh chứng cho tình yêu thủy chung của Ngài, ta có thể đoan chắc như chú bé học sinh dũng cảm: “Ta biết Chúa Ta luôn giữ lời hứa”.
***
Nếu đã khởi đầu từ đầu Mùa Chay thương khó, thì màn đêm corona sẽ bị xua tan với ánh sáng tâm hồn trong mùa Phục sinh an lành mà hôm nay là ‘ngày khởi đầu’. Như thế, mừng màu nhiệm ‘chỗi dậy từ bóng đêm sự chết với Chúa Kitô’ trong năm 2020 này mang một ý nghĩa tâm linh đặc biệt khó quên cho mọi Kitô hữu.
Niềm hy vọng tươi sáng, đặt nền trên niềm tin vững chắc nơi Lòng Xót Thương vô cùng của Thiên Chúa, cho phép ta cảm nhận rằng bóng ma kinh hoàng của cơn đại dịch hiện nay đã bị đánh bại ngay trong tâm hồn ta từ hôm nay, khi ta mở ra đón nhận sức mạnh phục sinh của Đức Kitô. Trong suốt hành trình đời sống của người tin Chúa Kitô, niềm hy vọng đó cũng là ánh sáng soi lối cho những nỗ lực vượt thoát bóng đêm của đại dịch trong tâm linh để hoà nhập vào dòng sông sự sống với Đức Kitô Phục sinh
Views: 0